Trang chủ Khảo cứu Thơ văn nói về tổ nghề mộc Ninh Hữu Hưng – Tác giả: Dương Văn Hòe

Thơ văn nói về tổ nghề mộc Ninh Hữu Hưng – Tác giả: Dương Văn Hòe

đăng bởi Ninh Quang Thăng
0 nhận xét

Lời tựa:

Tập sách có tên”thơ văn chữ Hán nôm nói về tổ nghề mộc Ninh Hữu Hưng” này viết việc ông Ninh vốn là người theo Đinh Bộ Lĩnh từ lúc mới khởi quân, làm tướng Tiên phong. Khi dẹp xong các sứ quân cá cứ lãnh thổ, thống nhất cương vực, tự ông Đinh đặt Quốc hiệu, lên ngôi hoàng đế; sai Nguyễn Bặc, Phùng Gia khảo sát vùng đất làng Lau rộng lớn ở phía đông Chi Phong năm 968, rồi lại xem năm 969 xây dựng tới năm 971 thì tạm ổn định, đặt tên kinh đô là Hoa Lư (làng Lau). Việc xây dựng này, người chỉ đạo làm là bọn Nguyễn Bặc; người cắt gỗ lắp đặt là bọn Ninh Hữu Hưng; vẽ kiểu mẫu là vợ của ông Ninh. Trong cuộc chống Tống, ông Ninh, Phùng gia, ông Nguyễn được cử giữ thành. Khi nội loạn, ngoại xâm yên cả, vua Lê sai ông mở rộng kiến trúc, sửa lại kinh đô, rồi được vua cho ông theo đi tịch điền. Trên đường trở lại kinh, vua bố trí cho ông ở lưu vực sông Sắt (Kim Xuyên) sửa đền thờ cá tướng con vua Hùng, Bà Trưng rồi lập ấp truyền nghề tại đó.

Thời Lý, vua Công Uẩn ra Thăng Long, cháu ông là Ninh Khắc Viễn đã cùng anh em ra dựng Bạc thành và đô Thăng Long. Vì tiếng ấy được vua Lý phong ông là “Lão La đại thần tiên sư”, trở thành người truyền nghề mộc và thôi thúc đến cực thịnh. Từ thời Lý đến thời Lê Trịnh, đã có tới 28 làng có tên Ninh. Hậu duệ đã sang Bắc quốc làm nghề mà trong các gia phả chi họ Ninh, họ Đinh, họ Nguyễn đã chép rõ (họ Đinh, họ Nguyễn có gốc họ Ninh).

Qua nhiều năm đội gió mưa khai thác, số văn tự Hán – Nôm đã sưu tầm biên dịch được, chỉ là một phần đã biết, riêng phần ở tại đền Ninh Xá là do ông Dương Văn Vượng đã làm cách đây hơn 20 năm, tôi chỉ chép lại, gộp vào cho các học giả tiện việc đối chiếu. Phần tôi làm có 20 bài thì chép lại của các ông Bùi Đức Bồng, Bùi Đức Hân, Phạm Văn Phổ (Cháu ông Phổ là ông Đản), Vũ Văn Uyên, Chánh Xuân, Đỗ Úc, chị em ông Nguyễn Quang Tuệ, Thừa Lộc, Đỗ Trung Hới (xem chi tiết ở từng bài). Thực ra, không chỉ có thế, nhưng do hạn hẹp mọi mặt nên tạm bằng lòng vậy!

Phần dịch nghĩa chú thích, tôi đã nhờ cụ Ninh Đức Thái, thôn Ninh xá Thượng, xã Yên Ninh, huyện Ý Yên, xem xét, qua tay ông Phùng Xuân Yến thôn An Cừ hạ, xã Yên Bình, cùng huyện đóng góp ý kiến. Xin đặc biệt cảm ơn! Lại cũng xin chân thành cảm ơn các vị đã cung cấp tư liệu, hòng làm rõ hơn về lịch sử ông Ninh, tổ nghề thợ mộc ở thế kỷ thứ X. Việc dịch nghĩa, dịch thơ, chú thích, tôi đã cố gắng giữ gìn ý chính, song do học vấn non kém, tất còn nhiều chỗ sai sót, mong các quý vị cao minh rủ lòng tha thứ và vui vẻ chỉ bảo, để khi có điều kiện sẽ sửa đổi được tốt hơn. Ngõ hầu bảo lưu vốn văn tự có ý nghĩa, không bị mai một được hiệu quả!

