Trang chủ Chi pháiLa Xuyên Độc đáo lễ rước lửa đêm giao thừa ở La Xuyên

Độc đáo lễ rước lửa đêm giao thừa ở La Xuyên

đăng bởi Ninh Quang Thăng
0 nhận xét

Không chỉ thể hiện lòng thành kính, ghi nhớ công ơn với Tổ nghề, ngọn lửa thiêng được rước trong đêm 30 Tết còn tượng trưng cho ước vọng về một năm mới an khang, thịnh vượng.

Rước lửa đêm giao thừa là một trong những lễ tục có từ xa xưa của người dân làng mộc La Xuyên, xã Yên Ninh, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Đúng vào đêm 30 Tết, trong thời khắc chuyển giao của đất trời, cả làng La Xuyên sáng bừng với những ngọn lửa được rước từ đình làng thờ Tổ nghề Mộc về nhà mình.

Sử sách có ghi chép lại rằng, vào thời Đinh Lê, trên đường Thập đạo tướng quân Lê Hoàn đi đánh giặc, khi tới dòng sông Sắt thuộc địa phận xã Yên Ninh ngày nay thì thuyền bị mắc cạn, Thập đạo tướng quân dừng lại và lên tế Thần ngay trên bờ sông Sắt. Sau đó, Lê Hoàn giành chiến thắng, có ghé lại Đền thờ bên dòng sông Sắt để tạ ơn nhưng đền thờ đã bị phá. Lê Hoàn lập tức cử Tướng quân Ninh Hữu Hưng ở lại sửa sang, khai hoang, lập ấp thành 4 làng là Thiết Lâm, La Ngạn (La Xuyên ngày nay), Khả Lũ (làng Lũ ngày nay) và Trịnh Khiết. Không chỉ là một tướng giỏi, Ninh Hữu Hưng còn là một người rất giỏi nghề mộc.

Sau khi khai hoang, lập ấp, ông truyền dạy cho nhân dân trong vùng nghề mộc. Làng La Ngạn, tức La Xuyên ngày nay, nơi Ninh Hữu Hưng truyền dạy đã trở thành làng mộc nổi tiếng trong khắp cả nước. Sau này, dân làng tôn ông là Ông Tổ nghề Mộc, còn nhà Vua phong là Công tướng Lão La đại thần. Đền Phủ La Xuyên ngày nay chính là nơi thờ Ông Tổ nghề mộc Ninh Hữu Hưng. Hiện ở La Xuyên còn giữ một hương ước do vua Lê Hoàn xây dựng cho dân làng là: “Lấy lửa đêm 30 Tết để xông đất, xông nhà, để cầu may cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhất là nghề mộc được tinh thông, phát đạt”.

Độc đáo lễ rước lửa đêm giao thừa ở La Xuyên

Độc đáo lễ rước lửa đêm giao thừa ở La Xuyên

Vì thế, rước lửa đêm giao thừa đã trở thành nghi thức từ xa xưa của cha ông truyền lại cho con cháu để tưởng nhớ Lão La Đại thần Ninh Hữu Hưng, Ông Tổ nghề mộc, người có công truyền dạy nghề mộc cho dân làng.

Việc rước lửa từ điện thờ ra sân đình rồi truyền cho từng người phải thực hiện tuần tự, trang nghiêm, tạo không khí linh thiêng nơi cửa đình vào thời khắc giao thừa. Trước đó, dân làng ngồi họp nhau lại để chọn ra người khai điện. Đây là người vinh dự được lấy lửa ở điện thờ truyền cho mọi người, cũng là người được mở cửa đình để dân làng vào đình lấy lửa về thắp trong nhà vào đêm 30 Tết hàng năm.

Theo ông Nguyễn Tất Tốn, Trưởng ban Quản lý di tích Đình Phủ La Xuyên, người khai điện phải là người cao niên nhưng có vợ còn sống khỏe mạnh, con cái phương trưởng, biết làm kinh tế tạo ra đời sống khá giả, các thành viên trong gia đình không có ai vi phạm chính sách, pháp luật và nhiệt tâm giúp dân làng hầu thánh, khai điện. Sau khi được chọn, người khai điện sẽ chuẩn bị mọi thứ thật tươm tất cho thời khắc xin lửa thánh ở ban thờ của đình thờ Tổ mẫu làng nghề.

