Trang chủ Chi pháiCôi Trì - Trung Đồng [VTV1] Danh nhân đất Việt: Ninh Tốn – người từ Núi Chuyết

[VTV1] Danh nhân đất Việt: Ninh Tốn – người từ Núi Chuyết

đăng bởi Ninh Quang Thăng
0 nhận xét

Ngày 27/4/2014, trên kênh VTV1 trong mục DANH NHÂN ĐẤT VIỆT có Chương trình nói về Ninh Tốn. Tuy có một số thông tin chưa đúng hoặc cần khảo cứu thêm, nhưng Chương trình cũng nói được những nét chính về cuộc đời, sự nghiệp của Ninh Tốn.

Ý kiến của chúng tôi sau khi xem Chương trình này:

Một số thông tin trong Chương trinh phát trên VTV1 ngày 27/4/2014 theo chúng tôi chưa chinh xác. Sau đây, xin bàn về một số điều chưa chinh xác đó:

I. Quê tổ họ Ninh Côi Trì:

Sách Thơ văn Ninh Tốn dẫn theo Vũ trung tuỳ bút của Phạm Đình Hổ (1768 – 1839) cho rằng quê tổ của họ Ninh tại Côi Trì là ở làng Ninh Xá – huyện Chí Linh. Một số tài liệu sau đó do dựa vào sách này nên cũng viết như vậy.  Chương trinh phát trên VTV1 ngày 27/4/2014 có lẽ cũng dựa theo Vũ Trung Tùy Bút hoặc các tài liệu trên nên cũng cho rằng quê tổ của họ Ninh tại Côi Trì là ở làng Ninh Xá – huyện Chí Linh.

Quả thật, như chúng ta đều biết làng Ninh Xá – xã Lê Ninh xưa thuộc huyện Chí Linh nay thuộc huyện Kinh Môn là vùng quê nổi tiếng văn vật, nhiều người đỗ đạt, ví dụ như Nguyễn Mại đỗ Hoàng Giáp đời Lê Hy Tông…

Tuy nhiên, căn cứ vào:

a) Các tài liệu sau:
[1]   NINH TƯỚNG CÔNG HÀNH TRẠNG, Ninh Ngạn (cha của Ninh Tốn) biên soạn năm Giáp Thân niên hiệu Cảnh Hưng  (1764), sách của Thư viện Viện Hán Nôm, ký hiệu A. 1267.
[2]   GIA PHẢ HỌ NINH TẠI CÔI TRÌ
[3]   GIA PHẢ HỌ NINH TẠI TRUNG ĐỒNG
đều ghi ông tổ họ Ninh tại Côi Trì quê ở làng Ninh Xá huyện Vọng Doanh, đầu đời Hồng Đức đến khai khẩn đất hoang ở huyện Yên Mô, rồi lập ra làng Côi Đàm sau đổi thành Côi Trì.

Các bản GIA PHẢ HỌ NINH TẠI CÔI TRÌGIA PHẢ HỌ NINH TẠI TRUNG ĐỒNG viết  “. . . Thuỷ tổ Doãn Chung tính Ninh, thị Nam Định Vọng Doanh Ninh Xá nhân. Lê Hồng Đức nguyên niên ngoại gia kỳ địa hiệu Côi Đàm xã, kim cải Côi Trì”.

Thông tin giới thiệu sách NINH TƯỚNG CÔNG HÀNH TRẠNG của Viện Nghiên cứu Hán Nôm viết:

(Nguồn: http://hannom.vass.gov.vn/noidung/Disan/Pages/ky-hieu.aspx?ItemID=5511)

b) Ngay chính bản thân nhà nghiên cứu Hoàng Lê – tác giả chủ biên của cuốn THƠ VĂN NINH TỐN  sau đó cũng cho rằng gốc của họ Ninh tại Côi Trì là từ Ninh Xá – huyện Vọng Doanh – tỉnh Nam Định chứ không phải từ Ninh Xá – huyện Chí Linh – tỉnh Hải Dương. Sau khi xuất bản cuốn THƠ VĂN NINH TỐN, 5 năm sau trên Tạp chí Hán Nôm số 1 năm 1989, khi giới thiệu về Bia Dã Hiên tiên sinh mộ biểu, Hoàng Lê viết:
Bia Dã Hiên tiên sinh mộ biểu tạo vào năm Cảnh Hưng thứ 42 (1781) để ở từ đường họ Ninh, xã Yên Mỹ – huyện Tam Điệp; khổ bia 1×1,60m, chạm lưỡng long chầu nguyệt ở trán bia; 2 mặt bia đều khắc chữ, có 26 dòng từ 1 đến 37 chữ. Người soạn văn bia là Tiến sĩ Vũ Huy Đĩnh. Qua bia này, chúng ta được biết khá chi tiết về Ninh Ngạn, hiệu Dã Hiên, Hy Tăng Cư Sĩ: Ông sinh năm Ất Mùi, Vĩnh Thịnh thứ 11 (1715), mất năm Tân Sửu, Cảnh Hưng thứ 42 (1781). Tổ 8 đời nguyên quán ở Ninh Xá, Vọng Doanh, đến khai hoang lập ấp ở Côi Trì, Yên Mô từ đời Lê Hồng Đức“.
(Xin xem toàn bộ bài viết này của Hoàng Lê bằng cách bấm vào đây).

