Trang chủ Khảo cứu Vấn đề về Tên trong Gia phả

Vấn đề về Tên trong Gia phả

đăng bởi Ninh Quang Thăng
0 nhận xét

Đối với một người, ngoài tên chính còn  có thể có tên tự, tên thụy, tên hiệu, . . . 

Theo định nghĩa của Từ Điển Tiếng Việt, “tên tự là tên đặt dựa vào tên vốn có thường phổ biến trong giới trí thức thời phong kiến”.

Sách Bạch Hồ Thông ấn định nguyên tắc về đặt tên tự như sau: “Vấn danh tri kỳ tự, vấn tự tri kỳ danh” – nghĩa là hỏi tên chính biết được tên tự, hỏi tên tự biết được tên chính.

Để đặt tên tự, người ta có thể:

a. Dùng chữ đồng nghĩa:

Ví dụ: Trương Hán Siêu có tên tự là Thăng Phủ. Các chữ Siêu và Thăng đều có nghĩa là tiến lên chỗ cao hơn. Lê Quý Đôn (1726-1784) có tên tự là Doãn Hậu. Đôn và Hậu đều có nghĩa là thành thực.

b. Dùng chữ phản nghĩa :

Ví dụ: Danh thần nhà Nguyễn là ông Trần Tiễn Thành, khi trước tên là Dưỡng Độn, tự là Thời Mẫn. Độn và Mẫn trái nghĩa nhau. Độn có nghĩa là không rõ ràng, tối tăm, chậm chạp, còn Mẫn có nghĩa là thông minh, mau mắn.

c. Dựa vào tên chính, suy ra tên tự hay ngược lại.

Ví dụ: Ông Lý Văn Phức (1785-1849) – tác giả Nhị Thập Tứ Hiếu có tự là Lân Chi. Chi có nghĩa là một thứ cỏ thơm. Nói đến thơm, người ta nghĩ đến chữ Phức là hương thơm. Lương Nhữ Hộc, đỗ thám hoa đời Lê Thái Tông (1434-1442), là tổ nghề in ở Việt Nam, có tên tự là Tường Phủ. Tường có nghĩa là chim bay lượn. Chữ Tường và chữ Hộc đều viết với bộ điểu, từ đó loại suy ra tên chính phải là tên loại chim. Cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) tự là Hạnh Phủ. Hạnh là đức hạnh, liên hệ đến Khiêm là nhún nhường. Còn từ Phủ thêm vào để tỏ vẻ tôn kính.

d. Dùng điển tích để đặt tên tự:

Ví dụ: Học giả Bùi Kỷ có tên tự là Ưu Thiên. Theo sách Liệt Tử và Tả Truyện, nước Kỷ có người suốt ngày lo trời sập. Do vậy, nhắc đến ưu thiên, nghĩa là lo trời sập, người ta nghĩ ngay đến người nước Kỷ. Đó là lý do tại sao cụ Bùi Kỷ lấy tên tự là Ưu Thiên.

e. Lấy ngay tên chính ghép với một chữ nào đó để thành tên tự.

Tên thụy là tên đặt cho một người sắp hoặc đã chết để tránh tên chính. Tên thụy được con cháu sử dụng khi cúng giỗ, cho nên còn được gọi là tên “cúng cơm”.

Tên thụy của vua chúa gọi là Thụy Hiệu.

Với thường dân, có hai loại tên thụy: công thụy và tư thụy.

Công thụy là tên do chính quyền đặt cho người có phẩm hàm chức tước. Vua thường ban tên thụy cho các công thần, cao tăng như một nghĩa cử tri ân. Ví dụ Tạ Nguyên Thiều, vị cao tăng khi chết được vua Lê Hiển Tông (1740-1786) ban thụy là “Hạnh Đoan” Thiền Sư. Khi một viên chức qua đời, gia đình phải báo cho chính quyền biết. Tùy theo chức hàm cao thấp mà báo cho cấp chính quyền khác nhau. Thấp nhất là làng xã, cao nhất là vua và triều đình. Sau khi báo, viên chức chính quyền họp lại, kiểm điểm hành vi người chết để đặt tên thụy.

