Trang chủ Danh nhân họ Ninh Ngọc Phả đình làng Ninh Xá Hạ

Ngọc Phả đình làng Ninh Xá Hạ

đăng bởi Ninh Quang Thăng
0 nhận xét

Ngọc Phả Đình Ninh Xá Hạ

do Tri huyện huyện Đại An, tước An Giang Bá, Lê Huy Phan viết năm Tự Đức thứ 22 (1869)

Ông họ Ninh, tên húy là Hữu Hưng, người xã Chi Phong, tổng Trường Yên, huyện Gia Viễn. Từ thuở nhỏ vốn là người hiếu học lại có vũ dũng. Lớn lên nối tiếp cha ông làm nghề thợ mộc có nhiều sáng tạo trong nghề nên trong vùng ai cũng đều tôn phục. Vợ ông người trong xã có đức hiền thục cũng giúp ông được nhiều việc trong nghề.

Một hôm hai vợ chồng ông đi thuyền tới miếu sơn thần tế lễ. Xong việc khi về nhà cơm nước rồi đi ngủ được một lúc lâu bỗng có một người đầu tóc bạc phơ, tay chống gậy trúc bước vào trong cửa niềm nở chào hỏi rồi dẫn ông tới một cái hang to sâu không biết đến chừng nào. Ở bên cửa hang có hai lực sỹ dẫn ông đi tiếp đến một nơi đền gác nguy nga, bạc vàng chói lọi rồi hai lực sỹ ấy quay trở lại. Lại một vị khác mặc áo bào xanh ra dẫn ông vào trong điện. Tòa điện có tên là Kim Quang này quả ở cõi dương thế chưa hề có. Ông liếc qua thấy rõ, nhưng chỉ phủ phục trước bệ không dám nhìn lên.

Diêm Đế cất tiếng vàng sang sảng hỏi:

– Trẫm nghe nhà ngươi ở cõi dương gian có nghề mộc giỏi nên mới tìm ngươi xuống đây giúp việc cho trẫm, chẳng hay ngươi nghĩ thế nào?

Ông Ninh tâu:

– Vạn tuế! Nếu kẻ hạ dân thấp hèn này được thánh thượng hạ cố thì đâu không dám hết lòng.

Thế rồi ông được dẫn tới một gian nhà trong dãy xưởng mộc đầy người. Ông được giao công việc chế dựng cung điện, ông tuân theo và cùng các vị trong đó làm việc. Tại đó có nhiều người giỏi nghề, ông Ninh chăm chú theo dõi học hỏi và cũng đem cách thức dựng nhà cửa của mình kết hợp. Ít lâu sau, ông nhớ nhà bèn đến trước bệ tâu bày nỗi niềm xa cách quê hương xin trở lại Dương gian.

Diêm đế đồng ý nhưng dạy rằng:

– Nhà ngươi trở về, trẫm cho đem theo nghề về làm để sinh sống, nhưng không được tiết lộ nghề ở đâu mà ra. Nếu trái lời thì nhà ngươi sẽ không sống được vì hiện đã có một con dao nhỏ trong cổ hầu nhà ngươi rồi đó.

Ông Ninh tuân lời, bái tạ rảo bước ra về. Khi ông tỉnh lại thì sự việc đã quá ba ngày rồi. Người nhà xúm lại hỏi thăm nhưng ông không nói gì cả., chỉ kêu mệt mà thôi.

Ông Ninh sống bằng nghề đó ngày một khá giả. Trong vùng nhiều người tìm đến theo học. Vì thế vùng này dần trở nên đông đúc.

Tới khi Đinh Tiên Hoàng đế thống nhất đất nước, định đô tại thành Hoa Lư, ông được nhà vua triệu ra xây dựng các cung điện nơi vua ngự. Ông được dịp thi thố tài năng và vì vậy được vua ban cho chức ” Công tượng lục phủ giám sát đại tướng quân”

Sau khi Lê Đại Hành đánh thắng quân Tống  lại cho xây dựng cung thất. Ông lại được trọng dụng như xưa. Một ngày trong lúc đất nước thanh bình, vua nghĩ nên khuyến khích việc cày cấy nông trang. Do ông Ninh có vũ dũng hơn người nên được chọn đi theo xa giá vua. Lúc trở về đỗ thuyền ở Thiết Lâm, vua lên bờ ghé vào ngôi đền thờ Lương Bình Vương thấy nơi đây miếu cổ lạnh lùng dưới bóng dương tà, tường vách xiêu vẹo, rêu xanh phủ lên ẩm ướt. Xúc cảnh sinh tình, vua cho ông ở lại dốc sức tu sửa đền thờ. Bấy giờ là năm Tân Mão  tháng 4 ngày 24 (ngày 9 tháng 6 năm 991).