Ngày 1-5-2011

Dương Văn Hòe

Bài 1: Ninh xá mộc tượng tổ từ

1
寧舍木匠祖祠
泰黎先帝寓於匠斯
妻子咸來建屋居
芝色諸人同應補
鐵林本處力匡扶
木工自此興營造
巧藝他方亦富餘
聞道遷都從李主
萡城誰战大江區

Phiên âm:

Phụng Lê Tiên đế ngụ ư tư

Thê tử hàm lai kiến cốc cư

Chi ấp chư nhân đồng ý phụng

Thiết Lâm bản xứ lực khuông phù

Mộc công tự thử hưng doanh tạo

Xảo nghệ tha phương việc phúc dư

Văn đạo thiên đô tòng Lý chủ

Bạc thành thùy thức, Đại giang khu.

Dịch nghĩa: 

Đền thờ tổ nghề mộc Ninh xá(*)

Vâng mệnh Lê Tiến đế ngụ lại ở chốn này

Cùng đi có cả vợ con dựng nhà cư trú(1)

Mọi người ở làng Chi cũng ra sức giúp đỡ và dân bản xứ Thiết Lâm lại gắng sức phù trì(2)

Thế rồi nghề mộc từ ấy được mở mang khéo léo, người đi xa ra ngoài kiếm việc làm cũng giàu có.

Nghe nói thời vua Lý dời đô cũng nhiều người đi theo tới Bạc thành trên khu đất Đại giang. (3)

Dịch thơ:

Vâng mệnh vua Lê ở chốn này

Bầu đoàn thê tử có nhà đây

Thiết Lâm bản hạt đều quay lại

Chi ấp quê xưa cũng đến ngay

Thợ mộc từ nay thêm thịnh đạt

Tay nghề đất khách cũng hăng say

Lý hoàng thưở trước dời đô mới

Mời ngụ thành sông mấy kẻ hay?

Chú thích: 

*Bài thơ của Lương Thế Vinh, ông người xã Cao Hương huyện Thiên Bản, đỗ Trạng Nguyên năm Quang Thuận thứ 4(1463), quan Hàn Lâm viện thị giảng. Bài chép trong sách Sơn Nam thuật dị truyện của Vũ Huy Trác, do gia đình cụ Bùi Đức Bồng, xã Tam Đăng, huyện Đại An lưu giữ.

(1). Ninh Xá: Nay là tên thôn, thuộc xã Yên Ninh, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Ở đó có 2 làng Ninh Xá, La Xuyên (Cùng xã Yên Ninh, tỉnh Nam Định) đều thờ ông Ninh với hiệu là Lão La đại thần, xem phần sự tích).

2. Thiết Lâm: Cả vùng xã Yên Ninh hiện nay

3. Bạc thành: Nay thuộc đất Phú Thượng thuộc quận Tây Hồ, thủ đô Hà Nội. Nơi này còn có tên bến Bạc, bến đỗ thuyền của vua quan nhà Lý dời Hoa Lư khi mới đến đất Thăng Long. Bài của Vũ Huy Trác:

Ngã văn giang bạn hữu thuyền lai

Lý tổ sơ cư bất phóng hoài

Nhật mộ chí tham niên hựu lão

Vị cưu quốc sự thượng bồi hồi

Dịch nghĩa:

Tôi nghe Lý tổ  mới ra đây

Thuyền đỗ bến sông tại chốn này

Chiều xuống bận lo cho cho quốc sự

Già rồi muốn đến khó khăn thay

(Xem thêm chú thích bài Hoa lư cố kinh ở dưới).

Bài 2: Hoa Lư cố kinh hữu cảm (*)

花閭故京有感
先者何人?定都
丁皇始設一前基
金銀有庫粧宮室
林輦為樑巧藝鋪
此日寧公宮鑒察
當時阮將?規模
風中花草從南伏
兆賊將侵不早圖

Phiên âm:

Tiên giả hà nhân nghĩ định đô

Đinh hoàng thủy thiết nhất tiền cơ

Kim ngân hữu khố trang cung thất

Lâm liền vi lương xảo nghệ phô

Thử nhật Ninh công quan giảm sát

Đương thời Nguyễn tướng hoạch quy mô

Phong trung hoa thảo tòng nam phục

Bắc tặc tướng xâm bất tảo đồ

Dịch nghĩa: 

Cảm xúc nhân tới kinh đô cũ Hoa Lư

Từ trước có ai nghĩ việc định đô ở đây, chỉ có vua Đinh xây dựng cơ sở là đầu.

