Trang chủ Khảo cứu Về địa danh Nam Định, Ninh Binh theo lịch sử

Về địa danh Nam Định, Ninh Binh theo lịch sử

đăng bởi Ninh Quang Thăng
0 nhận xét

Tên gọi các đơn vị hành chính, tên các địa danh cũng như địa giới của các địa danh này có sự thay đổi rất nhiều qua các thời kỳ lịch sử.

Khi đọc các tài liệu liên quan đến dòng họ, theo chúng tôi rất nên đối chiếu với các thư tịch cổ để hiểu rõ hơn.

Căn cứ vào các tác phẩm Đại Việt Sử ký Toàn thư,  Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí, Việt Sử Thông Giám Cương Mục chúng tôi thấy các tên Nam Định, Ninh Bình chỉ bắt đầu xuất hiện vào triều vua Minh Mệnh vào các năm 1822 và 1829.

Chúng tôi cũng tìm hiểu qua các tài liệu cổ về tên cũng như địa giới của huyện Vọng Doanh (Phong Doanh).

  1. Về địa danh Ninh Bình

Thời nhà Đinh (968-980): là châu Đại Hoàng

Thời Tiền Lê (981-1009): là châu Trường Yên

Thời nhà Lý (1010-1225): là phủ Trường Yên

Thời nhà Trần (1225-1400): là lộ Trường Yên, sau đó là trấn Trường Yên

Thời kỳ thuộc Minh (1407-1428): là châu Trường Yên

Thời Hậu Lê, lúc đầu cả nước chia thành 5 Đạo. Dưới Đạo là các Phủ, Trấn. Vào thời Lê Thái Tông (1433-1442): chia thành 2 phủ Trường Yên và Thiên Quan thuộc Trấn Thanh Hoa (thuộc Nam Đạo).

Dưới triều Lê Thánh Tông, niên hiệu Hồng Đức (1470-1498), lập 13 Đạo Thừa Tuyên, 2 phủ Trường Yên và Thiên Quan thuộc Sơn Nam thừa tuyên.

Thời Nhà Mạc (1527-1592):  gọi 2 phủ Trường Yên và Thiên Quan là Thanh Hoa ngoại trấn.

Thời Lê Trung Hưng và Tây Sơn: vẫn gọi 2 phủ Trường Yên và Thiên Quan là Thanh Hoa ngoại trấn (bên kia dãy Tam Điệp gồm  tỉnh Thanh Hóa ngày nay thì lúc đó gọi là Thanh Hoa nội trấn, sau này mới gọi là Thanh Hóa).

Thời nhà Nguyễn: Năm Gia Long thứ 5 (1806) đổi Thanh Hoa ngoại trấn thành Thanh Bình vẫn thuộc trấn Thanh Hoa.

Năm Minh Mệnh thứ 2 (1821) đổi tên phủ Trường Yên làm phủ Yên Khánh.

Năm Minh Mệnh thứ 3 (1822) đổi tên Thanh Bình thành Ninh Bình vẫn thuộc trấn Thanh Hoa. Địa danh Ninh Bình có từ đó tức là  là lần đầu tiên xuất hiện tên gọi Ninh Bình (nhưng vẫn thuộc trấn Thanh Hoa).

Đến năm Minh Mệnh thứ 10 (1829) đổi Ninh Bình thành một trấn riêng không còn thuộc trấn Thanh Hoa nữa.

Năm Minh Mệnh thứ 12 (1831) đổi trấn Ninh Bình thành tỉnh Ninh Bình. Tỉnh Ninh Bình dưới triều Nguyễn có 2 phủ Yên Khánh và Thiên Quan:

Phủ Yên Khánh gồm các huyện:

+ Yên Khánh

+ Yên Mô

+ Gia Viễn (khi ấy gồm phần lớn huyện Gia Viễn ngày nay và huyện Hoa Lư)

+ Kim Sơn.

Phủ Thiên Quan (đến đời Tự Đức 15, tức năm 1862 đổi là phủ Nho Quan) gồm các huyện:

+ Yên Hoà (đời Lê gọi là Ninh Hoá, gồm một phần huyên Nho Quan và một phần huyện Gia Viễn ngày nay)

+ huyện Yên Lạc (trước là Lạc Thổ, sau là Lạc Yên, ngày nay là huyện Lạc Sơn tỉnh Hoà Bình).

2.      Về địa danh Nam Định

Thời nhà Lý : thuộc  lộ Hoàng Giang.

Thời Trần: bao gồm một phần phủ Thiên Trường và một phần phủ Kiến Hưng. Trong đó:

Phủ Thiên Trường  (tương đương với toàn bộ vùng đất phía đông tỉnh Nam Định ngày nay.) gồm các huyện:

+ Mỹ Lộc

+ Tây Chân (Nam Trực, Trực Ninh)

+ Giao Thuỷ (Xuân Trường, Giao Thuỷ)

+ Thượng Nguyên (nay là một phần huyện Mỹ Lộc, một phần khác thuộc Thái Bình

Phủ Kiến Hưng (tương đương với vùng đất phía tây tỉnh Nam Định ngày nay) gồm các huyện:

+ Ý Yên

+ Thiên Bản (Vụ Bản)

+ Độc Lập

+ Đại An (Nghĩa Hưng)

+ Vọng Doanh

Thời thuộc Minh, năm Vĩnh Lạc thứ 5 (1407) đổi phủ Thiên Trường thành phủ Phụng Hoá gồm bốn huyện Mỹ Lộc, Tây Chân, Giao Thuỷ, Thận Vi;  đổi phủ Kiến Hưng thành phủ Kiến Bình gồm năm huyện Ý Yên, Yên Bản (Thiên Bản cũ), Bình Lập (Độc Lập cũ), Đại Loan (huyện Đại An cũ) và Vọng Doanh; năm thứ 13 (1415) gộp huyện Bình Lập vào huyện Yên Bản; năm thứ 17 (1419) gộp huyện Vọng Doanh vào huyện Ý Yên  (Trong các triều đại tiếp theo, nhiều lần huyện Vọng Doanh lại được nhập vào, rồi tách ra từ huyện Ý Yên)

Đầu thời Lê sơ, cả nước chia thành năm đạo, vùng đất Nam Định ngày nay thuộc Nam Đạo.

