Trang chủ Khảo cứu Đọc Vũ Trung Tùy Bút của Phạm Đình Hổ khi tìm hiểu về họ Ninh

Đọc Vũ Trung Tùy Bút của Phạm Đình Hổ khi tìm hiểu về họ Ninh

đăng bởi Ninh Quang Thăng
0 nhận xét

Một số tác giả dựa vào cuốn Vũ Trung Tùy Bút (雨中隨筆)  của Phạm Đình Hổ (1763 – 1839) khi viết về dòng họ Ninh. Cụ thể, các tác giả này căn cứ vào truyện “Việc thi cử” trong cuốn sách này.

Tuy nhiên, truyện này có nhiều chi tiết không chính xác. Xin trích lại đoạn liên quan đến họ Ninh tại Côi Trì từ truyện “Việc thi cử” trong Vũ Trung Tùy Bút của Phạm Đình Hổ:

Họ Ninh ở Côi Trì, tổ tiên trước vốn là người Ninh Xá, huyện Chí Linh. Khoảng năm Hồng Đức triều Lê, sau khi loạn lạc, điền thổ bỏ hoang nhiều, mới có lệnh cho mọi người khai hoang, làm được bao nhiêu là của mình bấy nhiêu. Các nhà thế gia hào hữu cứ tùy sức mà khai khẩn. Khi thành ruộng rồi thì khai số ruộng đưa lên bộ Hộ, xin làm ruộng tư, như thế gọi là phép chiếm xạ. Họ Ninh khi xưa khai khẩn ở huyện Yên Mô, sau nhiều người đến tụ họp, mới tách ra làm xã Côi Trì. Đời gần đây có Ninh Định đỗ Hội Nguyên, có tiếng hay chữ. Đến Ninh Tốn, biệt hiệu Mẫn Hiên (còn có hiệu Chuyết Sơn) là cháu gọi Ninh Định bằng chú. Khi hai mươi tuổi đã đỗ trường sinh, rồi đỗ hương cống, văn từ rất là cổ kính. Khoảng năm Cảnh Hưng, sĩ tập suy kém, văn thể hủ lậu, Trịnh Tĩnh Vương muốn biến cải mà chưa thể được. Một hôm, Tĩnh Vương ngự chơi núi Dục Thúy, thấy khoảng vách chùa trên núi có đề một bài thơ, Vương biết là thơ của Mẫn Hiên liền cho triệu vào làm Phiên liên Thiêm phó, rồi thăng chức Tiến triều Thiêm sai Tri phiên. Ông rất được chúa Trịnh yêu mến.”

Ta thấy:

1) Sự thực, trong bia Văn Miếu Quốc Tử Giám cũng như trong sách Đại Việt Lịch Triều Đăng Khoa Lụckhông có ai tên là Ninh Định đỗ Hội Nguyên. Chỉ có Ninh Địch (寧迪) sinh năm 1687, đỗ Đệ nhị giáp Tiến sỹ xuất thân (Hoàng Giáp) khoa Mậu Tuất, niên hiệu Vĩnh Thịnh năm thứ 14 (1718), giữ chức Huấn Đạo (Bia số 61 – Văn Miếu Quốc Tử Giám). Gia phả và các tài liệu được họ Ninh tại Côi Trì lưu giữ cũng đều ghi là Ninh Địch.
Như vậy Phạm Đình Hổ đã ghi nhầm Ninh Địch thành Ninh Định.

2) Theo Gia phả họ Ninh tại Côi Trì: Cụ Ninh Lệnh (tự Hoằng Nghị) sinh năm Cảnh Trị thứ 3 (1665), thọ 81 tuổi. Cụ có các bà: chính thất là bà hiệu Từ Huệ, thứ thất là bà hiệu Từ Chính. Bà Từ Huệ sinh Ninh Địch và Thanh Chương. Bà Từ Chính sinh Nhã Thực, Ninh Ngạn (Thị Độc), Chỉ Huy, Tuy Hiệu.
Bà chính thất hiệu Từ Huệ sinh năm Thịnh Đức thứ 3 (năm 1655). Bà thứ thất hiệu Từ Chính sinh năm Chính Hòa thứ 10 (1689). Hai bà hơn kém nhau 34 tuổi.
Ninh Địch sinh năm Chính Hòa thứ 8 (1687), là con đầu của bà Từ Huệ.  Như vậy Ninh Địch sinh ra khi cụ Hoằng Nghị 23 tuổi (tính tuổi Âm). Ninh Địch còn nhiều hơn bà thứ mẫu Từ Chính (mẹ của Ninh Ngạn) 2 tuổi.
Trong khi đó, Ninh Ngạn sinh năm Vĩnh Thịnh thứ 11 (1715) khi cụ Hoằng Nghị 51 tuổi, mẹ là bà Từ Chính 27 tuổi (tuổi Âm), tức 26 tuổi Dương. Vì Ninh Địch hơn bà Từ Chính 2 tuổi nên ông hơn Ninh Ngạn 28 tuổi.
Việc Ninh Địch hơn Ninh Ngạn tới 28 tuổi là điều bình thường.

Tóm lại: Ninh Địch là con bà chính thất, còn Ninh Ngạn là con bà thứ thất của cụ Hoằng Nghị. Ninh Ngạn sinh sau Ninh Địch 28 năm.
Viện Hán Nôm khi giới thiệu sách Ninh Tướng Công Hành Trạng của Ninh Ngạn cũng viết rằng ông là em thứ tư của Ninh Địch (xin xem ở đây)
Vì vậy, Ninh Tốn (con của Ninh Ngạn) phải gọi Ninh Địch là bác chứ không phải là chú như Phạm Đình Hổ đã viết trong Vũ Trung Tùy Bút.

