Trang chủ Khảo cứu 82 Văn bia tại Văn Miếu Hà Nội, từ Khoa thi 1442 đến Khoa thi 1779

82 Văn bia tại Văn Miếu Hà Nội, từ Khoa thi 1442 đến Khoa thi 1779

đăng bởi Ninh Quang Thăng
0 nhận xét

Bia số 42 VĂN BIA ĐỀ DANH TIẾN SĨ KHOA TÂN SỬU NIÊN HIỆU VĨNH THỌ

NĂM THỨ 4 (1661)

VĂN BIA ĐỀ DANH TIẾN SĨ KHOA TÂN SỬU NIÊN HIỆU VĨNH THỌ

NĂM THỨ 4 (1661)

 Kính nghĩ: Thần Tông Uyên hoàng đế ánh dương lại về chính ngọ, hoàng thiên quyến mến trao mệnh hai lần, long bào hoa cổn lâm ngự đã được 12 năm. Chăm dân kính đức, chẳng dám xao lãng; hiếu hiền mưu trị, càng bền chí xưa. Thực nhờ [Đại nguyên súy Thống quốc chính Thượng sư Tây vương] cùng chung một đức, trăm việc ra tay. Bèn vào mùa xuân năm Tân Sửu thi Hội các Cống sĩ trong nước. Đặc sai quan Đề điệu, Tri Cống cử, Giám thí cùng các quan hữu ty chia giữ các việc. Bấy giờ sĩ tử hát bài Lộc minh về kinh dự thi đông đến gần 3.000 người, chọn được hạng xuất sắc 13 người.

Hôm sau vào Điện thí, định thứ tự cao thấp. Cho bọn Đặng Công Chất 3 người đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ, bọn Trần Xuân Bảng 2 người đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, bọn Lê Nhân Kiệt 8 người đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Loa xướng tên người đỗ, bảng vàng treo trước cửa nhà Thái học. Tiếp đó ban áo mũ, cho dự yến tiệc rồi được vinh quy về quê, ơn trời nhuần thấm.

Bấy giờ những người thi đỗ được ghi tên vào vương phủ, được bổ giữ chức vụ trong triều, hoặc đi nhậm chức ở các địa phương, giúp dân trị nước, ai nấy đều đem kiến thức đã học ra thi thố, trổ hết tài năng, sự nghiệp văn chương vẻ vang rực rỡ. Nhưng việc khắc đá đề danh chưa tiến hành ngay là có ý đợi để sau này khuếch trương sự tốt đẹp ấy.

Ngày nay Hoàng thượng bệ hạ gói ghém việc võ, khai mở việc văn, khơi nguồn đạo thống, vun đắp nền tảng thái bình. Thực nhờ [Đại nguyên súy Thống quốc chính Thượng sư An vương] nắm giữ mọi việc, chăm chỉ thi hành đức sáng, thành thực chuộng đãi Nho gia, chấn hưng văn phong giáo hóa. Nghĩ rằng nhà Thái học là gốc nguồn giáo hóa, nơi nuôi dưỡng tài năng, bèn sai trang hoàng xa giá thân đến yết lễ. Sau khi làm lễ bái yết, Vương thượng nhân xem bia Tiến sĩ các khoa, thấy khoa nào chưa dựng, tức thì sai quan đôn đốc khởi công, sai từ thần soạn bài ký. Thần lạm dự chức hầu cận, kính vâng lời ngọc, há dám viện cớ vụng về nông cạn chối từ. Vậy kính cẩn dâng bài ký:

Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, khoa mục là đường tiến thân bằng phẳng của sĩ tử. Xưa nay cầu tìm hiền tài không đời nào không theo đường khoa mục.

Quốc triều ta tuyển chọn chiêu vời hiền sĩ, coi trọng khoa Tiến sĩ. Từ năm Quang Thuận thứ 7 (1466), định lệ 3 năm mở một khoa thi, về sau theo đó làm lệ thường. Trong thời gian đó, ơn trên ưu ái khác thường, đối đãi vẻ vang nồng hậu, nhưng vẫn cho rằng cách khuyến khích học trò như thế còn chưa đầy đủ. Lại đến năm Hồng Đức thứ 15 (1484) bắt đầu đặt lệ dựng bia Tiến sĩ ở nhà Quốc học, mở ra việc từ cổ chưa từng làm, lưu lại phép hay cho đời sau.

Đến đời Trung hưng, thánh nối thần truyền, khôi phục quy chế cũ, đặt khoa thi chọn kẻ sĩ để cho văn vật được đủ đầy, tạo thời cơ cá nhảy diều bay, khích lệ sĩ khí chẳng kém gì đời trước.

