Trang chủ Khảo cứu Một vài thảo luận về tên của một số dân tộc ở Việt Nam

Một vài thảo luận về tên của một số dân tộc ở Việt Nam

đăng bởi Ninh Quang Thăng
0 nhận xét

Các tộc người thuộc Bách Việt đã xây dựng nhà nước Xích Quỷ vào năm 2789 TCN. Theo nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước thì người Việt có chữ viết có lẽ còn sớm hơn người Hán.

Đến trước năm 111 TCN, vùng đất Quảng Đông, Quảng Tây và Bắc Việt Nam ngày nay vẫn thuộc các quốc gia kế tiếp của Việt tộc là Văn Lang, Âu Lạc, Nam Việt. Từ năm 111 TCN, vùng đất trên mới thuộc ách đô hộ của nhà Hán. Khi chiếm được vùng đất Quảng Đông, Quảng Tây ngày nay, nhà Hán gọi là Quảng Nam – nghĩa là vùng đất mở rộng ở phương nam. Sau đó chia ra thành 2 Lộ là Quảng Nam Tây Lộ và Quảng Nam Đông Lộ. Sau đó mới đổi thành Quảng Đông, Quảng Tây.

Các dân tộc thuộc Bách Việt thời cổ đại có số dân chắc không thua kém số dân thuộc Hán tộc. Nhưng ngày nay, tại Trung Quốc họ chỉ chiếm số lượng rất ít. Như vậy có thể hiểu rằng phần đông đã bị đồng hóa thành người Hán.

Tại vùng Phúc Kiến, người Mân Việt thời Chiến Quốc đã lập nên nước Việt (của Việt Vương Câu Tiễn, dòng dõi của Hạ Vũ) và nước Ngô. Mãi đến thời Tam Quốc mới bắt đầu có người Hán vào ở, qua quá trình dung hợp văn hóa với cư dân Mân Việt địa phương dần phát triển thành hệ dân Hán nói tiếng Mân Bắc hiện cư trú ở Phúc Kiến. Dân cư ở phía nam Phúc Kiến nói tiêng Mân Nam. Sự hòa trộn ngôn ngữ Hán và Mân Việt phản ánh sự hòa trộn về tộc người và văn hóa của các tộc người này. Ngày nay, cư dân nói tiếng Mân vẫn gìn giữ được một lượng tố chất văn hóa Mân Việt xưa ở mức độ cao. Tiếng Mân có nhiều âm đọc tương tự như tiếng của người Việt Nam.

Ẩm thực của người Quảng Đông được gọi là “Việt thái”; nhạc kịch Quảng Đông được gọi là “Việt kịch”. Khu vực Quảng Tây hiện được gọi là Khu tự trị dân tộc Choang (Tráng) Quảng Tây. Người Choang có văn hóa, phong tục, tập quán giống với người Tày và phần nào giống với cả dân tộc Kinh ở Việt Nam.

Ở Việt Nam, bảng danh mục các dân tộc được Ủy ban Khoa học xã hội và Hội đồng Dân tộc trình Chính Phủ có 54 dân tộc. Theo số liệu tổng điều tra dân số, tính đến 0 giờ ngày 1/4/2009, dân số của Việt Nam là 85.789.573 trong đó dân tộc Kinh là dân tộc đa số tại Việt Nam, chiếm 86,2%.

Người Kinh

Có người đồng nhất các danh từ “dân tộc Kinh” với  “dân tộc Việt”.

Có người (nhất là các học giả Phương Tây) vì thấy trong tiếng của dân tộc Kinh có thành phần tiếng Khmer mà cho rằng dân tộc Kinh là một bộ phận của tộc Môn-Khmer.

Tuy nhiên, đa số các luận điểm thì cho rằng dân tộc Kinh có ngôn ngữ chính là tiếng Việt thuộc nhóm Việt – Mường. Các luận điểm này cho rằng dân tộc Kinh có nguồn gốc phát triển trực tiếp từ tộc Bách Việt. Tổ tiên của tộc Kinh ngày nay là tộc Lạc Việt trong các tộc Bách Việt thời cổ đại. Dân tộc Kinh ban đầu ở Bắc Bộ Việt Nam, sau dần tiến về phương Nam, đến đầu thể kỷ XIX thì ở khắp Việt Nam.

Các luận điểm trên đều có chỗ cần nhìn nhận lại:

Thứ nhất, việc đồng nhất các danh từ “dân tộc Kinh” với “dân tộc Việt” có thể gây hiểu nhầm rằng các dân tộc Tày, Nùng, Thái, . . . không thuộc Việt tộc.