c) Trong các Tạp chí Nghiên cứu Hán – NômTạp chí Thế giới mới, . . . nhiều tác giả khác như Nguyễn Đăng, Đinh Văn Viễn, . . .  cũng đều khẳng định Phạm Đình Hổ có sự nhầm lẫn về quê tổ họ Ninh tại Côi Trì.  Từ những năm 80 của thế kỷ trước, tác giả Nguyễn Đăng trong bài viết “Thêm một số tư liệu về Ninh Tốn” đăng trong Tạp chí Hán Nôm số 1/1985 (http://www.hannom.org.vn/web/tchn/data/8501v.htm)  viết: “Đất Ninh Xá này (thuộc huyện Vọng Doanh, phủ Nghĩa Hưng trấn Sơn Nam sau thuộc tổng Cát Đằng, huyện Ý Yên) nằm ở huyện đồng bằng, chỉ cách huyện Yên Mô một dòng sông Đáy. Do vậy họ Ninh có thể từ vùng đồng bằng đất hẹp người đông, sang khai khẩn đất đai ở huyện miền núi gần đó, theo đúng phép “chiếm xạ” do triều đình phong kiến lúc bấy giờ ban hành. Còn Chí Linh cũng là một huyện miền núi, đất đai hẳn không thiếu gì, chẳng cần phải đi khai khẩn nơi khác, hơn nữa Chí Linh và Yên Mô lại cách nhau rất xa, nên việc họ Ninh từ Ninh Xá Chí Linh đến Yên Mô là khó có thể xảy ra. Phạm Đình Hổ là người vùng Hải Dương rất quen thuộc dải đất Chí Linh, ông đã nhầm Ninh Xá của huyện Vọng Doanh với Ninh Xá của huyện Chí Linh?”.

d) Họ Ninh tại Ninh Xá – huyện Chí Linh tính từ cụ Ninh Viết Thân cũng là vào khoảng thời gian thuộc niên hiệu Hồng Đức, cũng chỉ vào cùng khoảng thời gian với họ Ninh tại Côi Trì từ cụ Doãn Chung. Vì vậy việc cho rằng họ Ninh tại Côi Trì có gốc từ Ninh Xá – huyện Chí Linh là không hợp lý.

Như vậy việc VTV1 cho rằng quê tổ của họ Ninh tại Côi Trì là ở làng Ninh Xá – huyện Chí Linh là không chính xác.

II. Có phải Ninh Địch là chú của Ninh Tốn không?

Chương trinh trên VTV1 nói Ninh Địch là chú Ninh Tốn. Tuy nhiên:

Theo Gia phả Côi Trì thì Ninh Ngạn và Ninh Địch đều là các con của cụ Hoằng Nghị.

–    Ninh Địch sinh năm 1687, năm 1705 đỗ Hương cống, năm 1718 đỗ Hoàng giáp, làm quan đến Đông Các Đại học sĩ, mất năm 1734.

–    Ninh Ngạn (cha của Ninh Tốn) sinh năm 1715,  Sách Ninh Tướng công hành trạng do chinh ông biên soạn cho biết ông đỗ Hương cống năm 1750, từng làm Hiến phó sứ.

Như vậy Ninh Ngạn kém Ninh Địch 28 tuổi. Vì vậy Ninh Tốn gọi Ninh Địch là bác chứ không phải là chú.

Việc VTV1 cho rằng Ninh Địch là chú của Ninh Tốn là không chính xác.

III. Ninh Đạt có phải cụ tổ 4 – 5 đời của Ninh Tốn hay không?

Trong một bài viết trước đây trên website này, chúng tôi đã nhận xét:

Từ trước đến nay, khi nghiên cứu về họ Ninh, nhiều tác giả thường trích dẫn tác phẩm Vũ Trung tùy bút của Phạm Đình Hổ. Theo Vũ Trung tuỳ bútthì “Ninh Đạt vào hạng ông tổ năm đời của Ninh Tốn.  Chương trình phát trên VTV1 cũng nói rằng Ninh Tốn gọi Ninh Đạt là “cụ”.

