Trang chủ Khảo cứu Đôi điều suy nghĩ về văn hóa tinh thần của người Việt

Đôi điều suy nghĩ về văn hóa tinh thần của người Việt

đăng bởi Ninh Quang Thăng
0 nhận xét

Đạo đức, tín ngưỡng, . . .  của người Việt thời cổ khác với người Hán. Dù từ năm 111 TCN,  người Hán đã thống trị người Việt hàng ngàn năm, tìm cách hủy diệt những gì đã có của người Việt và áp đặt các chuẩn mực đạo đức, tín ngưỡng, . . . của mình lên các tộc Bách Việt thì ta vẫn thấy rất nhiều sự khác biệt:

1.   Đạo “hiếu” của người Hán theo câu mở đầu của Hiếu Kinh là  “Thân thể phát phu, thọ chi phụ mẫu, bất cảm tổn thương, hiếu chi thủy. Lập thân hành đạo, dương danh ư hậu thế, hiếu chi chung” và “bất hiếu hữu tam vô hậu vi đại ” – nghĩa là  “ Thân thể tóc da, nhận từ cha mẹ, không làm tổn thương, đó là khởi đầu cuả hiếu. Lập thân hành đạo, để lại tiếng cho đời sau, đó là kết cục của hiếu” và “có 3 điều bất hiếu, không người nối dõi là lớn nhất ”.

Người Việt từ thời cổ đã có tục xăm mình – đương nhiên là làm “tổn thương thân thể ”. Như vậy trong tâm thức người Việt, làm “tổn thương thân thể ” không phải là việc quan trọng liên quan đến việc có “tròn chữ hiếu ” hay không của mỗi người. Với họ, đạo “hiếu” mang ý nghĩa cao hơn

“Công cha như núi Thái Sơn.
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”

Theo Thiền sư – Tiến sĩ sử học Lê Mạnh Thát thì Lục Độ Tập Kinh là một tác phẩm được Khương Tăng Hội (mất năm 280) dịch từ chữ Việt cổ sang chữ Hán. Như vậy tác phẩm bằng chữ Việt cổ này có thể có trước khi người Hán đặt được ách nô dịch lên người Việt. Bản bằng chữ Việt cổ không còn, nhưng bản được Khương Tăng Hội dịch sang chữ Hán thì mặc dù là sách của Phật giáo nhưng là của người Việt nên vẫn thể hiện tinh thần văn hóa của người Việt. Trong tác phẩm này có đoạn viết: “ Đạo cao giả quyết đức thâm, ngô dục vô dục chi đạo, quyết dục trân hỉ. Dĩ đạo truyền thần, dĩ đức thọ thánh, thần thánh tương truyền ảnh hóa bất hủ, khả vị lương tự giả hồ! Nhữ dục điền đạo chi nguyên phạt đức chi căn, khả vị vô hậu giả hồ ” – nghĩa là  “ Người đạo cao thì đức rộng. Ta muốn cái đạo vô dục, đạo đó mới quí. Đem đạo truyền cho thần, đem đức trao cho thánh, thần thánh truyền nhau cái sự giáo hóa vĩ đại không hư nát, đó mới gọi là sự nối dõi tốt lành. Nay người muốn lấp nguồn đạo, chặt gốc đức, thì không đáng gọi là kẻ vô hậu ư?”. Như vậy, người Việt không coi việc không có người nối dõi là điều quá quan trọng, là “vô hậu” như người Hán quan niệm mà cho rằng kẻ vô đạo, vô đức mới là kẻ “vô hậu” bậc nhất.

Những nhà Nho ở Việt Nam dù chịu ảnh hưởng sâu đậm từ những quan điểm của Khổng Giáo nhưng do thấm đượm sâu sắc văn hóa Việt nên có những tư tưởng rất linh hoạt, nhân văn, nhân bản và thực tiễn khi nói đến đạo “Hiếu”. Tác phẩm Vũ Vu Thiển Thuyết của Ninh Ngạn là một minh chứng. Trong 45 Chương của tác phẩm này, cụ dành 2 Chương đầu để bàn về chữ “Hiếu”, cụ cho rằng  quan trọng hơn cả là “Hiếu phải đạt đến đức”“chủ yếu là cái Tâm” chứ không phải cái hình thức bề ngoài được người đời đánh giá.

