Trang chủ Danh nhân họ Ninh Lão La Đại Thần Ninh Hữu Hưng

Lão La Đại Thần Ninh Hữu Hưng

đăng bởi Ninh Quang Thăng
0 nhận xét

Lão La Đại Thần tên thật là Ninh Hữu Hưng. Cụ sinh năm 939, mất năm 1019. Cụ làm quan phụ trách hậu cần và xây cất cho các triều Đinh, Tiền Lê. Cụ là tổ của các làng nghề Ninh Xá Hạ, La Xuyên và các làng lân cận thuộc xã Yên Ninh, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.

Cụ là tướng đặc biệt – tướng xây dựng, tướng hậu cần của vua Đinh, vua Lê. Cụ đã giúp triều đình dẹp loạn 12 sứ quân, đánh đuổi giặc Tống xâm lược, xây dựng cố đô Hoa Lư. Ứng dụng quy luật mộc sinh hoả – cụ đã phổ biến cách dùi cây lấy lửa cho binh lính trong hành quân, tiến quân hay phòng ngự, vẫn tự làm ra lửa để nấu nướng, làm lửa hiệu, đánh giặc. Về già cụ Ninh Hữu Hưng còn giúp dân các làng La xuyên, Ninh Xá Hạ học nghề chạm khắc gỗ, khảm trai.

 

Thôn Chi Phong và Lão La Đại thần Ninh Hữu Hưng

 

Chi Phong là một trong 7 làng cổ thuộc tổng Trường Yên xưa (Yên Trung, Yên Thượng, Yên Thành, Yên Hạ, Yên Trạch, Chi Phong, Lạc Hối) đồng thời là một trong 16 thôn của xã này (thôn Đông, thôn Đoài, thôn Nam, thôn Bắc, thôn Trung, thôn Tam Kỳ, thôn Trường An, thôn Chi Phong, thôn Tự An, thôn Trường Sơn, thôn Trường Thịnh, thôn Trường Xuân, thôn Tân Kim, thôn Vàng Ngọc, thôn Yên Trạch, thôn Đông Thành). Chi Phong vừa là thôn, vừa là làng do thuộc vòng thành phía tây vùng bảo vệ đặc biệt của cố đô Hoa Lư và dân cư thưa thớt hơn các làng cổ Yên Thành, Yên Thượng – vốn là nơi đặt cung điện năm xưa.

Do nằm trong vùng bảo tồn đặc biệt của cố đô nên Chi Phong còn giữ được nhiều đặc điểm của một làng cổ với những truyền thống văn hóa đặc sắc.

Ninh Hữu Hưng (939 – 1019) là ông tổ nghề mộc và nghề chạm khắc gỗ, khảm trai – một trong những lĩnh vực tiền đề quan trọng cấu thành nghề xây dựng sau này. Thần sắc từ thời Trần Thái Tông còn lưu tại đây ghi nhận điều này. Khi Đinh Tiên Hoàng dẹp được loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước và lập ra nhà nước Đại Cồ Việt  đã cho tuyển nhiều nhân tài về giúp triều đình, trong đó có Ninh Hữu Hưng. Ông được nhà vua giao cho việc xây dựng cung điện trong kinh đô và nhiều công trình khác như Hoa Lư tứ trấn và các đình chùa ở Trường Yên. Ninh Hữu Hưng được phong chức Công tượng lục phủ Giám sát đại tướng quân.Vì thế mà nhiều người xem Ninh Hữu Hưng như là ông tổ ngành xây dựng ở Việt Nam.

Thôn Ninh Xá và Lão La Đại Thần Ninh Hữu Hưng

Thôn Ninh Xá Hạ xưa gọi là Thiết Lâm (rừng Lim) ngay cạnh thôn La Xuyên.

Trước thời Cụ Ninh Hữu Hưng, đền thờ 2 vị Lương Bình Vương và An Nhu Vương (đều là tướng và con của vua Hùng). Sau khi Cụ Ninh Hữu Hưng mất, cụ được Triều đình vua Lý Thái Tổ cho phối thờ trong Đền. Cũng do  truyền thuyết Cụ  học được nhiều  bí quyết nghề mộc từ cõi Diêm La nên Đền thờ  cả Diêm La Vương. Như vậy, từ đó đến nay Đền thờ các vị:

1.       Thiên tử Diêm La Vương

2.       Lương Bình Vương (tướng và con vua Hùng)

3.       An Nhu Vương (tướng và con vua Hùng)

4.       Lão La Đại Thần

Nguyên trước kia đền cũ (còn gọi là “đền nhà vua”) ở gần cầu Tào hiện nay.

Năm Vĩnh Thịnh thứ 8 (1712), Tào Nguyên Hầu Nguyễn Tất Khang cho dời đền lên vị trí hiện nay để tránh lụt lội.

Bên phải đền còn có Phủ Mẫu thờ Đại Lan Công chúa – người đã giúp Hai Bà Trưng chống nhà Hán.

Thần Phả  trong đền được viết lại vào năm Tự Đức thứ 22 (1869) do Tri huyện huyện Đại An, An Giang Bá Lê Huy Phan viết vì Thần phả cũ đã mất khi binh mã nhà Thanh tàn phá.

Theo truyền thuyết ghi trong Thần Phả:

Ninh Hữu Hưng sinh năm 939, quê tại thôn Chi Phong, tổng Trường Yên, huyện Gia Viễn.

Đinh Tiên Hoàng Đế dẹp được loạn 12 Sứ quân, thống nhất thiên hạ, lập nước Đại Cồ Việt, định đô tại Hoa Lư. Ông được giao phụ trách 6 phủ để xây dựng các cung điện tại Kinh đô Hoa Lư và vì vậy được phong chức Công tượng lục phủ giám sát đại tướng quân.

Sau khi đánh thắng quân Tống, Lê Đại Hành giao cho ông phụ trách xây các điện Bách Bảo Thiên Tuế, Phong Lưu Tử Hoa, . . . (Giáp Thân năm thứ 5 triều vua Lê Đại Hành).

Do có vũ dũng, ông được đi theo xa giá vua Lê Đại Hành. Ngày 24 tháng 4 năm Tân Mão (991), khi đỗ thuyền ở Thiết Lâm, vua Lê Đại Hành lên bờ ghé thăm đền thờ Lương Bình Vương và An Nhu Vương. Nhà vua thấy đền xiêu vẹo, hoang vắng bèn sai Ninh Hữu Hưng ở lại dốc sức tu sửa đền này và ngôi chùa gần đó sau được đặt tên là Phúc Lê Tự.

