Trang chủ Danh nhân họ Ninh Thêm một bài viết về Lão La Đại Thần Ninh Hữu Hưng

Thêm một bài viết về Lão La Đại Thần Ninh Hữu Hưng

đăng bởi Ninh Quang Thăng
0 nhận xét

Việc tìm hiểu ân đức và công lao của Lão La Đại Thần Ninh Hữu Hưng gắn với việc tìm hiểu các cổ văn, các địa danh và di tích còn lại đến ngày nay.

Địa giới hành chính theo thời gian, trải qua các Triều đại đã bị thay đổi rất nhiều. Lấy địa danh hiện tại để hiểu chuyện xưa có thể sẽ không thấu đáo.

1.  Tên đơn vị hành chính

Khi đặt tên cho một đơn vị hành chính lớn được thành lập từ nhiều đơn vị nhỏ hơn, người ta có thể lấy tên của một trong những đơn vị nhỏ để đặt tên.

Chẳng hạn:

Huyện Ý Yên thời Tự Đức thuộc phủ Yên Khánh (tỉnh Ninh Bình). Năm Thành Thái thứ 2 (1890) thuộc Nam Định và gồm 7 Tổng: Lạc Chính, Bình Lương, Phú Khê, Tử Mặc, An Cừ, Phùng Xá, Hưng Xá. Huyện Phong Doanh thời Trần gọi là Kim Xuyên, thời Lê đổi là Vọng Doanh. Năm Minh Mệnh 3 (1822) mới đổi làm Phong Doanh gồm 7 tổng: An Lộc, Bồng Xuyên, Mỹ Dương, Cát Đằng, Vũ Xá, Thượng Đồng, Ngô Xá.

Năm Tự Đức 31 (1878) huyện Phong Doanh hợp vào huyện Ý Yên và thuộc Ninh Bình. Năm Đồng Khánh thứ 3 (1888) tách lại thành 2 huyện Phong Doanh, Ý Yên và đều thuộc Nam Định.

Sau này, Phong Doanh và Ý Yên lại hợp nhất thành 1 huyện thì huyện này có tên Ý Yên.

Tổng Cát Đằng gồm các xã La Xuyên, Ninh Xá, Văn Cú, Lũ Phong (Sú), Đằng Chương, Tân Cầu và Cát Đằng. Khi lập tổng Cát Đằng gồm 7 xã, người ta lấy tên xã Cát Đằng làm tên tổng.

2. Tên mới

Ngược lại để dễ quản lý mà những vùng đất phải tách ra thành nhiều đơn vị nhỏ hơn thì một trong những đơn vị đó giữ tên cũ còn các đơn vị còn lại được đặt tên mới.

Chẳng hạn:

Nam Định ngày nay thời nhà Lê thuộc Nam Đạo. Thời Lê Thánh Tông đổi Đạo thành Đạo thừa tuyên thì Nam Định thuộc Đạo thừa tuyên Thiên Trường. Đến năm 1469, Thiên Trường đổi tên thành Đạo thừa tuyên Sơn Nam. Năm Cảnh Hưng thứ 2 (1741), không gọi là Đạo thừa tuyên nữa mà gọi là Lộ, Đạo thừa tuyên Sơn Nam được chia làm hai Lộ là Sơn Nam Thượng và Sơn Nam Hạ và Nam Định thuộc Lộ Sơn Nam Hạ. Thời Tây Sơn đổi Lộ thành Trấn và Lộ Sơn Nam Hạ trở thành Sơn Nam Hạ trấn. Thời nhà Nguyễn, Sơn Nam Hạ trấn có 5 phủ: Thiên Trường, Nghĩa Hưng, Kiến Xương, Thái Bình, Tiên Hưng.

Năm Minh Mệnh thứ 3 (1822), Sơn Nam Hạ trấn đổi thành Trấn Nam Định, quản thêm hạt Hưng Yên. Từ thời điểm này mới xuất hiện tên “Nam Định”. Năm 1832 đổi Trấn làm Tỉnh và từ lúc này mới có tên “Tỉnh Nam Định” nhưng địa giới của nó rất rộng chứ không phải chỉ gồm tỉnh Nam Định ngày nay.