Mừng nay thánh đế thánh vương tương thừa, đồng lòng hợp đức, mở mang đạo lớn, khôi phục điển chương, thấy lễ văn chế độ rõ ràng, lòng cảm khái càng mong để lại mưu hay cho hậu thế. Cho nên đối với những điển lễ còn thiếu thì sai làm như lệ cũ, theo thứ bậc đỗ đạt mà ghi họ tên thuộc hàng giáp Ất. Không vì lâu xa mà bỏ sót, không vì gần gũi mà tâng khen, không vì người mất còn mà phân biệt, không vì đời mới cũ mà khác lời. Sự khen ngợi biểu dương ấy làm phấn phát người trung nghĩa nơi chín suối, kích thích lòng khảng khái cho cả trăm đời, lại còn có gì sâu sắc nồng hậu hơn hay sao!

Hãy nói về khoa này: từ khi những người thi đỗ được bổ nhiệm vào các chức vụ tới nay đã trải sáu mươi năm, những người ấy đã xa rồi, sự tích của họ cũng đã cũ. Nhưng người ấy tốt xấu phải trái thì còn lưu truyền ở miệng người chưa mất. Nay bia đá này dựng lên, nêu rõ họ tên, khiến người đời sau tới nhà Quốc học, thấy bia này đọc tên từng người mà muốn biết thực chất. Nếu đó là người tốt, ắt cung kính nói: vị này là bậc quân tử chính trực, lòng vàng dạ ngọc; vị kia thanh khiết liêm cần, tiết tháo sáng trong như băng tuyết, đúng là hoa gấm trọng hạng khoa danh, thật đáng kính trọng. Nếu không được như thế, ắt sẽ chê cười mà bảo: kia là kẻ tiểu nhân gian tà, lòng dạ hiểm độc; kia là kẻ dối trá xiểm nịnh, miệng lưỡi tráo trở; đúng là vết nhơ cho khoa mục, thật là xấu xa! Người đời tất là sẽ chọn người tốt làm thầy mà noi theo điều phải, xem gương kẻ ác mà tự răn đe, cùng nhau trau dồi liêm sỉ, chuộng tín nghĩa, quý trọng lòng trung ái, gìn giữ danh tiết, được như thế thì có thể làm cho nền tảng nước nhà vẻ vang vậy.

Thế thì bia đá này dựng lên, đâu phải chỉ để đề cao giá trị Nho khoa, phô trương thịnh trị mà còn để nêu gương cho người hậu tiến, cảnh tỉnh và khích lệ sĩ phong nhằm duy trì thế giáo, vun đắp cương thường tới ức vạn năm, há phải việc nhỏ đâu!

Thần kính cẩn làm bài ký.

Cẩn sự Tá lang Hàn lâm viện Hiệu thảo Dương Bật Trạc1 vâng sắc soạn.

Tá lý công thần Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu Thượng thư Bộ Lại kiêm Đông các Đại học sĩ Thiếu phó Liêm Quận công Nguyễn Quý Đức vâng sắc nhuận.

Bia dựng ngày 2 tháng 3 niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 13 (1717) Hoàng triều.

Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ, 3 người:

ĐẶNG CÔNG CHẤT 鄧公質2 người xã Phù Đổng huyện Tiên Du.

ĐÀO CÔNG CHÍNH 陶公正3 người xã Hội Am huyện Vĩnh Lại.

NGÔ KHUÊ 吳珪4 người xã Chi Nê huyện Chương Đức.

Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, 2 người:

TRẦN XUÂN BẢNG 陳春榜5 người xã Quan Sơn huyện Thanh Lâm.

LÊ TRÍ BÌNH 黎致平6 người xã Thanh Mai huyện Tiên Phong.

Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, 8 người:

LÊ NHÂN KIỆT 黎仁傑7 người xã Cổ Định huyện Nông Cống.

PHÍ ĐĂNG NHẬM 費登任8 người xã Dương Liễu huyện Đan Phượng.

ĐỖ THẠNH 杜晟9 người xã Phù Vệ huyện Đường Hào.

NGUYỄN KÍNH 阮璥10 người xã Nguyệt Viên huyện Hoằng Hóa.

LẠI ĐĂNG TIẾN 賴登進11 người xã Phù Lưu huyện Đông Sơn.

HOÀNG HIỆP TÂM 黃協心12 người xã Phúc Diễn huyện Từ Liêm.

LÊ LIÊU 黎僚13 người xã Hữu Bộc huyện Đông Sơn.

NGUYỄN VĂN PHÚ 阮文富14 người xã Bồ Sảo huyện Bạch Hạc.

Trung thư giám Hoa văn học sinh, người xã Tả Thanh Oai huyện Thanh Oai là Ngô Đình Kiên vâng sắc viết chữ (chân).

Trung thư giám Hoa văn học sinh, người xã Kính Chủ là Nguyễn Khoan Dung vâng mệnh viết chữ triện.

