Trang chủ Khảo cứu 82 Văn bia tại Văn Miếu Hà Nội, từ Khoa thi 1442 đến Khoa thi 1779

82 Văn bia tại Văn Miếu Hà Nội, từ Khoa thi 1442 đến Khoa thi 1779

đăng bởi Ninh Quang Thăng
0 nhận xét

Bia số 4 VĂN BIA ĐỀ DANH TIẾN SĨ

KHOA BÍNH TUẤT NIÊN HIỆU QUANG THUẬN NĂM THỨ 7 (1466)

VĂN BIA ĐỀ DANH TIẾN SĨ
KHOA BÍNH TUẤT NIÊN HIỆU QUANG THUẬN NĂM THỨ 7 (1466)

光順七年丙戌科進士題名記

天 佑皇家文明盛治登崇俊乂科目盛行。迺於光順七年丙戌時當大比禮部會觀光之士一千一百餘人;考校詞藝登其 秀者二十七名。三月十二日上御敬天門、親賜策問、命提調官崇進入內右都督兼太子少保、臣黎景徵;權政事院尚書、兼謹德殿大學士、太子賓客、臣阮如堵;監試 官翰林院大學士、權御史臺御史大夫、臣陳碧等、暨百執臣僚、各供其事、罔不祇肅。翌日、讀卷官翰林院承旨臣阮直;韓林院承旨權戶部右侍郎、兼謹德殿大學 士、入侍經筵、兼左春坊太子左諭德、臣阮居道;翰林院學士,行海西道宣政使司參知、兼秘書監學士、臣武永禎等、奉卷進讀。聖上親覽、定其高下;擢楊如珠等 八名為進士、阮仁浹等十九名為同進士。二十六日、備禮唱名、頒賜恩命;禮部捧黃榜揭於東華門外、以示榮耀。又賜冠服宴筵。閏三月初三日、進士榮歸;朝廷優 禮多士、恩榮至矣。時題名記未立。洪德十五年甲辰、迺命臣文禮撰刻石記文、寘于賢關、以備盛典。顧臣蕪陋、曷足敷楊。仰惟聖天子嘉惠人才、為斯文世道慮、 宏謨懿範、以貽後人。臣祇奉德音、不勝感激欣賀之至、謹拜手稽首而進言曰。天地無心而成化、資四時以贅其功;聖人有心而無為、任群村以轉其治。人材之於國 家、其所關者大矣。盖必有以養之、然後譽髦斯士;必有以敢之、然後野無遺賢。粵自唐虞三代、下及漢唐宋、庠序學校之制立、而人材有所成;賓興科舉之法行、 而人才有所用;雖其治效純駁不同、然未嘗不以得人為先務也。洪惟聖朝、太祖高皇帝平定宗國、教育英材、其博訪則造進有求、其延攬則學士有試;雖進士之科名 未設、而斯文之氣脉已完;孰謂一代人才之盛、不權輿於此哉?太宗文皇帝、光承先志、大振儒風;興天下之賢能、俊髦雲集;考先王之禮制、科目鼎新。肇自壬戌 開科、群才入榖;動鼓四海英豪之氣、開張億年文運之隆;豈非所謂啟佑我後人、咸以正罔缺者乎?仁宗皇帝、持盈守成、重規襲矩;振興科舉、人文益彰。欽惟皇 上、位億兆之君師、兼皇王之制作;登用儒雅、粉飾太平。癸未中興弟一科、取人視前為盛。盖列聖造就薰陶之厚。至是則備英食實、樹杞梓而收棟樑也。然自壬戌 以至癸未、或六年一舉、或五年一科、皇上之心猶以為未足以招徠多士也。迺觀會通行典禮、酌中定制;三年一科、以是年丙戌為始、凡預登進、沛稱得人。今在文 學政事之塗、任宣化牧民之寄、莫非由此其選也。玆後制度益詳、彌文大備;會試登科有錄、既足以表當代之盛明;題名刻石有碑、又足以昭後來之廣勸。然則一第 登名者、固當銘感隆恩、砥礪忠節、以圖報效;多士寓目者、亦將激昂忠義、琢磨學行、以期顯庸。如此殆見魁傑朋來、真材輩出;文章足以之華國、道德足以濟 時;于以堯舜君民、于以殷周禮樂;國家人材之盛、治效之隆、巍然煥然、愈久遠而愈光大矣。是則聖神建立規模、敦厲風化、不徒為一時之榮觀、抑以揚萬世之宏 休;其鼓舞作興之機、薰陶轉移之妙、與乾坤同其大、與造化並其功;悠久無疆、泰知熙洽;所謂範圍天地而不過、曲成萬物而不遺;其盛德大業至矣哉!臣謹記。