Vàng bạc có kho dùng để điểm tô cung thất, còn rường cột thì dùng lim, nghiến để khoe nghề khéo.

Khi ấy ông Ninh công làm nhiệm vụ giám sát, còn Nguyễn tướng thì vạch ra quy cách! (1)

Nay trong làn gió, cỏ hoa đều nằm rạp theo hướng nam cả, bọn giặc phương Bắc sắp sang đến nơi rồi sao chẳng sớm liệu đi.

Dịch thơ:

Từ trước nào ai nghĩ định đô?

Đinh hoàng mới tới dựng cơ đồ

Bạc vàng dự trữ đem trang sức

Lim nghiến đem về sẵn điểm tô

Ngày ấy Ninh công quan giám sát,

Bấy giờ Nguyễn tướng vạch quy mô.

Cỏ hoa theo gió về nam rạp

Giặc Bắc này mai sớm liệu cơ!

Chú thích: 

Bài này của Đặng Thụy khi cùng vợ về đất Hoa Lư. Đặng Thụy (1649 – 1735). Ông còn có tên là Đình Tướng, Đình Nhị, tên hiệu là Trúc Trai, tước Ưng Quận công, người xã Lương xá, huyện Chương Đức (nay là Chương Mỹ), đỗ tiến sỹ năm Cảnh Trị thứ 8(1670). Bài do Tri huyện Vụ Bản Vũ Duy Đệ, chép trong sách Vũ gia thuật cổ chí. Sách do Bùi Đức Hân xã An Trung, huyện Đại An lưu giữ. 

Cũng theo Đăng Thụy thì Ninh Hữu Hưng đã phò Đàm Thụy Hoa là em của Thái hậu về quê ở đất An Biện (nay thuộc xã Mỹ Thắng, Mỹ Lộc, Nam Định).

(1). Giám sát: Tức Công tượng lục phủ giám sát đại tướng quân, xem thần tích đền Ninh Xá ở dưới.

Nguyễn tướng: Định quốc công Nguyễn Bặc.

Bài 3: Tầm vấn Chi Phong Ninh gia, thỉnh ký thủy mạt(*)

尋問芝封寧家請記始末
春游請問寧家
芝封住色自何方臨
土豪寧遠州尋
荒年易度深林不還
應五代至鑒官
奉導建造亦安身形
史書錯簡無評
我將直筆郰呈後人

Phiên âm:

Xuân du thỉnh vấn Ninh gia

Chi Phong trú ấp tự hạ phương lâm

Thổ hào Ninh Viễn châu tầm

Hoang niên dịch độ thâm lâm bất hoàn

Lịch ngũ đại chí giám quan

Phụng tuân kiến tạo diệc an thân hình

Sử thư thác giản vô bình

Ngã tương trực bút liêu trình hậu nhân.

Dịch nghĩa: 

Tìm đến nhà họ Ninh ở Chi Phong, xin ghi chép đầu đuôi sự việc

Mùa xuân đi chơi hỏi đến việc họ Ninh ở đâu tới đất Chi Phong

Vốn là thổ hào tại châu Ninh Viễn, do mất mùa dịch độ đến khu rừng này rồi không về cựu quán

Đến ông Ninh làm Giám quan ở đây là 5 đời.

Vâng mệnh xây dựng đô ấp cũng được yên lành

Mà sử thư thì lẫn lộn sao ấy không nhắc đến

Thôi thì tôi dùng ngọn bút ngay thẳng viết ra để nhắc nhở người sau.

Dịch thơ: 

Chơi xuân tìm hỏi Ninh gia

Chi Phong làng ấy có nhà tại sao

Quê châu Ninh Viễn thổ hào

Mất mùa dịch độ tìm vào rừng sâu

Năm đời giám sát chưa lâu

Dựng đô phụng mệnh cũng hầu yên thân

Sử thư lẫn lộn lời văn

Xin đem trực bút gợi phần sau xưa.