Hầu hết công thụy đều hàm ý ca ngợi đức tính như trung tín, cần mẫn, ngay chính. Ví dụ: Chu Văn An tên thụy là Văn Trinh, Phạm Đăng Hưng tên thụy là Trung Nhã, . . .

Tư thụy do gia đình căn cứ vào hạnh kiểm mà đặt cho người sắp hoặc mới chết. Nhưng dân gian coi việc đặt tên thụy có mục đích ca ngợi công đức nên các tên thụy đều có ý nghĩa tốt đẹp. Với các nhà nho uyên thâm chữ Hán, họ thường tự đặt sẵn cho mình khi còn sống và thường dùng các chữ có ý nghĩa thâm sâu. Thường dân thì thường theo một khuôn mẫu định sẵn hoặc nhờ người biết chữ đặt cho. Do vậy, thường dùng các chữ chung chung: đối với người sống lâu thì thường dùng chữ Phúc, đối với người chết sớm thì thường dùng chữ Tảo; ngoài ra dùng các chữ Thiện, chữ Mẫn, chữ Trung, . . . để ca ngợi đức tính của người đó lúc còn sống, . . .

Trong xã hội phong kiến, các quan lại, danh nhân, nho sỹ mới  lấy tên tự.  Nhưng qua các tài liệu sử sách, văn học trước thời nhà Lý (1009 – 1225), chưa thấy quan lại, nho sỹ, danh nhân nào lấy tên tự.

Các nhà sử học, các nhà nghiên cứu Hán – Nôm, các nhà nghiên cứu về tính danh học đều khẳng định Đại Hành không phải là Thụy hiệu của Lê Hoàn (941 – 1005) và như vậy có nghĩa là từ trước triều nhà Lý (1009 – 1225), ở Việt Nam chưa có lệ đặt Thụy hiệu cho các vua chúa. Nếu vua chúa chưa có lệ đặt Thụy hiệu thì trong dân gian chắc cũng chưa thể có lệ đặt tên thụy.

Trong Gia phả của một số nhánh họ Ninh, một số chỗ ghi rất rõ tên tự, tên thụy:

Chẳng hạn:

Trong Gia phả họ Ninh tại Côi Trì ghi:

– Ninh Địch tự Ngọc Đường, thụy Thông Mẫn

– Ninh Ngạn tự Hy Tăng, thụy  Văn Đĩnh

– Ninh Tốn tự Hy Chi, thụy Nhân Văn.

. . .
Trong Gia phả họ Ninh tại thôn Ninh Xá, xã Lê Ninh ghi:

– Ninh Viết Kính tự Bá Kính, thụy Phúc Nghiêm

– Ninh Viết Huyên tự Trọng Huyên, thụy Phúc Hòa

– Ninh Viết Mậu tự Đình Mậu, thụy Phúc Toàn

. . .

Nhưng một số Gia phả khác không phân biệt  tên tự với tên thụy và đều gọi là tên tự. Trong các bản Gia phả ghi tên các cụ tự Phúc Lâm, Phúc Tiên, Phúc Khánh, Phúc Hưng,  Phúc Bằng, Trung Thành, Trung Thần, Tảo Đới, Tảo Đang . .  .

Thực ra, phần lớn các tên đó không phải là tên tự mà là tên thụy.

Ninh Quang Thăng

Tin tức liên quan

Trở lại bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

logo-honinh-trang

Website honinh.com giới thiệu những giá trị lịch sử – văn hóa – xã hội giàu tính nhân văn, góp phần tôn vinh, chia sẻ những giá trị cao đẹp trong cộng đồng  dòng họ Ninh và những người quan tâm, đặc biệt là giới trẻ.

DANH MỤC

 All Right Reserved. Designed and Developed by honinh.com