Từ đó, ông ở lại đất Thiết Lâm, lập ra trang ấp và dạy nghề mộc cho dân chúng. Công đức của ông rất sâu rộng.

Ông mất ngày 6 tháng 4 niên hiệu Thuận Thiên (năm Kỷ Mùi 1019) triều vua Lý Thái Tổ. Con cháu và dân trong vùng đem linh cữu ông xuống thuyền trở về Chi Phong, chôn ở chân núi Xương Bồ (phía đông nam thôn Chi Phong ngày nay) và tâu việc lên triều đình. Vua Lý Thái Tổ ban cho ông tôn hiệu là Lão La Đại Thần Tiên Sư và cho con cháu ông và dân chúng trong vùng được mang thần vị ông vào phối thờ dưới Lương Bình Vương và An Nhu Vương ngụ ý xem đều là công thần nhà nước. Đất Thiết Lâm cũng được đổi thành Ninh Xá với nghĩa là làng của người họ Ninh.

Đền làng Ninh Xá hiện còn lưu giữ 28 đạo sắc phong, trong đó:

–          11 đạo thời Lê, sớm nhất là vào niên hiệu Vĩnh Thọ (1660)

–          2 đạo thời Tây Sơn

–          13 đạo thời nhà Nguyễn

Trong số 28 đạo sắc phong còn lưu giữ thì chỉ còn giữ được 1 đạo sắc phong  cho Lão La Đại Thần được ban ngày 25 tháng 7 niên hiệu Khải Định thứ 9 (1924) nguyên văn là:

“ Sắc Nam Định tỉnh, Phong Doanh huyện, Ninh Xá xã phụng sự Lão La Đại Thần tôn thần, hộ quốc tí dân nẫm trứ linh ứng.

Tứ kim chính trị trẫm tứ tuần đại khánh, tiết kính ban bảo chiếu đàm ân lễ long đăng trật. Trứ phong vi dực bảo trung hưng linh phù tôn thần chuẩn kỳ phụng sự.

Phùng kỳ tướng hựu, bảo ngã lê dân.

Khâm tai!

Khải Định cửu niên, thất nguyệt, nhị thập ngũ nhật”

Dịch nghĩa:

Sắc cho xã Ninh Xá, huyện Phong Doanh, tỉnh Nam Định phụng thờ Lão La Đại Thần Tôn Thần, giúp nước giúp dân, thiêng liêng rõ rệt.

Nhân nay trẫm tứ tuần đại khánh từng ban chiếu để rõ ơn trên, long trọng việc lễ đăng trật. Vậy phong cho là vị tôn thần thiêng liêng phò giúp cho nền trung hưng của quốc gia, cho phép phụng thờ (như cũ).

Mong thần che chở cho dân ta

Kính vậy thay!

Ngày 25 tháng 7, niên hiệu Khải Định năm thứ 9.

Nội dung chung chung nhu trên cho thấy sắc phong này được vua Khải Định ban theo lệ khi có đại lễ khánh tiết, không phải là đạo sắc do xét công trạng mà  phong cấp lúc đầu. Điều này có nghĩa là trước đạo sắc này phải còn có những đạo sắc khác nữa mà nay không tìm thấy.

Trong đền còn có nhiều câu đối:

Quy viên cử phương, trí xảo do ư chưởng thượng

Chuẩn bình thẳng trực, hóa tài xuất tự trung hưng

Nghĩa là:

Khuôn mẫu vuông tròn, khéo léo từ tay đục chạm

Mực thước ngay thẳng, diệu kỳ do có suy lường

 

Sáng nghiệp tán huyền cơ, lẫm lẫm linh thanh hà nhạc tai

Hữu công lưu tự điển, hoàng hoàng chiếu sáng ngọc kim minh

Nghĩa là:

Dựng nghiệp giúp mưu hay, nổi tiếng thiêng liêng cùng sông núi

Công ghi sử sách, lưu danh chiếu sáng vẻ vàng son

Vọng thiện nhiêu ích trường viên quả

Thánh đế long sừng thiện niệm căn

Nghĩa là:

Chùa vọng thêm cho quả tu tròn trặn

Thánh vua cốt sao sự nghĩ tốt lành

Thụy khí nhân uân, mặc hộ Ninh hương nhân phồn vật phụ

Tường vân ái đại, âm phù Đại Việt quốc thái dân an

Nghĩa là:

Điềm hay phảng phất, lặng giúp làng Ninh người phồn vật thịnh

Mây lành quanh quất, âm phù  Đại Việt quốc thái dân an

Hoàng Long quy động chương thần tích

Bạch mã đằng giang dực thánh công

Nghĩa là:

Rồng vàng về động, rõ dấu Thần

Ngựa trắng sang sông giúp nghiệp Thánh

Mộc tượng giáo dân nguyên hữu ý

Kiến đô lập quốc sử lưu công

Nghĩa là:

Dạy dân nghề mộc vốn có ý

Dựng đô, mở nước sử ghi công

Văn tế Lão La Đại Thần Tiên sư tại đền Ninh Xá nguyên văn như sau:

Khâm duy:

Tiên sư sơn nhạc trừ tinh, hải hà chung tú

Đắc tổ phụ truyền lai chi nghiệp, trì gia mộc tượng vi lương

Văn kinh thư sở huấn chi ngôn, xử thế hòa nhu chí quý

Hạnh nhi: Tiên Hoàng Hoa động xuất thân, lư kỳ khởi nghĩa

Thập nhị sứ thảo đầu sương tán

Vạn lý cương thống nhất dư đồ

Đắc thượng mệnh thi vi thủ nghệ, cấu tác cung tường

Kế Lê hoàng trọng vọng lương tài, anh uy viễn chấn

Hữu thời tòng giá đáo Thiết Lâm tu từ sở

Tự thử cư giang ban cần kiệm tác sinh nhai

Kí nhi dữ trợ lương tiền xu chi khẩn thổ

Hựu hữu lư kỳ sinh kế, giáo dĩ mộc công

Chấp tứ sơ lục, niên niên vĩnh niêm chung thường

Sơ chí quy thần, thế thế trường lưu hương hỏa

Phục nguyên đại thần hạ giáng, thánh tổ dao văn

Dực phù xã tắc điện an, hoàng đồ củng cố

Vạn gia lợi lạc hanh thông

Thiên lý nhân tài vượng phát

Lão thiếu hàm mông đại huệ

Hương thôn cộng mộc hồng hưu

Vạn vọng, cẩn cốc.

