Trang chủ Khảo cứu 82 Văn bia tại Văn Miếu Hà Nội, từ Khoa thi 1442 đến Khoa thi 1779

82 Văn bia tại Văn Miếu Hà Nội, từ Khoa thi 1442 đến Khoa thi 1779

đăng bởi Ninh Quang Thăng
0 nhận xét

Bia số 82 VĂN BIA ĐỀ DANH TIẾN SĨ KHOA KỶ HỢI NIÊN HIỆU CẢNH HƯNG

NĂM THỨ 40 (1779)

VĂN BIA ĐỀ DANH TIẾN SĨ KHOA KỶ HỢI NIÊN HIỆU CẢNH HƯNG NĂM THỨ 40 (1779)

己亥盛科進士碑記

歲 己亥皇帝御極之四十年乾健太和恒貞久道寔賴大元帥總國政師上尚父睿斷文功武德靖王笙鏞治化陶治人才是冬特開盛科會試天下貢士子五龍楼命國舅副首後威奇副該 官提督炎郡公臣阮仲炎提調入侍行参從刑部右侍郎署吏部右侍郎兼國子監司業泗川侯臣潘仲藩知貢舉添差府僚知工番翰林院侍講臣阮惟宏添差府僚知戶番翰林院校理 臣楊仲謙監試取四場合格范阮攸等十五名

庚子春殿試次日奉王上御府堂親策命入侍行参從兵部左侍郎署吏部左侍郎兼國子監祭酒蓮溪侯臣武綿掌卷特命

臣藩閱卷欽賜黎輝瓚范阮攸等並進士出身范貴適潘煇温等並同進士出身有差仍命冬官立石題名于太學詞臣撰文臣藩叩掌絲綸仰見皇帝與王上一德恭孚籲俊盛心掄材曠典預茲選者亦稱得人謹拜稽首恭紀其實用彰皇朝譽髦思皇之盛垂諸無窮臣謹記

Năm Kỷ Hợi, Hoàng đế ở ngôi chẵn 40 năm, long thể an khang vui mạnh, hằng chính đạo thường. Thực nhờ [Đại nguyên súy Thống quốc chính Thượng sư Tĩnh vương] sửa sang trị giáo, đào tạo nhân tài. Mùa đông năm ấy, đặc biệt mở khoa thi Hội cho các Cống sĩ trong nước tại lầu Ngũ Long. Sai Quốc cữu Phó Thủ hiệu Hậu uy cơ Phó cai quan Đề đốc Viêm Quận công Nguyễn Trọng Viêm làm Đề điệu, Nhập thị hành Tham tụng Hình bộ Tả Thị lang Thự Lại bộ Hữu Thị lang kiêm Quốc tử giám Tư nghiệp Tứ Xuyên hầu Phan Trọng Phiên làm Tri Cống cử, Thiêm sai Phủ liêu Tri Công phiên Hàn lâm viện Thị giảng Nguyễn Duy Hoành, Thiêm sai Phủ liêu Tri Hộ phiên Hàn lâm viện Hiệu lý Dương Trọng Khiêm làm Giám thí. Lấy trúng cách tứ trường là bọn Phạm Nguyễn Du 15 người.

Mùa xuân năm Canh Tý vào Điện thí. Ngày hôm sau, Vương thượng ngự tới phủ đường đích thân ra đề thi văn sách. Sai nhập thị hành Tham tụng Binh bộ Tả Thị lang Thự Lại bộ Tả Thị lang kiêm Quốc tử giám Tế tửu Liên Khê hầu Vũ Miên giữ quyển, bề tôi là Phiên duyệt quyển. Ban cho bọn Lê Huy Trâm, Phạm Nguyễn Du đều đỗ Tiến sĩ xuất thân, đồng Tiến sĩ xuất thân có thứ bậc khác nhau. Lại sai Bộ Công khắc đá đề tên dựng tại nhà Thái học, sai từ thần soạn văn bia.

