Trang chủ Khảo cứu 82 Văn bia tại Văn Miếu Hà Nội, từ Khoa thi 1442 đến Khoa thi 1779

82 Văn bia tại Văn Miếu Hà Nội, từ Khoa thi 1442 đến Khoa thi 1779

đăng bởi Ninh Quang Thăng
0 nhận xét

Bia số 40 VĂN BIA ĐỀ DANH TIẾN SĨ KHOA BÍNH THÂN NIÊN HIỆU THỊNH ĐỨC

NĂM THỨ 4 (1656)

VĂN BIA ĐỀ DANH TIẾN SĨ KHOA BÍNH THÂN NIÊN HIỆU THỊNH ĐỨC

NĂM THỨ 4 (1656)

 

Trời mở buổi thịnh trị, vận gặp lúc trung hưng.

Thần Tông Uyên hoàng đế tiếp nối hoàng đồ, đảm đương mệnh lớn. Thực nhờ Văn Tổ Nghị vương kính giúp tạo nên công lao thánh đế, khuếch trương việc trị nước, uỷ quyền cho Phó vương phủ là người đức độ, tô điểm trăm việc sáng đẹp, hiếu học sùng Nho, làm chấn hưng văn học, mở khoa chọn người tài, y theo quy cách cũ. Hoàng thượng lên ngôi 15 năm đã mở 5 khoa thi mà khoa Bính Thân này là khoa thứ 3 vậy. Lúc bấy giờ sao Khuê sao Bích hừng sáng, người tài giỏi cùng xuất hiện.

Tháng cuối xuân chính là lúc mở khoa thi lớn, kẻ sĩ tới dự tuyển không dưới ba ngàn, mà được ghi tên vào bảng mực nhạt1 chỉ có 6 người. Bèn sai chọn ngày tốt cho vào sân rồng, cho bài văn sách. Đặc sai các quan Đề điệu, Tri Cống cử và Giám thí chia giữ các việc. Quan đọc quyển nâng quyển đọc, Hoàng thượng thân xem xét, định thứ bậc. Ban cho bọn Nguyễn Đình Trụ đều đỗ đồng Tiến sĩ xuất thân, loa truyền gọi tên, bảng vàng treo ngoài cửa nhà Thái học. Sau đó lại ban áo mũ cân đai, yến Quỳnh hoa bạc, rong ngựa đi chơi phố phường, cho vinh quy về quê nhà, ân điển thực đã trọng hậu vậy. Duy việc dựng đá đề danh còn thiếu, việc khuyếch trương tạo dựng tất có ý đợi đến ngày nay vậy.

Kính nghĩ: Hoàng thượng bệ hạ2 kế thừa nghiệp lớn, tôn trọng đạo Nho. Thực nhờ [Đại nguyên súy Tổng quốc chính Thượng sư An vương] một lòng phò vua, công lớn kính giúp, tôn sùng đạo thánh, đích thân tới cửa hiền, xem xét những tấm bia Tiến sĩ cũ, chạnh lòng muốn khôi phục lệ xưa. Bèn sai thợ khởi dựng hết những tấm bia còn thiếu, cả thảy 21 bia, khoa Bính Thân là khoa thứ nhất truy dựng. Đặc sai thần soạn bài ký. Thần do chức vụ được giao, khôn xiết vui mừng, đâu dám lấy cớ quê mùa từ chối, kính cẩn cúi đầu rập đầu làm bài ký.

Trời sinh người hiền là muốn dùng cho đời, người hiền ở đời cũng muốn gặp minh quân. Bậc nhân quân thể theo ý trời để cầu tìm hiền tài, nếu biết thu hút, thi thố thì sẽ thấy được hiệu quả của việc lựa chọn nhân tài.

Từ khi phép tiến cử bãi bỏ, chế độ khoa cử hưng thịnh, con đường lấy kẻ sĩ không phải chỉ một mối, nhưng chọn được nhiều nhân tài thì chỉ có khoa Tiến sĩ mà thôi.

Quốc triều mở vận hội, Thánh thượng nối ngôi, mở đặt khoa chọn tướng văn tướng võ, tìm kén kẻ sĩ tài năng, ân vinh ban trọng hậu, cách bổ dụng chu toàn, cho nên hiệu quả đắc nhân rực rỡ hơn đời trước. Sĩ tử dự khoa ấy chọn được 6 người, mà số trúng tuyển đều như hạng long hổ đời xưa. Người đỗ đầu giảng sáng đạo học, phát huy lời dạy thánh hiền, người đỗ thứ hai giúp bàn mưu hoạch, làm rường cột triều đình. Có người gánh trách nhiệm giữ yên một phương, có người cầm quân đánh dẹp; việc làm của họ đã thấy ghi trong sử sách, bia miệng ngợi khen.

Nay lại truy nhớ công lao, cho khắc tên vào bia đá tốt để truyền tới lâu dài, khiến cho kẻ sĩ biết văn học là quý trọng, khoa giáp là vẻ vang, thật trọng hậu biết bao! Người đời sau bước tới cửa hiền, thấm nhuần giáo hoá thánh triều, mắt nhìn bia, miệng đọc văn, cho nên thấy kẻ hiền phải lo cho bằng, thấy kẻ ác biết tự răn đe, trau dồi tiết hạnh, rèn dũa đạo đức để giúp làm đẹp mưu lớn, làm rạng rỡ pháp độ của vua, giúp nền thái bình thịnh trị, bồi đắp nền tảng nước nhà lâu dài tới ức vạn năm. Vậy thì việc khắc tên vào đá có quan hệ đến trị bình giáo hóa, há phải nhỏ đâu!