Nghĩa là:

Kính thay:

Tiên sư, tinh hoa non núi

Tú khí biển sông

Được cha ông truyền cho nghề nghiệp

Giữ nhà thợ mộc là hơn

Nghe sách kinh dạy bảo rõ ràng

Ở đời phải hòa mới quý

May sao, Tiên Hoàng cờ lau dấy nghĩa

Hoa động nương mình

Mười hai sứ quân sương trên ngọn cỏ, tan tác rã rời

Muôn ngàn dặm bờ cõi mở mang, dư đồ một mối

Được mệnh trên cho phép ra tay, dựng xây cung thất

Sau, Lê đế trọng dùng tài thực, nổi tiếng anh uy

Có khi theo phò giá Thiết Lâm, sửa sang đền sở

Từ đó ở bờ sông dựng nhà cửa, cần kiệm làm ăn

Rồi giúp cho dân có lương tiền, khuyên nên vỡ đất

Còn nghĩ dạy mọi người nghề mộc, kiếm kế sinh nhai.

Tháng Tư, mồng Sáu hàng năm nhớ mãi chung thường

Mới tới, về thần nối đời giữ gìn hương khói

Cúi trông:

Đại thần xét tới, Thánh tổ xa nghe

Phò cho xã tắc vững vàng, nghiệp vương củng cố

Nhà nhà nghề nghiệp yên vui

Ngàn dặm nhân tài vượng phát

Già, trẻ thảy nhờ ơn lớn

Xóm thôn đều đội phúc to

Muôn trông, cẩn cốc

Thần Phả  đền làng Ninh Xá do Tri huyện huyện Đại An, An Giang Bá Lê Huy Phan viết lại  vào năm Tự Đức  thứ 22 (1869) do Thần Phả  cũ đã mất vì quân Thanh tàn phá.

Phiên âm:

Công tính Ninh, húy Hữu Hưng, Gia Viễn huyện, Trường An tổng, Chi Phong Xã nhân. Tự thiếu bản thị nhất nhân, hiếu học phả hữu dũng lực, cập trưởng hữu kế tổ phụ mộc tượng chi nghệ, nghệ trung đa cải sáng chí, cố hạt nội nhân tất giai tôn phục. Công thê thị hiền thục xã trung nhân năng trợ công nghệ trung đắc đa sự.

Nhất nhật, công phu thê khứ thuyền chí sơn thần miếu hành lễ, sự tất. Hồi thời ẩm thực hoàn chí sáng thụy khứ, đắc bán thời chi cửu, hốt kiến nhất nhân đầu phát hạo bạch thủ trì trúc trượng tiến nhập môn nội tiếu vấn hậu, huề công chí nhất đại động khẩu thâm thâm bất tri kỳ trường, tại động khẩu biên hữu nhị lực sỹ huề hướng chí nhất xứ điện các nguy nga, kim ngân phát lượng huy hoàng. Nhị lực sỹ toại phản hồi, kế hựu hữu nhất vị thân y thanh bào xuất chỉ nhập điện nội. Thử diện thanh Kim Quang tại dương gian quả vị tằng mục kiến. Ninh công khuynh mục tường kiến nhưng thẩn phục ư bệ tiền bất cảm ngưỡng dần quan khán.

Diêm đế kim thanh vấn viết:

– Trẫm văn nhữ tại trần gian hữu mộc nghệ tối ư tinh xảo, vị thử tầm nhữ lai trợ trẫm tác dịch, bất tri nhữ ý như hà?

Ninh công tấu viết:

– Vạn tuế! Ngu tiện hạ dân, nhược đắc thánh thượng hạ cố, hà ngôn bất cảm tận tâm.

Nhiên hậu, công đắc dẫn chí mộc tượng công trường mãn nhân nội chi nhất gian tường ốc, đắc giao cấu tác cung điện chi sự. Công toại tòng phân phó dữ trưởng nội chư nhân tác dịch. Tại thử hữu đa tinh thông nghệ nghiệp, Ninh công ý học sở đắc hựu tường cấu ốc bản hữu tham bán thi vị.

Công ư thử đắc nhất độ cửu tư gia, toại tầm chí bệ tiền tấu trình viễn cách hương lý đích tư niệm, thỉnh đắc hồi gia. Diêm đế chuẩn kỳ từ thả giác viết:

– Nhữ hồi, trẫm tứ tương kỳ sở lĩnh quy lai dĩ vi sinh kế nhiên bất khả tiết xuất nguyên do sở đắc chi nghiệp. Hiện kim tại nhữ hầu trung dĩ hữu nhất tiểu đao ư thử, nhược vi sự tất bất khả đắc sinh hoàn nhĩ!

Ninh công tuân tòng kỳ ngôn, bái tạ xu hồi. Chí tình lai, kỳ sự dĩ quá tam nhật chi cửu hỹ. Gia nhân nhất giai tựu sàng đầu vấn tấn, nhiên công bất thuyết kỳ vãng sự như hà, chỉ ngôn thân thể thống muộn bất khoan nhi dĩ.

Tự thủ công dĩ thủ nghệ nhi gia môn nhật tiệm quang hay, hạt nội đa nhân tầm chí tòng học. Vị thử công khu nội gia cư tiệm chí trù mật. Chi Phong xã đa nhân điện tư thử.

Thả ngôn Tiên Hoàng thu kỳ cương vực quy vu nhất thống, định đô tại Hoa Lư thành. Công ứng mạnh tựu kiến lập đế trị chư cung thất, công đắc thi vi sở năng chi hội, vị thử đắc thượng tứ “Công tượng lục phủ giám sát đại tướng quân chi chức”.

Chí hậu Lê Đế phạt Tống sư xâm cảnh đắc thắng hoàn, tự lập vi đế tái sáng tạo cung thất, công hựu đắc trọng dụng như tiền đế nhật. Nhất nhật cảnh nội thăng bình đế toại hành khuyến nông canh tịch sự công vi kỳ hữu vũ dũng siêu nhân cố đắc trạch tòng giá. Chí hồi thì, bạc thuyền tại Thiết Lâm xứ, Đế đăng ngạn nhập Lương Bình Vương từ ngoạn thưởng, kiến kỳ cổ miếu hoang lương, tà dương không chiếu, tường ốc bán khuynh thanh đài phong thấp. Đế xúc cảnh sinh tình toại lưu công ư hành tại xứ đồng tu lý thần từ chi dịch. Thời Tân Mão niên gian tứ nguyệt nhị thập tứ nhật.

