Trang chủ Khảo cứu Dòng họ – nơi thể hiện giá trị văn hóa tinh thần độc đáo của người Việt

Dòng họ – nơi thể hiện giá trị văn hóa tinh thần độc đáo của người Việt

đăng bởi Ninh Quang Thăng
0 nhận xét

UNESCO là Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (tên tiếng Anh là United Nations Educational Scientific and Cultural Organization). Tại Việt Nam, cơ quan này bảo trợ hoạt động của một số Trung tâm. Một trong số đó là Trung tâm UNESCO Văn hoá Gia đình và Dòng họ Việt Nam (tên tiếng Anh là  UNESCO Cultural Center for Family and clan Vietnam).

Trên website của Trung tâm này có đăng bài viết “NGHIÊN CỨU DÒNG HỌ NGƯỜI VIỆT TỪ GÓC NHÌN VĂN HÓA“. Đây là bài viết rất đáng quan tâm.

Chúng tôi xin trích một phần của bài viết để giới thiệu cùng Quý vị.

. . . Nhìn một cách tổng quát, tính đến thời thời điểm này, có thể nhận thấy những thành tựu nghiên cứu về dòng họ người Việt chủ yếu tập trung vào 3 định hướng:

  • Hướng dân tộc học: tác giả tiêu biểu Phan Kế Bính, Toan Ánh.
  • Hướng xã hội học: tác giả tiêu biểu Mai Văn Hai, Phan Đại Doãn.
  • Hướng gia phả học: tác giả tiêu biểu  Nguyễn Đức Dụ.

Nhờ 3 mũi nhọn nghiên cứu chuyên sâu này mà một số đặc điểm chung về dòng họ người Việt đã bước đầu được làm sáng tỏ. Nhiều dòng họ đã ghép nối được các chi, nhánh, truy nguyên tới thủy tổ nhiều đời. Tuy đã có những thành tựu không thể phủ nhận song các hướng tiếp cận trên đây chưa thể giải quyết thỏa đáng một trong những vấn đề quan trọng nhất của dòng họ: bản sắc văn hóa của dòng họ người Việt.

Để trả lời được câu hỏi thú vị nhưng không dễ dàng này, cần phải có một hướng tiếp cận mới: hướng văn hóa học. Khi xem  dòng họ người Việt như một đối tượng nghiên cứu chính thức của văn hóa học có nghĩa là chúng ta áp dụng phương pháp liên ngành, vận dụng linh hoạt tri thức khoa học của nhiều phân ngành đơn lập như: dân tộc học, xã hội học, gia phả học, khảo cổ học, sử học…. để hướng tới mục tiêu làm sáng tỏ bản sắc văn hóa của dòng họ người Việt.
. . . . .

Bắt đầu cuộc hành trình

Trải qua quá trình hình thành, phát triển lâu dài, dòng họ người Việt đã tạo dựng nhiều giá trị văn hóa tinh thần độc đáo. Trong cuộc sống thường ngày, mối quan hệ họ hàng luôn được đề cao: “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”. Sống với các mối quan hệ họ hàng, người Việt luôn đề cao ý thức đoàn kết, tinh thần tương thân tương ái, cưu mang, đùm bọc, che chở nội tộc: “ Xẩy cha còn chú, xẩy mẹ bú dì”; “Nó lú nhưng chú nó khôn”, … Trong bài viết này, chúng tôi chỉ tập trung nghiên cứu sâu hai giá trị văn hóa tinh thần nổi bật của dòng họ người Việt: ý thức tìm về tổ quán của các dòng tộc và truyền thống riêng biệt của mỗi dòng họ.

Một trong những giá trị văn hóa tinh thần tiêu biểu hàng đầu của dòng họ người Việt là ý thức tìm về cội nguồn, tổ quán. Dù ở đâu và bất cứ khi nào thì ý thức về tổ tiên trước hết là tổ tiên dòng tộc vẫn là một trong những ý thức sâu sắc nhất, ăn vào tâm trí, ngấm trong máu thịt mỗi người dân Việt. Ý thức này được thể hiện rất rõ trong thờ cúng tổ tiên dòng tộc.  Hầu hết các dòng họ người Việt đều thờ cúng tổ tiên dòng tộc. Người tộc trưởng được ký thác nhiệm vụ thiêng liêng thay mặt con cháu chăm sóc từ đường, sớm tối đỏ đèn, quanh năm nhang khói. Đều đặn vào các ngày sóc vọng, lễ tiết, giỗ chạp…tộc trưởng nhất tâm dâng cúng lễ vật, kính cẩn cầu mong anh linh tiên tổ chứng giám, phù trì cho cháu con dòng tộc. Đặc biệt là ngày giỗ tổ – ngày hóa của thủy tổ.

