Trang chủ Khảo cứu Khảo cứu Dư địa chí Hải Dương với việc tìm hiểu về dòng họ

Khảo cứu Dư địa chí Hải Dương với việc tìm hiểu về dòng họ

đăng bởi Ninh Quang Thăng
0 nhận xét

Hải Dương có thể xem như một trong những vùng đất tập trung khá nhiều người họ Ninh sinh sống từ lâu đời. Hiện tại, chúng ta được biết những thông tin sau:

  • Văn bia trong Quốc Tử Giám còn ghi: Ninh Hãng nguyên quán xã Lan Đình huyện Thanh Lâm (nay thuộc xã Đồng Lạc huyện Nam Sách tỉnh Hải Dương) đỗ Đệ nhị giáp tiến sỹ xuất thân khoa Mậu Tuất, niên hiệu Hồng Đức năm thứ 9 (1478) triều vua Lê Thánh Tông, làm quan Hiến sát sứ. Theo sách Đại Việt Lịch Triều Đăng Khoa Lục thì ông đỗ tiến sỹ năm 42 tuổi nên năm sinh của ông phải là năm 1437.
  • Làng Ninh Xá – xã Lê Ninh xưa kia có tên là làng Nành. Như trong một bài viết trên website trước đây, chúng tôi đã phân tích rằng  “Nành” chính là âm Nôm của chữ Ninh.

Đầu thế kỉ XIX, Ninh Xá  thuộc tổng Kim Lợi – huyện Đông Triều – phủ Kinh Môn (Hải Dương). Từ năm Tự Đức thứ 6 (1853) đến năm Đồng Khánh thứ 2 (1887), Ninh Xá thuộc huyện Đông Triều (Quảng Ninh).  Đến năm Thành Thái thứ 5 (1893) Ninh Xá thuộc Tổng Khôi – huyện Hiệp Sơn – phủ Kinh Môn (Hải Dương). Năm Duy Tân thứ 3 (1909), Ninh Xá  thuộc huyện Đông Triều (Quảng Ninh). Đến năm Khải Định thứ 9 (1924), Ninh Xá thuộc huyện Hiệp Sơn – phủ Kinh Môn (Hải Dương). Hiện nay, Ninh Xá thuộc huyện Kinh Môn – tỉnh Hải Dương.

Làng Ninh Xá xưa là vùng bãi rộng, cây cối rậm rạp, nhiều sông ngòi rộng. Trong trận chiến Bạch Đằng đánh quân Nam Hán năm 938, Ngô Quyền đã chọn nơi này làm nơi tập kết binh mã. Năm 1288, trong trận Bạch Đằng lần thứ 2 đánh quân Nguyên do Hưng Đạo Đại Vương Quốc Công Tiết Chế Trần Quốc Tuấn chỉ huy thì nơi đây cũng là một vị trí then chốt.

Vào những năm thuộc niên hiệu Hồng Đức (1470 – 1497), vua Lê Thánh Tông ban hành chính sách “chiếm xạ”  nhằm khuyến khích dân khai phá đất hoang, lập ấp. Họ Ninh từ cụ Ninh Viết Thân là một trong vài dòng họ đến khai phá vùng này vào thời kỳ đó và cái tên Ninh Xá mang nghĩa là làng của người họ Ninh.

Đình Ninh Xá còn lưu giữ 16 sắc phong và trong Thần phả của đình còn ghi lại 34 sắc phong. Trong số các sắc phong này, bản sớm nhất là vào năm Quang Thiệu thứ 7 (1522) thời vua Lê Chiêu Tông.

  • Thôn Tràng Kỹ – xã Tân Trường – huyện Cẩm Giàng là làng có họ Ninh sinh sống từ khoảng 400 năm trước. Nhà thờ họ Ninh tại đây thờ Cụ Ninh Văn Trai và tính tới nay được khoảng 20 đời. Hiện có khoảng 100 hộ gia đình với gần 500 nhân khẩu.
  • Thôn An Bình – xã Tuấn Hưng – huyện Kim Thành là một làng cổ. Người họ Ninh đầu tiên đến đây là cụ Ninh Đình Quế thụy Phúc Khánh. Tại làng  có 3 cột đá còn khắc bằng chữ Hán tên các cụ Ninh Đình Quế, Ninh Thị Khuya, Ninh Phú Bình. Gia phả họ Ninh tại đây ghi được từ Cụ Ninh Đình Quế  đến nay là 12 đời. Hiện tại đây có 4 ngành, 7 chi gồm khoảng 300 hộ gia đình với khoảng 800 nhân khẩu.