Thứ hai, đương nhiên người  Lạc Việt và tổ tiên của tộc Môn-Khmer là láng giềng. Trong lịch sử lại thường xảy ra các cuộc giao chiến. Một bộ phận người Môn-Khmer bị đồng hóa bởi dân tộc Kinh và tất nhiên về văn hóa có sự ảnh hưởng lẫn nhau, trong đó có ngôn ngữ. Trong tiếng của dân tộc Kinh có nhân tố của tiếng Môn-Khmer là lẽ tự nhiên; cũng như người Khmer bị ảnh hưởng rất lớn của người Kinh. Hiện tại, rất nhiều người Khmer nói tiếng của người Kinh và ăn mặc theo kiểu của người Kinh. Từ việc tiếng của dân tộc Kinh có nhân tố của tiếng Môn-Khmer mà kết luận rằng dân tộc Kinh là một bộ phận của tộc Môn-Khmer thì đó là một kết luận không hợp lý.

Thứ ba,  nếu nói người Kinh hoàn toàn do sự phát triển của người  Lạc Việt mà thành thì đó là một kiểu lý luận đơn giản.  Thực ra, người Kinh là một cộng đồng hấp thu từ nhiều thành phần dân tộc, trên nhiều phạm vi khác nhau (trên cơ sở người Lạc Việt là chủ thể).

Cư dân chủ thể của Văn Lang  từ cổ đại trồng lúa nước; dân gọi là Lạc dân; cai quản Lạc dân là Lạc hầu, Lạc tướng. Năm 111 TCN, vùng Bắc Bộ Việt Nam ngày nay bị nhà Hán đặt là Giao Chỉ. Năm 679, nhà Đường lập An Nam Đô hộ Phủ tại đất Giao Chỉ, dân Giao Chỉ thì gọi là người An Nam. Đến lúc ấy, chưa thấy xuất hiện danh từ “dân tộc Kinh”.

Trong suốt hơn 1000 năm chỉ là một phần của những quốc gia lớn, nhỏ từ phương Bắc thì cư dân của vùng Bắc Bộ Việt Nam bao gồm không chỉ người Lạc Việt mà mà còn bao gồm những tộc người Việt khác và cả những người thuộc Hán tộc ở lại định cư.

Năm 938, Ngô Quyền đánh bại quân Nam Hán ở sông Bạch Đằng và nước ta thực sự tái lập thành một nước dù lãnh thổ bị thu hẹp rất nhiều so với trước khi rơi vào ách đô hộ của nhà Hán (năm 111 TCN). Từ thời điểm đó, tất cả cư dân bao gồm chủ thể là người gốc Lạc Việt với bộ phận người gốc Hán tộc đã tự đồng hóa đều là thần dân của một quốc gia độc lập và đại đa số hậu duệ của những người này ngày nay được gọi là người Kinh.

Vào những thời điểm chính trị ổn định và có tiềm lực quân sự mạnh mẽ thì các triều đại phong kiến Việt Nam tiến hành mở rộng xuống phương Nam.  Năm 982, Lê Hoàn tiến đánh kinh đô của Champa, chiếm lấy 3 châu: Bố Chính, Địa Lý và Ma Linh (nay thuộc tỉnh Quảng Bình và phía Bắc tỉnh Quảng Trị). Năm 1312, Trần Anh Tông lại tiến đánh Champa, bắt Champa phải làm nước phụ thuộc. Năm 1471, Lê Thánh Tông mang 200.000 quân công hãm kinh thành Champa, chiếm Chiêm Động, Cổ Lũy Động và lập làm Đạo Quảng Nam; sau đó đến năm 1497 thi diệt nước Champa, khiến toàn bộ người Chăm phải ở trong phạm vi quản lý của Đại Việt. Champa vốn dĩ có số dân không thua kém quá nhiều so với Đại Việt mà nay theo thống kê dân số năm 2009 chỉ có khoảng 145.000 người Chăm. Thực ra, tuyệt đại đa số người Chăm đã hòa nhập hoàn toàn và đồng hóa thành người Kinh.