Ngày giỗ tổ được tổ chức trang trọng. Nhiều dòng tộc thực hành nghi thức tế lễ rất qui mô. Trong ngày này, con cháu của các chi, phái, ngành, nhánh, cành….nếu không tề tựu được đông đủ thì nhất thiết phải cắt cử nhân đinh về dự lễ tại từ đường, thắp nén tâm nhang, một lòng hướng về tổ quán. Ngay cả những người dân Việt vì nhiều lý do phải xa tổ quốc, định cư sinh sống tại khắp các châu lục nhưng ý thức về tổ gốc không hề phai nhạt. Tiêu biểu là dòng họ Lý gốc Việt ở Hàn Quốc.

Không chỉ xây dựng một Trung hiếu đường tại Bong-hwa trên đất Hàn để sớm tối khói hương mà hàng chục năm qua, vào ngày 15 tháng Ba, con cháu dòng họ Lý vẫn trở lại cố hương, tề tựu tại Đền Đô một lòng thắp nén tâm nhang mong liệt tổ, liệt tông ấm lòng. Hiện nay, ý thức tầm nguyên thủy tổ có xu hướng trỗi dậy. Nhiều dòng tộc trên khắp mọi miền tổ quốc đang ra sức hợp nhất chi phái, ghép nối phả hệ, truy nguyên thủy tổ.

  • Họ Nguyễn có nguồn gốc phát tích ở Hà Ngọc, Hà Trung, Thanh Hóa đã hợp nhất các chi ở Hà Nội, Hà Tây cũ, Hải Dương, Thái Bình, Thanh Hóa… truy nguyên đến thủy tổ Nguyễn Bặc (924–979) – công thần khai quốc nhà Đinh.
  • Họ Doãn có nguồn gốc phát tích ở Tân Ninh, Triệu Sơn, Thanh Hóa đã ghép nối các chi ở Hà Nội, Hà Tây cũ, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hưng Yên, Thanh Hóa, Nghệ An… phát hiện thủy tổ là Doãn Anh Khái giữ chức Lệnh thư gia dưới  triều Lý Thần Tông.
  • Họ Vũ có nguồn gốc tại Mộ Trạch,  Bình Giang, Hải Dương, đã hợp nhất các chi ở Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội, Thái Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh…tìm đến ông tổ họ Vũ là Vũ Hồn (804-853)…

Ý thức tìm về thủy tổ của các dòng tộc trong việc ghép nối gia phả, tầm nguyên thủy tổ trên đây đang diễn ra theo hai xu hướng: lịch sử hóa và huyền thoại hóa. Xu hướng lịch sử hóa thường xác định ông tổ của dòng tộc mình là những nhân vật lịch sử cùng mang tộc họ, có danh tiếng và công trạng trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Xu hướng huyền thoại hóa thường tạo ra một lớp khói sương bàng bạc sắc màu huyền thoại bao phủ cuộc đời thủy tổ. Gác lại việc bàn luận đúng sai trong việc truy nguyên thủy tổ ở cả hai xu hướng trên ta thấy rõ ràng người Việt đời nào cũng vậy rất khát khao tìm về cội gốc của mình.

Vậy tại sao đối với người Việt, ý thức tìm về tổ quán lại luôn thường trực và sâu sắc đến vậy? Tâm thức hướng về nguồn cội này ở người Việt được hình thành bởi  khác với nhiều tộc người thuộc nền văn hóa du mục tổ chức cộng đồng theo nguyên tắc trọng sức mạnh, trọng tài thì “…con người nông nghiệp ưa tổ chức xã hội theo nguyên tắc trọng tình”.

Nguyên tắc trọng tình này tất yếu dẫn đến thái độ trọng đức. Người Việt đặc biệt đề cao chữ đức nên mới quan niệm “Thiện tâm ở tại lòng ta. Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Với người Việt, cái đức từ lâu đã trở thành một tiêu chuẩn để đánh giá nhân phẩm con người.

Tùy thuộc vào các mối quan hệ khác nhau mà chữ đức có các dạng thức biểu hiện rất phong phú đa đạng. Trong mối quan hệ huyết tộc, ý thức về cội nguồn, gốc gác đã sinh thành ra mình được xem như là tiêu chí đạo đức quan trọng nhất để xem xét nhân cách, đánh giá đạo đức một con người. Do bảo lưu một hệ giá trị đạo đức truyền thống đậm chất nhân văn như vậy nên người Việt dù thời nào cũng luôn vọng tưởng về tổ quán để thờ phụng, tri ân với tâm niệm “Người ta có tổ có tông. Như cây có cội như sông có nguồn”.

Như vậy, người Việt thực hiện tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, trước hết là thờ cúng tổ tiên dòng tộc, không chỉ bằng niềm tin tín ngưỡng mà còn thực hiện bởi đạo lý làm người – một đạo lý mang đậm màu sắc nhân văn của nền văn minh nông nghiệp lúa nước cổ truyền.

Bên cạnh truyền thống chung, mỗi dòng tộc còn có truyền thống riêng. Các dòng họ như Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần, Hồ, Mạc, Nguyễn…là những hoàng tộc đời đời nối nghiệp đế vương. Các hoàng tộc này đã thay nhau giữ gìn bờ cõi, quyết chống ngoại xâm, phát triển kinh tế, thúc đẩy thương giao, mở mang văn hóa để góp phần kiến lập một quốc gia Đại Việt hưng thịnh. Với truyền thống khai canh lập quốc, trị nước an dân, các hoàng tộc trên đã tạo dựng gam màu chủ đạo trong bức tranh lịch sử Việt Nam.

