Trang chủ Chi pháiCôi Trì - Trung Đồng Giỗ cụ tổ Ninh Tốn (Côi Trì – Ninh Bình)

Giỗ cụ tổ Ninh Tốn (Côi Trì – Ninh Bình)

đăng bởi Ninh Quang Thăng
0 nhận xét

Côi Trì Ninh Bình, ngày 18.6.2018
———————

Thưa các cụ các ông các bà, thưa các bác các cô các chú, thưa các anh chị và các bạn.

—————————————————–

Hôm nay được về đây tham gia giỗ cụ Ninh Tốn 1 danh nhân của Việt Nam, là 1 trong những vĩ nhân của dòng họ Ninh tôi cảm thấy rất vinh dự và tự hào vì mình cũng là người con của dòng họ Ninh. Thay mặt cho ban liên lạc họ Ninh cũng như nhân danh cá nhân tôi xin chúc các cụ, các ông các bà các cô bác anh chị và các bạn có một sức khỏe dồi dào, có 1 gia đình hạnh phúc an khang thịnh vượng .

Thưa các cụ các ông các bà, thưa các bác các cô các chú, thưa các anh chị và các bạn.

Họ Ninh chúng ta đã có lịch sử lâu đời hàng nghìn năm và cũng không phải là dòng họ nhỏ, nhưng vì sống rải khắp các vùng miền, việc gắn kết cũng chưa được tốt nên dân họ Ninh quần tụ sống ở đâu chỉ biết ở đó và nghĩ chỉ có nơi này mới có người họ Ninh sinh sống và vì vậy luôn nghĩ dòng họ Ninh là bé nhỏ là dân tộc thiểu số ít người, ngay như bản thân tôi cũng nghĩ vậy, từ nhỏ học phổ thông rồi học đại học rồi ra công tác hầu như không gặp ai họ Ninh cả.

Cách đây vài năm vô tình vào mạng internet đã tìm thấy họ Ninh nhà mình và thấy người họ Ninh rất đông, ở rất nhiều nơi, chính thế mới được về đây và lần này là lần thứ 2, lần trước về tham dự lễ đón bằng di tích đền cụ Ninh Tốn . Qua đó mới thấy cần phải truyền thông rộng rãi để con cháu họ Ninh tìm về với nhau đoàn kết giúp đỡ nhau cùng phát triển , nhân đây tôi cũng đề nghị họ Ninh ở Côi Trì Ninh Bình nên cử người vào ban liên lạc của dòng họ để nắm bắt các thông tin của dòng họ trên cả nước sẽ giúp ích rất nhiều cho dòng họ và cho chính chi họ Ninh tại đây.

Cuối cùng 1 lần nữa tôi xin thay mặt cho ban liên lạc họ Ninh cũng như nhân danh cá nhân xin chúc dòng họ Ninh noi gương cụ Ninh Tốn đoàn kết phấn đấu để ngày càng phát triển, xin chúc các cụ, các ông các bà các cô bác anh chị và các bạn có một sức khỏe dồi dào, có 1 gia đình hạnh phúc an khang thịnh vượng .

   Ban liên lạc dòng họ Ninh

  Trưởng ban

Ninh Văn Hiến

Về cụ Ninh Tốn

Cụ Tổ Ninh Tốn (chữ Hán: 寧遜, 1744-1795), tự Khiêm Như sau đổi là Hi Chí, hiệu Mẫn Hiên, Chuyết Sơn cư sĩ, Song An cư sĩ; là nhà thơ, nhà sử học, và là đại thần thời Lê trung hưng và Tây Sơn trong lịch sử Việt Nam.

Thân Thế Và Sự Nghiệp

Ông là người Côi Trì, nay thuộc xã Yên Mỹ huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Theo bia “Côi Trì bi ký” do Ninh Tốn soạn năm 1769, thì tổ tiên ông trước ở Ninh Xá, huyện Chí Linh (Hải Dương). Tuy nhiên, Bia “Dã Hiên Tiên Sinh Mộ Biểu”, sách Ninh Tướng Công Hành Trạng và Gia phả họ Ninh tại Côi Trì viết tổ tiên ông là Ninh công tự Doãn Chung từ thôn Ninh Xá huyện Vọng Doanh (nay thuộc xã Yên Ninh huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) tới “chiếm xạ”  tại Côi Trì vào khoảng năm Hồng Đức triều Hậu Lê khai khẩn đất rồi định cư luôn ở đó.

Cha Ninh Tốn là Ninh Ngạn (hiệu Dã Hiên, Hy Tăng), một ẩn sĩ, là tác giả của hai tập sách: Vũ Vu thiển thuyết (Lời bàn nông cạn về thú ở ẩn) và Phong vinh tập (Tập thơ văn Vịnh gió). Bác của Ninh Tốn là Ninh Địch, đỗ Hoàng giáp khoa Mậu Tuất (1718) đời Lê Dụ Tông.