Thần là (Phan Trọng) Phiên cúi đầu cầm bút, ngước trông Hoàng thượng, Vương thượng cùng chung một đức, thịnh tâm rộng mở, đặc cách lựa chọn nhân tài, xưa nay chưa từng có tiền lệ. Những người trúng tuyển khoa này cũng xứng đáng được khen là đắc nhân. Kính cẩn cúi đầu rập đầu ghi chép sự việc để nêu rõ thịnh sự thánh triều chọn lựa được nhiều nhân tài, lưu truyền đến vô cùng.

Thần kính cẩn làm bài ký.

Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, 2 người:

LÊ HUY TRÂM 黎 輝 簪1 người xã Bối Khê huyện Thanh Oai phủ Ứng Thiên trấn Sơn Nam, Nho sinh trúng thức, đỗ năm 38 tuổi.

PHẠM NGUYỄN DU 范 阮 攸2 người xã Đặng Điền huyện Chân Phúc phủ Đức Quang Nghệ An, Đầu xứ, Văn chức, đỗ kỳ thi Tứ trọng, các bài thi do vua ra bài đều đỗ đầu, được vào hầu giảng hàng ngày, từng được bổ chức Huyện Tự viên lang, Thiêm phó tiến triều, Cai đạo, Thiêm sai Tri Hình phiên, Hàn lâm viện Hiệu thảo, kiêm Quốc sử Toản tu, thi đỗ năm 40 tuổi. Trường hai, trường bốn và ứng chế đều đỗ đầu.

Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, 13 người:

PHẠM QUÝ THÍCH 范 貴 適3 người phường Báo Thiên huyện Thọ Xương phủ Phụng Thiên, nguyên quán xã Hoa Đường huyện Đường An phủ Thượng Hồng, Thiếu tuấn, đỗ thứ 2, Bộ Lễ, đỗ năm 20 tuổi.

HOÀNG QUỐC TRÂN 黃 國 珍4 người xã Nam Chân huyện Nam Chân phủ Thiên Trường trấn Sơn Nam, Giám sinh, thi ở Bộ Lễ và thi Chế đều đỗ thứ 3, đỗ năm 29 tuổi.

NGUYỄN HUY QUÂN 阮 輝 鈞5 người xã Thanh Khê huyện Văn Giang phủ Thuận An trấn Kinh Bắc, Giám sinh, đỗ năm 26 tuổi.

NGUYỄN HÀN 阮 翰6 người xã Phú Thị huyện Gia Lâm phủ Thuận An trấn Kinh Bắc, Huấn đạo, đỗ năm 33 tuổi.

NGUYỄN ĐÌNH THIỀU 阮 廷 韶7 người xã Phù Cảo huyện Đông Ngàn phủ Từ Sơn trấn Kinh Bắc, Nho sinh trúng thức, đỗ năm 33 tuổi.

NGUYỄN ĐÌNH THẠC 阮 廷 碩8 người xã Đông Ngạc huyện Từ Liêm phủ Quốc Oai trấn Sơn Tây, Nho sinh trúng thức, Đầu xứ, đỗ năm 26 tuổi.

LÊ ĐĂNG CỬ 黎 登 舉9 người xã La Khê huyện Từ Liêm phủ Quốc Oai trấn Sơn Tây, Giám sinh, đỗ năm 40 tuổi.

NGUYỄN KIÊM 阮 兼10 người xã Tây Đam huyện Từ Liêm phủ Quốc Oai trấn Sơn Tây, Giám sinh, đỗ năm 29 tuổi, sau đổi tên Huy Đảng.

VŨ DI LƯỢNG 武 夤 亮11 người xã Yên Thái huyện Quảng Đức phủ Phụng Thiên, Huấn đạo, đỗ năm 34 tuổi, thi Hội đỗ thứ 3.

TRẦN HUY LIỄN 陳 輝 璉12 người xã Phú Thị huyện Gia Lâm phủ Thuận An trấn Kinh Bắc, Huấn đạo, đỗ năm 45 tuổi, Khoa trưởng.