Nhiều dòng họ đã sản sinh, nuôi dưỡng và dâng hiến cho quốc gia những nhân tài kiệt xuất, vang danh không chỉ trong mà còn ngoài nước.

  • Họ Nguyễn ở Nhị Khê, Thường Tín, Hà Nội đã sinh ra danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi (1380-1442).
  • Quan điểm của Thân Nhân Trung (1418-1499) – người con của dòng họ Thân ở Yên Ninh, Việt Yên, Bắc Giang – “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” là sự kết tinh đỉnh cao của văn hóa dân tộc trong việc trọng dụng hiền tài.
  • Họ Lê Hữu ở Liêu Xá, Mỹ Hào, Hưng Yên nức tiếng trời Nam bởi tiếng tăm của thánh y Lê Hữu Trác (1724-1791).
  • Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du (1765-1820)- danh nhân văn hóa thế giới – đã làm rạng danh họ Nguyễn ở Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Chính những danh nhân xuất sắc của các dòng tộc đã góp phần tạo dựng tinh hoa văn hóa Việt.

Bên cạnh những danh gia vọng tộc đó, người Việt còn có bách tính trăm họ bình dân. Trải qua quá trình hình thành và phát triển lâu dài, nhiều dòng họ bình dân đã xây dựng và lưu giữ truyền thống tốt đẹp riêng.

Có những dòng họ vang danh bởi nghiệp khoa cử như

  • họ Nguyễn ở Kim Đôi, Bắc Ninh; họ Ngô Thì ở Tả Thanh Oai, Hà Nội; họ Hồ ở Quỳnh Lưu, Nghệ An…
  • họ Vũ ở Mộ Trạch, Bình Giang, Hải Dương. Từ thời Trần đến thời Lý, dòng tộc này đã có tới 36 Tiến sỹ đỗ đại khoa. Ghi nhận những đóng góp danh nhân biệt tài của họ Vũ cho dân tộc, vua Tự Đức đã khen tặng: “Mộ Trạch nhất gia bán thiên hạ” –  làng Mộ Trạch  có nhân tài nhiều bằng nhân tài của một nửa quốc gia…

Có thể nói, dòng họ là nơi tinh kết nhiều giá trị văn hóa tinh thần đặc sắc của người Việt. Ngót 600 năm trước, trong áng thiên cổ hùng văn Bình Ngô đại cáo, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi đã từng dõng dạc tuyên bố bản sắc của nền văn hiến Đại Việt trong thế đối sánh với nền văn hiến Trung Hoa:

“Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Núi sông bờ cõi đã chia
Phong tục Bắc Nam cũng khác
Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương
Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau
Song hào kiệt thời nào cũng có”

Một trong những phương diện để xác định bản sắc văn hóa dân tộc là những danh nhân biệt tài. Những danh nhân biệt tài của đất Việt – những con người tài năng xuất chúng, trí tuệ siêu phàm, đức dày tâm sáng – chính là sự kết tinh đỉnh cao của văn hóa Việt ấy lại được sinh ra và dưỡng nuôi từ muôn họ của bá tánh trăm dân.

Như vậy, chính truyền thống dòng họ người Việt mang đậm chất nhân văn của nền văn minh nông nghiệp lúa nước cổ truyền với ý thức sâu sắc về ngồn cội đã trở thành nguồn sức mạnh tinh thần vô giá. Nó làm thức dậy lòng kiêu hãnh tự hào, đốt cháy niềm phấn khích đam mê, tiếp thêm sức mạnh tinh thần để cháu con bứt phá vươn lên trở thành kẻ tài đức song toàn, nối nghiệp tổ tông, sáng danh dòng tộc, vinh hiển quốc gia. Sản sinh những tài năng, giáo dục nhân phẩm, cổ vũ tinh thần để góp phần phát triển những biệt tài, định hình nhân cách lớn cho nền văn hiến dân tộc, có thể nói,  truyền thống dòng họ đã góp phần tạo dựng và nuôi dưỡng bản sắc văn hóa Việt.

(Trích bài “Nghiên cứu dòng họ người Việt  từ góc nhìn văn hóa” trên Website của Trung tâm UNESCO nghiên cứu văn hóa các dòng họ và gia đình Việt Nam)

Trích và giới thiệu bài viết: Ninh Quang Thăng

Tin tức liên quan

Trở lại bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

logo-honinh-trang

Website honinh.com giới thiệu những giá trị lịch sử – văn hóa – xã hội giàu tính nhân văn, góp phần tôn vinh, chia sẻ những giá trị cao đẹp trong cộng đồng  dòng họ Ninh và những người quan tâm, đặc biệt là giới trẻ.

DANH MỤC

 All Right Reserved. Designed and Developed by honinh.com