Chú thích: 

(*) Bài thơ của Hồ Gia Tân viết trong sách Ninh gia lịch đại chí do Phạm Văn Phổ, Tam Đăng, Đại An chép lại. Hồ có hiệu là Thọ Mai, người xã Hoàn Hậu, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, đỗ tiễn sĩ năm Bảo Thái thứ 2(1721), quan hàn lâm thị chế. Ông viết trong dịp ra thăm họ Lê ở xã Yên Dương, huyện Ý Yên.

Nguyên chú: (Hồ Gia Tân 1690 – 1760). Bài của Lê Hữu Danh. Hữu Danh hiệu là Xuân Am người Văn Xá, huyện Đường Hào, đỗ Hoàng Giáp năm Cảnh Trị 8(1670) quan đến Hiến sát sứ phủ Kinh Bắc. Vịnh về ông Ninh Hữu Hưng:

Đinh hoàng hữu Ninh tướng

Tả hữu dùng Phụng công, 

Điền thị dữ Đàm Thị

Ư Tây hựu ư Đông,

Kiến đô thành bất dị sự tại khởi vô công.

Sơn giác nhân do niệm, hà ưu khí tổ tông.

Dịch:

Vua Đinh có Ninh tướng

Giúp đỡ còn Phùng công

Điền thị với Đàm thị

Bên Tây cùng bên Đông

Dựng đô thành chẳng dễ

Việc ấy há không công

Xó núi người còn nhớ

Lo gì bỏ tổ tông!

Bài số 4: Xuân nhật bái Ninh Xá phúc thần miếu

春日拜寧舍福神廟
四散無回拜祖居
祖家目下一蕉墟
後移鉄岸留祠所
前日荒坟認廟基
千載何人來採省
五方施藝或精粗
政和美字黎皇贈
拽火相傳莫話虛

Phiên âm: 

Tứ tán vô hồi bài tổ cư

Tổ gia mục hạ nhất tiêu khư

Hậu di Thiết Ngạn lưu từ sở

Tiền nhật hoang phần nhận miếu cơ

Thiên tài hà nhân lai thám tỉnh

Ngũ phương thi nghệ hoặc tinh thô

Chính Hòa mỹ tự Lê hoàng tặng

Duệ tỏa hương truyền mạc thoại hư!

Dịch nghĩa: 

Ngày xuân đến lễ miếu phúc thần đất Ninh xá

Đi tản cư khắp nơi không quay về lễ tại nơi thờ tổ, trước mắt nhà tổ chỉ là một khu vườn chuối

Sau khi dời quê cũ thì về Thiết Ngạn còn có đền thờ,

Xưa kia đã do nơi mồ cũ mà nhận ra nền miếu. 

Trải qua ngàn năm có ai thăm viếng, người đi mọi phương trời làm nghề dù khéo dù không.

Thời Chính Hòa vua Lê đã ban mỹ tự khen ngợi

Nơi đây có tục kéo lửa truyền đến ngày nay chớ bảo rằng chuyện hư hão.

Dịch thơ:

Tán bốn phương trời quên đất tổ

Mắt nhìn vườn chuối chốn nhà đây

Dời ra Thiết Ngạn còn đền đó

Đám cỏ mồ hoang chỉ miếu này

Ngàn thuở có ai thăm đền nữa

Năm phương nghề thợ sống lâu nay

Chính Hòa chữ đẹp vua Lê tặng

Kéo lửa người xem luống nói hay.

Chú thích:

*). Bài thơ của Hồ Phi Tích: Ông người xã Hoàn Hậu, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, đỗ Hoàng giáp niên hiệu Chính Hòa 21(1700), quan hình bộ thượng thư, tước Quỳnh quận công. Bài do Phạm Văn Phổ, Tam Đăng, Đại An, chép trong Ninh gia lịch đại chí của Hồ Gia Tân.