茂林郎東閣校書、臣覃文禮奉敕撰。

謹事郎中書監正字、臣阮竦奉敕書。

茂林郎金光門待詔、臣蘇碍奉敕篆。

洪德十五年八月十五日立

第二甲名賜同進士出身

揚如珠超類縣樂土社。

裴曰良南昌縣勇泉社。

郭有嚴青蘭縣福溪社。

何公程天祿縣醒石社。

梁誨東岸縣河魯社。

阮敦復青威縣知禮社。

段爛茄祿縣紅蓼社。

范承業茄林縣午橋社。

第三甲十九名賜進士出身

阮仁浹武江縣金堆社。

阮光祿壽昌縣東閣坊。

阮必勃石河縣魯宗社。

阮仁被武江縣金堆社。

杜潤金華縣金華社。

阮文通金華縣春熙社。

阮彰仙侶縣千冬社。

阮伯榕白鶴縣膴胎社。

阮震長津縣。

裴侃青沔縣安快社。

黃仁本丹鳳縣山桐社。

黎叔縝立石縣山東社。

蔡必先興元縣曲礼社。

阮允屯安陽縣中力行社。

吳雷東岸縣浮溪社。

范瀛青威縣溪桑社。

莫德濬平河縣廛河社。

陶舉超類縣淳康社。

何儼金華縣金華社。

Trời giúp hoàng gia, văn minh thịnh trị, trọng dùng hiền tài, thịnh hành khoa mục. Vào năm Bính Tuất niên hiệu Quang Thuận thứ 7 (1466) là năm mở khoa thi Hội, Bộ Lễ tập hợp hơn 1.100 sĩ tử tới kinh đô dự thi đua tài văn chương, chọn được 27 người ưu tú.

Ngày 12 tháng 3, Hoàng thượng ngự điện Kính Thiên, đích thân ra bài thi. Sai Đề điệu là Sùng tiến Nhập nội Hữu Đô đốc kiêm Thái tử Thiếu bảo Lê Cảnh Huy, quyền Thượng thư Chính sự viện kiêm Cẩn Đức điện Đại học sĩ Thái tử tân khách Nguyễn Như Đổ; Giám thí là Hàn lâm viện Đại học sĩ, quyền Ngự sử đài Ngự sử đại phu Trần Bàn cùng trăm quan nghiêm túc chia giữ các việc.

Hôm sau, quan Độc quyển là Hàn lâm viện Thừa chỉ Nguyễn Trực, Hàn lâm viện Thừa chỉ quyền Hữu Thị lang Bộ Hộ kiêm Cẩn Đức điện Đại học sĩ Nhập thị Kinh diên kiêm Tả xuân phường Thái tử Tả dụ đức Nguyễn Cư Đạo, Hàn lâm viện Học sĩ hành Hải tây đạo Tuyên chính sứ ty Tham tri kiêm Bí thư giám Học sĩ Vũ Vĩnh Trinh dâng quyển lên đọc, Hoàng thượng xem xét, định thứ bậc cao thấp. Cho bọn Dương Như Châu 8 người đỗ Tiến sĩ, bọn Nguyễn Nhân Thiếp 19 người đỗ đồng Tiến sĩ.

