Trang chủ Danh nhân họ Ninh Ninh Địch – một kỳ tài đất Ninh Bình

Ninh Địch – một kỳ tài đất Ninh Bình

đăng bởi Ninh Quang Thăng
0 nhận xét

Họ Ninh  theo tổ tiên truyền lại vốn quê ở Ninh Xá huyện Vọng Doanh ( nay là huyện Ý Yên tỉnh Nam Định) vào niên hiệu Hồng Đức thời vua Lê Thánh Tông, ông tổ 8 đời đến huyện Yên Mô – Ninh Bình sinh sống, cùng nhau khai hoang lập ấp trở thành một xã, xin được đặt tên là Khôi Đàm sau này vì kiêng húy ( có lẽ là tránh tên Duy Đàm của Lê Thái Tông năm 1573- 1600) Khôi Đàm được đổi là Khôi Trì.

Cha của Ninh Địch từng thi đỗ hương cống, sau này làm tới quan tri huyện ở Quảng Bình, mẹ của Ninh Địch là người họ Thiệu quê ở Thanh Liêm ( Hà Nam ) Ninh Địch được sinh vào năm 1687 tỏ ra được tiên thiên chúng đức vẹn toàn, khí mạo vững vàng, dáng vẻ tuấn tú. Tuổi ngày một lớn trí thông minh ngày một mẫn tiệp. Hồi còn nhỏ Ninh Địch đi thơ thẩn trên đường gặp đúng quan huấn đạo. Vị quan trông cậu bé lanh lợi, thấy làm vui thích bèn ra đối rằng ” Xuân đáo bách hoa khai” ( nghĩa là xuân tới trăm hoa khoe). Ninh Địch đáp luôn ” nhật xuất thiên sơn chiếu” ( nghĩa là nắng rạng ngàn núi tỏa). Dù có đôi chút sai liêm luật nhưng vế đối lại tràn ngập tương lai rạng rỡ. Quan huấn đạo kinh ngạc khen rằng ” bé mà thông minh thế này, ngày sau sự nghiệp ắt là lớn lao làm vẻ vang cho nghiệp học nước nhà” rồi tặng quà cho chú bé.
Hơn 10 tuổi sức học của Ninh Địch đã sâu rộng, ý tứ dồi dào. Năm 14 tuổi (1700) Ninh Địch theo học quan thượng thư bộ hình, thiếu bảo lỵ quận công là Trương Công Khải ở Thanh Liêm Hà Nam đây cũng là quê mẹ đẻ của Ninh Địch, trong các kỳ khảo hạch địa phương, vị quan chấm bài rất sát sao, Ninh Địch vẫn thường xếp hàng đầu.
Năm 17 tuổi Ninh Địch cắp sách nhập trường tiến sỹ Nguyễn Hữu Đăng quê làng Đông Tác huyện Thọ Xương – Hà Nội, vị tiến sỹ này rất nghiêm khắc trong đào luyện học trò, các kỳ tập văn ở trường trang trọng như kỳ thi chính, rồi Ninh Địch lại theo học trường báo thiên của thám hoa Vũ Thạch năm 19 tuổi( 1705) Ninh Địch theo cha dự thi hương Ninh Địch đỗ hàng thứ 4.
Năm 24 tuổi triều đình lệnh cho bộ lại mở kỳ khảo duyệt, Ninh Địch quyết trí tỏ rõ bút lực quan chấm thi là Nguyễn Công Hãng (tiến sỹ năm 1700) kinh ngạc đây là văn của tiến sỹ còn gì ! Quan chủ ty là Nguyễn Qúy Đức(tiến sỹ năm 1676) giật mình: đáng tiến sỹ thật nhưng danh sách cập đệ vốn đã định rồi, thông tin ấy không được truyền rộng ra nhưng bào văn ấy của Ninh Địch được xếp hạng ưu, đứng đầu sau đó Ninh Địch nhận chức huấn đạo phủ Nghĩa Hưng ( nay thuộc Nam Định). Năm 32 tuổi cha con Ninh Địch hưởng ứng chiếu cầu hiền của chúa An Đô Vương Trịnh Cương về kinh đô Tràng An dự thi hội, ba trường thi trôi qua 2 anh em Ninh Địch, Ninh Ngạn hợp cách vào trường thứ 4, bài thi của  Ninh Địch được các quan khen ngợi đánh giá cao, khoa thi hội này Ninh Địch đậu thứ 4 trong số 17 người trúng cách, chúa Trịnh Cương cầm tay Ninh Địch đích thân tuyên bố giữa triều đình ” ta có Mã Chu ( một danh tướng kỳ tài được Đường Thái Tông 4 lần sai sứ giả đi mời về triều ) kề cận đây rồi, khỏi nhọc sức sứ giả đi mời nữa”.
