Trang chủ Chi pháiCôi Trì - Trung Đồng Huyền Quang, Điểm Bích và bài thơ “Vân Bích Nương” của Ninh Tốn

Huyền Quang, Điểm Bích và bài thơ “Vân Bích Nương” của Ninh Tốn

đăng bởi Ninh Quang Thăng
0 nhận xét

Vào thế kỷ XII, ở Việt Nam có 3 Thiền phái: Thảo Đường, Vô Ngôn Thông, Tì Ni Đa Lưu Chi. Sau đó, 3 phái này hợp nhất thành Thiền phái Yên Tử. Vua Trần Nhân Tông là người lập ra Thiền phái Trúc Lâm tiếp nối của Thiền phái Yên Tử. Chính vì vậy Thiền phái Trúc Lâm còn được gọi là Trúc Lâm Yên Tử.

3 vị Tổ đầu của Thiền phái Trúc Lâm (Trúc Lâm Tam Tổ) là Phật hoàng Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang.

Huyền Quang tên thật là Lý Đạo Tái (1254 – 1334) là người đỗ Trạng nguyên khoa thi 1272. Ông là một Đại Thiền sư  cùng với Phật hoàng Trần Nhân Tông và Pháp Loa được xem là ngang hàng với 6 vị Tổ của Thiền Tông Trung Hoa và 28 vị Tổ của Thiền Ấn Độ. Ông cũng là một nhà thơ lớn với nhiều bài thơ lưu truyền đến ngày nay.

Có một truyền thuyết về Huyền Quang (với nhiều dị bản) liên quan đến 1 giai nhân là nàng Điểm Bích:

Hồi bấy giờ vua Trần Anh Tông mới lên ngai vàng.Thấy vị Tổ Trúc Lâm là một người cón ít tuổi,Vua không tin là có thể chịu đựng nổi sự diệt dục khổ hạnh. “Cứ đưa đến một cô gái đẹp, nhất định thế nào thầy cũng sa ngã”. Nghĩ vậy, Vua có ý định thử xem đạo đức của vị sư trẻ tuổi này như thế nào. Vua cho triệu Huyền Quang về kinh làm lễ cầu siêu và khi sư trở về chùa, Vua sai ban cho 10 lạng vàng để đền công khó nhọc.

Thế rồi, Vua cho một cung nữ nhan sắc xinh đẹp tên là Điểm Bích, tìm cách đến chùa, nơi Huyền Quang trụ trì, bảo phải quyến rũ cho bằng được. Vua còn dặn Điểm Bích phải làm sao lấy ở sư thầy ít nhất là một lạng vàng đưa về làm tang chứng.

Một đêm Huyền Quang đang nghỉ trong thiền trai thì chú tiểu đưa vào một cô gái (là nàng Điểm Bích đóng giả) và nói rằng cô gái này vừa bị cướp đuổi. Nàng khóc sướt mướt và xin nhà chùa cho ở trọ lại qua đêm và Huyền Quang không thể từ chối được. Theo lệnh Huyền Quang, chú tiểu sắp xếp cho nàng một chỗ nghỉ ở phía ngoài thiền trai.

Sự  việc vừa xảy ra làm cho Huyền Quang thấy trong lòng không được yên tĩnh. Nhà sư để cho chú tiểu đi nghỉ, rồi giở quyển kinh ra tụng niệm mãi tới khuya. Sắp sửa đặt lưng xuống giường, sư lại nghe tiếng khóc của người đàn bà và khi hỏi chuyện thấy người này muốn xin được vào nằm phía trong vì ở ngoài không ngăn được sự sợ hãi. Bất đắc dĩ, Huyền Quang cho người đàn bà vào ở chỗ tiếp khách, còn mình thì lui vào trai phòng khóa cửa lại.

Nhưng vừa chợp mắt đi được một lúc, đã lại nghe tiếng khóc mỗi lúc càng nỉ non ở phía bên ngoài. Nhà sư ngồi dậy, cầm lấy tràng hạt và quyển kinh. Nhưng khi bước ra khỏi trai phòng, qua ánh đèn dầu le lói thấy người đàn bà nằm lõa lồ trên bộ ván. Nhà sư bước vội trở vào và quyết định ngồi trên giường tụng niệm cho tới sáng để tránh sự cám dỗ. Không ngờ giữa lúc những tiếng tụng niệm vừa cất lên thì Điểm Bích ở đâu đã sán lại ngồi bên cạnh, nói những câu cảm ơn nhưng lại xen vào nhiều lời khêu gợi.

Biết người đàn bà này đến đây có mục đích không lương thiện, Huyền Quang liền nghiêm nét mặt lại:

–   A-di-đà-Phật, Nàng là ai? Tại sao tìm đường vào đây để quấy rối những người tu hành? Nếu không mau mau cải tà quy chính, ta sẽ hô hoán lên cho mọi người đến cầm lá dắt ra khỏi Thiền viện.