Ngày 26 làm lễ xướng danh, ban cho ân mệnh. Quan Bộ Lễ rước bảng vàng ra treo ngoài cửa Đông Hoa để tỏ sự vinh quang, lại ban cho áo mũ, yến tiệc. Mồng 3 tháng 3 nhuận, các Tiến sĩ được vinh quy. Triều đình hậu lễ ưu đãi kẻ sĩ, ơn vinh thật rất mực vậy. Nhưng lúc bấy giờ bia đá đề danh vẫn chưa dựng. Đến năm nay là năm Giáp Thìn niên hiệu Hồng Đức năm thứ 15 (1484) mới sai thần là (Đàm) Văn Lễ soạn bài ký khắc vào đá dựng ở cửa nhà Thái học để làm cho thịnh điển được đầy đủ. Thần tự thấy mình là kẻ vụng về nông cạn, sao đủ sức tuyên dương thánh điển! Kính nghĩ Thánh thiên tử ưu đãi nhân tài, vì tư văn thế đạo mà lo nghĩ, rộng mở quy mô mẫu mực cho đời sau. Thần kính vâng lời ngọc, xiết bao cảm kích, rất mực vui mừng, kính cẩn cúi đầu rập đầu làm bài ký.

Trời đất không có dụng tâm mà làm nên cuộc sinh hóa, chính nhờ có bốn mùa giúp công; thánh nhân dụng tâm mà để tự nhiên như chẳng làm, giao phó cho nhân tài giúp trị. Nhân tài đối với quốc gia có quan hệ rất lớn vậy. Cho nên kẻ sĩ phải có dưỡng dục, về sau mới mong nổi bật tiếng tăm. Lại phải lựa chọn bổ dụng, về sau mới khỏi bỏ sót hiền tài ở nơi thôn dã. Xét từ các đời Đường Ngu Tam đại, cho đến mấy đời Hán Đường Tống, các trường học được lập ra thì nhân tài mới có chỗ tác thành. Phép khoa cử có thi hành thì nhân tài mới được trọng dụng. Mặc dầu hiệu quả trị nước hay dở khác nhau, song các đời chưa từng không coi sự thu dụng nhân tài làm việc trước tiên vậy.

Kính nghĩ thánh triều, Thái Tổ Cao hoàng đế định yên đất nước, chăm lo giáo dục anh tài. Thân hành hỏi han rộng khắp tìm kiếm hiền tài; đích thân chiêu vời thi hạch học sĩ. Mặc dầu tên khoa Tiến sĩ chưa đặt, mà khí mạch nền tư văn đã nối liền; há chẳng phải việc gây dựng một thế hệ nhân tài được bắt đầu từ đây ư?

Thái Tông Văn hoàng đế sáng suốt kế thừa tiên đế, chấn chỉnh Nho phong, khuyến khích hiền tài cả nước, kẻ sĩ họp lại như mây, lại xem xét điển chế của tiên vương để đổi mới khoa mục. Bắt đầu từ năm Nhâm Tuất mở khoa thi, hiền tài lọt vào vòng trọng dụng, cổ động chí khí anh hào trong bốn bể, mở mang vận hội văn chương thịnh đạt muôn vạn năm, há chẳng phải gọi là mở đường giúp người sau, không để có chỗ thiếu sót đó chăng?

Nhân Tông hoàng đế giữ gìn nền nếp đã hoàn thành đầy đủ, mọi việc đều theo khuôn nối phép, mở mang khoa cử, khiến cho nền nhân văn càng rạng tỏ thêm.

Kính nghĩ Hoàng thượng là bậc vua bậc thầy của muôn dân, nắm quyền định đoạt, trọng dụng Nho sĩ để tô điểm thái bình. Năm Quý Mùi (1463) là khoa thứ nhất trong buổi Trung hưng, lấy nhân tài nhiều hơn mấy khoa trước. Đó là nhờ liệt thánh đã dày công hun đúc tác thành, nay đã đến ngày hái quả, trồng cây kỷ cây tử để lấy gỗ làm rường làm cột. Nhưng từ năm Nhâm Tuất (1442) đến năm Quý Mùi (1463) hoặc 6 năm thi một lần, hoặc 5 năm đặt một khoa, lòng Hoàng thượng vẫn lo là chưa đủ để chiêu vời kẻ sĩ. Bèn xem đủ sách hội điển các triều, châm chước định ra quy chế 3 năm mở một khoa, lấy từ năm Bính Tuất này (1466) làm khoa đầu. Những người thi đỗ trong khoa này đều tỏ ra xứng đáng. Nay về đường văn học chính trị, bổ nhiệm người chăn dân ở các địa phương, thảy đều từ kỳ thi ấy mà ra. Từ nay về sau pháp độ thành văn càng thêm đầy đủ. Thi Hội có sách đăng khoa đã đủ để biểu dương sự thịnh vượng của đương thời, khắc đá đề danh có bia lại càng thêm đủ để khuyến khích rộng rãi cho đời sau.