Năm Thành Thái thứ 2 (1890) lấy phủ Kiến Xương và phủ Thái Bình cùng với 2 huyện của phủ Tiên Hưng để đặt thành tỉnh Thái Bình. Lúc đó tỉnh Nam Định chỉ còn 2 phủ Thiên Trường và Nghĩa Hưng. Khi lấy 3 trong 5 phủ của tỉnh Nam Định để thành lập tỉnh mới thì vùng đất gồm 2 phủ còn lại vẫn giữ tên là Nam Định, vùng kia mang tên mới là Thái Bình.

3. Tên vùng đất rộng > vùng đất nhỏ

Cũng có khi một địa danh nào đó lúc đầu là của một vùng rất rộng nhưng sau này chỉ là tên của một vùng đất nhỏ hơn nhiều.

Chẳng hạn: Thiên Trường thời Lê Thánh Tông là tên của một Đạo thừa tuyên mà tỉnh Nam Định chỉ là một phần trong đó, nhưng sau đó Thiên Trường chỉ còn là tên của một Phủ thuộc tỉnh Nam Định.

Theo nhiều cổ văn và truyền thuyết thì Ninh Hữu Hưng được vua Đinh Tiên Hoàng ban chức Công Tượng Lục Phủ Giám sát Đại Tướng Quân – nghĩa là vị Tướng cai quản 6 Phủ về nghề mộc. Ông là người chỉ huy xây dựng Kinh đô Hoa Lư.

Ngày 24 tháng 4 năm Tân Mão (tức ngày 9 tháng 6 năm 991 theo Dương lịch), khi ngự thuyền rồng dọc theo sông Sắt tới khu vực Thiết Lâm – Cái Nành thuộc huyện Vọng Doanh, vua  Lê Đại Hành thấy nơi đây thế đất rất đẹp nên đã lên bờ dừng chân ngoạn thưởng và viếng ngôi miếu cổ thờ 2 vị Lương Bình Vương, An Nhu Vương thời vua Hùng. Thấy cảnh vật còn hoang sơ, nhà vua cho tướng quân Ninh Hữu Hưng ở lại nơi này để truyền ân lớn của triều đình, mở rộng quy mô ngôi thần miếu.

Ninh Hữu Hưng cùng con cháu họ hàng mở đất cấy cày, dựng thành ấp lớn. Ông bỏ tiền chiêu tụ dân các nơi tới, khuyến khích canh nông và phát triển nghề mộc, chạm khắc gỗ.  Ngôi miếu cổ được tu sửa thành đền và được ông rước chân nhang Diêm Đế từ núi Dục Thúy về thờ chung cùng với 2 vị Lương Bình Vương, An Nhu Vương. Do công lao khẩn hoang, lập thành trang ấp mà người đời sau xưng tụng ông là Dinh Điền Quan Lão La Đại Thần.

Vùng đất Thiết Lâm – Cái Nành xưa kia không chỉ gồm làng Ninh Xá Hạ. Cái tên Ninh Xá thời vua Lý Thái Tổ theo sự biến đổi địa giới hành chính hàng ngàn năm cũng có thể không chỉ gồm có Ninh Xá Hạ hay Ninh Xá Thượng ngày nay.

Với tầm mức của một vị đại tướng quân đã chỉ huy xây dựng kinh đô của một nước độc lập thì theo chúng tôi, vùng đất mà ông khai khẩn và truyền nghề không chỉ là một làng mà bao gồm một vùng rộng lớn hơn nhiều. Có lẽ các tên Thiết Lâm – Cái Nành xưa kia nay bao gồm hầu hết các làng thuộc xã Yên Ninh. Nghề mộc, chạm khắc gỗ do cụ truyền lại trở thành nghề truyền thống của dân các làng này trong hơn 1000 năm qua. Ân đức của cụ rộng lớn, lan tỏa trong cả vùng chứ không phải giới hạn trong một làng nào đó. Những người thợ mộc, chạm khắc gỗ ở các làng thuộc xã Yên Ninh ngày nay đều là hậu duệ của những người thợ tài hoa do Lão La Đại Thần Ninh Hữu Hưng truyền dạy hơn 1000 năm trước.

Nghề mộc, chạm khắc gỗ truyền thống của các làng thuộc khu vực Thiết Lâm – Cái Nành xưa kia theo năm tháng lan tỏa đi khắp nơi. Nhiều công trình kiến trúc, điêu khắc gỗ với trình độ mỹ thuật cao ở các địa phương trong cả nước đã in dấu bàn tay của những người thợ nơi đây.