Chí tu nhị vương từ sự hoàn, công hựu đắc thượng mạnh tái tu nhất tiểu phật tự, nhân thử tự đắc Phúc Lê tự hiệu, nãi kỳ Lê gia sở thủy kiến nguyên nhi danh chi dã.

Tòng thử, công lưu cư ư thử xứ khuyến tử tôn tông tộc chư nhân khẩn thổ canh giá, hựu tương ngân tiền chiêu tứ chính dân lai tụ hội lập thành trang ấp, hựu giác sở tại chư nhân thi vi công sở hữu mộc nghệ chi lương năng, kỳ công công đức thiếp trạch thâm quảng vu dân.

Công đắc khu dân ái mộ như phụ mẫu chi sinh thành. Hữu nhất nhật khu nội xổ lão ông tựu công sở cư chi xứ dữ du, công toại đồng bỉ lão nhân tửu trà lạc thư. Tại tịch thượng công bất tư đáo Diêm La tiền nhật đương giới nhi uẩn khúc nhất nhất ngôn hoàn, hốt nhiện tự hữu hắc phong nhất đạo tống lai, công toại đảo ngọc hôn trầm bất tri nhân sự nhi chí yếm trần hỹ. Thời đương Lý Thái Tổ, Thuận Thiên Kỷ Mùi niên tứ nguyệt sơ lục nhật, hưởng thọ bát thập nhất tuế. Công chi tử tôn dữ khu nội chư nhân hội luận an táng chi sự, nhất giai đồng từ tương linh cữu hạ thuyền hồi táng tại cố quán chi Xương Bồ sơn lộc lộc diện hướng  sơn thần cựu miếu.

Sự tất, Thiết Lâm khu nhân dân dĩ sự thượng tấu, đắc triều đình tứ tôn hiệu vị Lão La Đại Thần Tiên Sư, hựu cải Thiết Lâm khu vi Ninh Xá tự thử hỹ. Tái chuẩn kỳ khu dân đắc nghinh thần vị phối tự vu Hùng Triều nhị vương vị chi hạ, giai quốc nội chi công thần dã.

Kim nhật Phan nhân hữu sự thủy lai ngoại quán, hốt ngộ xã nội chư phụ lão tụ thủ hội luận soạn tập Lão La Tiên Sư thần từ sự tích. Chư lão ngôn viết:

– Từ nội tiền nhật bản hữu phả chí, tích niên bị Thanh triều binh mã đáo thử địa phương thời tàn phá nhi phả tòng thất khứ, dĩ luận sự hựu tái tam luân sự, lão hựu kế hào chí kim diệc nhi vi quả, tư hạnh ngộ đại nhân lai quán thỉnh trợ thành chi.

Phan viết:

– Sự sở dương vi, khả vi chi, nhiên thỉnh hướng ngã tái chí từ tham khán thiểu thời.

Ký nhi hựu tuế lịch Triều thị, Liêu viên chư thổ phụ. Hồi từ Phan thủy cảm viên bút tả xuất sở mục kiến nhĩ văn chi sự. Phục vong sáng tạo công nghệ tiên thánh tòng cao ứng giám đại xá Phan chi sở sự nhĩ.

Thực vạn lại đại đức chi âm phù hỹ.

Hoàng triều Tự Đức nhị thập nhị niên, tứ nguyệt cát nhật.

Đại An huyện, Tri huyện, An Giang Bá Lê Huy Phan cẩn chí.

Dịch nghĩa:

Ông họ Ninh, tên húy là Hữu Hưng, người xã Chi Phong, tổng Trường Yên, huyện Gia Viễn. Từ thuở nhỏ vốn là người hiếu học lại có vũ dũng. Lớn lên nối tiếp cha ông làm nghề thợ mộc có nhiều sáng tạo trong nghề nên trong vùng ai cũng đều tôn phục. Vợ ông người trong xã có đức hiền thục cũng giúp ông được nhiều việc trong nghề.

Một hôm hai vợ chồng ông đi thuyền tới miếu sơn thần tế lễ. Xong việc khi về nhà cơm nước rồi đi ngủ được một lúc lâu bỗng có một người đầu tóc bạc phơ, tay chống gậy trúc bước vào trong cửa niềm nở chào hỏi rồi dẫn ông tới một cái hang to sâu không biết đến chừng nào. Ở bên cửa hang có hai lực sỹ dẫn ông đi tiếp đến một nơi đền gác nguy nga, bạc vàng chói lọi rồi hai lực sỹ ấy quay trở lại. Lại một vị khác mặc áo bào xanh ra dẫn ông vào trong điện. Tòa điện có tên là Kim Quang này quả ở cõi dương thế chưa hề có. Ông liếc qua thấy rõ, nhưng chỉ phủ phục trước bệ không dám nhìn lên.

Diêm Đế cất tiếng vàng sang sảng hỏi:

– Trẫm nghe nhà ngươi ở cõi dương gian có nghề mộc giỏi nên mới tìm ngươi xuống đây giúp việc cho trẫm, chẳng hay ngươi nghĩ thế nào?

Ông Ninh tâu:

– Vạn tuế! Nếu kẻ hạ dân thấp hèn này được thánh thượng hạ cố thì đâu không dám hết lòng.

Thế rồi ông được dẫn tới một gian nhà trong dãy xưởng mộc đầy người. Ông được giao công việc chế dựng cung điện, ông tuân theo và cùng các vị trong đó làm việc. Tại đó có nhiều người giỏi nghề, ông Ninh chăm chú theo dõi học hỏi và cũng đem cách thức dựng nhà cửa của mình kết hợp. Ít lâu sau, ông nhớ nhà bèn đến trước bệ tâu bày nỗi niềm xa cách quê hương xin trở lại Dương gian.

Diêm đế đồng ý nhưng dạy rằng:

– Nhà ngươi trở về, trẫm cho đem theo nghề về làm để sinh sống, nhưng không được tiết lộ nghề ở đâu mà ra. Nếu trái lời thì nhà ngươi sẽ không sống được vì hiện đã có một con dao nhỏ trong cổ hầu nhà ngươi rồi đó.

Ông Ninh tuân lời, bái tạ rảo bước ra về. Khi ông tỉnh lại thì sự việc đã quá ba ngày rồi. Người nhà xúm lại hỏi thăm nhưng ông không nói gì cả., chỉ kêu mệt mà thôi.

