Trang chủ Khảo cứu 82 Văn bia tại Văn Miếu Hà Nội, từ Khoa thi 1442 đến Khoa thi 1779

82 Văn bia tại Văn Miếu Hà Nội, từ Khoa thi 1442 đến Khoa thi 1779

đăng bởi Ninh Quang Thăng
0 nhận xét

Bia số 14 VĂN BIA ĐỀ DANH TIẾN SĨ KHOA KỶ SỬU NIÊN HIỆU MINH ĐỨC

NĂM THỨ 3 (1529)

VĂN BIA ĐỀ DANH TIẾN SĨ KHOA KỶ SỬU NIÊN HIỆU MINH ĐỨC

NĂM THỨ 3 (1529)

 

明德三年己丑科進士題名碑記

明德己丑

皇 上履寶位之三年天地文明之初也時當大比士歌鹿鳴而來者多至四十餘。角藝春圍拔其尤者二十有七二月十八日皇上臨軒親策以理天下之道命提調官太保艷國公莫金鑣 兵部尚書慶溪侯莫寧止暨有司百執各供其事翌日讀卷官禮部尚書東閣大學士文譚伯阮清吏部尚書國子監祭酒秉禮伯丁楨等奉卷進讀上陳睿覽定其高下賜杜綜等三名進 士及第阮雲光等八名進士出身阮有煥等十六名同進士出身二十四日皇上御敬天殿臚傳唱第吏司頒恩命禮部捧黃榜揭于太學門是日又賜錢各有差二十七日賜冠帶衣服加 諸常例二十八日賜宴于禮部三月初七日賜榮歸頒錢有差恩至渥也又命冬官礱石訶臣撰記臣等叨承明命為斯文賀謹拜手稽首而進言曰真元合而天下之豪傑間世而生。。 為時之用明良之會感應之機非偶然也然豪傑之士由科目進粵自有虞詢岳闢門而科目之美意於是乎權輿成周興能升造而科目之良法於是乎兆朕迨漢而唐而宋與夫我越莫 君誼辟之繼作率皆以此而為登進豪傑之梯階焉洪惟聖朝聖天子以不世出之資撫大有為之運抗武功而定天下敷文教而淑人才修學校以廣涵養樂育之化頒學規以神舞振作 之機賁飾乎人文鼎新乎科目凡試法之條貫恩榮之次第視諸古昔詳且備矣士而遭遇聖明亮沐美化入英雄之彀登榮進之塗且將姓名壽諸貞石豈不榮且幸耶固當佩服隆恩敦 篤實踐忠清厲其節禮義為之閑正其心術不倚不偏措諸事業可大可久如呂文楊正道自持而贊太平有道之盛治韓魏公垂縉紳笏而措天下泰山之安俾人稱之曰真狀元名進士 則上不負聖天子之設科下不負平生之所學而奇偉光明之勳業輝映玆石矣倘或外方而內圓先貞而後黷所見不逮所聞所行非其所學則適為科目之累玆石之玷耳可不戒哉於 虖天理之在心形則著聖化之及人久則徵玆石立于太學非惟表聖上隆儒之誠揭國初昭文之懿而已將砥礪人心培養士氣而扶植世教於無窮也他日章掖諸生目之屬之口之誦 之莫不感激興起以科第自期以致澤自任相繼而出以輔國家億萬年太平之治培社稷億萬年有永之基是則玆石之立其功用豈小輔云乎哉

同德功臣特進金紫榮祿大夫禮部尚書太子太保

東閣大學士少保通郡公上柱國

奉直大夫東閣校書資政上卿臣阮居仁同奉敕撰

通章大夫金光門待詔資政卿臣阮縉奉敕篆

明德三年歲在屠維赤奮若仲冬長至節立

Hoàng thượng lên ngôi báu đã 3 năm, mở ra vận hội trời đất văn minh. Gặp năm mở khoa thi lớn, sĩ tử hát thơ Lộc minh tới kinh đô ứng thí đông đến 4.000 người, cùng nhau tranh đua tài nghệ chốn xuân vi, chọn được hạng xuất sắc 27 người.

Ngày 18 tháng 2, Hoàng thượng ngự ở hiên điện, đích thân ra đề văn sách hỏi về đạo trị nước. Sai Đề điệu là Thái bảo Diệm quốc công Mạc Kim Phiêu, Binh bộ Thượng thư Khánh Khê hầu Mạc Ninh Chỉ cùng các quan hữu ti chia giữ các việc.

