Trang chủ Chi pháiCôi Trì - Trung Đồng Vài suy nghĩ về sự nghiệp của Ninh Tốn trong giai đoạn 1786 – 1790

Vài suy nghĩ về sự nghiệp của Ninh Tốn trong giai đoạn 1786 – 1790

đăng bởi Ninh Quang Thăng
0 nhận xét

Vì thời gian cầm quyền quá ngắn nên triều Tây Sơn không để lại bộ sử chính thức của mình. Hơn nữa, các tài liệu nếu có cũng bị triều Nguyễn hủy bỏ. Vì vậy rất khó tìm các tư liệu liên quan đến các nhân vật thời Tây Sơn, nhất là các tài liệu liên quan đến những quan lại cũ của triều Lê phục vụ cho Tây Sơn.

Giai đoạn từ 1786 đến 1790 xảy ra nhiều biến cố quan trọng ở Bắc Hà:

Năm 1786, Tây Sơn đánh Phú Xuân, sau đó đánh ra Động Hải (Quảng Bình), chỉ huy quân Lê – Trịnh là Hiệp trấn Ninh Tốn thua trận bỏ chạy ra Bắc.

Cùng năm 1786, theo kế của Nguyễn Hữu Chỉnh, Tây Sơn tiến ra Bắc Hà lật đổ cơ đồ của Chúa Trịnh. Ngày 21/7/1786, quân Tây Sơn chiếm Thăng Long. Ngày 31/8/1786, quân Tây Sơn rút khỏi Bắc Hà, bỏ mặc Nguyễn Hữu Chỉnh ở lại.

Cuối năm 1787, tướng Tây Sơn là Võ Văn Nhậm tiến ra Bắc đánh Nguyễn Hữu Chỉnh. Chỉnh tâu với vua Lê Chiêu Thống cho Nguyễn Như Thái làm thống lĩnh, Ninh Tốn làm tham tán quân vụ, đem quân chống Võ Văn Nhậm. Nguyễn Như Thái bị giết, Ninh Tốn chạy thoát được.

Cuối năm 1788 quân Thanh kéo sang, quân Tây Sơn lui về giữ Tam Điệp. Ngày 22/12/1788, Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng Đế, tiến quân ra Bắc đánh quân Thanh. Ngày 15/1/1789 (tức 20 tháng 12 Âm lịch), quân Tây Sơn tới Tam Điệp. Ngày 5 Tết Âm lịch năm Kỷ Dậu (1789), quân Tây Sơn đại phá quân Thanh.

Trong một thời gian ngắn với rất nhiều biến cố như vậy mà lại thiếu các tài liệu sử sách của nhà Tây Sơn, việc đánh giá những nhân vật lịch sử liên quan đến thời điểm đó có nhiều quan điểm khác biệt.

Xin bàn một số điều liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp của Ninh Tốn trong thời gian đó:

1)  Một số tác giả cho rằng việc Ninh Tốn ra giúp Tây Sơn (năm 1788) là “một quá trình lột xác” và ông đã “thức thời, tự giác theo Tây Sơn”. Nhưng một số tác giả khác thì lại cho rằng đây là sự miễn cưỡng, thậm chí là bị đe dọa, ép buộc. Sách Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện viết “Ninh Tốn lúc trước trốn tránh không chịu ra, Huệ bắt em là Hương Công lôi ra chém đi để cho Tốn sợ, sau Ninh Tốn mới ra”. Tuy nhiên, lúc bấy giờ cũng là thời điểm có thể dẫn đến sự nguy nan của đất nước trước sự cầu viện nhà Thanh của Lê Chiêu Thống và một số quan lại cũ của nhà Lê. Do đó việc ông ra làm quan với Tây Sơn có lẽ cũng là trách nhiệm của một “kẻ sỹ” trước vận mệnh của đất nước.

Cho nên nói rằng đó là sự tự giác hay ngược lại nói rằng đó là bị ép buộc có lẽ đều đúng nhưng lại không hoàn toàn đúng.

Chính vì vậy, ông đã hòa vào thời cuộc của đất nước nhưng ngay sau khi đánh thắng quân Thanh xâm lược (đầu năm 1789) thì ông đã từ quan về quê (năm 1790 hoặc sớm hơn).

2)  Năm 1788, Nguyễn Huệ ra Bắc Hà giết Võ Văn Nhậm.  Trước khi rút về Nam, Nguyễn Huệ đã tổ chức lại hệ thống cai trị ở Bắc Hà, mời các danh sĩ Bắc Hà giúp Đại tư mã Ngô Văn Sở đảm đương công việc. Theo các tài liệu sử học:

Phan Huy Ích được phong chức Tả Thị Lang Bộ Hộ.