Ông Ninh sống bằng nghề đó ngày một khá giả. Trong vùng nhiều người tìm đến theo học. Vì thế vùng này dần trở nên đông đúc.

Tới khi Đinh Tiên Hoàng đế thống nhất đất nước, định đô tại thành Hoa Lư, ông được nhà vua triệu ra xây dựng các cung điện nơi vua ngự. Ông được dịp thi thố tài năng và vì vậy được vua ban cho chức ” Công tượng lục phủ giám sát đại tướng quân”

Sau khi Lê Đại Hành đánh thắng quân Tống  lại cho xây dựng cung thất. Ông lại được trọng dụng như xưa. Một ngày trong lúc đất nước thanh bình, vua nghĩ nên khuyến khích việc cày cấy nông trang. Do ông Ninh có vũ dũng hơn người nên được chọn đi theo xa giá vua. Lúc trở về đỗ thuyền ở Thiết Lâm, vua lên bờ ghé vào ngôi đền thờ Lương Bình Vương thấy nơi đây miếu cổ lạnh lùng dưới bóng dương tà, tường vách xiêu vẹo, rêu xanh phủ lên ẩm ướt. Xúc cảnh sinh tình, vua cho ông ở lại dốc sức tu sửa đền thờ. Bấy giờ là năm Tân Mão  tháng 4 ngày 24 (ngày 9 tháng 6 năm 991).

Sau khi tu sửa đền thờ hai vương xong, ông lại được mệnh trên cho sửa lại ngôi chùa thờ Phật. Bởi vậy, chùa này có tên “Phúc Lê Tự” là lấy ý vua Lê kiến nguyên ban đầu có tên ấy vậy.

Từ ấy, ông lưu cư ở đó. Ông khuyên con cháu,  họ hàng và mọi người khai khẩn đất hoang cày cấy. Ông còn đem tiền của chiêu mộ dân các nơi tụ hội lập ra trang ấp và dạy cho dân làm theo nghề mộc của mình. Công đức của ông thấm tới mọi người rất là sâu rộng.

Ông được dân trong vùng yêu mến, coi như bậc cha mẹ sinh thành. Một hôm có một số ông già trong vùng tới cùng ông rượu trà vui vẻ. Trong tiệc vui, ông không nhớ tới những điều năm xưa xuống cõi Diêm La nên đem  mọi bí mật  đầu đuôi nhất nhất kể ra. Bỗng nhiên một luồng gió đen thổi lại làm cho ông  ngã vật ra mê man bất tỉnh rồi dẫn đến việc ông chán cõi đời. Bầy giờ là triều vua Lý Thái Tổ, năm Kỷ Mùi (1019), niên hiệu Thuận Thiên, tháng 4, ngày 6, ông hưởng thọ 81 tuổi. Con cháu ông cùng mọi người trong vùng họp bàn việc an táng và thống nhất đem linh cữu ông xuống thuyền chở về nơi cũ, chôn ở chân núi Xương Bồ quay mặt về phía miếu sơn thần khi trước.

Xong việc, dân chúng vùng Thiết Lâm đem việc tâu lên và được triều đình cho tôn hiệu là “Lão La Đại Thần Tiên Sư” và đổi tên Thiết Lâm thành Ninh Xá, chuẩn cho dân trong vùng rước thần vị phối thờ vào hàng dưới hai Vương (Lương Bình Vương và An Nhu Vương) lấy ý đều là công thần của đất nước.

Nay nhân Phan tôi có việc trở về quê ngoại, bỗng gặp các vị phụ lão trong xã đang tụ hội bàn việc biên tập sự tích Lão  La Đại Thần Tiên Sư. Các cụ nói:

– Trong đền khi trước vốn có Thần phả, song năm xưa đã mất đi trong lần binh mã Thanh triều về tàn phá ở địa phương. Mọi người đã bàn nhiều lần về việc ấy, song từ đời này sang đời khác vẫn chưa làm được. Nay may gặp đại nhân, xin nhờ đại nhân giúp cho.

Phan tôi đáp:

– Việc đáng làm thì nên làm, nhưng xin cho tôi xem lại đền chút đã.

Thế rồi tôi đi khắp các Triều thị, Liêu viên. Lúc trở về đền, Phan tôi mới dám cầm bút viết ra những điều tai nghe mắt thấy. Cúi trông vị tiên thánh sáng tạo nghề nghiệp đại xá cho tôi.

Thực muôn trông đức lớn âm phù vậy!

Ngày tốt, tháng 4, Niên hiệu Tự Đức thứ 22 (1869)

Tri huyện huyện Đại An, tước An Giang Bá, Lê Huy Phan kính cẩn ghi việc.

 

Thôn La Xuyên và Lão La Đại Thần Ninh Hữu Hưng

Từ Nam Định đi theo đường 10 khoảng 15 km đến ga Cát Đằng rẽ trái khoảng 300m là đến đình La Xuyên thuộc xã Yên Ninh huyện Ý Yên. Cùng với Ninh Xá Hạ và một số thôn khác thuộc xã Yên Ninh, vùng đất La Xuyên do Tướng quân Ninh Hữu Hưng lập ra vào thế kỷ X- XI.

Cuốn thần phả hiện lưu tại đình làng La Xuyên do Tiến sĩ Nguyễn Hoàn viết năm Cảnh Hưng thứ 10 (1749) cho biết lúc sinh thời Ninh Hữu Hưng đã học được bí kíp nghề mộc của vua Diêm La dưới địa phủ. Chính vì thế mà sau này nhân dân còn gọi ông là Lão La. Tên vùng đất La Ngạn sau đổi thành La Xuyên cũng từ đó mà ra đời để tưởng nhớ đến ông tổ đã có công chiêu tập nhân dân về đây mở mang trang ấp đồng thời truyền nghề sinh sống.

Khi ông mất,  con cháu và dân làng đã đưa linh cữu về chân núi Xương Bồ- Ninh Bình an táng. Tưởng nhớ công lao của ông, các thôn làng do ông tạo dựng như La Xuyên, Ninh Xá Hạ đều lập đền thờ để tri ân công đức. Các sắc phong của các triều đình phong kiến sau này hiện còn lưu giữ phong ông là  Dinh điền quan Lão La đại thần.
Đình La Xuyên được xây dựng theo hình chữ Đinh. Tòa tiền đường gồm 3 gian, cao 8m, được làm theo kiểu chồng diêm hai tầng tám mái. Hệ thống vì tại tiền đường được thiết kế theo phong cách chồng rường giá chiêng. Gánh đỡ các bộ vì là 4 hàng cột lim to khỏe, có đường kính 50 cm. Tại đây các cấu kiện gỗ như câu đầu, xà thượng, xà hạ, con rường đều được soi chỉ, điểm các hàng lá lật mềm mại. Tất cả kết hợp cùng những nét cổ kính, uy nghiêm.