Hôm sau quan Độc quyển là Lễ bộ Thượng thư Đông các Đại học sĩ Văn Đàm bá Nguyễn Thanh, Lại bộ Thượng thư Quốc tử giám Tế tửu Bỉnh Lễ bá Đinh Trinh dâng quyển đọc. Hoàng thượng xem xét, định thứ bậc cao thấp. Ban cho bọn Đỗ Tông 3 người đỗ Tiến sĩ cập đệ, bọn Nguyễn Vân Quang 8 người đỗ Tiến sĩ xuất thân, bọn Nguyễn Hữu Hoán 16 người đỗ đồng Tiến sĩ xuất thân.

Ngày 24, Hoàng thượng ngự điện Kính Thiên, sai gọi loa xướng tên người đỗ. Bộ Lại ban ân mệnh, bộ Lễ rước bảng vàng treo trước cửa nhà Thái học. Ngày hôm đó lại ban cho tiền bạc có thứ bậc khác nhau. Ngày 27 ban cân đai áo mũ nhiều hơn lệ thường. Ngày 28 ban yến tại Bộ Lễ. Ngày mồng 7 tháng 3 cho phép vinh qui, ban tiền theo thứ bậc khác nhau, ơn huệ thật nồng hậu. Hoàng thượng lại sai quan Bộ Công mài đá, từ thần soạn bài ký. Bọn thần kính vâng mệnh sáng, chúc mừng cho nền tư văn, cung kính cúi đầu rập đầu dâng lời rằng:

Khí chân nguyên hòa hợp thì hào kiệt xuất hiện trong thiên hạ, vua sáng tôi hiền gặp gỡ, cơ trời cảm ứng, há phải chuyện tình cờ. Nhưng kẻ sĩ hào kiệt do khoa mục tiến thân kể từ họ Hữu Ngu1 hỏi quan nhạc mục mà ý tốt mở khoa mục bắt đầu, đời Thành Chu cất nhắc nhân tài mà phép tốt khoa mục gây mầm từ đó. Từ đời Hán đến Đường, Tống cùng là các bậc anh minh của nước Việt ta đều lấy việc đó làm bậc thang cho hào kiệt tiến thân.

Kính nghĩ thánh triều: Thánh thiên tử 2 sẵn tư chất hơn đời, nắm vận hội lớn, đem võ công dẹp yên thiên hạ, phô bày văn giáo để đào tạo nhân tài, sửa sang trường học để rộng đường nuôi dưỡng vui vầy giáo hóa, ban học qui để chấn chỉnh tác thành, tô điểm nhân văn, đổi mới khoa mục. Phàm quy chế thi cử, ơn vinh ban thưởng theo thứ bậc, so với thủa xưa thực rõ ràng đầy đủ.

Kẻ sĩ được gặp gỡ vua thánh anh minh, gội nhuần giáo hóa, dự vào hạng anh hùng, bước vào đường vinh hiển, lại được nêu họ tên lâu dài trên bia đá, há chẳng vẻ vang may mắn lắm sao? Vậy nên mang đội ơn sâu, dốc lòng thực tiễn, lấy trung liêm dồi tiết cứng, lấy lễ nghĩa làm phép thường, giữ lòng thẳng thắn, chẳng lệch chẳng xiên, làm nên sự nghiệp lớn lao bền vững. Phải làm sao như Lã Văn Dương lấy chính đạo giữ mình mà giúp cuộc thịnh trị trong đời thái bình hữu đạo, như Hàn Ngụy Công áo mũ chầu vua mà thiên hạ yên như bàn thạch; khiến mọi người phải ca ngợi là vị Trạng nguyên chân chính, vị Tiến sĩ lừng danh. Được như thế trên không phụ thánh thiên tử cho đặt khoa thi, dưới không phụ với sở học thường ngày, thì công lao sự nghiệp vĩ đại quang minh sẽ làm rạng rỡ cho tấm đá này. Thảng hoặc có người ngoài vuông nhưng trong tròn, trước trinh trắng mà sau tì vết, điều nhìn thấy không đúng với điều được nghe, việc làm trái với sở học thì chỉ làm lụy cho khoa mục, làm tì vết cho bia đá này, há chẳng nên tự răn hay sao?