Thế thì những người được ghi tên lên tấm đá này phải nên cảm kích ơn vua, trau mài danh tiết để lo đền đáp. Còn các sĩ tử ngước mắt nhìn lên cũng sẽ hăng hái lòng trung nghĩa, trau giồi học hành, đức hạnh để mong có ngày hiển dương đắc dụng. Như thế là để đợi chờ bậc tuấn kiệt theo nhau mà đến, kẻ tài năng chân chính xuất hiện tiếp nhau, văn chương đủ để giúp nước, đạo đức đủ để giúp đời, là để cho vua và dân ta được như vua và dân đời Nghiêu Thuấn, là để cho lễ nhạc nước ta được như lễ nhạc đời Ân, Chu. Nhân tài nước nhà thịnh vượng, hiệu quả chính trị tốt đẹp, càng lâu xa càng lớn lao sáng láng. Thế thì các bậc thánh tổ thần tông xây dựng quy mô, khuyến khích phong hóa chẳng những làm vẻ vang cho một thời, lại còn nêu cao nếp tốt cho muôn thuở. Guồng máy cổ vũ chấn hưng, diệu kế hun đúc xoay chuyển cũng lớn lao cùng với càn khôn, công tạo tác sánh ngang tạo hoá, càng lâu dài càng bền vững, rạng rỡ đời đời, đúng như câu cách ngôn “Cùng trong phạm vi trời đất mà tạo tác muôn vật không bỏ sót”, đạo đức cao cả, công nghiệp lớn lao thật rất mực vậy!

Thần kính cẩn làm bài ký.

Mậu lâm lang Đông các Hiệu thư Đàm Văn Lễ(1) vâng sắc soạn.

Cẩn sự lang Trung thư giám Chính tự Nguyễn Tủng vâng sắc viết chữ (chân).

Mậu lâm lang Kim quang môn Đãi chiếu bề tôi là Tô Ngại vâng sắc viết chữ triện.

Bia dựng ngày 15 tháng 8 niên hiệu Hồng Đức thứ 15 (1484).

Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, 8 người:

DƯƠNG CHÂU 楊珠(2)người xã Lạc Thổ huyện Siêu Loại.

BÙI VIẾT LƯƠNG 裴曰良(3)người xã Dũng Tuyền huyện Nam Xương.

QUÁCH HỮU NGHIÊM 郭有嚴(4)người xã Phúc Khê huyện Thanh Lan.

HÀ CÔNG TRÌNH 何公程(5)người xã Tỉnh Thạch huyện Thiên Lộc.

LƯƠNG HỐI 梁誨(6)người xã Hà Lỗ huyện Đông Ngàn.

NGUYỄN ĐÔN PHỤC 阮敦復(7)người xã Tri Lễ huyện Thanh Oai.

ĐOÀN LẠN 段爛 (8)người xã Hồng Lục huyện Gia Lộc9.

PHẠM THỪA NGHIỆP 范承業(10)người xã Ngọ Kiều huyện Gia Lâm.

Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, 19 người:

NGUYỄN NHÂN THIẾP 阮仁浹(11)người xã Kim Đôi huyện Vũ Giàng12

NGUYỄN QUANG LỘC 阮光祿(13)người phường Đông Các huyện Thọ Xương.

NGUYỄN TẤT BỘT 阮必勃(14) người xã Lỗ Tông huyện Thạch Hà.

NGUYỄN NHÂN BỊ 阮仁被(15)người xã Kim Đôi huyện Vũ Giàng.

ĐỖ NHUẬN 杜潤(16)người xã Kim Hoa huyện Kim Hoa.

NGUYỄN VĂN THÔNG 阮文通(17)người xã Xuân Hy huyện Kim Hoa.

NGUYỄN CHƯƠNG 阮章(18)người xã Thiên Đông huyện Tiên Lữ.

