Trang chủ Khảo cứu Một vài thảo luận về việc hình thành các làng và ghi chép gia phả

Một vài thảo luận về việc hình thành các làng và ghi chép gia phả

đăng bởi Ninh Quang Thăng
0 nhận xét

Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ninh Viết Giao thì việc hình thành các làng, xã ở Việt Nam thường theo một số cách thức tương đối phổ biến.

Việc hình thành làng xã có thể là:

1. Do một số người hoặc một dòng họ thấy vùng đất có phong thuỷ tốt đẹp hoặc người làm quan thấy đất đai địa phương còn hoang hoá nhiều, mộ dân tứ chiếng đến khai khẩn lập thành làng xã.

Chẳng hạn như Tri châu Lý Nhật Quang vào thế kỷ thứ XI khi làm Trấn thủ xứ Nghệ đã  chủ trương khai thác quy mô đất Nghệ An, ông không chỉ chiêu dân lập ấp mà còn sử dụng tù binh Champa để khai thác. Tại Nghệ An  hiện có đến năm sáu chục làng thờ Lý Nhật Quang làm thành hoàng.

Ngay từ khoảng những năm 900, họ Ninh đã khai khẩn vùng Thiết Lâm, Cái Nành rồi dần lập thành làng xã.

Theo Ngọc Phả các làng Ninh Xá Hạ, La Xuyên thì sau khi thừa lệnh vua Lê Đại Hành xây dựng một số công trình tại khu vực Thiết Lâm, Lão La Đại Thần Ninh Hữu Hưng (939 – 1019) đã tiếp tục “khuyên dòng họ và mọi người khai khẩn đất đai để canh tác, rồi bỏ tiên chiêu mộ dân các nơi về đây sinh sống, lập thành trang ấp”. Điều này cũng cho thấy rằng, vào thời điểm đó nơi đây không chỉ có một vài người họ Ninh mà đã có cả một dòng họ Ninh sinh sống.

2) Từ  những làng nổi, làng vạn của dân thủy cư sống bằng nghề đánh bắt thuỷ sản. Những làng vạn, làng nổi này thường mượn hoặc thuê một mảnh đất của làng nào đó trên cạn ở ven sông để cúng lễ vui chơi trong dịp tết Nguyên Đán, dịp giỗ thần và hội họp khi có việc nộp thuế hoặc phải đi phu, đi lính,… Lúc đầu chỉ để cúng tế, hội họp và vui chơi, nhưng rồi có một số người ở lại, không xuống thuyền nữa. Từ dăm ba người, dần dần số người xin làm nhà ở lại trên cạn nhiều hơn. Đến một lúc nào đó, số cư dân đông hơn, họ xin lập làng.

Chẳng hạn,  tổ tiên của nhà Trần có nguồn gốc dân tộc Mân ở quận Tần Châu, tỉnh Phúc Kiến. Trần Quốc Kinh từ Phúc Kiến sang Việt Nam vào khoảng năm 1110, thời vua Lý Nhân Tông (1072-1127). Lúc đầu cư trú tại xã An Sinh, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh ngày nay; sống bằng nghề chài lưới trên sông nước, trên đường làm ăn chuyển dần vào hương Tức Mạc, huyện Thiên Trường (Nam Định). Đến đời Trần Hấp dời mộ tổ sang sinh sống tại Tam Đường, phủ Long Hưng, nay là vùng đất thuộc Thái Bình.

Họ Ninh trước khi tới Trực Tuấn vốn dĩ  lúc đầu là ở Vĩnh Hào (gần núi Gôi). Núi Gôi xưa kia nằm sát biển (Côi Sơn Hải Khẩu) và gần sát với khu vực Thiết Lâm, Cái Nành. Theo chúng tôi việc tới lập làng tại Trực Tuấn của họ Ninh có lẽ cũng theo cách thức này.