Than ôi! Lẽ trời ở trong lòng, hiện ra thì thấy rõ, thánh hóa ban tới người dân, lâu ngày tất cũng rõ rệt. Bia đá này dựng ở nhà Thái học, chẳng những để tỏ thành ý sùng Nho của Thánh thượng, nêu cao ý chuộng văn của triều đình trong buổi đầu mà còn khích lệ nhân tâm, bồi dưỡng sĩ khí để phù hợp với giáo hoá hiện nay cho đến vô cùng. Sau này các sĩ tử gặp nhau, mắt nhìn bia, miệng đọc bia, chẳng ai mà không cảm kích phấn khởi, lấy khoa mục để tự động viên mình thấy ơn sâu mà gắng sức, nối nhau xuất hiện mà giúp cuộc thái bình thịnh trị muôn thuở cho nước nhà, xây đắp xã tắc muôn năm được bền vững. Như thế thì bia đá này dựng lên, công dụng há phải chỉ là bổ ích nhỏ hay sao?

Đồng đức công thần Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu Lễ bộ Thượng thư Thái tử Thái bảo Đông các Đại học sĩ Thiếu bảo Thông Quận công thượng trụ quốc Nguyễn Thì Ung cùng Phụng trực đại phu Đông các Hiệu thư Tư chính Thượng khanh Nguyễn Cư Nhân3 vâng sắc soạn.

Thông chương đại phu Trung thư giám Chính tự Tư chính khanh Nguyễn Ngạn Chiêu vâng sắc viết chữ (chân).

Thông chương đại phu Kim quang môn Đãi chiếu Tư chính khanh Nguyễn Tấn vâng sắc viết chữ triện.

Bia dựng tiết đông chí, tháng trọng đông năm Kỷ Sửu4 niên hiệu Minh Đức thứ 3 (1529).

Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ, 3 người:

ĐỖ TỔNG 杜 綜5 người xã Lại c huyện Văn Giang.

NGUYỄN HÃNG 阮 沆6 người xã Vũ Lăng huyện Thượng Phúc.

NGUYỄN VĂN HUY 阮 文 徽7 người xã Vĩnh Cầu huyện Đông Ngàn.

Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, 8 người:

NGUYỄN VÂN QUANG 阮 雲 光8 người xã Bình Sơn huyện Đông Ngàn.

TRẦN THỤY 陳 瑞9 người xã Ngọc Bộ huyện Thái Bình.

PHẠM HUY 范 輝10 người xã Mặc Khê huyện Thanh Lâm.

ĐẶNG LƯƠNG TÁ 鄧 良 佐11 người xã Đặng Xá huyện Thạch Thất.

NGUYỄN HOẢNG 阮 恍12 người xã Đức Thắng huyện Hiệp Hòa.

NGUYỄN DOÃN ĐỊCH 阮 允 迪13 người xã Hoàng Vân huyện Hiệp Hòa.

PHÍ THẠC 費 碩14 người xã Hương Ngải huyện Thạch Thất.

NGUYỄN CHIÊU KHÁNH 阮 昭 慶15 người xã Yên Sở huyện Đan Phượng.

Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, 16 người:

NGUYỄN HỮU HOÁN 阮 有 煥16 người xã Xuân Ứng huyện Quang Phúc.

NGUYỄN ĐỊCH GIÁO 阮 迪 教17xã Thượng Cốc huyện Gia Lộc.

LÊ THỰC 黎 湜18xã Ngọc Bộ huyện Văn Giang.

HOÀNG KHẮC THẬN 黃 克 慎19xã Đại Lý huyện Thuần Lộc.

LÊ TẢO 黎 藻20xã Phúc Khê huyện Từ Liêm.

NGUYỄN QUÝ LƯƠNG 阮 貴 良21 người xã Địa Linh huyện Phụ Dực.

NGUYỄN ĐỨC KÝ 阮 德 驥22 người xã Đan Nhiễm huyện Văn Giang.

AN KHÍ SỬ 安 器 使23 người xã Nhĩ Độ huyện Nam Xương.

VŨ NGUNG 武 嵎24 người xã Đoàn Lâm huyện Gia Lộc.

CHU TAM DỊ 朱 三 異25 người xã Phù Lưu huyện Đông Ngàn.

PHAN TẾ 潘 濟26 người xã Nguyễn Xá huyện Thạch Thất.

ĐINH THỤY 丁 瑞27 người xã Tùng Quan huyện Đông Yên.

PHẠM KINH BANG 范 經 邦28 người xã Thì Trung huyện Thanh Oai.

LƯƠNG NHƯỢNG 梁 讓29 người xã Nội Trà huyện Yên Phong.

NGUYỄN DƯƠNG 阮 洋30 người xã Trà Lâm huyện Siêu Loại.

NGUYỄN QUANG TÁN 阮 光 贊31 người xã Vọng Nguyệt huyện Yên Phong.