Thấy Huyền Quang không phải là hạng người dễ quyến rũ, Điểm Bích đành phải thay đổi thái độ. Nàng chuyển sang bộ mặt rầu rĩ và bịa ra câu chuyện để gợi lòng trắc ẩn:

-Thiếp vốn là con nhà thế phiệt. Bố thiếp làm quan một huyện ở vùng biển. Nhân đi thu thuế nhưng không ngờ bị bọn cướp đường lấy mất cả. Quan trên thương tình cho khất đến cuối năm. Hiện nay bố thiếp thu góp tư trang mới được chừng một nữa. Bởi vậy thiếp phải đi khắp đó đây xin các nhà từ thiện, kẻ ít người nhiều để bù vào số thiếu. Dám xin Hòa thượng mở lượng hải hà cứu vớt lấy bố thiếp và cả nhà thiếp.

Huyền Quang cảm động, nói:

– Nàng đừng có lo lắng gì cả. Ngày mai ta sẽ tiến triều, tâu với Vua xin tha tội cho cha nàng.

Điểm Bích nói:

-Bạch Hòa thượng, việc của bố thiếp còn may là chưa đến tai Thánh thượng. Hòa thượng về tâu giúp cho thật là công đức vô biên, nhưng thiếp không muốn vì việc nhà thiếp làm phiền Hòa thượng phải xuống núi nhọc sức.

Huyền Quang vội lấy 10 nén vàng vua ban đem đưa cho người đàn bà mà rằng:

– Ta biếu nàng tất cả, nàng đưa về mà chuộc tội cho cha!

Trở về cung, Điểm Bích liền nộp mười nén vàng và tâu dối với vua rằng mình đã cám dỗ được Huyền Quang. Để vua tin, nàng còn đọc lên một bài thơ yêu đương nói là của Huyền Quang đã ngâm tặng mình trước khi phá giới:

Vằng vặc trăng mai ánh nước,
Hiu hiu gió trúc ngâm sinh.
Người vừa tươi tốt, cảnh vừa lạ,
Mâu Thích Ca nào chẳng hữu tình.

Nghe xong câu chuyện, Vua hạ lệnh cho gọi Huyền Quang về triều để làm một lễ chay trọng thể vào dịp rằm tháng bảy. Vua còn bắt quân hầu dựng một đàn tràng nguy nga, các rạp đều trần thiết toàn bằng lụa hoàng quyến.Trái hẳn với tục lệ nhà chùa, hôm bước vào chính lễ, Vua ra lệnh cho giết bò và lợn, dọn toàn cỗ mặn.

Khi sắp bước vào rạp, Huyền Quang biết nhà vua cố ý làm nhục mình, lụa “hoàng quyến”  nói lái lại rõ ràng ám chỉ hai tiếng “Huyền Quang”. Nhà sư ngửa mặt lên trời lớn tiếng khấn:

–      Kẻ đệ tử này nếu có điều gì bất chính, xin chư Phật cho đày xuống A-tì địa ngục,còn nếu không thì xin cho những cỗ mặn kia hóa thành chay tất cả!

Tự nhiên một trận gió mạnh nổi lên, cát bụi mù mịt, trời đất tối sầm cả lại. Một chốc gió tan, mọi người nhìn lên đàn tràng thì lạ thay, tất cả các mâm cỗ mặn đều biến thành cỗ chay tinh khiết thơm tho.

Vua Anh Tông được tin, lập tức ra lệnh bắt Điểm Bích bỏ ngục để chờ ngày phán xử rồi xa giá tới gặp Huyền Quang tạ lỗi. Câu nói đầu tiên của Huyền Quang là xin vua tha tội cho Điểm Bích.

. . . .

Nàng Điểm Bích có lẽ là nhân vật có thật trong lịch sử và là người vừa đẹp vừa có tài về văn chương. Việc nàng viếng thăm Yên Tử nơi nhà sư Huyền Quang trụ trì có lẽ cũng là có thật. Chuyện về nàng với sư Huyền Quang đời sau có người cho là thực, có người cho là do các nhà Nho bịa ra để hạ thấp uy tín của Phật giáo. Sự thật của chuyện này, không ai kết luận được nhưng nàng Điểm Bích vẫn ngàn năm bị miệng tiếng của người đời.

Vài trăm năm sau khi viếng thăm Yên Tử,  lòng đầy cảm thương, Lê triều Tiến sĩ Ninh Tốn đã để lại bài thơ “Vân Bích Nương”:

Bích nương từ buổi biệt sơn môn,
Muôn thuở còn ghi, nỗi tủi hờn.
Muốn mượn xạ lan, xông cửa Phật.
Đâu ngờ cây đá, khóa thiền quan.
Giai nhân không sức, gây nền Pháp,
Nước tịnh hiềm chi, giả sắc oan
Du khách bồi hồi, tìm dấu cũ
Giã từ chẳng giữ, chút hương tàn

Ninh Quang Thăng

Tin tức liên quan

Trở lại bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

logo-honinh-trang

Website honinh.com giới thiệu những giá trị lịch sử – văn hóa – xã hội giàu tính nhân văn, góp phần tôn vinh, chia sẻ những giá trị cao đẹp trong cộng đồng  dòng họ Ninh và những người quan tâm, đặc biệt là giới trẻ.

DANH MỤC

 All Right Reserved. Designed and Developed by honinh.com