Ông Nguyễn Tất Tốn

Ông Nguyễn Tất Tốn

Vào đúng thời khắc đất trời chuyển giao, người khai điện làm lễ tế Thần linh, trịnh trọng bước lên thềm mở cửa đình, đúng giờ giao thừa thắp hương lễ Thánh. Sau đó, người khai điện sẽ lấy lửa hương đó đưa vào một vạc đựng dầu để ở sân đình, mở đầu cho lễ xin lửa và rước lửa Thánh. Lúc này, ngọn lửa sáng bừng khắp sân đình. Từ đây, lửa được châm vào hàng trăm ngọn đuốc do các chàng trai, cô gái tuổi mới đôi mươi chờ sẵn. Ban đầu, ngọn lửa được đưa về thắp sáng ban Thờ tổ tiên trong mỗi gia đình , sau đó, lấy ngọn lửa đó nhóm bếp, cầm bó đuốc khua khắp nhà để xua đi xúi quẩy, đen đủi của năm cũ và đón may mắn cho năm mới.

Với những gia đình không có thanh niên đi rước lửa thì hàng xóm láng giềng đem lửa của nhà mình sang xông nhà mừng tuổi, chúc gia đình năm mới có nhiều sức khỏe, may mắn. Với ý nghĩa đó, người làng La Xuyên không bao giờ để tắt ngọn lửa đỏ linh thiêng suốt 3 ngày Tết.

Theo quan niệm của người dân làng La Xuyên, ngọn lửa đêm giao thừa mang theo hơi ấm xua tan khí lạnh và bóng tối của đêm 30 Tết, mang lại niềm vui, hạnh phúc và sự may mắn đầu năm cho mọi người.

Ông Mai Đức Hiếu, cán bộ văn hóa xã Yên Ninh cho biết: Tục rước lửa ngoài ý nghĩa mang lại may mắn cho năm mới, ghi nhớ công ơn của ông tổ làng nghề, là còn bởi bao đời qua, người La Xuyên duy trì nét đẹp văn hóa truyền thống này để truyền ngọn lửa đam mê, giáo dục trách nhiệm giữ nghề cho con cháu.

“Phong tục rước lửa nhằm bảo tồn nét văn hóa đặc trưng của làng nghề La Xuyên, thờ ông tổ nghề mộc Lão La Đại thần Ninh Hữu Hưng. Ông là người thợ rất giỏi, từ thời vua Đinh Tiên Hoàng về đây khai hoang lập ấp, dựng nên nghề mộc này. Tục rước lửa là nhằm giữ cho nghề mộc mãi mãi trường tồn. Vì chúng ta sống phải có lửa, có hỏa, có thủy cũng như thuyết luân hồi con người ta thì ý nghĩa của ngọn lửa nó cũng như cha truyền con nối như vậy”, ông Mai Đức Hiếu cho biết.

Hàng ngàn ngọn lửa được các trai làng truyền tay cháy bập bùng trong đêm trừ tịch. Tiếng lửa tí tách như xóa tan không gian tĩnh lặng của đêm tối, gợi nên bao ước mơ, kỳ vọng về một khí thế phát triển mới cho làng nghề. Lòng người rạo rực đón xuân sang. Ngày nay, người La Xuyên vẫn duy trì tục rước lửa đêm giao thừa đồng nghĩa với việc bảo tồn, lưu giữ một nét đẹp văn hóa truyền thống đặc sắc của cha ông mỗi dịp Tết đến, xuân về.

Tin tức liên quan

Trở lại bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

logo-honinh-trang

Website honinh.com giới thiệu những giá trị lịch sử – văn hóa – xã hội giàu tính nhân văn, góp phần tôn vinh, chia sẻ những giá trị cao đẹp trong cộng đồng  dòng họ Ninh và những người quan tâm, đặc biệt là giới trẻ.

DANH MỤC

 All Right Reserved. Designed and Developed by honinh.com