NGUYỄN BÁ DUNG 阮伯榕(19) người xã Vũ Di huyện Bạch Hạc.

NGUYỄN CHẤN 阮震(20) người huyện Trường Tân.

BÙI KHẢN 裴侃(21)người xã An Khoái huyện Thanh Miện.

HOÀNG NHÂN BẢN 黃仁本(22)người xã Sơn Đồng huyện Đan Phượng.

LÊ THÚC CHẨN 黎叔縝(23)người xã Sơn Đông huyện Lập Thạch.

THÁI TẤT TIÊN 蔡必先(24)người xã Do Lễ huyện Hưng Nguyên.

NGUYỄN DOÃN TRUÂN 阮允屯(25)người xã Lực Hành huyện An Dương.

NGÔ LÔI 吳雷(26)người xã Phúc Khê huyện Đông Ngàn.

PHẠM DOANH 范瀛(27) người xã Khê Tang huyện Thanh Oai.

MẠC ĐỨC TUẤN 莫德濬(28)người xã Triền Hà huyện Bình Hà.

ĐÀO CỬ 陶舉(29)người xã Thuần Khang huyện Siêu Loại.

HÀ NGHIỄM 何儼(30)người xã Kim Hoa huyện Kim Hoa.

Đề điệu:

Sùng tiến Nhập nội Hữu Đô đốc kiêm Thái tử Thiếu bảo Lê Cảnh Huy.

Quyền Thượng thư Chính sự viện kiêm Cẩn Đức điện Đại học sĩ Thái tử tân khách Nguyễn Như Đổ.

Độc quyển:

Hàn lâm viện Thừa chỉ Nguyễn Trực, kiêm Cẩn Đức điện Đại học sĩ Nhập thị Kinh diên kiêm Tả xuân phường Thái tử Tả dụ đức Nguyễn Cư Đạo.

Hàn lâm viện Học sĩ, hành Hải tây đạo tuyên Chính sứ ty Tham tri kiêm Bí thư giám Học sĩ Vũ Vĩnh Trinh.

Giám thí:

Hàn lâm viện Đại học sĩ, quyền Ngự sử đài Ngự sử đại phu Trần Bàn.

Chú thích:

  1. Đàm Văn Lễ (1452-1505) người xã Lãm Sơn huyện Quế Dương (nay thuộc xã Nam Sơn huyện Quế Võ tỉnh Bắc Ninh, đỗ Tiến sĩ khoa Kỷ Sửu Quang Thuận thứ 10 (1469), làm quan triều Lê Thánh Tông đến chức Thượng thư Bộ Lễ kiêm Chưởng Hàn lâm viện sự, từng đi sứ sang nhà Minh. Sau khi Hiến Tông mất, ông cùng Nguyễn Quang Bật nhận di chiếu lập Túc Tông. Đến khi Uy Mục lên ngôi, ông bị biếm chức, điều đi làm Thừa chánh sứ Quảng Nam, trên đường đi, đến Nghệ An ông bị sứ giả của Uy Mục đuổi theo bắt phải chết, ông khẩu chiến một bài thơ rồi ung dung nhảy xuống sông Lam tự tử (1505).
  2. Dương Châu (1448-?) người xã Lạc Thổ huyện Siêu Loại (nay thuộc xã Song Hồ huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh). Ông làm quan Tri chế cáo, sau bị giáng xuống Hồng lô Tự thừa. Có sách ghi là Dương Như Châu.
  3. Bùi Viết Lương (?-?) nguyên quán xã Văn Lang huyện Ngự Thiên (nay thuộc xã Văn Lang huyện Hưng Hà tỉnh Thái Bình), trú quán xã Dũng Kim huyện Nam Xương (nay thuộc thị trấn Vĩnh Trụ huyện Lý Nhân tỉnh Hà Nam). Ông làm quan Thượng thư và từng được cử đi sứ (năm 1471) sang nhà Minh (Trung Quốc).
  4. Quách Hữu Nghiêm (1445-?) người làng Phúc Khê huyện Thanh Lan (nay thuộc xã Thái Phúc huyện Thái Thụy tỉnh Thái Bình). Ông làm quan Thượng thư Bộ Lại kiêm Đô Ngự sử và từng được cử đi sứ sang nhà Minh (Trung Quốc).
  5. Hà Công Trình (1437-?) người xã Tỉnh Thạch huyện Thiên Lộc (nay thuộc xã Hậu Lộc huyện Can Lộc tỉnh Hà Tĩnh). Ông giữ các chức quan, như Tế tửu Quốc tử giám, Thượng thư Bộ Công, Thượng thư Bộ Hình, Thượng thư Bộ Binh, Nhập thị Kinh diên.
  6. Lương Hối (?-?) người xã Hà Lỗ huyện Đông Ngàn (nay thuộc xã Liên Hà huyện Đông Anh, Tp. Hà Nội). Ông từng làm quan Vương phó (thày dạy học các vương tử).
  7. Nguyễn Đôn Phục (?-?) người xã Tri Lễ huyện Thanh Oai (nay thuộc xã Tân Ước huyện Thanh Oai tỉnh Hà Tây). Ông làm quan Tả Thị lang kiêm Đông các Đại học sĩ và được cử đi sứ (năm 1474) sang nhà Minh (Trung Quốc).
  8. Đoàn Lạn (?-?) người xã Hồng Lục huyện Trường Tân (nay thuộc xã Tân Hưng huyện Gia Lộc tỉnh Hải Dương). Ông làm quan Thừa tuyên sứ và từng được cử đi sứ sang nhà Minh (Trung Quốc).
  9. Đời Lê sơ chưa có tên huyện Gia Lộc. Huyện này, đời Lý-Trần và đầu đời Lê sơ là huyện Trường Tân thuộc châu Hạ Hồng. Năm Quang Thuận thứ 10 (1469) đời Lê Thánh Tông, khi lập Nam Sách thừa tuyên, huyện Trường Tân đổi tên là huyệnGia Phúc thuộc phủ Hạ Hồng. Đời Tây Sơn, kiêng chữ Phúc (chữ họ Nguyễn Phúc của các chúa Nguyễn), đổi là huyện Gia Lộc. Tên huyện từ đó không thay đổi. Nay là huyện Gia Lộc tỉnh Hải Dương.
  10. Phạm Thừa Nghiệp (?-?) nguyên quán xã Ngọ Cầu huyện Gia Lâm (nay thuộc xã Như Quỳnh huyện Văn Lâm tỉnh Hưng Yên), trú quán xã Lâm Hạ (nay thuộc phường Bồ Đề quận Long Biên Tp. Hà Nội). Ông làm quan Đô Ngự sử và từng được cử đi sứ sang nhà Minh (Trung Quốc).
  11. Nguyễn Nhân Thiếp (1452-?) người xã Kim Đôi huyện Vũ Ninh (nay thuộc xã Kim Chân huyện Quế Võ tỉnh Bắc Ninh), trú quán xã Lạc Thổ huyện Đan Phượng (nay thuộc huyện Đan Phượng tỉnh Hà Tây). Ông làm quan Thượng thư Bộ Lại.
  12. Tên đời Lê sơ: Huyện Vũ Ninh.
  13. Nguyễn Quang Lộc (1418-?) người phường Đông Các huyện Vĩnh Xương (nay thuộc quận Ba Đình Tp. Hà Nội). Sự nghiệp của ông chưa rõ.