3. Do chính sách lập đồn điền hoặc lấn biển của nhà Hậu Lê. Sau nhiều năm binh hoả, dân phiêu bạt, đồng ruộng không ai cày cấy, rồi ruộng đất của quân Minh, của những kẻ đi theo quân Minh,… cũng bỏ hoang. Lên ngôi Hoàng đế một thời gian, với chính sách khuyến nông, Lê Thánh Tông (1442 – 1497) hạ chiếu ban hành phép “chiếm xạ”. Trong Vũ trung tùy bút, Phạm Đình Hổ viết: “Khoảng năm Hồng Đức (1470 – 1497) triều Lê trở về sau, khi loạn lạc nhiều đất bỏ hoang, làm được bao nhiêu là của mình. Các nhà thế gia hào hữu tuỳ sức mình mà khai khẩn. Khi thành ruộng rồi thì khai số ruộng đưa lên bộ Hộ xin khai khẩn làm ruộng tư, như thế gọi là phép chiếm xạ”.

Từ vùng Thiết Lâm, Cái Nành được xem là đất gốc của dòng họ, việc xuất hiện một số nhánh họ Ninh tại một số địa phương khác vào thời kỳ này có lẽ phản ánh và là kết quả của các chính sách tích cực của nhà Lê, đặc biệt là vị vua anh minh Lê Thánh Tông:

– Sau 10 đời từ Ninh công thụy Phúc Lâm tại thôn Ninh Xá Hạ, vào những năm thuộc niên hiệu Hồng Đức (1470 – 1497), Ninh Doãn Chung vào chiếm xạ đất Côi Trì. Đây là nhánh họ Ninh đã đóng góp công sức lớn trong việc khai hoang, gắn liền với việc xây dựng con đê Hồng Đức nổi tiếng trong lịch sử.  Đê Hồng Đức đã tạo điều kiện thuận lợi đối với công cuộc khai hoang lập làng ở khu vực nam sông Hồng cuối thế kỷ XV. Riêng ở địa bàn Ninh Bình, đê Hồng Đức ra đời đã tạo thuận lợi to lớn cho việc khai hoang, thành lập nhiều làng xã mới mà tiêu biểu là làng Côi Trì.

– Sau thời Lê Thánh Tông, họ Ninh do Ninh Viết Thân  tới khai phá cùng với người họ Lê lập nên xã Lê Ninh (ghép của tên 2 họ Lê và Ninh) thuộc huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương ngày nay.

– Khoảng 1485 -1486 (thời vua Lê Thánh Tông), tiếp theo Tứ tính (4 họ), Cửu tộc (9 họ) là 16 dòng họ (gọi là hậu trí liệt tổ) trong đó có dòng họ Ninh từ Trực Tuấn đã tới bãi bồi Lạch Lác khai hoang, lấn biển lập đất Phú Cường. Dòng họ Ninh từ Trực Tuấn đã cùng nhiều dòng họ khác có công khai hoang, đắp đê, lấn biển hình thành nên huyện Hải Hậu – Nam Định ngày nay.

4. Do tách làng (“biệt triện” – tức là có triện riêng). Phải biệt triện vì có nhiều lý do:

– Biệt triện vì dân đông, lãnh thổ rộng.

– Biệt triện vì mâu thuẫn nhau về quyền lợi hoặc có hiềm khích, chia rẽ.

– Biệt triện vì chính quyền phân định lại địa giới để quản lý.

Chẳng hạn:

Thời nhà Lê ở Nghệ An có một xóm gọi là Vân Úc Điếm có diện tích khá rộng, sau đó người đông lên mà tách dần thành nhiều thôn thuộc xã Quỳnh Liên.

Do mâu thuẫn giữa dân chúng thuộc giáp Yên Thọ – phủ Phù Long – tỉnh Nghệ An dẫn đến kiện tụng mà sau đó Yên Thọ tách thành 2 thôn. Một trong 2 thôn giữ tên cũ là Yên Thọ, thôn kia có tên là Yên Phú.

Theo chúng tôi, xưa kia toàn bộ vùng Thiết Lâm, Cái Nành là chung của người họ Ninh và một số họ khác. Ninh Xá và La Xuyên xưa cùng chung 1 Đình (gần cầu Tào), đường làng liền nhau, cùng thờ chung Tổ nghề chạm khắc gỗ là Lão La Đại Thần Ninh Hữu Hưng. Dần dần theo thời gian mới tách thành các làng khác nhau: Ninh Xá Hạ, Ninh Xá Thượng, La Xuyên như hiện nay. Khi tách thành nhiều làng, có thể một trong những làng đó giữ lại tên cũ còn những làng khác mang tên khác.

