Trang chủ Khảo cứu 82 Văn bia tại Văn Miếu Hà Nội, từ Khoa thi 1442 đến Khoa thi 1779

82 Văn bia tại Văn Miếu Hà Nội, từ Khoa thi 1442 đến Khoa thi 1779

đăng bởi Ninh Quang Thăng
0 nhận xét

Bia số 39 VĂN BIA ĐỀ DANH TIẾN SĨ KHOA NHÂM THÌN NIÊN HIỆU KHÁNH ĐỨC

NĂM THỨ 4 (1652)

VĂN BIA ĐỀ DANH TIẾN SĨ KHOA NHÂM THÌN NIÊN HIỆU KHÁNH ĐỨC

NĂM THỨ 4 (1652)

 

 Niên hiệu Khánh Đức thứ 4, rồng bay mùa xuân Nhâm Thìn, xuống chiếu mở khoa đại tỉ, thi Hội các sĩ nhân trong nước. Sĩ tử đến trường thi của Bộ Lễ hơn 2.000 người, quan hữu ti khảo xét tài nghệ văn chương, chọn được hạng xuất sắc từ Nguyễn Đình Chính đến Hồ Sĩ Dương tất cả 9 người.

Ngày 29 tháng 4 vào thi ở sân lớn. Thiên tử ngự ở hiên điện, đích thân ra đề thi văn sách. Đặc sai Đề điệu là Thiếu phó La Quận công Trịnh Tương, Tri Cống cử là Hình bộ Thượng thư kiêm Hàn lâm viện Thị giảng Tham Chưởng Hàn lâm viện sự Bạt Quận công Dương Trí Trạch, Lại bộ Tả Thị lang Mỹ Thọ hầu Nguyễn Quang Minh, Giám thí là Hộ bộ Hữu Thị lang Diễn Thọ bá Nguyễn Văn Trạc, Lễ bộ […] Thị lang Văn Phú bá Nguyễn Sĩ Chính và Ngự sử đài Phó Đô Ngự sử Diễn Thọ bá1 Lê Kính mỗi người trông nom một việc. Đến như các viên tuần xước, thu quyển, di phong, đối độc, đằng lục ai làm việc nấy.

Sáng hôm sau, dâng quyển tiến đọc, Hoàng thượng sáng suốt ngự lãm, xếp định thứ bậc. Ban cho bọn Phùng Nhật Tu 2 người đỗ Tiến sĩ xuất thân, bọn Hồ Sĩ Dương 7 người đỗ đồng Tiến sĩ xuất thân, sự tuyển chọn thận trọng như thế.

Ngày mồng 8 tháng 5, Hoàng thượng ngự cửa điện Kính Thiên, cho truyền loa xướng tên người đỗ, trăm quan mặc triều phục chúc mừng. Quan Bộ Lễ rước bảng vàng, có trống nhạc dẫn đường, đem ra treo ở cửa nhà Thái học để tỏ sự vinh hiển. Ngày mồng 3 tháng 7, Bộ Lại kính ban ân mệnh ở ngoài cửa Đoan Môn, lại ban áo mũ phẩm phục, cho dự yến tiệc, nghe ca hát để tỏ sự tốt đẹp. Ngày 10 tháng ấy, những người thi đỗ vào trước bệ rồng từ tạ Hoàng thượng để vinh quy về làng. Nghi lễ ưu thưởng của triều đình, ân sủng đãi ngộ thật hết mức long trọng.

Lần chế tác này, các khoa từ năm Giáp Dần niên hiệu Thuận Bình tới nay, đều được khắc đá đề danh để làm đầy đủ thịnh điển của tiên triều. Riêng thần được đặc sai soạn bài ký để khắc bia khoa Nhâm Thìn này.

Xét thần được dự xuất thân trong khoa này, thẹn được giữ việc hầu cận, theo chức phận đáng phải soạn thuật, cho nên không dám lấy cớ nông cạn vụng về để chối từ, kính cẩn cúi đầu rập đầu dâng lời rằng:

Thần trộm nghe: Bậc thánh chúa ắt đợi có hiền thần mới mở mang công nghiệp được rộng lớn, kẻ tuấn sĩ cũng đợi có minh chúa rồi mới tỏ rõ được phẩm đức của mình. Vận hội vua sáng tôi hiền thật tinh vi như then máy cảm ứng, không phải là sự ngẫu nhiên mà có. Nhưng kẻ sĩ hào kiệt chưa từng một ai không bắt đầu từ khoa mục mà tiến lên. Kể từ khi nhà Ngu mở cổng thành đón người tài tuấn đến mà ý đẹp khoa mục đã từ đó phôi thai. Nhà Chu xét chọn tú sĩ để cất nhắc mà phép tốt của khoa mục đã nẩy nở. Sau thì nhà Hán có các khoa Minh kinh, Hiền lương; nhà Đường có khoa Hoành từ, Tiến sĩ, đều phỏng theo phương pháp đó để kén chọn kẻ sĩ.