  14. Nguyễn Tất Bột (1439-?) người xã Tông Lỗ huyện Thạch Hà (nay thuộc huyện Thạch Hà tỉnh Hà Tĩnh). Ông giữ các chức quan, như Phủ doãn phủ Phụng Thiên, Hữu Thị lang.
  15. Nguyễn Nhân Bị (1448-?) người xã Kim Đôi huyện Vũ Ninh (nay thuộc xã Kim Chân huyện Quế Võ tỉnh Bắc Ninh). Ông làm quan đến Thượng thư Bộ Binh và từng được cử đi sứ sang nhà Minh (Trung Quốc).
  16. Đỗ Nhuận (1446-?) người xã Kim Hoa huyện Kim Hoa (nay thuộc xã Kim Hoa huyện Mê Linh tỉnh Vĩnh Phúc). Ông làm quan Thượng thư, Đông các Đại học sĩ và được vời vào hoàng cung dạy học cho vương tử. Vua Lê Thánh Tông phong cho ông làm Tao Đàn phó nguyên soái, mời dự các buổi bình thơ của vua.
  17. Nguyễn Văn Thông (?-?) người xã Xuân Hy huyện Kim Hoa (nay thuộc xã Phúc Thắng huyện Mê Linh tỉnh Vĩnh Phúc). Ông làm quan Thượng thư kiêm Đông các Học sĩ.
  18. Nguyễn Chương (1436-?) người xã Thiên Đông huyện Tiên Lữ (nay thuộc xã Dị Chế huyện Tiên Lữ tỉnh Hưng Yên). Ông làm quan Đô Ngự sử.
  19. Nguyễn Bá Dung (?-?) người xã Vũ Di huyện Bạch Hạc (nay thuộc xã Vũ Di huyện Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Phúc). Ông làm quan Hàn lâm viện Hiệu thảo.
  20. Nguyễn Chấn (?-?) người huyện Trường Tân (nay thuộc huyện Tứ Kì tỉnh Hải Dương). Ông làm quan Đô Cấp sự trung.
  21. Bùi Khản (?-?) người làng An Khoái huyện Thanh Miện (nay thuộc xã Tứ Cường huyện Thanh Miện tỉnh Hải Dương). Ông làm quan Đô Cấp sự trung.
  22. Hoàng Nhân Bản (1444-?) người xã Sơn Đồng huyện Đan Phượng (nay thuộc xã Sơn Đồng huyện Hoài Đức tỉnh Hà Tây). Ông làm quan Hiến sát sứ và từng được cử đi sứ.
  23. Lê Thúc Chẩn (1435-?) người xã Sơn Đông huyện Lập Thạch (nay thuộc xã Sơn Đông huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Phúc). Ông làm quan Đô Ngự sử.
  24. Thái Tất Tiên (1435-?) người xã Do Lễ huyện Hưng Nguyên (nay thuộc xã Hưng Tân huyện Hưng Nguyên tỉnh Nghệ An). Ông làm quan Tham chính.
  25. Nguyễn Doãn Truân (1439-?) nguyên quán xã Trung Hành huyện An Dương (nay thuộc xã Đằng Lâm huyện An Hải Tp. Hải Phòng), trú quán xã Hà Nội huyện Kim Thành (nay thuộc huyện Kim Thành tỉnh Hải Dương). Ông từng làm quan Hữu Thị lang.
  26. Ngô Lôi (?-?) người xã Phù Khê huyện Đông Ngàn (nay thuộc xã Phù Khê huyện Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh). Sau ông đổi sang ngạch quan võ, thăng đến Tổng binh Thiêm sự và được cử đi sứ.
  27. Phạm Doanh (?-?) người xã Khê Tang huyện Thanh Oai (nay thuộc xã Cự Khê huyện Thanh Oai tỉnh Hà Tây). Ông làm quan Tả Thị lang.
  28. Mạc Đức Tuấn (?-?) người xã Mặc Thư huyện Bình Hà (nay thuộc xã Liên Mạc huyện Thanh Hà tỉnh Hải Dương). Ông làm quan Thượng thư.
  29. Đào Cử (1499-?) người xã Thuần Khang huyện Siêu Loại (nay thuộc huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh). Ông làm quan đến Thượng thư Bộ Hộ kiêm Sùng văn quán Tú lâm cục.
  30. Hà Nghiễm ( ?-1474) người xã Kim Hoa (nay thuộc xã Kim Hoa huyện Mê Linh tỉnh Vĩnh Phúc). Ông làm quan đến Tả Thị lang Bộ Lại.

Tin tức liên quan

Trở lại bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

logo-honinh-trang

Website honinh.com giới thiệu những giá trị lịch sử – văn hóa – xã hội giàu tính nhân văn, góp phần tôn vinh, chia sẻ những giá trị cao đẹp trong cộng đồng  dòng họ Ninh và những người quan tâm, đặc biệt là giới trẻ.

DANH MỤC

 All Right Reserved. Designed and Developed by honinh.com