Trang chủ Danh nhân họ Ninh Thôn Ninh Xá Hạ và Lão La Đại thần

Thôn Ninh Xá Hạ và Lão La Đại thần

đăng bởi Ninh Quang Thăng
0 nhận xét

Thôn Ninh Xá Hạ xưa gọi là Thiết Lâm (rừng Lim) ngay cạnh thôn La Xuyên.

Trước thời Cụ Ninh Hữu Hưng, đền thờ 2 vị Lương Bình Vương và An Nhu Vương (đều là tướng và con của vua Hùng). Sau khi Cụ Ninh Hữu Hưng mất, cụ được Triều đình vua Lý Thái Tổ cho phối thờ trong Đền. Cũng do  truyền thuyết Cụ  học được nhiều  bí quyết nghề mộc từ cõi Diêm La nên Đền thờ  cả Diêm La Vương. Như vậy, từ đó đến nay Đền thờ các vị:

1.       Thiên tử Diêm La Vương

2.       Lương Bình Vương (tướng và con vua Hùng)

3.       An Nhu Vương (tướng và con vua Hùng)

4.       Lão La Đại Thần

Nguyên trước kia đền cũ (còn gọi là “đền nhà vua”) ở gần cầu Tào hiện nay.

Năm Vĩnh Thịnh thứ 8 (1712), Tào Nguyên Hầu Nguyễn Tất Khang cho dời đền lên vị trí hiện nay để tránh lụt lội.

Bên phải đền còn có Phủ Mẫu thờ Đại Lan Công chúa – người đã giúp Hai Bà Trưng chống nhà Hán.

Thần Phả trong đền được viết lại vào năm Tự Đức thứ 22 (1869) do Tri huyện huyện Đại An, An Giang Bá Lê Huy Phan viết vì Thần Phả cũ đã mất khi binh mã nhà Thanh tàn phá.

Theo truyền thuyết ghi trong Thần Phả:

Ninh Hữu Hưng sinh năm 936, quê tại thôn Chi Phong, tổng Trường An, huyện Gia Viễn.

Đinh Tiên Hoàng Đế dẹp được loạn 12 Sứ quân, thống nhất thiên hạ, lập nước Đại Cồ Việt, định đô tại Hoa Lư. Ông được giao phụ trách 6 phủ để xây dựng các cung điện tại Kinh đô Hoa Lư và vì vậy được phong chức Công tượng lục phủ giám sát đại tướng quân.

Sau khi đánh thắng quân Tống, Lê Đại Hành giao cho ông phụ trách xây các điện Bách Bảo Thiên Tuế, Phong Lưu Tử Hoa, . . . (Giáp Thân năm thứ 5 triều vua Lê Đại Hành).

Do có vũ dũng, ông được đi theo xa giá vua Lê Đại Hành. Ngày 24 tháng 4 năm Tân Mão (991), khi đỗ thuyền ở Thiết Lâm, vua Lê Đại Hành lên bờ ghé thăm đền thờ Lương Bình Vương và An Nhu Vương. Nhà vua thấy đền xiêu vẹo, hoang vắng bèn sai Ninh Hữu Hưng ở lại dốc sức tu sửa đền này và ngôi chùa gần đó sau được đặt tên là Phúc Lê Tự.

Từ đó, ông ở lại đất Thiết Lâm, lập ra trang ấp và dạy nghề mộc cho dân chúng. Công đức của ông rất sâu rộng.

Ông mất ngày 4 tháng 6 niên hiệu Thuận Thiên (năm Kỷ Mùi 1020) triều vua Lý Thái Tổ. Con cháu và dân trong vùng đem linh cữu ông xuống thuyền trở về Chi Phong, chôn ở chân núi Xương Bồ (phía đông nam thôn Chi Phong ngày nay) và tâu việc lên triều đình. Vua Lý Thái Tổ ban cho ông tôn hiệu là Lão La Đại Thần Tiên Sư và cho con cháu ông và dân chúng trong vùng được mang thần vị ông vào phối thờ dưới Lương Bình Vương và An Nhu Vương ngụ ý xem đều là công thần nhà nước. Đất Thiết Lâm cũng được đổi thành Ninh Xá với nghĩa là làng của người họ Ninh.