Năm 1718 ngày 25 Âm lịch triều đình mở kỳ thi điện, đề ra thánh nhân trị thiên hạ quy định 64 câu khao này Vũ Công Tế quê ở xã Hải Bối – Gia Lâm- Hà Nội đỗ thám hoa, Nguyễn Toàn (Tuyền?) quê ở Lỗ Bạt Thường Tín – Hà Tây và Ninh Địch đậu Hoàng Giap. Từ đây đường quan mở lối, Ninh Địch trải qua các chức: Hiệu Lý viện Hàn Lâm, đốc đống trấn Hải Dương tại Hải Dương, trong vòng 2 năm Ninh Địch đã dẹp yên được các đảng gian các nhóm trộm cướp sử lý thỏa đáng các vụ kiện cáo, dân trong vùng thành tâm tín phục, bạn đồng liêu thực dạ mến yêu, vì lập được chiến tích lớn này nên ông được thăng đãi chế viện Hàn Lâm và vẫn giữ đốc đồng Hải Dương như ý nguyện của dân lành.
Tuy bận rộn việc quan nhưng NInh Địch không lơi là tâm nguyện của người con, cháu hiếu hiển đối với tổ tông, làng xóm, ông đứng ra việc dựng từ đường của dòng họ Ninh, xây miếu, đình của xã nhà( Khôi Trì) xây đền thờ tiên hiền của huyện Yên Mô. Vào tuổi 40 (1726) Ninh Địch lại nhận chức phúc khảo các bài thi hương trong địa phương mình. Việc này chẳng khác gì một thử thách về nhân phẩm, không một ai không ca tụng, Ninh Địch xét bào công bằng, kết quả phần lớn kẻ sỹ do ông tiến cử đều trúng cách.
Năm 1734 vào ngày 18/4 âm lịch, Ninh Địch qua đời giữa mùa hè oi nồng, triều đình truy tặng Hàn Lâm viện thừa chỉ. Ninh Địch tạ thế giữa độ đang sung sức, để lại vị trí bỏ trống trong văn đàn đương thời, gây nên nỗi thương tâm lâu dài cho anh em họ tộc. Em trai ông là Ninh Ngạn hiệu Dã Hiên là qua tới chức Hiến Phó sứ là cha của Ninh Tốn, khi viết về cuộc đời anh mình vẫn còn ngập tràn nuối tiếc, cũng như sự nuối tiếc của học giả các đời sau, chỉ được viết văn tài của ông qua tên một số tác phẩm như bài Phú nghiêu cứ hỏa đức, quân thần nghĩa…
Cuộc đời của Ninh Địch người con của Ninh Bình có thể còn nhiều điều chưa được làm sáng tỏ, văn nghiệp của ông có thể còn nằm sâu đâu đó giữa lớp bụi thời gian. Nhưng chí khí của Ninh Địch thì chưa bao giờ mòn mỏi ông thường nói ” việc học của người quân tử, đã không thì thôi đã làm ắt sẽ thành”.

Hoàng Sơn
( theo danh nhân đất Ninh Bình)
Báo Ninh Bình cuối tuần, số ra  ngày 30/9/2006

Tin tức liên quan

Trở lại bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

logo-honinh-trang

Website honinh.com giới thiệu những giá trị lịch sử – văn hóa – xã hội giàu tính nhân văn, góp phần tôn vinh, chia sẻ những giá trị cao đẹp trong cộng đồng  dòng họ Ninh và những người quan tâm, đặc biệt là giới trẻ.

DANH MỤC

 All Right Reserved. Designed and Developed by honinh.com