NGÔ TIÊM 吳 暹13 người xã Cát Đằng huyện Vọng Doanh phủ Nghĩa Hưng trấn Sơn Nam, Sinh đồ, đỗ năm 31 tuổi.

NGUYỄN ĐƯỜNG 阮 堂14 người xã Trung Cần huyện Thanh Chương phủ Đức Quang trấn Nghệ An, đỗ Tứ trọng, Huấn đạo, Ứng chế đỗ thứ 2, Thế khoa, chú cháu đồng triều, thi đỗ năm 34 tuổi.

PHAN HUY ÔN 潘 輝 溫15 người xã Thu Hoạch huyện Thiên Lộc phủ Đức Quang trấn Nghệ An, Nho sinh trúng thức, Đầu xứ, cha con anh em đồng triều, thi đỗ năm 26 tuổi.

Bia dựng ngày tốt tháng giữa đông năm Canh Tý niên hiệu Cảnh Hưng thứ 41 (1780).

Đinh Sửu khoa đồng Tiến sĩ xuất thân Thiếu tuấn Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu Nhập thị Kinh diên Tri Quốc tử giám, Tri Đông các Tri Hàn lâm viện phụng quản Thị hậu nghiêm hậu đội Hộ bộ Tả Thị lang Tứ Xuyên hầu Phan Trọng Phiên vâng sắc soạn.