Ngọc Phả La Xuyên ghi “Chí Lê triều phục hưng Nguyên Hòa  Giáp ngọ niên, Lê Đế hạnh từ quan dân nghệ nghiệp, kiến kỳ hương dân phong tục thuần phác, mộc tượng tinh thông tiện đới ngũ nhân hồi kinh khai mộc phường chấn hưng thủ nghệ” – Nghĩa là “Thời nhà Lê trung hưng, niên hiệu Nguyên Hòa năm Giáp Ngọ (1534), vua Lê (Trang Tông) có qua làng xem dân làm nghề. Nhà vua thấy phong tục nơi đây thuần phác, nghề nghiệp tinh thông bèn đem 5 người về kinh đô mở rộng chấn hưng nghề mộc“.

Thợ mộc, chạm khắc gỗ huyện Vọng Doanh (gốc từ các làng Ninh Xá, La Xuyên, Lũ Phong, . . .) cũng là những người dựng Đền thợ mộc ở thành phố Nam Định. Theo sách TÂN BIÊN NAM ĐỊNH TỈNH ĐỊA DƯ CHÍ LƯỢC do Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Canh Thân (1880) Khiếu Năng Tĩnh viết “Đền thợ mộc  ở  phố An Lạc do đám thợ mộc ở huyện Vọng Doanh dựng lên từ thời Minh Mệnh. Đến năm gần đây thì do đám họ Thái ở Tương Dương (tỉnh Nghệ An), họ Vương ở xã Minh Hương (làng của người Hoa) tu sửa lại”.

Người Tàu xem Công Thâu Ban người nước Lỗ (nên còn gọi là Lỗ Ban) làm Tổ nghề mộc. Ở Việt Nam một số người cũng theo thế mà thờ. Nhưng nếu dựa vào các chứng tích lịch sử thì có thể xem người triển khai nghề mộc với quy mô quốc gia khi xây dựng Kinh đô Hoa Lư và là người có công truyền bá nghề mộc và chạm khắc gỗ được lưu danh sớm nhất trong lịch sử Việt Nam là Lão La Đại Thần Ninh Hữu Hưng.

Đỗ Hựu (người xã Đại Nhiễm huyện Ý Yên đỗ Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Mậu Tuất năm Hồng Đức thứ 9 (1478)) có bài “Kiến nhân tự mộc tượng Lỗ Ban công nhân tác nhất luật dĩ chí”:

Phụ mộ vô tri tháp xổ hương
Thổ trùng hựu chí kiến cao đường
Bắc phương Lỗ quốc Công Thâu tử
Nam địa tòng lai vị kiến khuông
Vạn lý khởi năng lưu ngữ giáo
Thiên niên hà vọng thiếp ân dương
Đinh thời, Ninh tướng công do tại
Quảng bá dân gian tức khả tường.

Nghĩa là “Viết một vần nhân thấy người thờ ông Lỗ Ban”:

Mồ cha chẳng thấy thắp nén hương 
Bảo nhau ngóng vọng tới cao đường
Công Thâu, nước Lỗ người  phương Bắc
Nào thấy giúp chi đất Nam phương
Đường xa sao lưu lời răn dạy,
Ngàn năm có để lộc cõi dương.
Ninh tướng thời Đinh, công rất lớn
Quảng bá dân gian để tỏ tường.

Tạ Đình Huy (1474-1542) người xã Hồng Khê huyện Duy Tân (nay thuộc xã Yên Nam huyện Duy Tiên tỉnh Hà Nam), đỗ Tam giáp đồng Tiến sĩ khoa Tân mùi năm Hồng Thuận thứ 3 có bài thơ:

Lão La sinh ở đất Chi Phong
Gia truyền thợ mộc giỏi vô song
Dựng đô lập nước dâng nhiều mẹo
Khẩn đất thương dân cũng lắm công
Thầy dậy dân làng chăm thủ nghệ
Ông khuyên con cháu nếp thuần phong
Đừng như Phạm, Đỗ đời chê trách
Diêm Đế hiền thần chớ bảo không.