Thần kính cẩn dâng bài ký.

Cẩn sự lang Hàn lâm viện Hiệu lý Bùi Sĩ Tiêm3 vâng sắc soạn.

Tá lý công thần Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu Tham tụng, Thượng thư Bộ Lễ kiêm Đông các Đại học sĩ Thiếu phó Liêm Quận công Nguyễn Quý Đức vâng sắc nhuận.

Bia dựng ngày 2 tháng 3 niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 13 (1717).

Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, 6 người:

NGUYỄN ĐÌNH TRỤ 阮廷柱4 người xã Nguyệt Áng huyện Thanh Trì.

LÊ VINH 黎榮5 người xã An Hoạch huyện Đông Sơn.

VŨ TRÁC LẠC 武卓犖6 người xã Mộ Trạch huyện Đường An.

VŨ ĐĂNG LONG 武登龍7 người xã Mộ Trạch huyện Đường An.

HOÀNG ĐỨC ĐÔN 黃德敦8 người xã Mậu Tài huyện Phú Vinh.

VŨ CÔNG LƯỢNG 武公亮9 người xã Mộ Trạch huyện Đường An.

Thị nội thư Tả bộ Binh phiên Nguyễn Đình Cổn vâng sắc viết chữ (chân).

Kim quang môn Đãi chiếu Triện thích thái thừa Cẩn sự lang Quang học điện Tự thừa Liêu Tường nam Nguyễn Đình Huy vâng sắc viết chữ triện.

Chú thích:

  1. Bảng mực nhạt: Nguyên văn “đạm mặc bảng”, bảng báo tên nguời trúng cách thi Hội (lọt qua Tứ trường), coi như đã thi đỗ, nhưng chưa chính thức vì còn phải vào thi Đình để vua xét định thứ bậc danh hiệu, vì vậy bảng báo tên đỗ Tứ trường dùng mực nhạt để ghi tên, một bước chuẩn bị để khi treo bảng chính thức đề bằng chữ màu vàng.
  2. Chỉ vua Lê Dụ Tông (1705-1729).
  3. Bùi Sĩ Tiêm (1690-?) người xã Kinh Lũ huyện Đông Quan (nay thuộc huyện Đông Hưng tỉnh Thái Bình). Ông đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, khoa Ất Mùi niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 11 (1715). Ông làm quan Thái thường tự khanh. Đầu năm Vĩnh Khánh thứ 3 (1731) nhân Trịnh Giang xuống dụ hỏi tình hình thời cuộc, Bùi Sĩ Tiêm dâng khải điều trần 10 điểm, thẳng thắn phê phán các tệ nạn đang làm ruỗng nát triều đình. Trịnh Giang nổi giận, cách chức tước bắt về quê. Đến đời Cảnh Hưng, Trịnh Doanh khôi phục danh tiết cho ông, truy tặng hàm Tham chính Đại học sĩ, tước Trung tiết hầu. Ông là tác giả của 4 văn bia Tiến sĩ, khoa 1656, khoa 1670, khoa 1700 và khoa 1715.
  4. Nguyễn Đình Trụ (1627-1703) người xã Nguyệt Áng huyện Thanh Trì (nay thuộc Đại Áng quận Hoàng Mai Tp. Hà Nội). Ông là em của Nguyễn Quốc Trinh, cha Nguyễn Đình Bách và Nguyễn Đình Ức. Ông làm quan Hàn lâm Hiệu thảo.
  5. Lê Vinh (1615-1684) người xã An Hoạch huyện Đông Sơn (nay thuộc xã Đông Tân huyện Đông Sơn tỉnh Thanh Hóa). Ông làm quan Hữu Thị lang Bộ Hộ, tước tử. Sau khi mất, ông được tặng Thượng thư Bộ Binh.
  6. Vũ Trác Lạc (1535-?) người xã Mộ Trạch huyện Đường An (nay thuộc xã Tân Hồng huyện Bình Giang tỉnh Hải Dương), nguyên quán xã Thổ Hoàng huyện Thiên Thi (nay thuộc huyện Ân Thi tỉnh Hưng Yên). Ông làm quan Tham chính, tước nam. Có tài liệu ghi ông là Vũ Trác Oánh.
  7. Vũ Đăng Long (1635-?) người xã Mộ Trạch huyện Đường An (nay thuộc xã Tân Hồng huyện Bình Giang tỉnh Hải Dương). Ông làm quan Giám sát. Sau khi mất, ông được tặng chức Cấp sự trung, tước nam.
  8. Hoàng Đức Đôn (1627-?) người xã Mậu Tài huyện Tư Vinh (nay thuộc huyện Phú Vang tỉnh Thừa Thiên Huế). Ông làm quan Tham chính, tước Tài Mỹ nam.
  9. Vũ Công Lượng (1624-?) người xã Mộ Trạch huyện Đường An (nay thuộc xã Tân Hồng huyện Bình Giang tỉnh Hải Dương). Ông là em của Vũ Công Đạo và làm quan Hình khoa Đô Cấp sự trung.

Tin tức liên quan

Trở lại bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

logo-honinh-trang

Website honinh.com giới thiệu những giá trị lịch sử – văn hóa – xã hội giàu tính nhân văn, góp phần tôn vinh, chia sẻ những giá trị cao đẹp trong cộng đồng  dòng họ Ninh và những người quan tâm, đặc biệt là giới trẻ.

DANH MỤC

 All Right Reserved. Designed and Developed by honinh.com