Nguyên chú: Ông Ninh là người khởi xướng dựng đền thờ Nguyễn Bặc ở Đông thành (thời Lê Trịnh đổi ra thành Mỹ, nay là Ninh Mỹ, Hoa Lư, Ninh Bình). Bài của Vũ Vĩnh Trinh, đỗ khoa Minh kinh năm Kỷ Dậu(1429) quan Hàn lâm Đại học sỹ, quê ở An Cự, Thiên Bản:

Thử thị Ninh công tạo thử từ

Nguyễn Phùng nhị vị bản thê cư

Nghĩa: Đền bởi Ninh công khởi dựng lên, Nguyễn Phùng quê vợ dám dâu quên, Thạch thành tú ngực tôn xưng hiệu, Công với Tiên hoàng thật đáng nên).

Xem thêm chú thích bài: “Ngày đông mặc bệnh dừng lại ở chợ Dền của Đỗ Thế Giai trong tập này và các bài khác.

Bài số 5: Đông nguyệt ngộ bệnh trú Dền thị

冬日遇病住㕓市
丁帝黎皇住此都
阮公始進號花閭
先成大殿三三簇
後造圍官九九廡
寧將鑒工連日作
田尼置景四時書
小修雙廟前觀在
北決牢扃不可無

Đinh đế, Lê hoàng trú thứ đô

Nguyễn công thủy tiến hiệu Hoa Lư

Tiên thành đại điện tam tam thốc

Hậu tạo vi cung cứu cửu vu

Ninh tướng giám công liên nhật tác

Điền ni trí cảnh tứ thời thư

Tiểu tu song miếu tiền quan tại

“Bắc khuyết lao quynh” bất khả vô.

Dịch nghĩa: 

Ngày đông mắc bệnh dừng lại ở chợ Dền

Hai vua Đinh, Lê từng đóng đô trên đất này

Ông Nguyễn(1) đã dâng lên hiệu là Hoa Lư

Ban đầu xây chín ngôi đại điện, rồi sau lại tạo thêm tám mươi mốt tòa vi cung

Quan giám sát là vị tướng họ Ninh suốt ngày làm việc, còn sư nữ họ Điền thì quanh năm vẽ hình tượng(2)

Nay trước mắt chỉ có hai khu miếu còn có chữ “Bắc khuyết lao quynh” không thể không quan tâm đến. (3)

Dịch thơ: 

Đinh đế Lê hoàng đóng tại đây

Hoa Lư, Nguyễn tướng đặt tên này

Ban đầu đại điện ba, ba nóc

Rối tiếp vi cung chín, chín vây

Giám sát Ninh công liên tục dựng

Điền ni vẽ cảnh cũng liền tay

Sửa qua còn lại hai khu miếu

“Cửa Bắc gài then” nhớ mỗi ngày.

Chú thích: 

*: Bài thơ của Đỗ Thế Giai (1709-1766). Người xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Quan dưới triều Lê (Hoàng Diệu – Hà Nội trung hưng chí, Bùi Đức Bồng thôn Tam Quang xã Yên Thắng, Ý Yên lưu giữ)

  1. Nguyên chú: Nguyễn Bặc cùng các quan Ninh Hữu Hưng, Phùng gia, Điền ni, Đàm ni, Cao Mộc quản lý xây dựng Hoa Lư thành.
  2. Theo sách Hoa Lư thành ký chí của Phan Đình Hòe (Người giữ sách là ông Thừa Lộc Hành Thiện, Xuân Hồng, Xuân Trường, Nam Định) thì ông Phùng gia là người đi khảo sát địa bàn và tham gia xây dựng. Lần đầu năm 968, thứ 2 năm 969, thứ ba năm 971. 

Ông Phùng Gia nay còn mộ ở thôn Bườm, xã Mỹ Thắng, huyện Mỹ Lộc, Nam Định. Tại mộ có câu đối: Nhất thống dư đồ, định đỉnh Mậu Thìn tam tá mệnh – Trùng doanh miếu vũ long phi Canh Ngọ ngũ niên xuân. Và câu: Lư địch thôn đầu dư cố lũy, tùng thu lăng thượng khới tân đài. Tại đây còn đền thờ Đàm thái hậu, Phùng gia, Cao Mộc…

3. Cũng theo Phan Đình Hòe thì cổng trước to hơn có chữ “Bắc khuyết lao quynh” đến thời Nguyễn mới đối ra chữ “Bắc môn tỏa thược”. Nghĩa các chữ này đều là chú trọng đến cửa phía Bắc. Bài Cảnh thế vịnh của Phan: Tự cổ lai xâm thị Bắc phương, Bắc phương tiên triệu nhật phương cường. Tây nhân bất cửu hồi Tây cảnh, Chỉ yếu gia tình quốc thế chương. (Từ xưa kẻ cướp đều quân Bắc, Quân Bắc nay mai thế mạnh lên, Chẳng mấy người Tây về hết cả, Tình nhà thói nước chớ nên quên).