Tính từ Doãn Chung thì Ninh Tốn là thuộc Đời thứ 9, nếu Ninh Đạt là tổ 4-5 đời của Ninh Tốn thì Ninh Đạt thuộc Đời thứ 4 hoặc Đời thứ 5. Tuy nhiên, trong Gia phả Côi Trì và Trung Đồng, ở các Đời thứ 4 hoặc Đời thứ 5 đều không thấy ai có tên Ninh Đạt.

Theo Gia phả họ Ninh tại Trung Đồng, chúng tôi thấy ở Đời thứ 8 có ghi “Hiểu thái tổ hiểu chiêu mộ cao tổ khảo Ninh Quý Công tự Phúc Đạt“. Theo cách đặt tên tự/thụy, nhiều trường hợp để đặt tên tự/thụy, các cụ giữ tên húy và thêm các chữ khác như Phúc, Doãn, Đoan, . . . . Như vậy cụ tự Phúc Đạt phải chăng tên húy là Đạt và chính là cụ Ninh Đạt đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân khoa Kỷ Hợi, niên hiệu Vĩnh Thọ năm thứ 2 (1659) đời vua Lê Thần Tông ?. Nếu như vậy:
–  Ninh Đạt là cháu gọi  Ninh Bạt tự Công Phúc (Huyền Thọ) bằng ông.
–  Hoàng Giáp Ninh Địch là cháu gọi  Huyền Pháp bằng ông.
– Các cụ Huyền Thọ, Huyền Pháp là Đời thứ 6. Cụ Huyền Thọ là con trưởng, cụ Huyền Pháp là con thứ của cụ Chính Chung (Rự Tuấn).
– Ninh Tốn là cháu gọi Ninh Địch bằng bác.
Như vậy 2 cụ Ninh Đạt và Ninh Địch là ngang hàng (cùng Đời thứ 8). Do đó cụ Ninh Tốn là cháu gọi các cụ Ninh Đạt, Ninh Địch là bác chứ không phải cháu 5 đời của cụ Ninh Đạt.
Theo các Văn bia trong Văn Miếu thì Cụ Ninh Đạt sinh năm 1618, còn Cụ Hoàng Giáp Ninh Địch sinh năm 1687, đỗ tiến sỹ năm 1718. Như vậy 2 cụ thuộc cùng một đời nhưng cụ Ninh Địch sinh sau cụ Ninh Đạt 69 năm. Các cụ thuộc các chi trưởng và thứ (từ cụ Chính Chung). Sau 3 đời tính từ cụ Chính Chung thì sự chênh lệch về thời gian 69 năm vẫn không có gì bất hợp lý.

Việc VTV1 cho rằng Ninh Đạt là “cụ” của Ninh Tốn cần xem xét lại.

 IV. Tên cụ thân sinh của Ninh Tốn

Chữ Hán ghi tên cụ thân sinh của Ninh Tốn là 寧. Một số tài liệu phiên âm là Ninh Sản. Chương trinh phát trên VTV1 cũng đọc là Ninh Sản. Tuy nhiên, theo Từ điển Thiều Chửu thì phải đọc là Ninh Ngạn hoặc Ninh Nghiễn mới đúng. Gia phả Côi Trì khi chuyển  sang chữ Quốc ngữ cũng ghi là Ninh Ngạn. Nhà nghiên cứu Hoàng Lê và nhiều bài viết gần đây của các tác giả khác cũng đều dịch là Ninh Ngạn.

Tên của cụ thân sinh ra Ninh Tốn dịch là Ninh Ngạn mới đúng.

Trên đây là một vài nhận xét để Quý vị cùng xem xét và cho biết ý kiến.

Tuy có những điều mà theo chúng tôi là chưa chính xác, nhưng về cơ bản thì với thời lượng phát khoảng 30 phút, Chương trình phát trên VTV1 cũng đề cập được tương đối đầy đủ về cuộc đời và sự nghiệp của Ninh Tốn.

Ninh Quang Thăng

Tin tức liên quan

Trở lại bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

logo-honinh-trang

Website honinh.com giới thiệu những giá trị lịch sử – văn hóa – xã hội giàu tính nhân văn, góp phần tôn vinh, chia sẻ những giá trị cao đẹp trong cộng đồng  dòng họ Ninh và những người quan tâm, đặc biệt là giới trẻ.

DANH MỤC

 All Right Reserved. Designed and Developed by honinh.com