Toàn bộ khu di tích này nằm quay về hướng tây quanh là cánh đồng lúa.Các công trình phụ trợ ở đây như hồ nước, hệ thống nghi môn, vườn cây đều được bố trí hài hòa, phù hợp cảnh quan. Bao quanh khu di tích là hệ thống tường gạch, tạo nên một không gian hoàn chỉnh, khép kín.

 

Nối tiếp tiền đường là trung đường và chính tẩm. Cũng giống như tiền đường, hai tòa này cũng được hoàn toàn bằng gỗ lim. Tại đây chính là nơi thể hiện rõ nét tay nghề tài hoa của các nghệ nhân La Xuyên. Các hình tượng con rồng, tứ quý, tứ linh… trên các cánh cửa, các bộ vì được chạm bong, chạm lộng với kỹ thuật gia công cầu kỳ, tỉ mỉ, sắc nét.

Đình phủ La Xuyên không chỉ là nơi lưu giữ, thể hiện nét tài hoa của những nghệ nhân nơi đây mà còn lưu giữ, phát huy những nét truyền thống văn hóa làng nghề được thể hiện qua mỗi kỳ lễ hội được tổ chức từ ngày mồng 10 đến 15 tháng giêng hàng năm. Lễ hội không chỉ là dịp vui xuân, thưởng thức các trò chơi dân gian mà còn là cơ hội để những người con xa quê hương hòa mình vào những nét thuần phong mỹ tục quê hương, thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn. Đặc biệt, trong lễ hội dân gian làng thường tổ chức các cuộc thi trình diễn các sản phẩm gỗ làm từ chính những người thợ trong làng. Cuộc thi không chỉ là dịp để những người thợ trao đổi, học tập kinh nghiệm của nhau mà còn là dịp quảng bá sản phẩm của làng nghề truyền thống, đúng như câu ca mà nhân dân lưu truyền:

Giai nhân con cháu Cái Nành

Dẫu không khoa bảng cũng thành nghệ nhân

Tạ Đình Huy(1474-1542) người Hà Nam, đỗ Tam giáp đồng Tiến sĩ, khoa Tân mùi, năm Hồng Thuận thứ 2 có viết 1 bài thơ ca ngợi Ninh Hữu Hưng như sau (Bản dịch thơ):

Lão La sinh ở đất Chi Phong

Gia truyền thợ mộc giỏi vô song

Dựng đô lập nước dâng nhiều mẹo

Khẩn đất thương dân cũng lắm công

Thầy dậy dân làng chăm thủ nghệ

Ông khuyên con cháu nếp thuần phong

Đừng như Phạm,Đỗ đời chê trách

Diêm Đế hiền thần chớ bảo không.

Lão La Đại thần mất ngày 6 tháng 4 năm Kỷ Mùi (1019).

Đã mười thế kỷ qua đi, từ nơi đây đã có rất nhiều nghệ nhân đến xây dựng cố đô Hoa Lư, kinh đô Thăng Long, Đông Đô, Huế và nhiều đình, đền, chùa, miếu, lăng, phủ ở mọi miền đất nước. Ngày nay dân làng vẫn ăn nên, làm ra, ấm no hạnh phúc nhờ nghề truyền thống chạm khắc gử, khảm trai của mình. Sập gụ, tủ chè của làng nổi tiếng khắp cả nước và nước ngoài, về độ bền, vẻ đẹp của các hoa văn, mảng khối, đường nét, gợi chất thơ từ nhiều điển tích cổ Phương Đông.
Uống nước nhớ nguồn, hưởng bóng mát nhớ cây cao, dân các  làng La xuyên, Ninh xá đã nhiều năm sưu tầm, chỉnh lý, bổ xung tư liệu về tổ nghề. Họ đã góp nhiều tiền, của để tu bổ, tôn tạo đền thờ tổ nghề. Đền thờ có đôi câu đối ca ngợi  Lão La Đại Thần  Ninh Hữu Hưng:

“Mộc tượng giáo dân nguyên hữu ý
Kiến đô lập quốc sử lưu công”

Hàng năm dân làng vẫn tổ chức lễ hội mùa xuân. Đặc biệt, họ đã tiến hành nghi thức “Kéo lửa để Khai Hội”. Sau hồi trống trang trọng, tưng bừng, một vị cao niên phát lệnh cho trai làng, kéo lạt giang cọ vào thanh gỗxoan ngâm, tạo nhiệt. Nhiệt truyền rồi làm cháy bùi nhùi rơm khô. Cụ già lấy ngọn lửa vừa phát sinh thắp hương cho cả làng làm lễ dâng hương. Sau đó chuyển bát hương lên kiệu rước.
Bằng nghi thức “Kéo lửa Khai hội” nói trên, dân làng thành tâm tưởng nhớ đến sáng kiến tạo ra lửa của  tổ nghề Ninh Hữu Hưng, thưở xa xưa, giúp vua Đinh, vua Lê nuôi quân, đánh giặc, dẹp loạn, xây dựng. Họ cũng tôn vinh nghề truyền thống. Từ gỗ họ sẽ làm ra những mặt hàng thủ công mỹ nghệ như ngọn lửa mãi mãi cần thiết cho đời sống của con người. Nghi thức kéo lửa Khai Hội còn thắp lên niềm tin sâu xa vào Hạnh phúc Trường sinh của các làng nghề Ninh Xá Hạ, La Xuyên.

Sau đây là phần phiên âm và dịch nghĩa của bản  Ngoc phả của Đình La Xuyên do Tiến sỹ Lê triều Nguyễn Hoàn viết vào năm 1749:

Thiên tử Diêm la đại vương

dữ  Đinh Lê triều công thần lục phủ công tượng giám sát đại tướng quân ngọc phả cổ lục

Càn chi đệ nhị bộ thượng đẳng thần

Chấn chi đệ nhất bộ trung đẳng thần

Quốc triều Lễ bộ chính bản

Thiên tử Diêm la đại vương long đầu hổ mạch Thuấn mục Nghiêu my chính trực thông minh cai quản thập điện quyết ngục đoan hình dữ thiện quan đồng nhiệm khuyến thiện trừng ác tịnh thủy phủ tương tham bạt tụy siêu quần, công đức quân triêm ư tứ hải, thính thanh hiện sắc, ân uy phổ thế ư thập phương.