Chú thích

  1. Lê Huy Trâm (1742-?) người xã Bối Khê huyện Thanh Oai (nay thuộc xã Tam Hưng huyện Thanh Oai tỉnh Hà Tây). Thời Lê, ông làm quan Hàn lâm viện Thị độc. Thời Nguyễn, được bổ chức Học sĩ và Đốc đồng xứ Kinh Bắc.
  2. Phạm Nguyễn Du (1740-1786) hiệu Thạch Động , tự là Hiếu Đức và Dưỡng Hiên , người xã Đặng Điền huyện Chân Phúc (nay thuộc xã Nghi Thạch huyện Nghi Lộc tỉnh Nghệ An). Ông giữ các chức Huyện Tự viên lang, Thiêm phó tiến triều, Cai đạo, Thiêm sai Tri Hình phiên, Hàn lâm viện Hiệu thảo kiêm Quốc sử Toản tu, Đốc đồng Nghệ An. Thời Tây Sơn, ông đến vùng núi huyện Thanh Chương ở. Ông còn có tên là Phạm Vĩ Khiêm.
  3. Phạm Quý Thích (1759-1825) hiệu là Lập Trai Thảo ĐườngHoa Đường và tự là Dữ Đạo , người xã Hoa Đường huyện Đường An (nay thuộc xã Thúc Kháng huyện Bình Giang tỉnh Hải Dương), trú quán ở phường Báo Thiên huyện Thọ Xương (nay thuộc quận Hoàn Kiếm Tp. Hà Nội). Thời Lê, ông làm quan Thiêm sai Tri Công phiên, Đông các Hiệu thư. Thời Tây Sơn, ông đi ở ẩn. Thời Gia Long, ông được bổ chức Thị trung học sĩ, tước Thích An hầu. Sau ông cáo quan về quê nghỉ.
  4. Hoàng Quốc Trân (1751-?) người xã Nam Chân huyện Nam Chân (nay thuộc xã Nam Đồng huyện Nam Trực tỉnh Nam Định). Ông làm quan Hàn lâm viện Đãi chế, Thự Hiến sát sứ Kinh Bắc.
  5. Nguyễn Huy Quân (1744-?) người xã Thanh Khê huyện Văn Giang (nay thuộc huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên). Ông làm quan Hàn lâm viện Đãi chế, Thự Hiến sát sứ.
  6. Nguyễn Hàn (1747-?) người xã Phú Thị huyện Gia Lâm (nay là xã Phú Thị huyện Gia Lâm Tp. Hà Nội). Ông làm quan Hàn lâm Đãi chế, Đốc đồng Cao Bằng. Có tài liệu ghi ông là Nguyễn Hấp.
  7. Nguyễn Đình Thiều (1747-?) người xã Phù Cảo huyện Đông Ngàn (nay thuộc xã Phù Chẩn huyện Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh). Ông làm quan Hàn lâm viện Thị chế, Đốc đồng Sơn Tây. Khi nhà Lê mất, ông về quê ở ẩn.
  8. Nguyễn Đình Thạc (1754-?) người xã Đông Ngạc huyện Từ Liêm (nay xã Đông Ngạc huyện Từ Liêm Tp. Hà Nội). Ông làm quan Hàn lâm Thị giảng. Khi nhà Lê mất, ông đi đâu không rõ tung tích. Có tài liệu ghi ông là Nguyễn Công Thạc.
  9. Lê Đăng Cử (1740-?) người xã La Khê huyện Từ Liêm (nay thuộc xã Văn Khê thị xã Hà Đông tỉnh Hà Tây). Ông làm quan Đông các Hiệu thư, Đốc đồng Thái Nguyên.
  10. Nguyễn Kiêm (1751-1817) người xã Tây Thiềm huyện Từ Liêm (nay thuộc xã Tây Tựu huyện Từ Liêm Tp. Hà Nội). Ông giữ các chức quan, như Đông các Hiệu thư, Đốc đồng Tuyên Quang, Học sĩ, tước hầu, rồi thăng Đốc học Sơn Nam. Sau ông đổi tên là Nguyễn Huy Đảng.
  11. Vũ Di Lượng (1746-?) người phường Yên Thái huyện Quảng Đức (nay thuộc phường Bưởi quận Ba Đình Tp. Hà Nội). Ông làm quan Hàn lâm viện Hiệu thảo, Đốc đồng Sơn Tây. Có tài liệu ghi ông là Vũ Dần Lượng.
  12. Trần Huy Liễn (1735-?) người xã Phú Thị huyện Gia Lâm (nay là xã Phú Thị huyện Gia Lâm Tp. Hà Nội). Ông làm quan Đông các Đại học sĩ, Thự Tham chính Hải Dương.
  13. Ngô Tiêm (1749-1818) người xã Cát Đằng huyện Vọng Doanh (nay thuộc xã Yên Tiến huyện Ý Yên tỉnh Nam Định). Ông giữ các chức quan, như Đông các Hiệu thư, Đốc đồng kiêm Đốc trấn Lạng Sơn, Thái Hòa điện Học sĩ, tước Mỹ Phái hầu. Sau về quê dạy học.
  14. Nguyễn Đường (1746-?) người xã Trung Cần huyện Thanh Chương (nay thuộc xã Nam Trung huyện Nam Đàn tỉnh Nghệ An). Ông giữ các chức quan, như Hàn lâm viện Hiệu thảo, Thị chế, Đốc trấn Lạng Sơn, tước Chi Phong bá và được cử làm Phó sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc).
  15. Phan Huy Ôn (1755-1786) hiệu là Chỉ Am, Nhã Hiên và tự là Hoà Phủ, Trọng Dương, người xã Thu Hoạch huyện Thiên Lộc (nay thuộc xã Thạch Châu huyện Thạch Hà tỉnh Hà Tĩnh). Ông là con của Phan Cận (tức Phan Huy Áng), em Phan Huy Ích. Ông giữ các chức quan, như quan Đốc đồng Sơn Tây, Hàn lâm Thị chế, Tham đồng đê lĩnh, Thiêm sai Tri Công phiên, tước Mỹ Xuyên bá. Sau khi mất, ông được tặng chức Hàn lâm Thị giảng, tước Mỹ Xuyên hầu.

Tin tức liên quan

Trở lại bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

logo-honinh-trang

Website honinh.com giới thiệu những giá trị lịch sử – văn hóa – xã hội giàu tính nhân văn, góp phần tôn vinh, chia sẻ những giá trị cao đẹp trong cộng đồng  dòng họ Ninh và những người quan tâm, đặc biệt là giới trẻ.

DANH MỤC

TIN TỨC MỚI

 All Right Reserved. Designed and Developed by honinh.com