Đinh Như Lan người xã An Cừ đỗ hương cống khoa Bính Tí (1756) làm quan Công bộ Tả thị lang, tước An Châu Bá có bài “Ninh Xá Tổ Từ”:

Lê triều mộc tượng xảo kham khoa
Tòng Đế lai cư nhất độ hà
Cổ thị Thiết Lâm thiên tứ tĩnh
Kim nhi Ninh Xá địa liên gia
Nghiệp sư bách thế do tồn tích
Điền thổ thiên thu thạch vị ma
Hương hỏa tư công ưng bất cải
Huân nhi minh kính diệu phi ngoa

Nghĩa là: “Nơi thờ Tổ ở Ninh Xá”

Triều Lê thợ khéo đáng khen
Theo Vua qua bến sang bên đất này
Thiết Lâm xưa vắng đêm ngày
Trở thành Ninh Xá đến nay liền nhà
Tổ nghề chữ phả chưa nhòa
Khẩn hoang đá khắc nêu ra vẫn còn
Khói nhang thờ phụng giữ gìn
Dạy đàn con cháu việc làm nào hơn

Vào ngày 6 tháng 4 năm Kỷ Mùi (1019) niên hiệu Thuận Thiên triều vua Lý Thái Tổ, ông mất, thọ 81 tuổi. Họ hàng, con cháu và dân làng đưa ông về an táng ở dưới chân núi Xương Bồ. Vua Lý Thái Tổ cho rước thần vị ông phối thờ trong ngôi đền được ông tu sửa lúc sinh thời.

Nguyên trước kia đền cũ (còn gọi là “Đền nhà vua”) ở gần cầu Tào hiện nay và chung cho nhiều làng. Năm Vĩnh Thịnh thứ 8 (1712), Tào Nguyên Hầu Nguyễn Tất Khang cho dời đền để tránh lụt lội. Các làng sau đó dựng đền nhưng đều thờ Lão La Đại Thần là Thành Hoàng nên các ngôi đền này cũng là đình làng và đó đều là các công trình kiến trúc, lịch sử, văn hóa được xem là tiếp nối của “Đền nhà vua” xưa kia.

Đình La Xuyên lưu được nhiều đạo sắc phong và bản Ngọc Phả do Tiến sỹ Nguyễn Hoàn viết năm 1749 được lưu trong Bộ Lễ của triều Lê. Tại đình La Xuyên có một tấm bia nhỏ ghi  “La Thần linh tích” và một dòng chữ nhỏ “Lê triều Thái Hòa nguyên niên (1443)  hiển tích, Nguyễn triều Khải Định Giáp Tí  (1924) tu tạo”.

Đình Ninh Xá hiện cũng lưu giữ được nhiều đạo sắc phong và nhiều đồ thờ có giá trị như: cửa võng, nhang án, kiệu long đình, kiệu bát cống, ngai thờ, đại tự, câu đối… Đặc biệt sập thờ tổ nghề làm kiểu chân quỳ, dạ cá với vân toả lá hoả vươn cao cùng các băng hoa chanh, sen dẹo mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII. Ngọc phả của đình được Tri huyện huyện Đại An là Lê Huy Phan tước An Giang Bá viết lại vào năm Tự Đức thứ 22 (1869) do Ngọc phả cũ đã mất.

Các làng La Xuyên, Ninh Xá đều có các tục lệ gắn với công tích của Lão La Đại Thần như kéo lửa nấu cơm, trình diễn các sản phẩm gỗ do những người thợ trong làng chế tác, rước nước từ sông Sắt, rước lửa đêm Giao thừa, . . . Theo sách TÂN BIÊN NAM ĐỊNH TỈNH ĐỊA DƯ CHÍ LƯỢC  thì “làng Lũ Phong có tục 15 tháng 3 mở hội tế thần tạ ơn, đinh tráng mặc áo nhiều màu cầm gậy hoa dương cao các chữ “Vạn thọ vô cương, thiên thu hương hoả, lão thiếu quân an, điền hoà phong nẫm”, ba năm một lần rước về Ninh Xá“.

Thay cho lời kết, xin cùng nhau ngẫm lại một lần nữa câu thơ của Đỗ Hựu – Tiến sĩ khoa Mậu Tuất năm Hồng Đức thứ 9 viết cách đây hơn 500 năm:

Đinh thời, Ninh tướng công do tại
Quảng bá dân gian tức khả tường.

Sài Gòn ngày 2/12/2013

Ninh Quang Thăng

Tin tức liên quan

Trở lại bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

logo-honinh-trang

Website honinh.com giới thiệu những giá trị lịch sử – văn hóa – xã hội giàu tính nhân văn, góp phần tôn vinh, chia sẻ những giá trị cao đẹp trong cộng đồng  dòng họ Ninh và những người quan tâm, đặc biệt là giới trẻ.

DANH MỤC

 All Right Reserved. Designed and Developed by honinh.com