Trang chủ Khảo cứu Một vài thảo luận về chữ “Ninh” và “Cái Nành”

Một vài thảo luận về chữ “Ninh” và “Cái Nành”

đăng bởi Ninh Quang Thăng
0 nhận xét

Theo sự hòa trộn các tộc người và các nền văn minh, theo sự phát triển văn hóa thì tiếng Việt ngày nay cũng không còn nguyên là tiếng Việt thời cổ đại.

Trong các triều đại phong kiến, người Việt dùng chữ Hán nhưng không dùng tiếng Hán mà vẫn nói tiếng Việt. Họ đọc các chữ Hán theo cách của người Việt bằng cách dùng phiên âm Hán – Việt. Điều này đã tạo nên một nét độc đáo riêng, không hoàn toàn giống như người Trung Quốc trong việc sử dụng chữ Hán. Chẳng hạn họ cũng viết chữ 山東 như người Trung Quốc nhưng không đọc là Shāndōng như người Trung Quốc mà đọc là Sơn Đông, họ cũng viết chữ 長江 như người Trung Quốc nhưng không đọc là Cháng Jiāng mà đọc là Trường Giang, . . .

Ngoài các tiếng Việt như “cha”, “mẹ”, “nhà”, “xe”, “ngày”, “tháng”, “năm”, “một”, “hai”, “ba”, “sông”, “núi” . . .  thì tiếng Việt còn bao gồm các tiếng Hán – Việt như “xuân”, “hạ”, “thu”, “đông”, “liên quan”, “đối tác”, . . .

Các tiếng Hán – Việt ngày nay đã trở thành một thành tố trong tiếng Việt và  đó là cách phát âm khác với người Trung Quốc đối với các chữ Hán.

Có những tiếng Hán – Việt mà tương ứng tiếng Việt cũng có như “phụ” – “cha”, “mẫu” – “mẹ”, “xa” –“xe”, “nhất” – “một”, “nhị” – “hai”“hà” – “sông”, “sơn” – “núi”. . . .

Lại có những tiếng Hán – Việt được bổ sung vào làm phong phú thêm tiếng Việt như “quan hệ”“vũ trang”, . .

Có những tiếng Hán – Việt và tiếng Việt đọc giống nhau, nhưng nghĩa khác nhau. Chẳng hạn “nương” tiếng Hán – Việt có nghĩa là “cô gái” nhưng “nương” tiếng Việt lại là “đất để cày cấy”“thái”  tiếng Hán – Việt là “yên ổn” (ví dụ Quốc Thái Dân An) nhưng “thái” tiếng Việt lại là “cắt” (ví dụ thái rau), . . .

Âm đọc của bản thân một số tiếng thuần Việt và của một số tiếng Hán – Việt cũng thay đổi theo thời gian hay địa phương: xưa đọc là “nôm” nay đọc là “nam”, xưa đọc là “liền ông, liền bà” nay đọc là “đàn ông, đàn bà”, xưa đọc là “Tùy Dạng Đế” nay đọc là “Tùy Dượng Đế”,phía Bắc đọc là “Trường Yên” còn phía Nam đọc là “Tràng An”. . .

Một số tiếng thuần Việt nay ít còn được dùng hoặc đã không còn dùng nữa: “nghỉ” nghĩa là “nó, hắn” (gia tư nghỉ cũng thường thường bậc trung – Truyện Kiều), “dột” nghĩa là “buồn bã” (Dột lòng khi ở, đau lòng khi đi – Truyện Kiều). . . .

Chữ “Ninh” của họ Ninh có nghĩa là “yên bình” (như trong lời chúc Phú Quý Thọ Khang Ninh). Như vậy đó là tiếng Hán – Việt chứ không phải tiếng thuần Việt.

Ở xã Yên Ninh xưa có một địa danh là Cái Nành.

Ta thấy chữ “Cái” trong một số trường hợp:

–         Phùng Hưng (? – 791) được dân chúng suy tụng là “Bố Cái Đại Vương”. Trường hợp này chữ “Cái” đi liền chữ “Bố” (cha). Vì vậy “Cái” trong tiếng Việt cổ xưa chính là chữ “Mẹ”.

–          Sông Hồng còn gọi là sông Cái. Trường hợp này theo nghĩa trên có thể hiểu là “sông mẹ”. Nhưng cũng có thể hiểu theo nghĩa là “dòng sông chính”. Như vậy, ngoài nghĩa “mẹ”, chữ “cái” còn có thể có nghĩa là “chính”.

–          Những con đường lớn ngày xưa gọi là “đường cái”. Trường hợp này được hiểu là “đường lớn” hoặc “đường chính”.

Như vậy, chữ “Cái” có các nghĩa “người mẹ” (là một danh từ) hoặc “chính”“lớn” (là các tính từ). Đó đều là nghĩa cổ của một từ trong tiếng Việt mà nay ít hoặc không dùng nữa.

Trong tiếng Việt, tính từ đứng sau danh từ trong khi trong tiếng Hán – Việt thì tính từ đứng trước danh từ. Chẳng hạn tiếng Việt là “cờ đỏ” trong khi tiếng Hán – Việt là “hồng kỳ”, tiếng Việt là “sông Hồng” trong khi tiếng Hán – Việt là “Hồng Hà”, . . .

Từ các điều trên, có thể cho rằng trong tên “Cái Nành”, chữ “Cái” phải là danh từ và vì vậy mang nghĩa là “người mẹ” chứ không thể mang nghĩa “lớn”“chính”.

Trong tiếng thuần Việt, ngoài tên của một loại đậu (đậu nành) thì chữ “Nành” dường như không có nghĩa nào khác. Nếu dùng nghĩa này vào địa danh Cái Nành thì rất không phù hợp và tối nghĩa. Tuy nhiên, chúng ta thấy:

Một trong những ngôi làng cổ nay thuộc huyện Gia Lâm – Hà Nội là làng Ninh Hiệp. Tên dân gian của làng này là làng Nành. Làng Ninh Xá thuộc xã Lê Ninh – huyện Kinh Môn – tỉnh Hải Dương xưa cũng gọi là làng Nành. Như vậy “Nành” chính là “Ninh”. Khu vực Cái Nành là khu vực sinh sống của người họ Ninh, vì vậy chữ “Nành”trong địa danh Cái Nành chính là chữ “Ninh”.

Như vậy, địa danh Cái Nành phải chăng là liên quan đến một người phụ nữ của dòng họ Ninh và cũng có lẽ đó là một người phụ nữ có uy tín, trọng trách trong dòng họ.

Một vài suy nghĩ như trên, xin quý vị cùng trao đổi.

Ninh Quang Thăng

Tin tức liên quan

Trở lại bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

logo-honinh-trang

Website honinh.com giới thiệu những giá trị lịch sử – văn hóa – xã hội giàu tính nhân văn, góp phần tôn vinh, chia sẻ những giá trị cao đẹp trong cộng đồng  dòng họ Ninh và những người quan tâm, đặc biệt là giới trẻ.

DANH MỤC

 All Right Reserved. Designed and Developed by honinh.com