Trang chủ Chi pháiCôi Trì - Trung Đồng Ninh Ngạn (1715 – 1781)

Ninh Ngạn (1715 – 1781)

đăng bởi Ninh Quang Thăng
0 nhận xét

Cụ tổ Ninh Ngạn (1715 – 1781) là người có công khai hoang lập ấp ở xã Côi Trì, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Cụ đi thi Hội không đỗ, bèn đem sở học viết thành bộ sách Vũ Vu thiển thuyết, chú tâm dạy học, đem điều nghĩa cổ vũ Văn hội, đặt lệ nuôi các bậc kỳ lão, đề xuất việc khẩn hoang, vạch ra cương giới ruộng đồng, mở chợ xây cầu gây dựng phúc ấm cho hương thôn.
Cụ là em của Ninh Địch và là cha của Ninh Tốn.

Giới thiệu

Bia Vũ Vu thiển thuyết khắc hẳn cả một cuốn sách của Ninh Ngạn, mà người chép sách vào đá rồi thuê thợ khắc là Ninh Tốn, con trai của Ninh Ngạn. Ninh Ngạn (1715 – 1781) là người có công khai hoang lập ấp ở xã Côi Trì, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Ông đi thi Hội không đỗ, bèn đem sở học viết thành bộ sách Vũ Vu thiển thuyết, chú tâm dạy học, đem điều nghĩa cổ vũ Văn hội, đặt lệ nuôi các bậc kỳ lão, đề xuất việc khẩn hoang, vạch ra cương giới ruộng đồng, mở chợ xây cầu gây dựng phúc ấm cho hương thôn. Ninh Ngạn là một tấm gương về hiếu đễ. Khi anh trai mất, ông đứng ra nuôi dạy các em nên người, thờ cha mẹ một lòng hiếu kính. Vợ mất sớm, ông nuôi dạy con chu toàn.

Tác phẩm Vũ Vu thiển thuyết của Ninh Ngạn được con trai là Ninh Tốn dựng vào năm Cảnh Hưng thứ 42 (1781), tức là ngay sau khi cha mất, hiện đặt tại nhà thờ họ Ninh ở xã Yên Mỹ, huyện Tam Điệp tỉnh Ninh Bình. Văn bia gồm 2 phần. Phần 1 là lời dẫn ghi lại sự nghiệp của Ninh Ngạn và tác phẩm của ông.

Bài văn có đoạn: “Tốn tôi vâng lời di huấn của cha, thẹn nỗi chưa làm theo được hết, bèn tự tay chép sách của Người vào đá rồi thuê thợ khắc để chỉ bảo cho đám con cháu muốn dốc lòng cầu đạo”…

Phần 2 khắc toàn văn bộ sách gồm 2 quyển thượng, hạ, gồm 45 chương sách. Trong đó có các chương 1 và 2 bàn về chữ hiếu, cách đánh giá về hiếu và bất hiếu; chương 3 bàn về quan hệ giữa nuôi và dạy con cái trong gia đình; chương 6 và 7 bàn về quan hệ vợ chồng; chương 8 và 9 bàn về Nhân và Tín; chương 10 bàn về đạo làm người; chương 12 bàn về ba loại “tâm bệnh” là giầu, sang và thọ; chương 13 bàn về việc phải coi điều thiện làm thầy, thấy ai có điều thiện, dù là kẻ dưới đều nên coi là thầy mà học; chương 29 và 30 bàn về việc làm điều tốt không cốt ở tiếng khen, đánh giá người phải xét ở lời nói và việc làm; chương 31 và 32 bàn về việc lập đức, lập thân và lập danh; chương 33 và 34 chuyên bàn về những điều cần tránh như rượu chè, cờ bạc, sắc dục, lười biếng, nói năng khinh xuất; chương 39 và 40 bàn về sống – chết, vinh – nhục ở đời…

Những thăng trầm của lịch sử đã trôi theo tháng năm. Đã sang thế kỷ 21, một thiên niên kỷ mới với bao thay đổi về quan niệm sống và hành xử, tác động không nhỏ tới mỗi gia đình và dòng họ, song những lời vàng trên đá mà người xưa trao lại vẫn rạng ngời đạo lý Việt Nam. Cùng với 51 quyển sách gia huấn hiện đang tàng trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm và rất nhiều bản gia huấn đang được các gia đình, gia tộc gìn giữ sẽ góp phần vào việc tìm hiểu nhiều mặt về giáo dục trong gia đình truyền thống ở Việt Nam thời trước.

Ngày nay, tiếp thu chắt lọc những nét đẹp nhân văn của những đạo lý mà tổ tiên đã dạy, xây nền đạo đức mới trên nền nhân đức của cha ông mãi mãi là một việc đáng suy ngẫm và cần thiết của gia đình và xã hội Việt Nam hôm nay và mãi về sau.

Một số tác phẩm

Khu đồi Vải rộng khoảng 30 ha, nằm trên một cao nguyên đất đai màu mỡ giữa vùng núi non trùng điệp cách thị xã Tam Điệp 7 km về phía đông nam.