Các triều đại phong kiến Việt Nam còn dần tiến xuống phía nam của Champa, vào vùng đất của người Khmer. Năm 1658, Chúa Nguyễn mở rộng biên giới, đưa quân đánh chiếm Mỗi Xuy (nay là tỉnh Biên Hòa, Việt Nam); năm 1689 chiếm Sài Côn (nay là Sài Gòn, Việt Nam). Cuối thế kỷ XVIII, triều Nguyễn đã chiếm lĩnh toàn bộ vùng tam giác châu thổ sông Mekong tới điểm tận cùng phía nam là mũi Cà Mau. Người Khmer sống dung hợp với người Kinh, phần rất đông người gốc Khmer đồng hóa thành người Kinh.

Văn hóa và ngữ hệ của người Kinh chịu ảnh hưởng nhiều từ văn hóa Hán và Hán văn. Ngoài ra văn hóa và ngữ hệ của người Kinh cũng chịu ảnh hưởng thêm từ văn hóa và nhân tố ngữ hệ Malay-Polynesia, ngữ tộc Indonesian (người Chăm); ngữ hệ Nam Á, ngữ tộc Môn-Khmer của người Khmer.

Như vậy, thành phần chủ thể của dân tộc Kinh là tộc Lạc Việt (thuộc Bách Việt); đồng thời bao gồm cả người  Hán, người Chăm, người Khmer đã bị đồng hóa.

Người Mường

Người Mường có số dân là 1.268.963 người, chiếm 1,48% dân số cả nước.

Không phải ngay từ buổi đầu lịch sử, dân tộc Mường đã có tộc danh như ngày nay. Cho đến tận bây giờ, người Mường vẫn tự gọi mình là Mol, Moăn, Mwanl hoặc Monl. Mặc dù những từ này có biến âm hơi khác ở mỗi vùng, mỗi địa phương nhưng đều quan niệm giống nhau về mặt nghĩa. Từ Mường vốn là từ mương mà tiếng của dân tộc này dùng để chỉ nơi cư trú chứ không liên quan gì đến tộc danh ngày nay của mình. Mặc dù vậy cùng sự biến động của lịch sử cũng như quá trình giao lưu kinh tế, văn hoá với các dân tộc anh em khác, người Kinh đã gọi dân tộc này là  “Mường” và cho đến nay dân tộc này đã coi đó là tộc danh của mình.

Người Mường quan niệm mình và người Kinh vốn cùng một cha mẹ sinh ra, cùng máu mủ dòng giống. Chính vì lẽ đó mà cho đến tận ngày nay, người Mường vẫn còn lưu truyền câu ca: “Ta với mình tuy hai mà một. Mình với ta tuy một thành hai”. Tiếng Mường thuộc nhóm ngôn ngữ Việt – Mường (ngữ hệ Nam Á), rất gần với tiếng Việt.

Người Mường còn cho rằng Đức Thánh Tản Viên Sơn ( còn gọi là Sơn tinh) – Con rể vua Hùng thứ 18 – là người Mường Thanh Sơn.

Người Thái

Tại Việt Nam, người Thái có số dân là 1.328.725 người, chiếm 1,74 % dân số cả nước.

Tổ tiên người Thái là ở Vân Nam từ thế kỷ 6 trước Công nguyên.  Người Thái di cư đến Việt Nam trong thời gian từ thế kỉ 7 đến thế kỉ 13. Trung tâm của họ khi đó là Điện Biên Phủ (Mường Thanh). Từ đây, họ tỏa đi khắp nơi ở Đông Nam Á bây giờ như Lào, Thái Lan, bang Shan ở Miến Điện và một số vùng ở đông bắc Ấn Độ.

Tại Việt Nam, người Thái còn được gọi là Tày Khao (Thái Trắng), Tày Đăm (Thái Đen), Tày Mười, Tày Thanh (Man Thanh), Hàng Tổng (Tày Mường), Pu Thay, Thổ Đà Bắc.

Vào thời nhà Lý, người Thái (lúc đó gọi là man Ngưu Hống) đến từ Vân Nam, đã triều cống lần đầu tiên vào năm 1067. Trong thế kỷ 13, người Ngưu Hống kết hợp với người Ai Lao chống lại nhà Trần và bị đánh bại năm 1280, lãnh tụ Trịnh Giác Mật đầu hàng, xứ Ngưu Hống bị đặt dưới quyền quản lý trực tiếp của nhà Trần. Năm 1337 lãnh tụ Xa Phần bị giết chết sau một cuộc xung đột, xứ Ngưu Hống bị sáp nhập vào lãnh thổ Đại Việt và đổi tên thành Mương Lễ, hay Ninh Viễn (Lai Châu ngày nay).