Chú thích:

  1. Họ Hữu Ngu: Chỉ vua Thuấn.
  2. Chỉ Mạc Đăng Dung: Niên hiệu Minh Đức (1527-1529).
  3. Nguyễn Cư Nhân thi đỗ Tiến sĩ khoa Mậu Dần Quang Thiệu thứ 3 (1518) đời Lê Chiêu Tông. Xem chú thích 13, Bia số 13.

4.Đồ duy xích phấn, biệt danh của năm Kỷ Sửu.

  1. Đỗ Tổng (1504-?) người xã Lại Ốc huyện Tế Giang (nay thuộc xã Long Hưng huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên). Ông giữ các chức quan, như Tả Thị lang Bộ Hình, Đông các Đại học sĩ.
  2. Nguyễn Hãng (1488-?) nguyên quán xã Vũ Lăng huyện Thượng Phúc (nay thuộc xã Thắng Lợi huyện Thường Tín tỉnh Hà Tây), trú quán xã Thắng Lãm (nay thuộc xã Phú Lương huyện Thanh Oai tỉnh Hà Tây). Ông giữ các chức quan, như Thị lang, Đông các Đại học sĩ.
  3. Nguyễn Văn Huy (1486-?) người xã Vịnh Cầu huyện Đông Ngàn (nay thuộc xã Đồng Nguyên huyện Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh). Ông làm quan Thượng thư Bộ Lễ.
  4. Nguyễn Vân Quang (1484-?) người xã Bình Sơn huyện Đông Ngàn (nay thuộc huyện Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh). Ông làm quan Đô Cấp sự trung. Có tài liệu ghi ông tên là Nguyễn Quang Vân và nguyên quán xã Yên Trừ.
  5. Trần Thụy (?-?) người xã Ngọc Bộ huyện Đại An (nay thuộc xã Yên Nhân huyện Ý Yên tỉnh Nam Định). Ông làm quan Hàn lâm viện Hiệu thảo. (Có tài liệu ghi ông là Trần Nhụ).
  6. Phạm Huy (?-?) người xã Mặc Khê huyện Thanh Lâm (nay thuộc xã Minh Tân huyện Nam Sách tỉnh Hải Dương). Ông làm quan Tham chính.
  7. Đặng Lương Tá (?-?) người xã Đặng Xá huyện Thạch Thất (nay thuộc xã Bình Phú huyện Thạch Thất tỉnh Hà Tây). Ông làm quan đến Giám sát Ngự sử.
  8. Nguyễn Hoảng (1490-?) người xã Đức Thắng huyện Hiệp Hòa (nay thuộc xã Đức Thắng huyện Hiệp Hòa tỉnh Bắc Giang). Ông làm quan đến Tả Thị lang Bộ Hình, tước Đạm Khê bá.
  9. Nguyễn Doãn Địch (1490-?) người xã Hoàng Vân huyện Hiệp Hòa (nay là xã Hoàng Vân huyện Hiệp Hòa tỉnh Bắc Giang). Ông làm quan Thượng thư Bộ Lại kiêm Quốc tử giám Tế tửu, tước Mỹ Trai bá. Có tài liệu ghi ông người xã Hoàng Phỉ cùng huyện.
  10. Phí Thạc (1508-1585) người xã Hương Ngải huyện Thạch Thất (nay là xã Hương Ngải huyện Thạch Thất tỉnh Hà Tây). Ông làm quan Thượng thư Bộ Hình, tước Phúc Thủy hầu. Sau khi mất, ông được tặng hàm Thiếu bảo.
  11. Nguyễn Chiêu Khánh (1496-?) người xã Yên Sở huyện Đan Phượng (nay thuộc xã Yên Sở huyện Hoài Đức tỉnh Hà Tây. Ông làm quan đến Hàn lâm. Có tài liệu ghi ông là Nguyễn Chiêu Nghĩa và tài liệu khác lại ghi là Nguyễn Chiêu Độ.
  12. Nguyễn Hữu Hoán (?-?) người xã Xuân Áng huyện Quang Phúc (chính là huyện Tân Phúc, sau đổi là Tiên Phúc, văn bia đã nhầm chữ Tiên thành chữ Quang ). Xã Xuân Áng đã chia làm 2 thôn, thôn Xuân Dục Đoài thuộc xã Phù Linh và thôn Xuân Dục Đông thuộc xã Tân Minh (nay đều thuộc huyện Sóc Sơn, Tp. Hà Nội). Ông làm quan Giám sát Ngự sử.
  13. Nguyễn Địch Giáo (?-?) người xã Thượng Cốc huyện Trường Tân (nay thuộc xã Gia Khánh huyện Gia Lộc tỉnh Hải Dương). Ông làm quan Giám sát Ngự sử.