2.  Tin và thờ “Quỉ, Thần”  là  đặc trưng trong tín ngưỡng ngưòi Việt. Họ tin người chết không phải là hết, mà những người chết đã thành quỉ thần và đáng được thờ phụng. Đó là nguồn gốc cho tục thờ cúng tổ tiên của người Việt. Đến năm 110 TCN, bị thuyết phục bởi một người Việt là Dũng Chi,  vua Hán Vũ Đế đã nhiệt thành ủng hộ việc thờ “Quỉ”. Sử Hán ghi lại Hán Vũ Đế “ bèn khiến thầy bói Việt lập đền thờ (quỷ) Việt, dựng đài thờ trời, thần, thượng đế và trăm quỷ, nhưng dùng gà để bói. Vua tin. Thờ quỷ Việt và bói gà bắt đầu dùng “. Dấu tích của việc kết hợp thờ ông bà tổ tiên hoặc người đã chết với việc bói gà cho đến ngày nay vẫn còn tồn tại trong tập tục cúng giao thừa và tang ma của người Việt.

3.   Trung Quốc có lịch pháp từ thời vua Nghiêu trong đó đã đề cập tới bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Sách Nghiêu Điển ghi  ”… bèn sai hai họ Hy, Hòa xét chuyển vận của trời, trăng và sao, để thế mệnh trời, mà báo cho dân biết thời tiết. . . . Khi ngày dài nhất, sao là Hỏa, thì là giữa hạ.. .. Khi đêm dài nhất, sao là Hư, thì là giữa Thu … Khi ngày ngắn nhất, sao là Mão, thì là giữa Đông”.  Tuy nhiên, chính cuốn sách này cũng viết tiếp: “Vua nói: Này các ngươi Hy, Hòa năm quay lại sau ba trăm với 6 tuần và 6 ngày, lấy tháng nhuận đặt đúng bốn mùa, để nên năm“. Như vậy, năm gồm  300 + 6 tuần + 6 ngày = 366 ngày và có nghĩa là “tuần” được xem là 10 ngày. Chính vì người Hán xem tuần có 10 ngày nên mới gọi các tuần trong tháng là “hạ tuần”, “trung tuần”, “thượng tuần”.

Theo tác giả Lưu An (mất năm 122 TCN) ghi trong sách Tiền Hán Thư thì “Từ thời Tam Đại hưng thịnh, Hồ và Việt không chịu nhận chính sóc” –  tức là người Việt từ thời các triều đại Hạ, Thương, Chu đã không theo lịch của người Hoa Hạ. Như vậy cũng có nghĩa là đến thời Tam Đại thì trước đó người Việt đã có lịch pháp của mình, không giống với lịch pháp của vua Nghiêu. Trong sách Lục Độ Tập Kinh có đoạn ghi “Nhi tại mẫu phục.. tam thập bát thất nhật, thân thể giai thành” – nghĩa là “đứa bé nằm trong bụng người mẹ, ba mươi tám của bảy ngày, hình thành thân thể”. Như vậy, trong lịch pháp của người Việt thì “tuần” là 7 ngày và cũng có nghĩa Âm lịch mà các nước Á Đông đang dùng chịu ảnh hưởng từ lịch pháp của người Việt – lịch pháp của những người canh tác lúa nước sớm nhất trong lịch sử nhân loại.

Như vậy, văn hóa Việt không giống với văn hóa Hán.

Suốt mấy ngàn năm, trong sự giao thoa về chủng tộc và các nền văn minh theo 2 tiến trình “Nam tiến lên Bắc” rồi “Bắc tiến xuống Nam” (xem bài VĂN MINH BÁCH VIỆT đã đăng trên website này – bấm vào đây) thì đương nhiên có sự hòa trộn về chủng tộc mà người Việt (và cả người Hán) ngày nay không còn là những chủng tộc “thuần nhất”. Nhưng ý niệm về sự “thuần nhất” của người Việt không phải đơn giản là “thuần nhất về chủng tộc” mà cao hơn thế là “thuần nhất về văn hóa” . Dựa trên sự thuần nhất về văn hóa mà hình thành một cộng đồng “dân tộc thuần nhất” là dân tộc Việt Nam ngày nay. Giữ gìn được sự thuần nhất về văn hóa chính là bí quyết trường tồn của dân tộc này.

 

Ninh Quang Thăng

Tin tức liên quan

Trở lại bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

logo-honinh-trang

Website honinh.com giới thiệu những giá trị lịch sử – văn hóa – xã hội giàu tính nhân văn, góp phần tôn vinh, chia sẻ những giá trị cao đẹp trong cộng đồng  dòng họ Ninh và những người quan tâm, đặc biệt là giới trẻ.

DANH MỤC

 All Right Reserved. Designed and Developed by honinh.com