Sau khi tu sửa đền thờ hai vương xong, ông lại được mệnh trên cho sửa lại ngôi chùa thờ Phật. Bởi vậy, chùa này có tên “Phúc Lê Tự” là lấy ý vua Lê kiến nguyên ban đầu có tên ấy vậy.

Từ ấy, ông lưu cư ở đó. Ông khuyên con cháu,  họ hàng và mọi người khai khẩn đất hoang cày cấy. Ông còn đem tiền của chiêu mộ dân các nơi tụ hội lập ra trang ấp và dạy cho dân làm theo nghề mộc của mình. Công đức của ông thấm tới mọi người rất là sâu rộng.

Ông được dân trong vùng yêu mến, coi như bậc cha mẹ sinh thành. Một hôm có một số ông già trong vùng tới cùng ông rượu trà vui vẻ. Trong tiệc vui, ông không nhớ tới những điều năm xưa xuống cõi Diêm La nên đem  mọi bí mật  đầu đuôi nhất nhất kể ra. Bỗng nhiên một luồng gió đen thổi lại làm cho ông  ngã vật ra mê man bất tỉnh rồi dẫn đến việc ông chán cõi đời. Bầy giờ là triều vua Lý Thái Tổ, năm Kỷ Mùi (1019), niên hiệu Thuận Thiên, tháng 4, ngày 6, ông hưởng thọ 81 tuổi. Con cháu ông cùng mọi người trong vùng họp bàn việc an táng và thống nhất đem linh cữu ông xuống thuyền chở về nơi cũ, chôn ở chân núi Xương Bồ quay mặt về phía miếu sơn thần khi trước.

Xong việc, dân chúng vùng Thiết Lâm đem việc tâu lên và được triều đình cho tôn hiệu là “Lão La Đại Thần Tiên Sư” và đổi tên Thiết Lâm thành Ninh Xá, chuẩn cho dân trong vùng rước thần vị phối thờ vào hàng dưới hai Vương (Lương Bình Vương và An Nhu Vương) lấy ý đều là công thần của đất nước.

Nay nhân Phan tôi có việc trở về quê ngoại, bỗng gặp các vị phụ lão trong xã đang tụ hội bàn việc biên tập sự tích Lão  La Đại Thần Tiên Sư. Các cụ nói:

– Trong đền khi trước vốn có Thần phả, song năm xưa đã mất đi trong lần binh mã Thanh triều về tàn phá ở địa phương. Mọi người đã bàn nhiều lần về việc ấy, song từ đời này sang đời khác vẫn chưa làm được. Nay may gặp đại nhân, xin nhờ đại nhân giúp cho.

Phan tôi đáp:

– Việc đáng làm thì nên làm, nhưng xin cho tôi xem lại đền chút đã.

Thế rồi tôi đi khắp các Triều thị, Liêu viên. Lúc trở về đền, Phan tôi mới dám cầm bút viết ra những điều tai nghe mắt thấy. Cúi trông vị tiên thánh sáng tạo nghề nghiệp đại xá cho tôi.

Thực muôn trông đức lớn âm phù vậy!

Ngày tốt, tháng 4, Niên hiệu Tự Đức thứ 22 (1869)

Tri huyện huyện Đại An, tước An Giang Bá, Lê Huy Phan kính cẩn ghi việc.

Tin tức liên quan

Trở lại bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

logo-honinh-trang

Website honinh.com giới thiệu những giá trị lịch sử – văn hóa – xã hội giàu tính nhân văn, góp phần tôn vinh, chia sẻ những giá trị cao đẹp trong cộng đồng  dòng họ Ninh và những người quan tâm, đặc biệt là giới trẻ.

DANH MỤC

 All Right Reserved. Designed and Developed by honinh.com