Bài số 6: Hoa Lư cố kinh hữu cảm

花閭故京有感
花閭此日有閭無
事事傳來哭災鋪
草野使君平亦易
帝皇稱始理何子
牧牛難辦興裏義
聚眾渄關善惡徒
丁將寧公嫌棄直
范官楊女信之乎

Hoa Lư thử nhật hữu lư vô

Sự sự truyền lại khốc tiếu phô

Thảo dã sứ quân bình diệc dị

Đế hoàng xưng thủy lý hà cô

Mục ngưu nan biện hưng suy nghĩa

Tụ chúng phi quan thiện ác đồ

Đinh tướng, Ninh công hiềm khí trực

Phạm quan, Dương nữ tín chi hồ.

Dịch nghĩa: 

Cảm xúc qua đất cố kinh Hoa Lư

Đất làng hoa ngày ấy có làng không

Việc việc truyền lại cười khóc có đủ cả

Nếu nói dẹp các sứ quân cỏ rác dễ thôi, nhưng việc xưng hiệu hoàng đế ban đầu phải nói là lý đúng được nhiều tán thưởng.

Trẻ chăn trâu không chia chỉ được lẽ hưng suy tụ hội người thì không phân biệt được kẻ dữ lành.

Lại hiềm với Đinh tướng, Ninh công mà tin theo bọn Phạm quan, Dương nữ (1).

Dịch thơ:

Làng Hoa thuở ấy có làng không

Cười khóc nghe ra cũng chạnh lòng

Cỏ rác sứ quân đành dễ dẹp

Đế xưng hiệu mới thật anh hùng

Dữ lành tụ cả, quân ô hợp

Suy thịnh không lo: lũ mục đồng

Đinh tướng, Ninh công , ruồng bỏ ý

Phạm quan, Dương nữ, lại tin dùng!

Chú thích: 

* Bài của Vũ Huy Trác, Vũ người xã Lộng Điền, huyện Đại An, đỗ Tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Nhâm Thìn (1772) đời Lê Hiển Tông, quan Hàn Lâm viện thị giảng, Lễ bộ tả thị lang kiêm Quốc tử giám Tu nghiệp, có nhiều tác phẩm viết về lịch sử bản quốc. Bài này của ông Vũ Văn Uyên, xóm Dinh, xã Yên Đồng cung cấp.

Nguyên chú: Người giúp việc dựng cung điện ở Hoa thành ngoài Ninh công còn có Phùng công ở An Biện, Nguyễn công ở Đồi Tam. Bài viết về Phùng công của Đinh Mùi khoa (1487) nhị giáp tiến sĩ xuất thân, người Phùng Xá, Ý Yên, tên là Đinh Trung Thuần: Cử gia thế tử phụ Đinh hoàng, Thập đạo quyền uy bất khả đương; Úy họa Biện hương xu bộ phản; Bảo thân cố quán dĩ tàm tang. (Cả nhà lớn bé giúp vua Đinh, Thập đạo uy quyền cũng đáng kinh, sợ vạ lánh thân về đất Biện, Dâu tằm cố quán cũng yên lành).

1. Đinh tướng: chỉ bọn Đinh Điền; Ninh công: chỉ bọn Ninh Hữu Hưng; Phạm quan: chỉ bọn Phạm Cự Lượng; Dương nữ: chỉ bọn Dương Vân Nga; Ở đây ví rằng người trung thực thì không tin mà lại tin dùng kẻ đầu cơ trục lợi, gian ác.

 

(Còn tiếp…)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin tức liên quan

Trở lại bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

logo-honinh-trang

Website honinh.com giới thiệu những giá trị lịch sử – văn hóa – xã hội giàu tính nhân văn, góp phần tôn vinh, chia sẻ những giá trị cao đẹp trong cộng đồng  dòng họ Ninh và những người quan tâm, đặc biệt là giới trẻ.

DANH MỤC

 All Right Reserved. Designed and Developed by honinh.com