Đời Lê Thánh Tông chia làm 12 đạo thừa tuyên, năm Quang Thuận thứ 7 (1466) đặt Đạo thừa tuyên Thiên Trường, đến năm thứ 10 (1469) đổi thành Đạo thừa tuyên Sơn Nam. Sơn Nam là một vùng rộng lớn tương ứng với các tỉnh phía nam đồng bằng Bắc Bộ ngày nay, gồm 11 phủ, 42 huyện.

Năm Cảnh Hưng thứ 2 (1741), Đạo thừa tuyên  Sơn Nam chia làm hai lộ Sơn Nam Thượng và Sơn Nam Hạ. Sơn Nam Hạ gồm các phủ Tiên Hưng, Thái Bình, Kiến Xương (tỉnh Thái Bình hiện nay) và Thiên Trường, Nghĩa Hưng (tỉnh Nam Định ngày nay).

Thời Tây Sơn đổi làm trấn Sơn Nam Hạ, số lượng các phủ, huyện không thay đổi.

Năm Minh Mệnh thứ 3 (năm 1822), trấn Sơn Nam Hạ đổi tên thành trấn Nam Định. Đây là lần đầu tiên xuất hiện tên gọi Nam Định. Vào thời điểm này, trấn Nam Định bao gồm tỉnh Nam Định và phần lớn tỉnh Thái Bình ngày nay.

Năm 1832 triều vua Minh Mệnh không còn gọi là các trấn mà chia nhỏ hơn, đặt thành các tỉnh. Phần lớn vùng đất thuộc trấn Nam Định được gọi là tỉnh Nam Định, phần còn lại thuộc tỉnh Thái Bình.

3.      Về Huyện Vọng Doanh (Phong Doanh)

Một trong những bài thơ của Nguyễn Trãi là bài Vọng Doanh

Nguyên văn chữ Hán:

 望   

望瀛投暮繫吟船

詩景撩人晚興牽

浴翠雨晴峰似玉

大安潮漲水如天

依依遠樹青煙裏

渺渺平沙白鳥前

三十年前湖海趣

茲遊奇絕勝蘇仙

Phiên âm Hán Việt:

Vọng Doanh

Vọng-doanh đầu mộ hệ ngâm thuyền ;

Thi cảnh liêu nhân vãn hứng khiên.

Dục-thúy vũ tình phong tự ngọc ;

Đại-an triều tướng thủy như thiên.

Y y viễn thụ thanh yên lý ;

Diểu diểu bình sa bạch điểu tiền.

Tam thập niên tiền hồ hải thú,

Tư du kỳ tuyệt thắng Tô tiên

Dịch nghĩa:

Vọng Doanh

Chiều hôm đến Vọng-doanh buộc thuyền thơ ;

Cảnh thơ ghẹo người, hứng buổi chiều hôm lôi kéo.

Mưa tạnh núi Dục-thúy biếc như ngọc ;

Triều lớn cảnh Đại-an nước như trời.

Lờ mờ rặng cây xa ở trong làn khói xanh ;

Bát ngát bãi sông phẳng ở trước đàn chim trắng.

Thú hồ hải ba mươi năm về trước,

Cuộc chơi này lạ tuyệt, còn hơn cuộc chơi của Tô tiên (Tô Đông Pha).

Từ bài thơ trên, ta thấy núi Dục Thúy, chùa Non Nước (gần cầu Ninh Bình ngày nay) lúc đó thuộc huyện Vọng Doanh.

Huyện Vọng Doanh (Phong Doanh) xưa cùng với huyện Ý Yên thuộc phủ Kiến Hưng (Nghĩa Hưng). Trong lịch sử, nhiều lần Vọng Doanh được nhập vào rồi lại tách ra với huyện Ý Yên.

Khi vua Minh Mệnh (triều Nguyễn) đặt tên các địa danh Nam Định, Ninh Bình (1822, 1829) rồi sau đó gọi là các tỉnh Nam Định, Ninh Bình (1832) thì huyện Vọng Doanh có lúc  thuộc tỉnh Ninh Bình, có lúc thuộc Nam Định (năm 1876, huyện Ý Yên cùng huyện Phong Doanh đổi thuộc tỉnh Ninh Bình cho đến năm 1890 trở lại thuộc Nam Định).

Ninh Quang Thăng

Tin tức liên quan

Trở lại bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

logo-honinh-trang

Website honinh.com giới thiệu những giá trị lịch sử – văn hóa – xã hội giàu tính nhân văn, góp phần tôn vinh, chia sẻ những giá trị cao đẹp trong cộng đồng  dòng họ Ninh và những người quan tâm, đặc biệt là giới trẻ.

DANH MỤC

 All Right Reserved. Designed and Developed by honinh.com