3) Năm Canh Dần (1770) lúc 27 tuổi, Ninh Tốn có đến chơi rồi đề thơ ở núi Vân Lỗi (bài Vân Lỗi Sơn).

Vân Lỗi Sơn
Ái Châu đa thắng quan
Vân Lỗi kỳ nhất san
U nham tàng phạn vũ
Tiêu bích thuyên thần hàn
Viễn củng thanh thiên đính
Tiền vu bạch nhất loan
Hoa thụ các kim cổ
Thủy thạch tự mang nhàn
Đăng lâm dạo đệ xứ
Thân uyển tại vân đoan

Cùng năm đó, Chúa Trịnh Sâm đi xem xét phong tục, ngự chơi núi ấy, cho người khắc trên vách đá như sau:

Canh Dần đông, dư bái yết Sơn Lăng, lộ kinh Nga Sơn chi Vân Lỗi. Sơn sắc ba quang tú lệ khả ái. Viên kinh chu đăng ngạn, chúc lãm nhất biến. Ngâm hứng bột sinh, vĩnh lưu vu thạch:

Danh thắng cao tiêu đệ nhất châu,
Sơn dung như đại thủy như du.
Bán phong vân động yêu huyền hạc,
Thiên trướng sa thinh hiệp bạch âu.
Tuyết kính tiều duyên ngoan thạch cước,
Tinh trình khách độ cấp than đầu.
Bằng cao dục tận quan lạn hứng,
Bích lạc thương minh nhất sắc thâu.

Đại nguyên soái Tổng quốc chính, Sư thượng, Thượng phụ Duệ đoán, Văn công Vũ đức Tĩnh vương ngự bút.

Nhân thấy trên vách đá có bài thơ Vân Lỗi Sơn của Ninh Tốn, Chúa Trịnh Sâm mến tài thơ mà triệu ông vào giữ chức Thiêm tri binh phiên.
Qua cả 2 bài thơ trên, rõ ràng núi Vân Lỗi còn gọi là núi Vân Nham thuộc Ái Châu (Thanh Hóa), ở phía nam huyện Nga Sơn.
Sách Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí của Phan Huy Chú viết “Núi Vân Lỗi ở xã Bích Tuyền, huyện Nga Sơn, hình núi như bình phong, phẳng  lì và xanh biếc, sắc mây ánh vào trông lóng lánh như vàng. Đằng xa là cửa biển Bạch Câu, phong cảnh thoáng rộng“.
Trong khi đó, núi Dục Thúy (Dục Thúy sơn) còn gọi là núi Non Nước thuộc Ninh Bình là một ngọn núi nằm ngay trên ngã ba sông Vân với sông Đáy, kẹp giữa 2 cây cầu Non Nước và cầu Ninh Bình hiện nay.
Như vậy Phạm Đình Hổ đã nhầm núi Vân Lỗi thành núi Dục Thúy.

4) Như chúng tôi đã phân tích trong các bài viết trước đây (xin xem ở đây), căn cứ vào:
–   Sách Ninh Tướng Công Hành Trạng của Ninh Ngạn.
–   Gia phả họ Ninh tại Côi Trì và Trung Đồng.
–   Bia Dã Hiên tiên sinh mộ biểu.
–  Thời điểm họ Ninh tới lập nghiệp tại Ninh Xá – Hải Dương và tại Côi Trì – Ninh Bình là cùng vào khoảng những năm niên hiệu Hồng Đức triều vua Lê Thánh Tông.
thì chúng ta có thể khẳng định rằng quê tổ họ Ninh tại Côi Trì không thể nào là Ninh Xá huyện Chí  Linh (nay là Ninh Xá  xã Lê Ninh huyện Kinh Môn – tỉnh Hải Dương) mà là Ninh Xá huyện Vọng Doanh (nay là Ninh Xá xã Yên Ninh huyện Ý Yên – tỉnh Nam Định).

Vũ Trung Tùy Bút là tác phẩm có giá trị lớn dưới góc độ văn chương trong việc tìm hiểu các nét văn hóa – xã hội thời Lê Trung Hưng, đó là điều không thể phủ nhận. Nhưng như ta thấy, chỉ một đoạn ngắn trong bài “Việc thi cử” mà Phạm Đình Hổ đã có 4 điểm không chính xác về góc độ địa lý, lịch sử. Xem như vậy, không thể xem nó như cứ liệu về địa lý, lịch sử.

Đến trước năm 2010, vẫn còn một số người do xem tác phẩm Vũ Trung Tùy Bút như cứ liệu khi nghiên cứu về một số danh nhân họ Ninh tại Côi Trì nên tiếp tục nhầm lẫn. Rất tiếc là ngay gần đây, Video “Người từ núi Chuyết” phát trên VTV1 cũng nhầm như vậy .

Ninh Quang Thăng

Tin tức liên quan

Trở lại bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

logo-honinh-trang

Website honinh.com giới thiệu những giá trị lịch sử – văn hóa – xã hội giàu tính nhân văn, góp phần tôn vinh, chia sẻ những giá trị cao đẹp trong cộng đồng  dòng họ Ninh và những người quan tâm, đặc biệt là giới trẻ.

DANH MỤC

 All Right Reserved. Designed and Developed by honinh.com