Việc hình thành các làng dẫn đến sự tụ cư để sinh sống của các dòng họ. Các dòng họ trong các làng  dần  phát triển thành những dòng họ phú hào và bắt đầu có nhu cầu ghi chép gia phả.

Ở Việt Nam, lúc đầu gia phả xuất hiện chỉ trong Hoàng tộc: nhà Lý (1009 – 1225) có Hoàng Triều Ngọc Điệpđược viết vào năm 1026; nhà Trần (1225 – 1400) có Hoàng Tông Ngọc Điệp; nhà Hậu  Lê (1427-1789) có Hoàng Lê Ngọc Phả

Sau này, các công thần võ tướng, các danh sĩ  khoa hoạn thuộc hàng cao môn vọng tộc cũng theo lối của Hoàng tộc mà ghi chép gia phả của dòng họ mình. Phép ghi gia phả sau đó lan truyền rộng trong dân gian.

Như vậy, việc ghi chép gia phả ở Việt Nam có lẽ chỉ bắt đầu từ thời nhà Lý và trở thành phổ biến vào thời Hậu Lê.

Theo Tiến sỹ Trần Thị Kim Anh (Viện Hán Nôm), tại Thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm hiện nay còn lưu giữ được gần 250 gia phả của 28 họ được biên soạn vào thời thời Hậu Lê như vào các niên hiệu Vĩnh Tộ (1619 – 1628), Chính Hòa (1680 – 1705), Vĩnh Thịnh (1705 – 1719, Cảnh Hưng (1740 – 1786). Còn hầu hết đều được soạn, biên tập, sao chép vào các thời Gia Long (1802 – 1820), Minh Mệnh (1820 – 1840), Tự Đức (1848 – 1883) . . .

Trong những bản gia phả dù được soạn sau này nhưng vẫn có những đoạn ghi chép về các nhân vật sống trước thời nhà Lý (1009 – 1225). Tuy nhiên đó chỉ là “lần ngược lại thời gian” viết truy nguyên về gốc tích và thường chỉ ghi được những nhân vật trực hệ chứ không ghi được đầy đủ thế thứ, chi, nhánh. Chẳng hạn:

–   Họ Hồ chỉ ghi chép gia phả từ thời nhà Trần với các bản gia phả của các chi Hồ Liêm (hương Đại Lại), Hồ Kha (làng Quỳ Trạch). Các bản gia phả này đều truy nguyên gốc tích là từ Hồ Hưng Dật thời Ngũ Đại (907 – 979) trước đó chừng 12 đời nhưng không ghi được thế thứ của 12 đời đó.

–  Theo Nguyễn Phúc Tộc Thế Phả (họ Nguyễn của triều nhà Nguyễn) thì dòng họ này “không xác định rõ nguồn gốc sâu xa của Tổ tiên một cách chắc chắn, nên về sau đều chấp nhận lấy đức Thái tể Nguyễn Bặc (924 – 979) làm Thủy tổ”.

–  Họ Vũ làng Mộ Trạch truy nguyên gốc tích từ Vũ Hồn (804 – 853) nhưng cũng không ghi được thế thứ nhiều đời tính từ Vũ Hồn.

Trong các bản gia phả của các nhánh họ Ninh, thường ghi tên thụy (tên để cúng giỗ) của các cụ. Căn cứ vào tên thụy, không phải luôn dễ dàng biết rõ tên chính. Mặt khác, việc ghi tên thụy cũng cho thấy rằng có lẽ các bản gia phả này chỉ ghi lại được những thông tin sớm nhất từ thời nhà Lý. Đó là những thông tin sau thời điểm khởi thủy lập nghiệp đến vài trăm năm, khi dòng họ đã chia thành nhiều nhánh.  Điều này cũng tương tự như các dòng họ khác ở Việt Nam .

Ninh Quang Thăng

Tin tức liên quan

Trở lại bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

logo-honinh-trang

Website honinh.com giới thiệu những giá trị lịch sử – văn hóa – xã hội giàu tính nhân văn, góp phần tôn vinh, chia sẻ những giá trị cao đẹp trong cộng đồng  dòng họ Ninh và những người quan tâm, đặc biệt là giới trẻ.

DANH MỤC

 All Right Reserved. Designed and Developed by honinh.com