Kính nghĩ: Quốc triều ta, các bậc thánh tổ thần tông khi mới lên ngôi đã tôn chuộng Nho thuật, buông lưới thu nạp nhân tài, khoa mục đặt ra đã từ lâu đời rồi vậy. Vừa rồi gặp lúc họ Mạc tiếm quyền, kỷ cương hoàng gia cơ hồ rối loạn. May trời còn có ý trung hưng, liệt thánh tiếp nối, chính đang lúc sửa sang mọi việc, tuỳ thời mà đặt khoa mục, không chỉ một khoa, nhưng thi hành lâu nhất duy chỉ có khoa thi Tiến sĩ mà thôi.

Kính nghĩ: Hoàng đế bệ hạ lấy tư chất đại trí chí thánh, kế thừa vận số tỏa trùm sáng láng, chăm chăm cầu trị, gấp kíp dùng người. Kể từ năm Kỷ Mùi khi mới lên ngôi, qua năm Quý Hợi đã mở khoa thi đại tỉ. Nhưng gặp lúc hữu sự, chưa kịp treo bảng thi Đình2, kế đến từ năm Mậu Thìn đến nay các khoa thi kén chọn sĩ tử đều nhất nhất tuân theo lệ cũ. Các Tiến sĩ đều được ban Cập đệ và Xuất thân có thứ bậc khác nhau. Thêm đó thì như quẻ Thái đã nói “bạt mao liên nhự” (nhổ cỏ tranh được cả cụm rễ)3 vì cùng phẩm loại, nhiều bậc danh công thạc vọng cũng nối nhau xuất thân trong các khoa thi đó. Triều ta kén được người do ở khoa Tiến sĩ là nhiều nhất. Thực nhờ [Đại nguyên súy Thống quốc chính Sư phụ Thanh vương] tận trung với nước, giữ yên xã tắc, đặt kế sách lâu dài, dựng quy mô thịnh trị. Chuyên uỷ cho [Nguyên súy Chưởng quốc chính Tây Định vương] thống lĩnh trăm quan, xử lý mọi việc, dùng võ công định yên thiên hạ, đặt khoa cử để kén nhân tài. Bèn đến khoa này là khoa thứ hai trong niên hiệu Khánh Đức.

Bấy giờ những người đỗ Tiến sĩ được đối đãi rất hậu, ân lễ rất trọng, nay lại được khắc đá đề danh, soạn bài ký để ghi thuật sự việc, đường hướng tác thành tuyển chọn và phương pháp khen thưởng khích lệ nhân tài chưa bao giờ có quy mô to lớn, khuôn mẫu tốt đẹp như thế! Thật rất mực kỹ càng đầy đủ vậy.