Người Thái là dân tộc đa số tại Thái Lan. Ngôn ngữ chính thức của họ là tiếng Thái, một ngôn ngữ thuộc hệ ngôn ngữ Tai-Kadai

Người Hoa

Tại Việt Nam, người Hoa có số dân là 862.371, chiếm 1,13% dân số.

Vào thế kỷ XVII tại Trung Quốc, sự sụp đổ của nhà Minh dẫn đến làn sóng những người Trung Quốc không thần phục nhà Thanh bỏ quê hương di dân sang vùng Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Năm 1671, Mạc Cửu và gia đình đến vùng đất Mang Khảm (nay là Hà Tiên), khi đó vẫn thuộc quyền kiểm soát của vương quốc Khmer. Mạc Cửu đã mở rộng quyền kiểm soát ra các vùng lân cận, và quy thuận chúa Nguyễn. Năm Kỷ Mùi 1679, Tổng binh thành Long Môn tỉnh Quảng Tây tên là Dương Ngạn Địch, Phó tướng Hoàng Tiến và Tổng binh châu Cao, châu Lôi và châu Liêm tỉnh Quảng Đông là Trần Thượng Xuyên, Phó tướng Trần An Bình cử binh chống đánh nhà Thanh nhằm khôi phục nhà Minh. Do thất bại, họ đem tướng sỹ xuống thuyền chạy sang hải phận nước Nam, ban đầu cầu cứu Chúa Trịnh, sau đó dẫn tuỳ tùng quân lính theo đường thuỷ đến Đà Nẵng đầu hàng Chúa Nguyễn và xin Chúa Nguyễn nhận làm dân Việt. Chúa Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần cho họ vào miền Nam khai khẩn đất hoang. Dương Ngạn Địch và Hoàng Tiến theo dòng sông Cửu Long cắm trại ở Định Tường (Mỹ Tho tỉnh Tiền Giang), Trần Thượng Xuyên vào cửa Cần Giờ ngược dòng sông Đồng Nai cắm trại ở đất Cù Lao Phố (Biên Hòa), và Đông Phố (Gia Định) chuyên lo việc thương mãi và canh nông. Những cộng đồng người này được gọi là người Minh Hương. Chữ “hương” ban đầu dùng chữ 香 khi kết hợp với chữ Minh 明 có nghĩa là hương hỏa nhà Minh (明香). Đến năm 1827 thì vua Minh Mạng cho đổi chữ Hương 香 sang chữ Hương 鄉 nghĩa là “làng” để tránh đụng chạm với nhà Thanh, từ đó Minh Hương (明鄉) có thể hiểu là “làng của người Minh”.

Đến thế kỷ XIX, nhiều người Trung Quốc sang Việt Nam theo các đợt tuyển mộ phu đồn điền của người Pháp.

Ngoài ra, một số người Trung Quốc sang Việt Nam buôn bán rồi ở lại sinh sống (như ở Đà Nẵng, Hội An, . . .)

Trong chiến tranh thế giới lần thứ 2, một số người Trung Quốc chạy loạn sang Việt Nam. Năm 1949, một số người chạy sang Việt Nam khi Quốc dân Đảng thua ở lục địa.

Những người Minh Hương, những người từ Trung Quốc chạy loạn hoặc sang làm ăn tại Việt Nam trong khoảng thời gian nói trên được gọi chung là người HoaNgười Hoa không chỉ gồm những người thuộc Hán tộc mà còn bao gồm cả những người thuộc dân tộc khác. Phần đông người Hoa ở Việt Nam đến từ  Quảng Đông, Quảng Tây và Phúc Kiến.

Như vậy người Hoa thực chất là một cộng đồng người có nguồn gốc thuộc nhiều dân tộc khác nhau. Danh từ “người Hoa” chỉ là để nói đến những người từ Trung Quốc sang Việt Nam từ thế kỷ XVII. Ở Việt Nam hiện nay, Danh mục các dân tộc vẫn xếp “Hoa” là 1 dân tộc trong số 54 dân tộc.

Ninh Quang Thăng

Tin tức liên quan

Trở lại bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

logo-honinh-trang

Website honinh.com giới thiệu những giá trị lịch sử – văn hóa – xã hội giàu tính nhân văn, góp phần tôn vinh, chia sẻ những giá trị cao đẹp trong cộng đồng  dòng họ Ninh và những người quan tâm, đặc biệt là giới trẻ.

DANH MỤC

 All Right Reserved. Designed and Developed by honinh.com