Trang chủ Danh nhân họ Ninh Ngọc Phả đình làng La Xuyên

Ngọc Phả đình làng La Xuyên

đăng bởi Ninh Quang Thăng
0 nhận xét

Ngọc Phả cổ lục

Thiên tử Diêm La đại vương
và Công thần triều Đinh, Tiền Lê chức Công tượng lục phủ giám sát đại tướng quân
Càn chi đệ nhị bộ thượng đẳng thần
Chấn chi đệ nhất bộ trung đẳng thần
Bản chính của Bộ Lễ Quốc triều

Thiên tử ở cõi Diêm La đầu rồng trán hổ, có mắt của vua Thuấn, lông mày của vua Nghiêu, sáng suốt ngay thẳng, cai quản 10 Điện, quyết tội hình ngục,  là vị thiện quan, khuyên thiện răn ác, giúp đỡ cho Thủy phủ, khác hẳn người thường, công đức bao trùm bốn biển, ân uy trải khắp mười phương.

Xưa kia vua Lê Đại Hành đóng đô ở Hoa Lư, mở nền chính thống nối tiếp cơ đồ lớn lao của Đinh Tiên Hoàng đế, thừa hưởng sự nghiệp của tiền nhân tạo lập.  Vào thời đó, quân Tống từ phương Bắc bộ binh do Hầu Nhân Bảo chỉ huy từ Ung Châu theo đường Lạng Sơn,  thủy binh do Lưu Trừng chỉ huy theo hướng sông Bạch Đằng cùng tiến vào xâm chiếm nước ta. Vua Lê Đại Hành ngự giá thân chinh xuất quân chống giặc.

Lúc thuyền nhà vua đến núi Dục Thúy thì gặp gió xoáy nổi lên, trời đất tối tăm mù mịt, sóng to nguy cấp không sao tiến lên được. Bỗng nhiên vua thấy 3 con rồng từ trên sông bay vào trong hang núi, tức thì trời quang mây tạnh, mặt nước phẳng lặng như cũ. Vua truyền hỏi thổ dân.

Có người tới tâu rằng:” ở hang núi này từ thời xa xưa đã thờ tam phủ rất là linh ứng”. Vua vào cầu đảo, lát sau có một con ngựa trắng từ trong hang núi chạy ra, chạy trên mặt nước như trên bờ vậy. Thuyền vua cứ theo ngựa trắng mà đi, khi đến khu vực Thiết Lâm thuộc huyện Vọng Doanh thì không thấy ngựa trắng đâu nữa.

Cuối mùa xuân năm Tân Tỵ (981), quân Tống đại bại. Trên đường quay lại kinh đô, vua Lê Đại Hành cho địa phương tu sửa lại miếu thiêng và ban cho 2 mẫu ruộng ở phía tây nam núi để tuyên dương rộng rãi sự linh ứng của thần.

Lại nói nước ta thuở xưa, tại vùng đất xã Chi Phong huyện Gia Viễn bây giờ, vốn là một vùng cây to rậm rạp, dân cư thưa thớt, trừ một số nơi núi cao ra còn lại toàn một vùng 4 mùa nước ngập trắng xóa. Tới thời vua Đinh mở nước, nơi này mới trở nên vùng thị tứ dân cư đông đúc, thuyền bè qua lại tấp nập.

Lúc đó, tại xã Chi Phong có một người họ Ninh, tên là Hữu Hưng giỏi về nghề mộc do nối tiếp được nghề gia truyền của cha ông và học được bí thuật nơi địa phủ. Ông đã giúp vua Lê xây cất cung điện tại Hoa Lư, được vua ban cho chức Công tượng lục phủ giám sát đại tướng quân, công cao lộc lớn. Ông lại có võ lược hơn người nên được vua tin dùng, thường làm nhiệm vụ Thân vệ tướng quân bảo vệ nhà vua.

Nước ta thuở đó thanh bình, vua nghĩ đến việc khuyến khích nghề nông. Ngài thường đi các nơi tuyên truyền mở mang ruộng đất. Ông Ninh thường xuyên được đi theo vua. Một ngày kia, tới khu Thiết Lâm thuộc huyện Vọng Doanh, nhà vua thấy nơi đây thế đất rất đẹp, dẫu chỉ có lác đác dăm ba căn nhà bên sông, vài nơi thờ tự rêu phong che phủ nhưng cũng đủ để dừng chân ngoạn thưởng.

Vua bèn lên bờ đến chiêm ngưỡng đền thờ 2 vị Vương thời vua Hùng. Sau đó, nhà vua cho ông Ninh ở lại nơi này để truyền ân lớn của Hoàng gia, mở rộng quy mô ngôi thần miếu. Từ đó ông định cư tại nơi này, dần đem con cháu họ hàng đến đây mở đất cấy cày, dựng thành ấp lớn.

Vùng đất 2 bên bờ sông thì ông bỏ tiền chiêu dân tụ hội, khuyến khích canh nông và phát triển thủ công, hỗ trợ nhau chế tác các đồ dùng cần thiết. Ông nghĩ xưa kia nhờ ơn huệ của Diêm Vương nên sai người mở rộng nơi thờ, rước chân nhang Diêm Đế từ núi Dục Thúy về thờ chung cùng với 2 Vương. Vì vậy mà đền thờ này có tên là La Tiền Điện. Hai bên bờ sông đặt là trại La Ngạn. Dân các nơi nhờ ơn ông nuôi dưỡng đều lấy họ Ninh ở đầu, vì thế khu này còn có tên là Ninh Gia Ấp.

Vào triều vua Lý Thái Tổ niên hiệu Thuận Thiên  năm Kỷ Mùi (1019) ngày 6 tháng 4,  ông về thần do già yếu,  thọ 81 tuổi. Con cháu ông và mọi người đã đưa ông về an táng ở dưới chân núi Xương Bồ. Nơi ông mới tới ở tục gọi là cồn Lão La. Địa phương cũng dựng miếu thờ và cung kính rước thần vị ông phối thờ trong đền Diêm Đế để 4 mùa nhang khói tỏ lòng tưởng nhớ lâu dài.

Thời Lê trung hưng, niên hiệu Nguyên Hòa năm Giáp Ngọ (1534), vua Lê (Trang Tông) có qua làng xem dân làm nghề. Nhà vua thấy phong tục nơi đây thuần phác, nghề nghiệp tinh thông bèn đem 5 người về kinh đô mở rộng chấn hưng nghề mộc. Nhà vua còn cho 5 mẫu ruộng cung đốn cho việc nhang khói, miễn sưu thuế tạp dịch cho địa phương để chuyên việc thờ phụng. Qua các đời đế vương, đều được gia phong mỹ tự tán dương công đức cùng với trời đất mãi mãi không cùng.

Ngày tốt đầu tháng 2, niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 10 (1749)

Tiến sỹ triều Lê là Lan Khê Nguyễn Hoàn kính cẩn ghi việc.

Người dịch: Ninh Quang Thăng

Tin tức liên quan

Trở lại bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

logo-honinh-trang

Website honinh.com giới thiệu những giá trị lịch sử – văn hóa – xã hội giàu tính nhân văn, góp phần tôn vinh, chia sẻ những giá trị cao đẹp trong cộng đồng  dòng họ Ninh và những người quan tâm, đặc biệt là giới trẻ.

DANH MỤC

 All Right Reserved. Designed and Developed by honinh.com