Kẻ sĩ sinh ở đời thánh minh, được đỗ đại khoa, giữ chức quan lớn, lại được khắc tên trên bia đá để truyền lâu dài, há chẳng vinh hạnh lắm thay! Chỉ nên nhìn danh phải nghĩ đến thực, nuôi đức liêm khiết, dưỡng tính trinh trung, trung hiếu mài lòng, liêm cần dũa tiết, việc làm phải đủ để nêu cao trị đạo, văn chương phải đủ tô điểm mưu lược hoàng gia, dùng Thi Thư để đem lại ơn trạch cho sinh dân, tấu nghị4 phải làm mạnh khoẻ cho mệnh mạch quốc gia, như Phòng Huyền Linh làm tể tướng nhà Đường mà đưa đời Trinh Quán thành những năm thái bình thịnh trị, Hàn Dũ phò tá nhà Tống mà thiên hạ đạt đến yên vững như Thái Sơn. Được như thế thì trên không phụ ơn sâu của triều đình, dưới không phụ hoài bão bình sinh muốn hiểu biết để bắt tay làm, sự nghiệp sẽ được chạm lên đỉnh vạc, công danh sẽ được ghi lên tre lụa để lưu truyền mãi mãi, mà lại càng rực rỡ hơn nữa trên bia đá này. Thảng hoặc ai đó có danh mà không có thực, trước trinh chính mà sau hoen ố, thì chỉ làm vết nhơ cho khoa mục, cũng như vết xơ xước trên mặt ngọc vàng, đến nghìn năm sau công luận vẫn còn đó, há chẳng đáng lấy làm răn sao! Thế thì bia đá này khắc ra đem dựng ở cửa nhà Thái học chẳng phải chỉ để tuyên dương thịnh sự thánh triều trọng Nho, khoe khoang áng văn đẹp một thời, mà cốt để khích lệ nhân tâm, bồi dưỡng sĩ khí, phù trì thế giáo đến vô cùng vậy. Các sinh viên khăn đóng áo dài ngày sau chú mục vào bia này, mắt xem miệng đọc, ai mà chẳng cảm kích hứng khởi, lấy khoa mục mà đặt kỳ vọng cho mình, tự lấy giúp vua ơn dân làm trách nhiệm, nối tiếp nhau mà kính giúp cho quốc gia muôn vạn năm thái bình thịnh trị, vun đắp cho gốc nền xã tắc muôn vạn năm mãi mãi vững bền.

Thần kính cẩn làm bài ký.

Dực vận Tán trị công thần Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu Thượng thư Bộ Lễ kiêm Hàn lâm viện Thị giảng Tham Chưởng Hàn lâm viện sự Bạt Quận công Dương Trí Trạch vâng sắc nhuận.

Cẩn sự lang Hàn lâm viện Hiệu thảo Nguyễn Đình Chính5 vâng sắc soạn.

Bia dựng ngày 16 tháng 11 niên hiệu Thịnh Đức năm thứ 1 (1653) Hoàng Việt.

Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, 2 người:

PHÙNG VIẾT TU 馮曰脩6 người xã Đình Luân huyện Gia Lâm.

PHẠM CHẤT 范質7 người xã An Bài huyện Đông Thành.

Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, 7 người:

HỒ SĨ DƯƠNG 胡士揚8 người xã Hoàn Hậu huyện Quỳnh Lưu.

NGUYỄN VĂN TÍN 阮文信9 người xã Uông Hạ huyện Thanh Lâm.

THÂN TOÀN 申璿10 người xã Phương Đỗ huyện Yên Dũng.

UÔNG NHUỆ 汪銳11 người xã Kim Lan huyện Cẩm Giàng.

NGUYỄN CÔNG BẬT 阮公弼12 người xã Khang Cù huyện Tây Chân.

NGUYỄN ĐÌNH CHÍNH 阮廷正13 người xã Bất Quần huyện Quảng Xương.

LÊ ĐẮC TOÀN 黎得全14 người xã Bình Hồ huyện La Sơn.

Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu Trung thư giám Điển thư, người xã Thụy Hương huyện Từ Liêm là Gia Thuỵ tử Nguyễn Tuấn Đắc vâng sắc viết chữ (chân).

Quang tiến Thận lộc đại phu Kim quang môn Đãi chiếu kiêm Triện thích thái thừa là Quế Lan nam Nguyễn Quang Độ vâng sắc viết chữ triện.

Chú thích:

  1. Diễn Thọ bá Lê Kính, tên tước đồng âm với Diễn Thọ bá Nguyễn Văn Trạc.
  2. Nói về khoa Quý Hợi năm Vĩnh Tộ thứ 5 (1623) đời Lê Thần Tông và chúa Trịnh Tùng. Khoa ấy, tháng 4, vừa Điện thí xong, có một trường hợp bị phát giác gian lận nên Trịnh Tùng chưa cho treo bảng vàng. Sự việc chưa giải quyết xong thì hơn 1 tháng sau Trịnh Xuân gây chính biến, Trịnh Tùng đang ốm, phải chạy ra quán Thanh Xuân, chết tại đó.
  3. Nguyên văn: “bạt mao liên nhự”, hoặc: ” bạt mao nhự” , đều dùng điển ở Kinh Dịch: “Bạt mao nhự, dĩ kỳ vựng, chinh cát”, nghĩa là: nhổ cỏ tranh được luôn cả cụm rễ, làm thì tốt (Thái, Sơ cửu). Thường dẫn để nói việc chọn lựa nhân tài cùng lúc được nhiều người cùng phẩm loại. (Bia khoa 1715 nói “mao nhự vựng chinh”, cũng cùng ý nghĩa).
  4. Nguyên văn: Linh truật, 2 vị thuốc bổ (phục linh, bạch truật), hoán dụ để nói ý các tấu biểu nghị luận phải có tác dụng như phương thuốc bổ cho đất nước.
  5. Nguyễn Đình Chính: Xem chú thích 13, dưới đây.
  6. Phùng Viết Tu (1607-1662) người xã Đình Luân huyện Gia Lâm (nay thuộc xã Tân Quang huyện Văn Lâm tỉnh Hưng Yên). Ông làm quan Thiêm Đô Ngự sử, sau vì nhận hối lộ và bị xử thắt cổ.
  7. Phạm Chất (1623-?) người xã An Bài huyện Đông Thành (nay thuộc xã Diễn Hùng huyện Diễn Châu tỉnh Nghệ An). Ông làm quan Tả Thị lang Bộ Binh, tước tử và từng được cử đi sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc). Sau khi mất, ông được tặng chức Thượng thư.
  8. Hồ Sĩ Dương (1622-1681) người xã Hoàn Hậu huyện Quỳnh Lưu (nay thuộc xã Quỳnh Đôi huyện Quỳnh Lưu tỉnh Nghệ An). Ông giữ các chức quan, như Tham tụng, Thượng thư Bộ Hình kiêm Đông các Đại học sĩ, Giám tu Quốc sử, tước Duệ Quận công. Sau khi mất, ông được tặng chức Thiếu bảo, Thượng thư Bộ Binh.
  9. Nguyễn Văn Tín (1611-?) người xã Uông Hạ huyện Thanh Lâm (nay thuộc xã Minh Tân huyện Nam Sách tỉnh Hải Dương). Ông làm quan Hàn lâm Hiệu thảo.
  10. Thân Toàn (1621-?) người xã Phương Đỗ huyện Yên Dũng (nay thuộc xã Hoàng Ninh huyện Việt Yên tỉnh Bắc Giang), trú quán xã Mai Khê (cùng huyện). Ông là con của Thân Khuê. Ông từng giữ các chức quan, như Đô Ngự sử, Tả Thị lang Bộ Hộ, Tham tụng, Thượng thư Bộ Binh, tước bá và được cử đi sứ (năm 1682) sang nhà Thanh (Trung Quốc). Sau khi mất, ông được tặng chức Thượng thư Bộ Lại, hàm Thiếu bảo.
  11. Uông Nhuệ (1624-?) người xã Kim Lan huyện Cẩm Giàng (nay thuộc xã Kim Giang huyện Cẩm Giàng tỉnh Hải Dương). Ông làm quan Hữu Thị lang Bộ Công, tước tử.
  12. Nguyễn Công Bật (1599-?) người xã Khang Cù huyện Tây Chân, có tài liệu ghi là huyện Nam Chân (nay thuộc huyện Nam Trực tỉnh Nam Định). Ông làm quan Cấp sự trung, tước tử.
  13. Nguyễn Đình Chính (1608-?) người xã Bất Quần huyện Quảng Xương (nay thuộc xã Trường Lâm huyện Tĩnh Gia tỉnh Thanh Hóa), trú quán xã Ứng Mộ huyện Vĩnh Lại (nay thuộc huyện Vĩnh Bảo, Tp. Hải Phòng). Ông giữ các chức quan, như Tả Thị lang Bộ Binh, Nhập thị Kinh diên, tước hầu. Sau khi mất, ông được tặng chức Thượng thư.
  14. Lê Đắc Toàn (1622-?) người xã Bình Hồ huyện La Sơn (nay thuộc xã Yên Hồ huyện Đức Thọ tỉnh Hà Tĩnh). Ông giữ các chức quan, như Tham chính xứ Sơn Nam, Đốc thị Nghệ An, Thiêm Đô Ngự sử, tước tử. Sau khi mất, ông được tặng chức Hữu Thị lang Bộ Công.

Tin tức liên quan

Trở lại bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

logo-honinh-trang

Website honinh.com giới thiệu những giá trị lịch sử – văn hóa – xã hội giàu tính nhân văn, góp phần tôn vinh, chia sẻ những giá trị cao đẹp trong cộng đồng  dòng họ Ninh và những người quan tâm, đặc biệt là giới trẻ.

DANH MỤC

 All Right Reserved. Designed and Developed by honinh.com