Chú thích:

  1. Dương Bật Trạc (1684-?) người xã Cổ Lễ huyện Nam Chân (nay thuộc thị trấn Cổ Lễ huyện Nam Trực tỉnh Nam Định), đỗ Tiến sĩ khoa Ất Mùi niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 11 (1715) đời Lê Dụ Tông. Ông làm quan Hiến sát sứ. Ông là tác giả 2 bài văn bia Tiến sĩ, khoa 1661 và khoa 1676.
  2. Đặng Công Chất (1622-1683) người xã Phù Đổng huyện Tiên Du (nay thuộc xã Phù Đổng huyện Gia Lâm Tp. Hà Nội), nguyên quán xã Thái Bát huyện Bất Bạt (nay thuộc xã Tông Bạt huyện Ba Vì tỉnh Hà Tây). Ông giữ các chức quan, như Tham tụng, Thượng thư Bộ Hình và được cử đi sứ (năm 1682) sang nhà Thanh (Trung Quốc). Sau khi mất, ông được tặng Thái bảo, Thượng thư Bộ Lại, tước bá.
  3. Đào Công Chính (1639-?) người xã Hội Am huyện Vĩnh Lại (nay thuộc xã Cao Minh huyện Vĩnh Bảo Tp. Hải Phòng). Ông làm quan Hữu Thị lang Bộ Lại, Nhập thị Kinh diên, tước nam và được cử đi sứ (năm 1673) sang nhà Thanh (Trung Quốc). Sau khi mất, ông được tặng Tả Thị lang Bộ Lại, tước tử.
  4. Ngô Khuê (1633-?) người xã Chi Nê huyện Chương Đức (nay thuộc xã Trung Hòa huyện Chương Mỹ tỉnh Hà Tây). Ông giữ các chức quan, như Tả Thị lang Bộ Công, Bồi tụng, tước Lam Phái nam. Sau khi mất, ông được tặng Tả Thị lang Bộ Hộ.
  5. Trần Xuân Bảng (1619-?) người xã Quan Sơn huyện Thanh Lâm (nay thuộc xã An Sơn huyện Nam Sách tỉnh Hải Dương). Ông làm quan Tham chính.
  6. Lê Trí Bình (1539-?) người xã Thanh Mai huyện Tiên Phong (nay thuộc xã Vạn Thắng huyện Ba Vì tỉnh Hà Tây). Ông làm quan Hiến sát sứ. Sau khi mất, ông được tặng Đô Cấp sự trung.
  7. Lê Nhân Kiệt (1635-?) người xã Cổ Định huyện Nông Cống (nay thuộc xã Tân Ninh huyện Triệu Sơn tỉnh Thanh Hóa). Ông làm quan Hình khoa Đô Cấp sự trung, tước nam.
  8. Phí Đăng Nhậm (1619-?) người xã Dương Liễu huyện Đan Phượng (nay là xã Dương Liễu huyện Hoài Đức tỉnh Hà Tây). Ông làm quan Công khoa Đô Cấp sự trung. Có tài liệu ghi ông là Phí Đăng Sĩ.
  9. Đỗ Thạnh (1615-?) người xã Phù Vệ huyện Đường Hào (nay thuộc huyện Mỹ Hào tỉnh Hưng Yên), trú quan xã Đại Bái huyện Gia Định (nay là xã Đại Bái huyện Gia Bình tỉnh Bắc Ninh). Ông làm quan Giám sát.
  10. Nguyễn Kính (1629-?) người xã Nguyệt Viên huyện Hoằng Hóa (nay thuộc xã Hoằng Quang huyện Hoằng Hóa tỉnh Thanh Hóa). Ông làm quan Giám sát.
  11. Lại Đăng Tiến (1637-1722) người xã Phù Lưu huyện Đông Sơn (nay thuộc xã Quảng Thắng Tp. Thanh Hóa tỉnh Thanh Hóa). Ông giữ các chức quan, như Đề hình, Giám sát Ngự sử. Sau khi mất, ông được tặng chức Tham chính.
  12. Hoàng Hiệp Tâm (1638-?) người xã Phúc Diễn huyện Từ Liêm (nay thuộc Phú Minh huyện Từ Liêm Tp. Hà Nội). Ông làm quan Phó Đô Ngự sử. Sau khi mất, ông được tặng Tả Thị lang, tước nam.
  13. Lê Liêu (1622-?) người xã Hữu Bộc huyện Đông Sơn (nay thuộc xã Đông Ninh huyện Đông Sơn tỉnh Thanh Hóa). Ông làm quan Giám sát Ngự sử.
  14. Nguyễn Văn Phú (1516-?) người xã Bồ Sảo huyện Bạch Hạc (nay thuộc xã Bồ Sảo huyện Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Phúc). Ông làm quan Tả Thị lang Bộ Binh.

Tin tức liên quan

Trở lại bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

logo-honinh-trang

Website honinh.com giới thiệu những giá trị lịch sử – văn hóa – xã hội giàu tính nhân văn, góp phần tôn vinh, chia sẻ những giá trị cao đẹp trong cộng đồng  dòng họ Ninh và những người quan tâm, đặc biệt là giới trẻ.

DANH MỤC

TIN TỨC MỚI

 All Right Reserved. Designed and Developed by honinh.com