Ngô Thì Nhậm được phong chức Tả Thị Lang Bộ Lại, sau phong làm Thượng Thư Bộ Lại. Sau khi đánh tan quân Thanh (đầu năm 1789), đến năm 1790 Ngô Thì Nhậm giữ chức Thượng Thư Bộ Binh. Như vậy trong thời gian trước và trong trận chiến đánh quân Thanh (cuối 1788 đến 1789)  thì người giữ chức Thượng Thư Bộ Binh không phải Ngô Thì Nhậm.

Cũng vào năm 1788, Ninh Tốn lúc đầu được Nguyễn Huệ phong chức Hàn Lâm Trực Học Sỹ, sau được phong Thượng Thư Bộ Binh và như đã biết, ngay sau khi đánh tan quân Thanh, năm 1790 Ninh Tốn đã về quê không còn làm việc cho Tây Sơn nữa. Như vậy, thời gian Ninh Tốn giữ chức Thượng Thư Bộ Binh phải trước năm 1790, trong khoảng thời gian của cuộc chiến chống quân Thanh.

Trong cuộc đời của mình trước đó, Ninh Tốn không chỉ là quan văn. Ông đã từng là Hiệp Trấn, chỉ huy quân Lê – Trịnh giao tranh với Nguyễn Huệ tại Động Hải (năm 1786) và là Tham tán quân vụ trong quân đội nhà Lê giao tranh với Võ Văn Nhậm (năm 1787). Vốn là người Côi Trì ngay bên dãy Tam Điệp nên ông là người am hiểu rõ vị trí chiến lược của Tam Điệp. Khi cùng Nguyễn Như Thái giao tranh với Vũ Văn Nhậm. Nguyễn Như Thái gọi Ninh Tốn cùng bàn, Tốn nói:

Binh pháp dạy rằng: Tranh được núi thì thắng, giữ chỗ hiểm thì vững. Giữa Thanh Hoa nội và Thanh Hoa ngoại có núi Tam Điệp ngăn cách, ấy là chỗ trời đất xây dựng, rất là hiểm yếu. Ta nên tiến quân gấp để giữ lấy, chớ để quân giặc chiếm trước. Được như vậy thì từ Trường Yên về bắc còn là của mình. Nếu núi Tam Điệp mà mất, thì lộ Sơn Nam thênh thang với những cánh đồng bằng phẳng rộng rãi, e khó tranh nhau với giặc, việc nước sẽ không thể làm thế nào được nữa”. (theo Hoàng Lê Nhất Thống Chí).

Nhưng vì không kịp chiếm giữ Tam Điệp, Nguyễn Như Thái và Ninh Tốn thua trận.

Khi quân Thanh kéo sang (cuối năm 1788), quân Tây Sơn do Đại Tư Mã Ngô Văn Sở chỉ huy đã lui binh về Tam Điệp. Việc lui binh về Tam Điệp là một nước cờ cao về nghệ thuật quân sự. Sách Hoàng Lê Nhất Thống Chí của Ngô Gia Văn Phái ghi đó là kế của Ngô Thì Nhậm. Phải chăng vì Ngô Thì Nhậm là vị đứng đầu trong số các quan lại Bắc Hà lúc đó mà người ta chỉ nhắc đến tên ông như nhân vật đại diện cho cả bộ tham mưu gồm những danh sỹ Bắc Hà lúc đó hay không?

Trước một biến cố vô cùng hệ trọng đối với sự tồn vong của đất nước, trước nhất là của Bắc Hà, Ngô Văn Sở chắc phải tham vấn tất cả bộ tham mưu của mình gồm các tướng lĩnh Tây Sơn và các quan lại người Bắc Hà giúp việc cho mình lúc đó gồm Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Ninh Tốn, Bùi Dương Lịch, . . .

Với vai trò một Thượng thư Bộ Binh, một người sinh ra và lớn lên ngay tại Tam Điệp, người đã thể hiện nhãn quan về vị trí chiến lược của Tam Điệp trong các sự kiện trước đó thì chắc chắn Ninh Tốn phải có những phân tích, đóng góp vào kế hoạch lui binh về Tam Điệp.

Có lẽ, kế lui binh và thực hiện triền khai lui binh về Tam Điệp không phải chỉ là của một mình Ngô Thì Nhậm mà của cả bộ máy tham mưu lúc đó trong đó có Thượng Thư Bộ Binh Ninh Tốn.

Ninh Quang Thăng

Tin tức liên quan

Trở lại bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

logo-honinh-trang

Website honinh.com giới thiệu những giá trị lịch sử – văn hóa – xã hội giàu tính nhân văn, góp phần tôn vinh, chia sẻ những giá trị cao đẹp trong cộng đồng  dòng họ Ninh và những người quan tâm, đặc biệt là giới trẻ.

DANH MỤC

 All Right Reserved. Designed and Developed by honinh.com