Từ nhỏ, Ninh Tốn đã nổi tiếng là thông minh, được cha cho trọ học ở kinh đô Thăng Long. Năm 1762, ông đỗ Hương cống (tức Cử nhân). Sau đó, ông tiếp tục theo học với Tiến sĩ Vũ Huy Đĩnh. Ở đây ông kết thân với hai bạn học là Phạm Nguyễn Du và Vũ Huy Tấn.

Làm quan thời Lê Trịnh (1770-1787)

Năm Canh Dần (1770), lúc 27 tuổi, Ninh Tốn có đến chơi rồi đề thơ ở núi Vân Lỗi (thuộc Thanh Hóa). Một hôm, chúa Trịnh Sâm đi xem xét phong tục, ngự chơi núi ấy, thấy bài thơ trên, liền mến tài thơ mà triệu ông vào giữ chức Thiêm tri binh phiên.

Năm Ất Mùi (1775), ông vâng lệnh vào triều nhận chức Hiệu thảo thự Sơn Nam hiến sứ. Theo Việt sử thông giám cương mục thì năm này, ông cùng với Ngô Thì Sĩ, Phạm Nguyễn Du, Nguyễn Sá lo việc biên soạn Quốc sử.

Năm 1776, ông có tờ khải về các tệ nạn ở vùng ven biển ven sông, cùng nạn các lại dịch lấy cớ vì việc công để thu lúa, thu thủy sản, làm cho dân khổ. Nhờ vậy, nên có lệnh cấm nghiêm.

Năm Đinh Dậu (1777), ông làm Nhập thiêm sai công phiên, nhiều lần được theo xa giá đi công cán. Trong những chuyến đi ấy, ông đã sáng nhiều thơ, sau gom lại thành tập “Tây hộ mạn hứng” (Những cảm hứng tản mạn trên đường hộ giá phía Tây), được Ngô Thì Nhậm, Phạm Nguyễn Du đánh giá cao.

Năm Mậu Tuất (1778), ông đỗ Hội nguyên tiến sĩ năm 35 tuổi, được cử làm Phụng tá quân hải lộ.

Năm 1779, ông được thăng tứ phẩm. Cha ông là Hy Tăng được phong Hàn lâm viện thị độc, mẹ là Lê Thị Liệu được tặng Nghi nhân.

Năm Canh Sửu (1781), lúc ông 38 tuổi, được giữ chức Thiêm sai tri binh phiên, làm ở Viện cơ mật kiêm Quốc sử quốc luật toản tu, Đông các đại học sĩ, Thự Hình bộ hữu thị lang. Nhân lúc mang cáo sắc phong trở về làng, ông đi chơi núi Chuyết Sơn và làm tập Chuyết Sơn thi tự.

Năm 1786, ông làm Hiệp trấn ở Động Hải (thuộc huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình). Khi quân Tây Sơn đoạt thành Phú Xuân (1786), tiến đánh ra các đồn Cát Thanh, Động Hải thì ông bỏ đồn mà chạy . Nhưng sau đó vẫn được giao chức Tham tri chính sự kiêm Bồi tụng cùng với Ngô Trọng Khuê.

Năm 1787, quân Tây Sơn do Võ Văn Nhậm chỉ huy đánh ra Bắc diệt Nguyễn Hữu Chỉnh. Chỉnh tâu với vua Lê Chiêu Thống, cho Nguyễn Như Thái làm Thống lĩnh, Ninh Tốn làm Tham tán quân vụ, đem quân họp với quân của Lê Duật, chống lại. Vốn là người Côi Trì, am hiểu rõ vị trí chiến lược của Tam Điệp nên ông khuyên Nguyễn Như Thái nhanh chóng chiếm giữ để ngăn quân Tây Sơn. Nhưng mới tới Phủ Lý thì quân của Võ Văn Nhậm đã vượt qua Tam Điệp. Lê Duật bị Ngô Văn Sở giết chết ở Cao Lũng, Nguyễn Như Thái bị tên bắn chết sau khi thua trận ở sông Giản (thuộc Ninh Bình), còn Ninh Tốn nhờ trốn vào nhà dân được thoát nạn.
Làm quan thời Tây Sơn (1788-1790)

Năm 1788, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ ra Bắc Hà diệt Vũ Văn Nhậm, rồi cho sắp đặt lại quan chức. Ninh Tốn được phong chức Hàn lâm trực học sĩ, để cùng với Nguyễn Thế Lịch, Nguyễn Bá Lân, Nguyễn Du, Phan Huy Ích giúp Ngô Văn Sở và Ngô Thì Nhậm, cai quản đất Bắc.