Xin Quý vị theo dõi trên Bản đồ để thấy rõ hơn địa bàn cư trú của các chi, phái họ Ninh tại Hải Dương:

Địa giới hành chính theo thời gian, trải qua các Triều đại đã bị thay đổi rất nhiều. Lấy địa danh hiện tại để hiểu chuyện xưa có thể sẽ không thấu đáo. Chúng tôi khảo cứu các sách Dư địa chí để hy vọng cùng nhau hiểu rõ hơn quá trình định cư của các chi, phái dòng họ Ninh tại Hải Dương nhằm từng bước kết nối thông tin:

Thời nhà Lý, Trần: đơn vị hành chính lớn nhất được gọi là Lộ. Vùng đất Hải Dương ngày nay lúc đó thuộc Hồng Lộ, sau đổi thành Lộ Hải Đông.

Thời nhà Lê: đơn vị hành chính lớn nhất được gọi là Đạo và lúc đó nước ta được chia thành 5 Đạo. Vùng đất Hải Dương ngày nay lúc đó thuộc Đông Đạo. Đến đời Lê Thánh Tông (vào năm 1446), đổi Đạo thành Đạo Thừa Tuyên và nước ta lúc đó được chia thành 13 Đạo Thừa Tuyên.  Vùng đất Hải Dương ngày nay lúc đó thuộc Thừa tuyên Nam Sách. Đến năm 1469, đổi tên Thừa tuyên Nam Sách thành Thừa tuyên Hải Dương. Đến năm 1509 Thừa tuyên Hải Dương đổi thành Trấn Hải Dương. Trong thời nhà Mạc thì Trấn Hải Dương đổi tên thành Dương Kinh. Thời Lê Trung Hưng lại đổi Dương Kinh thành Trấn Hải Dương.

Năm Minh Mạng thứ 12 (1831), Trấn Hải Dương đổi thành tỉnh Hải Dương. Như vậy từ 1831, lần đầu tiên xuất hiện danh từ “tỉnh Hải Dương”.

Trong thời phong kiến, dưới Đạo Thừa tuyên (hoặc Trấn) là Phủ. Dưới Phủ là Huyện.

Từ năm 1469, Hải Dương gồm 4 Phủ: Thượng Hồng, Hạ Hồng, Nam Sách, Kinh Môn. Như vậy từ 1469, Nam Sách chỉ còn là tên của 1 trong 4 Phủ  (ngày nay chỉ là tên của 1 huyện). Năm Minh Mạng thứ 3 (1822), đổi tên Phủ Thượng Hồng thành Phủ Bình Giang và Phủ Hạ Hồng thành Phủ Ninh Giang.

Vào thời Tây Sơn, Phủ Kinh Môn được cắt khỏi Trấn Hải Dương để nhập vào Trấn Yên Quảng. Đến thời nhà Nguyễn, lại nhập Phủ Kinh Môn về Trấn Hải Dương. Kinh Môn xưa kia không phải là 1 huyện mà là 1 trong 4 Phủ của Hải Dương. Phủ Kinh Môn thời đó gồm 7 huyện: Giáp Sơn, Đông Triều, Kim Thành, An Lão, An Dương, Nghi Dương và Thuỷ Đường.

Đến năm Minh Mạng thứ 18 (1837), lấy 4 huyện Kim Thành, An Lão, An Dương, Nghi Dương lập thành Phủ Kiến Thụy nên Phủ Kinh Môn chỉ còn 3 huyện Giáp Sơn, Thủy Đường, Đông Triều.

Huyện Kinh Môn ngày nay chỉ là huyện Giáp Sơn thuộc Phủ Kinh Môn xưa kia. Như vậy các huyện Kinh Môn và Kim Thành ngày nay trong một thời gian dài trước năm 1837 đều cùng thuộc Phủ Kinh Môn.

Trong các năm 1947-1955, huyện Kinh Môn thuộc tỉnh Quảng Yên. Khi sát nhập 2 tỉnh Hải Dương và Hưng Yên thành tỉnh Hải Hưng vào năm 1968 thì huyện Kinh Môn sáp nhập với huyện Kim Thành để thành lập huyện Kim Môn. Đến năm 1997, khi tái lập tỉnh Hải Dương thì tách trở lại như trước.

Việc tìm hiểu về dòng họ nếu chỉ dựa vào các bản Gia phả sẽ gặp những khó khăn vì việc ghi chép Gia phả chủ yếu chỉ từ thời Hậu Lê về sau. Theo chúng tôi thì cùng với Gia phả, cần khảo cứu bổ trợ từ góc độ lịch sử, địa lý để tiếp tục suy đoán nhằm kết nối các thông tin.

Sài Gòn ngày 7/1/2014

  Ninh Quang Thăng

Tin tức liên quan

Trở lại bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

logo-honinh-trang

Website honinh.com giới thiệu những giá trị lịch sử – văn hóa – xã hội giàu tính nhân văn, góp phần tôn vinh, chia sẻ những giá trị cao đẹp trong cộng đồng  dòng họ Ninh và những người quan tâm, đặc biệt là giới trẻ.

DANH MỤC

 All Right Reserved. Designed and Developed by honinh.com