Thời cố Lê Đại Hành xuất trị vu Hoa Lư động, thủy khai chính thống kỷ cương kế Đinh Tiên Hoàng chi hồng cơ, thừa chư tiền nhân chi đại sự. Thử gian Bắc quốc Tống sư, bộ binh do Hầu Nhân Bảo bối tự Ung Châu tòng Lạng Sơn lai, thủy binh do Lưu Trừng tòng Bạch Đằng Giang nhập xâm thủ ngã cảnh. Lê Đế hoạn chi thân tự xuất quân cự tặc, binh thuyền sơ chí Dục Thúy sơn toàn phong bao trước thiên địa hối minh, thủy lãng suy cấn thăng thượng như sơn bất khả tiến khứ. Hốt nhiên Lê Đế vọng kiến tam long tự giang thượng tẩu nhập sơn cốc trung tức thiên khí tình quang, thủy bại bình kính. Đế cụ vấn phương dân, hữu nhân tấu viết: “ tự cổ thời sơn cốc trung bản tự, tam phủ hội đồng chi xứ tối hữu linh ứng!”. Đế toại hạnh đủ, khoảnh khắc gian hữu nhất bạch mã tùng cốc trung tẩu vu thủy thượng. Đế thuyền tòng chi chí Vọng Doanh huyện, Thiết Lâm khu nhi bất kiến hỷ.

Tân Tỵ niên quý xuân, Tống sư đại bại, Đế hồi kinh  quá thử linh miếu xử phương diện trùng thiết miếu sở dữ tri điền  nhị mẫu tại sơn chi  tây nam dĩ quảng tuyên linh ứng chi sự dã.

Thước  thuyền thời ngã quốc tại Gia Viễn huyện, Chi Phong xã bản thị nhất đại lâm mộc chi . . ,nhân yên hy thiểu, ngoại trừ sơn cao xổ xứ, giai thị tứ thời thường mang bạch thủy.  Chí Đinh đế khai tạo thử xứ toại thành thị tứ đa hội giang thuyền xuất nhập vãng lai trù phú. Gian tại Chi Phong xã hữu nhất nhân tính Ninh húy Hữu Hưng am tường mộc nghệ, kế tổ phụ chi gia truyền, đắc Diêm La chi bí thuật kinh dĩ phù Lê Đế quảng tạo Hoa Lư cung thất, tằng mông ban thưởng Lục phủ công tượng Giám sát đại tướng quân chức, công cao bổng hậu, hựu hữu võ lược phi phàm, đắc thượng tín trọng vi Thân vệ tướng quân nhiệm.

Thời ngã quốc thanh bình, đế tư khuyến nông chi sự, tằng đáo chư xứ tịch điền, Ninh công thường đắc đới tòng chi. Nhất nhật chí Vọng Doanh huyện, Thiết Lâm khu, Đế dữ công kiến thử xứ địa thế dị kỳ, tuy hữu tam ngũ gia thác lạc trụ tại giang biên, nhất nhị từ thanh đài phong ư dân thượng, diệc khả đình túc  du quan. Đế thượng ngạn nhập Hùng triều nhị vương từ chiêm bái, tiên xử Ninh công cư thử phổ Hoàng gia chi đại huệ, sáng thần miếu chi hoằng quy. Tự thử công lưu ư thử tầm tương tử tôn tông tộc di chí khẩn thổ canh vân kiến thành đại ấp. Lưỡng ngạn chư địa giai đắc công lưu tân tứ tiền chiêu dân nhân cư giáo dĩ canh tác thủ nghệ . . . . . gia thần nội ngoại chư dịch . . . . . hữu đắc Diêm Đế  ân huệ . . . . tạo từ sở nghinh Diêm Đế  . . tự Dục Thúy sơn hồi dữ nhị vương đồng … . .thời cung kính, cố thử từ danh viễn La tiền điện, lưỡng ngạn dân danh vi  La Ngạn trại. Chư phương dân lại cư y công phủ dưỡng giai dĩ Ninh tính cư thượng, cố Ninh gia ấp hữu danh vi thử nhĩ.

Chí Lý Thái Tổ Thuận Thiên Kỷ Mùi niên  tứ nguyệt lục nhật, công miên thọ dĩ cao, chí bát thập nhất tuế lão nhược quy thần. Công chi tử tôn dữ khu nội chư y quang chi nhận tương linh cữu hồi bản hương Xương Bồ sơn hạ táng . . . . La đại thần nguyên, bản dân lập miếu ư thử xứ phụng tự dữ cung nghinh thần vị tựu Diêm đế từ phối tự, tứ thời hương hỏa truy tư.

Chí Lê triều phục hưng Nguyên Hòa  Giáp ngọ niên, Lê Đế hạnh từ quan dân nghệ nghiệp, kiến kỳ hương dân phong tục thuần phác, mộc tượng tinh thông tiện đới ngũ nhân hồi kinh khai mộc phường chấn hưng thủ nghệ, hựu tri tự điền ngũ mẫu quảng tuyên tự sự, thả miễn cư dân thuế sai chư dịch, đắc chuyên phục sự dĩ tận kỳ thành. Cố lịch đại đế vương gia phong mỹ tự biểu dương công đức dữ thiên địa trường cửu vô cùng hỹ.

Cảnh Hưng thập niên Lê triều tiến sỹ  Lan Khê  Nguyễn Hoàn cẩn  . . .

Dịch nghĩa:

Ngọc phả cổ lục về

Thiên tử Diêm La đại vương

và Công thần triều Đinh, Tiền Lê chức Công tượng lục phủ giám sát đại tướng quân

Càn chi đệ nhị bộ thượng đẳng thần

Chấn chi đệ nhất bộ trung đẳng thần

Quốc triều Lễ bộ chính bản.

Thiên tử ở cõi Diêm La đầu rồng trán hổ, có mắt của vua Thuấn, lông mày của vua Nghiêu, sáng suốt ngay thẳng, cai quản 10 Điện, quyết tội giam ngục,  là vị thiện quan, khuyên thiện răn ác, giúp đỡ cho Thủy phủ, khác hẳn người thường, công đức bao trùm bốn biển, ân uy trải khắp mười phương.