Có các nhận định khác nhau về việc Ninh Tốn ra phục vụ Tây Sơn. Các tác giả của sách Thơ văn Ninh Tốn cho rằng đó là sự thức thời, tuy nhiên sách Đại Nam Liệt Truyện viết “Ninh Tốn trước trốn tránh không chịu ra, Huệ bắt em là Hương Công lôi ra chém đi để cho Tốn sợ, sau Ninh Tốn mới ra”.

Theo sử liệu  thì Ninh Tốn làm quan nhà Lê trải đến chức Hữu Thị lang, tước Trường nguyên bá. Khi nhà Lê mất, ông tiếp tục phục vụ nhà Tây Sơn, giữ chức Thượng thư Bộ Binh, tước hầu. Và nhờ năm Canh Tuất (1790), ông có đề tựa tập thơ Hoa trình học bộ tập của thầy học là Vũ Huy Đĩnh và đề tựa cuốn sách y học Thai sản điều lý phương pháp tự của bạn là Hoàng Phong Ôn Phủ (tức Nguyễn Thế Lịch), mà người đời sau biết được vào năm đó (47 tuổi) ông đã xin về nghỉ ở quê.

Theo Từ điển bách khoa toàn thư Việt Nam thì Ninh Tốn mất năm 1790. Tuy nhiên, theo Gia phả họ Ninh, thì ông mất ngày 5 tháng 5 năm Ất Mão (1795).

Tác phẩm

Tác phẩm chính của Ninh Tốn là bộ Chuyết Sơn thi tập (Tập thơ Chuyết Sơn), trong đó bao gồm cả tập Tây hộ mạn hứng. Đây là bộ sách do con cháu ông sưu tập, hiện chỉ còn 275 bài thơ và 7 bài gồm văn sách, phú, tựa, văn bia…Tất cả đều bằng chữ Hán. Phần lớn, chúng được sáng tác dưới thời Lê-Trịnh. Còn những sáng tác dưới thời Tây Sơn, theo nhóm tác giả sách Thơ văn Ninh Tốn, thì chắc mất mát nhiều, vì con cháu không dám lưu giữ.

Hiện ở Thư viện Hán Nôm (Hà Nội) còn giữ được 3 tập của ông, đó là:

Chuyết Sơn thi tập, mang ký hiệu: A.1292.
Chuyêt Sơn thi tập đại toàn, mang ký hiệu: A.1407.
Tiền Lê tiến sĩ Ninh Tốn thi tập, mang ký hiệu: A.350.
Trong ba cuốn trên có nhiều bài trùng lập.

Năm 1984, một nhóm biên soạn (Hoàng Lê chủ biên) thuộc Viện Hán Nôm (Hà Nội) đã tuyển chọn ra 107 bài thơ và 1 bài tựa Hoa trình học bộ tự để in thành tác phẩm Thơ văn Ninh Tốn (Nxb KHXH, Hà Nội, 1984).

Ghi công
Cụ Ninh Tốn được thờ ở Nhà thờ Ninh Tốn, xã Yên Mỹ, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Đây là một di tích lịch sử quốc gia của Việt Nam. Tên của ông cũng được đặt cho những con đường ở trung tâm thành phố Ninh Bình, ở thị xã Tam Điệp tỉnh Ninh Bình, tại Thị trấn Củ Chi thành phố Hồ Chí Minh, tại thành phố Đà Nẵng.

Nguồn tham khảo:
Ngô gia văn phái, Hoàng Lê nhất thống chí (2 tập). Nxb Văn học, 1984.
Phạm Đình Hổ, Vũ trung tùy bút. Nxb Trẻ & Hội nghiên cứu giảng dạy văn học TP. HCM hợp tác ấn hành, 1989.
Nhiều người soạn, Hợp tuyển thơ văn Việt Nam (tập 3). Nxb Văn học, 1978.
Nhiều người soạn (Hoàng Lê chủ biên), Thơ văn Ninh Tốn. Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1984.
Nguyễn Q. Thắng và Nguyễn Bá Thế. Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam. Nxb KHXH, 1992.
Tạ Ngọc Liễn, Danh nhân văn hóa trong lịch sử Việt Nam. Nxb Thanh Niên, 2008.

Tin tức liên quan

Trở lại bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

logo-honinh-trang

Website honinh.com giới thiệu những giá trị lịch sử – văn hóa – xã hội giàu tính nhân văn, góp phần tôn vinh, chia sẻ những giá trị cao đẹp trong cộng đồng  dòng họ Ninh và những người quan tâm, đặc biệt là giới trẻ.

DANH MỤC

 All Right Reserved. Designed and Developed by honinh.com