Trang chủ Danh nhân họ Ninh Thôn La Xuyên và Lão La Đại Thần

Thôn La Xuyên và Lão La Đại Thần

đăng bởi Ninh Quang Thăng
0 nhận xét

Từ Nam Định đi theo đường 10 khoảng 15 km đến ga Cát Đằng rẽ trái khoảng 300m là đến đình La Xuyên thuộc xã Yên Ninh huyện Ý Yên. Cùng với Ninh Xá Hạ và một số thôn khác thuộc xã Yên Ninh, vùng đất La Xuyên do Tướng quân Ninh Hữu Hưng lập ra vào thế kỷ X- XI.

Cuốn thần phả hiện lưu tại đình làng La Xuyên do Tiến sĩ Nguyễn Hoàn viết năm Cảnh Hưng thứ 10 (1749) cho biết lúc sinh thời Ninh Hữu Hưng đã học được bí thuật nghề mộc của vua Diêm La dưới địa phủ. Chính vì thế mà sau này nhân dân còn gọi ông là Lão La. Tên vùng đất La Ngạn sau đổi thành La Xuyên cũng từ đó mà ra đời để tưởng nhớ đến ông tổ đã có công chiêu tập nhân dân về đây mở mang trang ấp đồng thời truyền nghề sinh sống.

Khi ông  mất,  con cháu và dân làng đã đưa linh cữu về chân núi Xương Bồ- Ninh Bình an táng. Tưởng nhớ công lao của ông, các thôn làng do ông tạo dựng như La Xuyên, Ninh Xá Hạ đều lập đền thờ để tri ân công đức. Các sắc phong của các triều đình phong kiến sau này hiện còn lưu giữ phong Ninh Hữu Hưng là  Dinh điền quan Lão La đại thần. Tấm bia đá soạn khắc dưới triều Lê Nhân Tông niên hiệu Thái Hòa thứ nhất (1443) cho biết trong quá khứ ngôi đình La Xuyên đã bị chuyển đi một số lần, đến năm 1443 bắt đầu được xây dựng tại vị trí hiện nay.

Dinh lang La Xuyen
Đình làng La Xuyên

Toàn bộ khu di tích này nằm quay về hướng tây quanh là cánh đồng lúa.Các công trình phụ trợ ở đây như hồ nước, hệ thống nghi môn, vườn cây đều được bố trí hài hòa, phù hợp cảnh quan. Bao quanh khu di tích là hệ thống tường gạch, tạo nên một không gian hoàn chỉnh, khép kín.

Đình La Xuyên được xây dựng theo hình chữ Đinh. Tòa tiền đường gồm 3 gian, cao 8m, được làm theo kiểu chồng diêm hai tầng tám mái. Hệ thống vì tại tiền đường được thiết kế theo phong cách chồng rường giá chiêng. Gánh đỡ các bộ vì là 4 hàng cột lim to khỏe, có đường kính 50 cm. Tại đây các cấu kiện gỗ như câu đầu, xà thượng, xà hạ, con rường đều được soi chỉ, điểm các hàng lá lật mềm mại. Tất cả kết hợp cùng những nét cổ kính, uy nghiêm.

Nối tiếp tiền đường là trung đường và chính tẩm. Cũng giống như tiền đường, hai tòa này cũng được hoàn toàn bằng gỗ lim. Tại đây chính là nơi thể hiện rõ nét tay nghề tài hoa của các nghệ nhân La Xuyên. Các hình tượng con rồng, tứ quý, tứ linh… trên các cánh cửa, các bộ vì được chạm bong, chạm lộng với kỹ thuật gia công cầu kỳ, tỉ mỉ, sắc nét.

Đình  La Xuyên không chỉ là nơi lưu giữ, thể hiện nét tài hoa của những nghệ nhân nơi đây mà còn lưu giữ, phát huy những nét truyền thống văn hóa làng nghề được thể hiện qua mỗi kỳ lễ hội được tổ chức từ ngày mồng 10 đến 15 tháng giêng hàng năm. Lễ hội không chỉ là dịp vui xuân, thưởng thức các trò chơi dân gian mà còn là cơ hội để những người con xa quê hương hòa mình vào những nét thuần phong mỹ tục quê hương, thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn. Đặc biệt, trong lễ hội dân gian làng thường tổ chức các cuộc thi trình diễn các sản phẩm gỗ làm từ chính những người thợ trong làng. Cuộc thi không chỉ là dịp để những người thợ trao đổi, học tập kinh nghiệm của nhau mà còn là dịp quảng bá sản phẩm của làng nghề truyền thống, đúng như câu ca mà nhân dân lưu truyền:

Giai nhân con cháu Cái Nành

Dẫu không khoa bảng cũng thành nghệ nhân

Tạ Đình Huy(1474-1542) người Hà Nam, đỗ Tam giáp đồng Tiến sĩ, khoa Tân mùi, năm Hồng Thuận thứ 2 có viết 1 bài thơ ca ngợi Lão La Đại Thần  Ninh Hữu Hưng như sau (Bản dịch thơ):

Lão La sinh ở đất Chi Phong

Gia truyền thợ mộc giỏi vô song

Dựng đô lập nước dâng nhiều mẹo

Khẩn đất thương dân cũng lắm công

Thầy dậy dân làng chăm thủ nghệ

Ông khuyên con cháu nếp thuần phong

Đừng như Phạm,Đỗ đời chê trách

Diêm Đế hiền thần chớ bảo không.

Lão La Đại thần mất ngày 6 tháng 4 năm Kỷ Mùi (1020).

Gần mười thế kỷ qua, từ nơi đây đã có rất nhiều nghệ nhân đến xây dựng cố đô Hoa Lư, kinh đô Thăng Long, Đông Đô, Huế và nhiều đình, đền, chùa, miếu, lăng, phủ ở mọi miền đất nước. Ngày nay dân làng vẫn ăn nên, làm ra, ấm no hạnh phúc nhờ nghề truyền thống chạm khắc gử, khảm trai của mình. Sập gụ, tủ chè của làng nổi tiếng khắp cả nước và nước ngoài, về độ bền, vẻ đẹp của các hoa văn, mảng khối, đường nét, gợi chất thơ từ nhiều điển tích cổ Phương Đông.
Uống nước nhớ nguồn, hưởng bóng mát nhớ cây cao, dân các  làng La xuyên, Ninh xá đã nhiều năm sưu tầm, chỉnh lý, bổ xung tư liệu về tổ nghề. Họ đã góp nhiều tiền, của để tu bổ, tôn tạo đền thờ tổ nghề. Đền thờ có đôi câu đối ca ngợi cụ Ninh Hữu Hưng:

“Mộc tượng giáo dân nguyên hữu ý
Kiến đô lập quốc sử lưu công”

Hàng năm dân làng vẫn tổ chức lễ hội mùa xuân. Đặc biệt, họ đã tiến hành nghi thức “Kéo lửa để Khai Hội”. Sau hồi trống trang trọng, tưng bừng, một vị cao niên phát lệnh cho trai làng, kéo lạt giang cọ vào thanh gỗxoan ngâm, tạo nhiệt. Nhiệt truyền rồi làm cháy bùi nhùi rơm khô. Cụ già lấy ngọn lửa vừa phát sinh thắp hương cho cả làng làm lễ dâng hương. Sau đó chuyển bát hương lên kiệu rước.
Bằng nghi thức “Kéo lửa Khai hội” nói trên, dân làng thành tâm tưởng nhớ đến sáng kiến tạo ra lửa của tổ nghề Ninh Hữu Hưng, thưở xa xưa  giúp vua Đinh, vua Lê nuôi quân, đánh giặc, dẹp loạn, xây dựng. Họ cũng tôn vinh nghề truyền thống. Từ gỗ họ sẽ làm ra những mặt hàng thủ công mỹ nghệ như ngọn lửa mãi mãi cần thiết cho đời sống của con người. Nghi thức kéo lửa Khai Hội còn thắp lên niềm tin sâu xa vào Hạnh phúc Trường sinh của các làng nghề Ninh Xá Hạ, La Xuyên.

Tin tức liên quan

Trở lại bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

logo-honinh-trang

Website honinh.com giới thiệu những giá trị lịch sử – văn hóa – xã hội giàu tính nhân văn, góp phần tôn vinh, chia sẻ những giá trị cao đẹp trong cộng đồng  dòng họ Ninh và những người quan tâm, đặc biệt là giới trẻ.

DANH MỤC

 All Right Reserved. Designed and Developed by honinh.com