Nhân dân trong vùng đã phát hiện nhiều phiến đá có khắc chữ, nhô lên mặt đất khu đồi này. Có tấm chỉ khắc hai chữ như “Ngọc tỉnh”, “Long tỉnh. . . ” . Đáng chú ý là tấm bia ghi hai bài thơ của Ninh Ngạn (Hiệu Dã Hiên) – Hy Tăng cư sỹ do con trai của ông là Đông các Đại học sỹ Ninh Tốn khắc năm Tân Sửu (1781).
Nhờ bài thơ mà chúng ta được biết đồi Vải xưa có tên là bãi Vũ Vu (Vũ Vu nguyên), nơi Hy Tăng cư sỹ ở ẩn và viết hai tác phẩm là Phong vịnh tậpVũ Vu thiên thuyết. Phía bên phải hồ mùa thu gần đó, có vùng đất gọi là “Trại cụ Thượng”, nơi tiến sỹ Ninh Tốn ở ẩn, giữ lòng “cố trung” với nhà Lê.

Dưới đây là phần phiên âm và dịch lời hai bài thơ đó.

Phiên âm:

Viện xứ cổ hiệu Vũ Vu nguyên. Cảnh Hưng trung, Cối Trì, Cán thôn Thị độc Hy Tăng tiên sinh ẩn cư nguyên thượng xướng minh lý học, dĩ đại hiền tự kỳ sở trước thư, hữu Vũ Vu thiển thuyết, cập Phong vịnh tập. Tân Sửu mộ xuân, kế thế đích nam Đông các đại học sĩ Ninh Tốn nhân tức sở cư lập miếu. Nhi bức khắc kỳ nhị thi vu thạch.

Kỳ nhất

Ngã ái Vũ Vu thú.
Xuất du thừa kiên xa.
Quần sơn tu cực hảo,
Vạn thụ hiến tân hoa.
Tâm hạ sinh phật ấn,
Nhãn trung kiến Thái Hoà.
Vũ tễ tuyền do sắt.
Phong cao thử bất ba;
Toạ đối thạch sơn ngữ,
Ngoạ thính sơn điểu ca.
Thần di tâm diệc khoáng,
Phú quý như ngã hà?

Vũ Vu Nguyên

Tạm dịch:

Chốn này xưa là bãi Vũ Vu. Trong năm Cảnh Hưng, Thị độc Hy Tăng tiên sinh, người thôn Cán, xã Côi Trì, ẩn ở trên bãi, nghiên cứu rõ môn lý học, noi theo bậc hiền triết, từ chốn này viết sách Vũ Vu thiển thuyếtPhong Vịnh tập. Cuối mùa xuân năm Tân Sửu (1781), con trai nối dõi là Đông Các đại học sỹ Ninh Tốn, nhân chỗ ở cũ, dựng nhà thờ và khắc ngay vào đá hai bài thơ của Người.

Bài một

Ta yêu cảnh Vũ Vu,
Trên cáng đi ngao du.
Cây biếc rừng hoa mới,
Núi khoe mầu đẹp xưa.
Dấu Phật trong lòng?
Thái hoà trược mặt phô.
Gió cao đồng lặng sóng,
Mưa tạnh uốn gieo đàn.
Ngồi ngắm đá núi nói,
Nằm nghe chim rừng ca.
Thảnh thơi lòng rộng mở,
Giàu sang hơn gì ta.
Bùi Vũ Vu.

Phiên âm:

Kì nhị

Vũ Vu hà hữu?
Hữu tuyền hữu sơn.
Tuyền viết Long Tỉnh.
Sơn viết Kê Quan.
Hữu viết Lả Mát,
Hữu viết Thiên Quan.
Viết tư, viết Cầu
Thổ sơn hồi hoàn.
U kỳ thắng trí.
Khả thích du quan.
Hy tăng cư sĩ,
Vu thử bàn hoàn,
Đắc tâm ưng mục
Đàn bất lương nan.
Diện đối tiên phong hề, vô thướng ngôn chi lạc.
Tràng trung khúc thuỷ hề, hữu nhất thổ chi hoan
Kinh cứu vị khử hề tiễn kinh cức;
Chi lan chính mậu hề chủng chi lan.
Hứng lai sách cú,
Thời chí vấn san,
Trần hiếu bất năng mỗi,
Danh lợi bất tương can.

Vũ Vu cư sĩ Ninh Hy Tăng lãng ngâm vịnh

Tạm dịch:

Bài hai

Vũ Vu có gì?
Có suối có non.

Suối tên Long Tỉnh,

Non tên Kê Quan
Có khe Lả Mát,
Có đền Thiên Quan,
Hòn Cầu, hòn Cốc
Đồi đất quây quần.
Vẻ thanh dáng đẹp
Tha hồ du quan.
Hy tăng cư sĩ,
Vấn vương bàn hoàn,
Thoả lòng ưng mắt,
Nối bao cung đàn.
Trước mắt ngắm non tiên mộng dân lời tắt hẳn,
Trong lòng nghe suối cuộn, riêng một cõi vui tràn,
Gai góc chưa sạch chừ, chặt phăng gai góc;
Chi lan đang tốt chừ, trồng thêm chi lan.
Hứng lên ngâm vịnh,
Đến bữa tìm ăn.
Bụi bặm xa chẳng vướng,
Danh lợi mặc không bàn.

Vũ Vu cư sĩ Ninh Hy Tăng ngâm vịnh.

Tin tức liên quan

Trở lại bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

logo-honinh-trang

Website honinh.com giới thiệu những giá trị lịch sử – văn hóa – xã hội giàu tính nhân văn, góp phần tôn vinh, chia sẻ những giá trị cao đẹp trong cộng đồng  dòng họ Ninh và những người quan tâm, đặc biệt là giới trẻ.

DANH MỤC

 All Right Reserved. Designed and Developed by honinh.com