  14. Lê Thực (1494-?) người xã Ngọc Bộ huyện Tế Giang (nay thuộc xã Long Hưng huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên). Ông làm quan Thị lang, tước Văn Hợp bá.
  15. Hoàng Khắc Thận (1505-?) người xã Đại Lý huyện Thuần Lộc (nay thuộc xã Đại Lộc huyện Hậu Lộc tỉnh Thanh Hóa). Ông làm quan Lại bộ Thượng thư, tước Hoàng Trung hầu.
  16. Lê Tảo (1501-?) người xã Phúc Khê huyện Từ Liêm (nay thuộc xã Phú Minh huyện Từ Liêm Tp. Hà Nội), trú quán xã Cổ Nhuế (nay là xã Cổ Nhuế cùng huyện). Ông làm quan Tả Thị lang Bộ Lại, tước Hành Viễn bá. Sau khi mất, ông được tặng Thượng thư, tước công.
  17. Nguyễn Quý Lương (?-?) người xã Địa Linh huyện Phụ Dực (nay thuộc xã An Bài huyện Quỳnh Phụ tỉnh Thái Bình). Ông làm quan Tham chính.
  18. Nguyễn Đức Ký (1502-?) người xã Đan Nhiễm huyện Tế Giang (nay thuộc huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên). Ông làm quan Tổng binh phủ Cao Bằng, tước Đổng Sơn bá.
  19. An Khí Sử (1506-?) người xã Nễ Độ huyện Nam Xương (nay thuộc huyện Lý Nhân tỉnh Hà Nam). Ông làm quan Thị lang. Có tài liệu ghi ông là Ngô Khí Sử.
  20. Vũ Ngung (1508-?) người xã Đoàn Lâm huyện Gia Lộc (nay thuộc xã Thanh Tùng huyện Thanh Miện tỉnh Hải Dương). Ông làm quan Thượng thư, tước Trãi Sơn hầu. Khi mất, ông được tặng tước Quận công.
  21. Chu Tam Dị (1494-?) người xã Phù Lưu huyện Đông Ngàn (nay thuộc xã Tân Hồng huyện Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh). Ông làm quan Hàn lâm viện Kiểm thảo. Có tài liệu ghi ông là Tống Tam Dị.
  22. Phan Tế (1510-?) người xã Nguyễn Xá huyện Thạch Thất (nay thuộc xã Thạch Xá tỉnh Hà Tây), trú quán xã Nhật Xá huyện Duy Tiên (nay thuộc huyện Duy Tiên tỉnh Hà Nam). Ông làm quan đến Thừa chính sứ, tước nam.
  23. Đinh Thụy (?-?) người xã Tùng Quan huyện Đông Yên (nay thuộc huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên). Ông làm quan Hàn lâm viện Kiểm thảo. Có tài liệu ghi ông người xã Sài Quất hoặc Tử Quất.
  24. Phạm Kinh Bang (?-?) người xã Thời Trung huyện Thanh Oai (nay thuộc huyện Thanh Oai tỉnh Hà Tây). Ông làm quan Giám sát Ngự sử.
  25. Lương Nhượng (1501-?) người xã Nội Trà huyện Yên Phong (nay thuộc huyện Yên Phong tỉnh Bắc Ninh). Ông làm quan Tham chính.
  26. Nguyễn Dương (1504-?) người xã Trà Lâm huyện Siêu Loại (nay thuộc xã Trí Quả huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh). Ông là em của Nguyễn Dần, ông nội Nguyễn Cổn và làm quan Tự khanh.
  27. Nguyễn Quang Tán (1502-?) người xã Vọng Nguyệt huyện Yên Phong (nay thuộc xã Tam Giang huyện Yên Phong tỉnh Bắc Ninh). Ông làm quan Giám sát Ngự sử.

Tin tức liên quan

Trở lại bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

logo-honinh-trang

Website honinh.com giới thiệu những giá trị lịch sử – văn hóa – xã hội giàu tính nhân văn, góp phần tôn vinh, chia sẻ những giá trị cao đẹp trong cộng đồng  dòng họ Ninh và những người quan tâm, đặc biệt là giới trẻ.

DANH MỤC

 All Right Reserved. Designed and Developed by honinh.com