Xưa kia vua Lê Đại Hành đóng đô ở Hoa Lư, mở nền chính thống nối tiếp cơ đồ lớn lao của Đinh Tiên Hoàng đế, thừa hưởng sự nghiệp của tiền nhân tạo lập.  Vào thời đó, quân Tống từ phương Bắc bộ binh do Hầu Nhân Bảo từ Ung Châu theo đường Lạng Sơn, thủy binh do Lưu Trừng theo hướng sông Bạch Đằng cùng tiến vào xâm chiếm nước ta. Vua Lê Đại Hành thân đem quân chống giặc. Lúc thuyền đến núi Dục Thúy thì gặp gió xoáy nổi lên, trời đất tối tăm mù mịt, sóng to nguy cấp không sao tiến lên được. Bỗng nhiên vua nhìn thấy 3 con rồng từ trên sông bay vào trong hang núi, tức thì trời quang mây tạnh, mặt nước phẳng lặng như cũ. Vua truyền hỏi thổ dân. Có người tới tâu rằng:” ở hang núi này từ thời xa xưa đã thờ tam phủ rất là linh ứng”. Vua vào cầu đảo, lát sau có một con ngựa trắng từ trong hang núi chạy ra, chạy trên mặt nước như trên bờ vậy. Thuyền vua cứ theo ngựa trắng mà đi, khi đến khu vực Thiết Lâm thuộc huyện Vọng Doanh thì không thấy ngựa trắng đâu nữa.

Cuối mùa xuân năm Tân Tỵ (981), quân Tống đại bại. Trên đường quay lại kinh đô, vua Lê Đại Hành cho địa phương tu sửa lại miếu thiêng và ban cho 2 mẫu ruộng ở phía tây nam núi để tuyên dương rộng rãi sự linh ứng của thần.

Lại nói nước ta thuở xưa, tại vùng đất xã Chi Phong huyện Gia Viễn bây giờ, vốn là một vùng cây to rậm rạp, dân cư thưa thớt, trừ một số nơi núi cao ra còn lại toàn một vùng 4 mùa nước ngập trắng xóa. Tới thời vua Đinh mở nước, nơi này mới trở nên vùng thị tứ dân cư đông đúc, thuyền bè qua lại tấp nập. Lúc đó, tại xã Chi Phong có một người họ Ninh, tên là Hữu Hưng giỏi về nghề mộc do nối tiếp được nghề gia truyền của cha ông và học được bí thuật nơi địa phủ. Ông đã giúp vua Lê xây cất cung điện tại Hoa Lư, được vua ban cho chức Công tượng lục phủ giám sát đại tướng quân, công cao lộc lớn. Ông lại có võ lược hơn người thường được vua tin dùng, thường làm nhiệm vụ Thân vệ tướng quân bảo vệ nhà vua.

Nước ta thuở đó thanh bình, vua nghĩ đến việc khuyến khích nghề nông, ngài thường đi các nơi tuyên truyền mở mang ruộng đất. Ông Ninh thường xuyên được đi theo vua. Một ngày kia, tới khu Thiết Lâm thuộc huyện Vọng Doanh, nhà vua thấy nơi đây thế đất rất đẹp, dẫu chỉ có lác đác dăm ba căn nhà bên sông, vài nơi thờ tự rêu phong che phủ nhưng cũng đủ để dừng chân ngoạn thưởng. Vua bèn lên bờ đến chiêm ngưỡng đền thờ 2 vị Vương thời vua Hùng. Sau đó, nhà vua cho ông Ninh ở lại nơi này để truyền ân lớn của Hoàng gia, mở rộng quy mô ngôi thần miếu. Từ đó ông định cư tại nơi này, dần đem con cháu họ hàng đến đây mở đất cấy cày, dựng thành ấp lớn. Vùng đất 2 bên bờ sông thì ông bỏ tiền chiêu dân tụ hội, khuyến khích canh nông và phát triển thủ công, hỗ trợ nhau chế tác các đồ dùng cần thiết. Ông nghĩ xưa kia nhờ ơn huệ của Diêm Vương nên sai người mở rộng nơi thờ, rước chân nhang Diêm Đế từ núi Dục Thúy về thờ chung cùng với 2 Vương. Vì vậy mà đền thờ này có tên là La Tiền Điện. Hai bên bờ sông đặt là trại La Ngạn. Dân các nơi nhờ ơn ông nuôi dưỡng đều lấy họ Ninh ở đầu, vì thế khu này còn có tên là Ninh Gia ấp.

Vào triều vua Lý Thái Tổ niên hiệu Thuận Thiên  năm Kỷ Mùi (1019) ngày 6 tháng 4, do già yếu mà ông về thần thọ 81 tuổi. Con cháu ông và mọi người đã đưa ông về an táng ở dưới chân núi Xương Bồ. Nơi ông mới tới ở tục gọi là cồn Lão La. Địa phương cũng dựng miếu thờ và cung kính rước thần vị ông phối thờ trong đền Diêm Đế để 4 mùa nhang khói tỏ lòng tưởng nhớ lâu dài.

Thời nhà Lê trung hưng, niên hiệu Nguyên Hòa năm Giáp Ngọ (1534), vua Lê (Trang Tông) có qua làng xem dân làm nghề. Nhà vua thấy phong tục nơi đây thuần phác, nghề nghiệp tinh thông bèn đem 5 người về kinh đô mở rộng chấn hưng nghề mộc. Nhà vua còn cho 5 mẫu ruộng cung đốn cho việc nhang khói, miễn sưu thuế tạp dịch cho địa phương để chuyên việc thờ phụng. Qua các đời đế vương, đều được gia phong mỹ tự tán dương công đức cùng với trời đất mãi mãi không cùng.

Ngày tốt đầu tháng 2, niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 10 (1749)

Tiến sỹ triều Lê là Lan Khê Nguyễn Hoàn kính cẩn ghi việc.

Xem thêm trong Wikipedia

Tin tức liên quan

Trở lại bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

logo-honinh-trang

Website honinh.com giới thiệu những giá trị lịch sử – văn hóa – xã hội giàu tính nhân văn, góp phần tôn vinh, chia sẻ những giá trị cao đẹp trong cộng đồng  dòng họ Ninh và những người quan tâm, đặc biệt là giới trẻ.

DANH MỤC

 All Right Reserved. Designed and Developed by honinh.com