Đền làng Ninh Xá hiện còn lưu giữ 28 đạo sắc phong, trong đó:

–          11 đạo thời Lê, sớm nhất là vào niên hiệu Vĩnh Thọ (1660)

–          2 đạo thời Tây Sơn

–          13 đạo thời nhà Nguyễn

Trong số 28 đạo sắc phong còn lưu giữ thì chỉ còn giữ được 1 đạo sắc phong  cho Lão La Đại Thần được ban ngày 25 tháng 7 niên hiệu Khải Định thứ 9 (1924) nguyên văn là:

“ Sắc Nam Định tỉnh, Phong Doanh huyện, Ninh Xá xã phụng sự Lão La Đại Thần tôn thần, hộ quốc tí dân nẫm trứ linh ứng.

Tứ kim chính trị trẫm tứ tuần đại khánh, tiết kính ban bảo chiếu đàm ân lễ long đăng trật. Trứ phong vi dực bảo trung hưng linh phù tôn thần chuẩn kỳ phụng sự.

Phùng kỳ tướng hựu, bảo ngã lê dân.

Khâm tai!

Khải Định cửu niên, thất nguyệt, nhị thập ngũ nhật”

Dịch nghĩa:

Sắc cho xã Ninh Xá, huyện Phong Doanh, tỉnh Nam Định phụng thờ Lão La Đại Thần Tôn Thần, giúp nước giúp dân, thiêng liêng rõ rệt.

Nhân nay trẫm tứ tuần đại khánh từng ban chiếu để rõ ơn trên, long trọng việc lễ đăng trật. Vậy phong cho là vị tôn thần thiêng liêng phò giúp cho nền trung hưng của quốc gia, cho phép phụng thờ (như cũ).

Mong thần che chở cho dân ta

Kính vậy thay!

Ngày 25 tháng 7, niên hiệu Khải Định năm thứ 9.

Nội dung chung chung nhu trên cho thấy sắc phong này được vua Khải Định ban theo lệ khi có đại lễ khánh tiết, không phải là đạo sắc do xét công trạng mà  phong cấp lúc đầu. Điều này có nghĩa là trước đạo sắc này phải còn có những đạo sắc khác nữa mà nay không tìm thấy.

Trong đền còn có nhiều câu đối:

Quy viên cử phương, trí xảo do ư chưởng thượng

Chuẩn bình thẳng trực, hóa tài xuất tự trung hưng

Nghĩa là:

Khuôn mẫu vuông tròn, khéo léo từ tay đục chạm

Mực thước ngay thẳng, diệu kỳ do có suy lường

 

Sáng nghiệp tán huyền cơ, lẫm lẫm linh thanh hà nhạc tai

Hữu công lưu tự điển, hoàng hoàng chiếu sáng ngọc kim minh

Nghĩa là:

Dựng nghiệp giúp mưu hay, nổi tiếng thiêng liêng cùng sông núi

Công ghi sử sách, lưu danh chiếu sáng vẻ vàng son

Vọng thiện nhiêu ích trường viên quả

Thánh đế long sừng thiện niệm căn

Nghĩa là:

Chùa vọng thêm cho quả tu tròn trặn

Thánh vua cốt sao sự nghĩ tốt lành

 

Thụy khí nhân uân, mặc hộ Ninh hương nhân phồn vật phụ

Tường vân ái đại, âm phù Đại Việt quốc thái dân an

Nghĩa là:

Điềm hay phảng phất, lặng giúp làng Ninh người phồn vật thịnh

Mây lành quanh quất, âm phù  Đại Việt quốc thái dân an

Hoàng Long quy động chương thần tích

Bạch mã đằng giang dực thánh công

Nghĩa là:

Rồng vàng về động, rõ dấu Thần

Ngựa trắng sang sông giúp nghiệp Thánh

 

Mộc tượng giáo dân nguyên hữu ý

Kiến đô lập quốc sử lưu công

Nghĩa là:

Dạy dân nghề mộc vốn có ý

Dựng đô, mở nước sử ghi công

 

Văn tế Lão La Đại Thần Tiên sư tại đền Ninh Xá nguyên văn như sau:

Khâm duy:

Tiên sư sơn nhạc trừ tinh, hải hà chung tú

Đắc tổ phụ truyền lai chi nghiệp, trì gia mộc tượng vi lương

Văn kinh thư sở huấn chi ngôn, xử thế hòa nhu chí quý

Hạnh nhi: Tiên Hoàng Hoa động xuất thân, lư kỳ khởi nghĩa

Thập nhị sứ thảo đầu sương tán

Vạn lý cương thống nhất dư đồ

Đắc thượng mệnh thi vi thủ nghệ, cấu tác cung tường

Kế Lê hoàng trọng vọng lương tài, anh uy viễn chấn

Hữu thời tòng giá đáo Thiết Lâm tu từ sở

Tự thử cư giang ban cần kiệm tác sinh nhai

Kí nhi dữ trợ lương tiền xu chi khẩn thổ

Hựu hữu lư kỳ sinh kế, giáo dĩ mộc công

Chấp tứ sơ lục, niên niên vĩnh niêm chung thường

Sơ chí quy thần, thế thế trường lưu hương hỏa

Phục nguyên đại thần hạ giáng, thánh tổ dao văn

Dực phù xã tắc điện an, hoàng đồ củng cố

Vạn gia lợi lạc hanh thông

Thiên lý nhân tài vượng phát

Lão thiếu hàm mông đại huệ

Hương thôn cộng mộc hồng hưu

Vạn vọng, cẩn cốc.

Nghĩa là:

Kính thay:

Tiên sư, tinh hoa non núi

Tú khí biển sông

Được cha ông truyền cho nghề nghiệp

Giữ nhà thợ mộc là hơn

Nghe sách kinh dạy bảo rõ ràng

Ở đời phải hòa mới quý

May sao, Tiên Hoàng cờ lau dấy nghĩa

Hoa động nương mình

Mười hai sứ quân sương trên ngọn cỏ, tan tác rã rời

Muôn ngàn dặm bờ cõi mở mang, dư đồ một mối

Được mệnh trên cho phép ra tay, dựng xây cung thất

Sau, Lê đế trọng dùng tài thực, nổi tiếng anh uy

Có khi theo phò giá Thiết Lâm, sửa sang đền sở

Từ đó ở bờ sông dựng nhà cửa, cần kiệm làm ăn

Rồi giúp cho dân có lương tiền, khuyên nên vỡ đất

Còn nghĩ dạy mọi người nghề mộc, kiếm kế sinh nhai.

Tháng Tư, mồng Sáu hàng năm nhớ mãi chung thường

Mới tới, về thần nối đời giữ gìn hương khói

Cúi trông:

Đại thần xét tới, Thánh tổ xa nghe

Phò cho xã tắc vững vàng, nghiệp vương củng cố

Nhà nhà nghề nghiệp yên vui

Ngàn dặm nhân tài vượng phát

Già, trẻ thảy nhờ ơn lớn

Xóm thôn đều đội phúc to

Muôn trông, cẩn cốc

Tin tức liên quan

Trở lại bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

logo-honinh-trang

Website honinh.com giới thiệu những giá trị lịch sử – văn hóa – xã hội giàu tính nhân văn, góp phần tôn vinh, chia sẻ những giá trị cao đẹp trong cộng đồng  dòng họ Ninh và những người quan tâm, đặc biệt là giới trẻ.

DANH MỤC

 All Right Reserved. Designed and Developed by honinh.com