Trang chủ Khảo cứu Cần có giải pháp khôi phục, bảo tồn Làng cổ ở Trường Yên

Cần có giải pháp khôi phục, bảo tồn Làng cổ ở Trường Yên

đăng bởi Ninh Quang Thăng
0 nhận xét

Nằm ở khu vực trung tâm kinh thành Hoa Lư xưa, xã Trường Yên có lịch sử cách đây hàng nghìn năm, vì vậy, những ngôi làng cổ ở đây tích tụ trong mình biết bao những trầm tích về văn hóa, lịch sử và kiến trúc. Với những lý do khác nhau, những giá trị ấy đến nay đã bị mai một ít nhiều.

Trường Yên hiện nằm trong khu vực đề nghị Unesco công nhận là di sản thế giới, do đó, ngoài việc chú trọng bảo tồn các di tích cũng rất cần có các giải pháp lưu giữ những ngôi làng cổ nhằm mục đích phát triển du lịch.

Theo sử sách, Kinh đô Hoa Lư xưa được bao bọc bởi những tường thành thiên tạo và nhân tạo, có những lầu các, cung điện nguy nga. Nhưng do biến cố của lịch sử, những cung điện đó hiện nay không còn nữa.

Tuy nhiên, dấu tích của một vùng kinh đô thì vẫn còn rõ với các công trình kiến trúc như Đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng và Vua Lê Đại Hành, chùa Nhất Trụ có kinh phật bằng đá hình bát giác, trên khắc bài kinh Lăng Nghiêm, phủ bà Chúa thờ công chúa Phất Kim, Lăng Vua Đinh, lăng vua Lê, đình Yên Trạch, đình Yên Thành, Phủ Kình Thiên thờ Kình Thiên đại vương là con cả vua Lê, Phủ Đông Vương thờ Đông Thành đại vương.

Ngoài ra còn có chùa Bà Ngô, chùa Cổ Am, đền Bim, chùa Duyên Ninh, đền Vực Vông, chùa Kim Ngân… Đây là những di tích có giá trị rất lớn về lịch sử và kiến trúc. Bên cạnh việc ken dày các di tích, Trường Yên cũng có nhiều ngôi nhà cổ xen kẽ trong các làng như: Làng Yên Thành, Yên Thượng, Chi Phong, Lạc Hối…

Những ngôi nhà cổ ở đây mang nét đặc trưng của châu thổ Bắc Bộ, được hình thành từ những tập quán sinh hoạt văn hóa lâu đời. Các nhà nghiên cứu còn so sánh Hoa Lư với đô thị Tràng An, đô thị cổ nhất của Trung Hoa qua vế đối “Hoa Lư đô thị Hán Tràng An”.

Nhìn chung các kiến trúc được nhà nước xếp hạng đều được quan tâm tu sửa, tôn tạo. Đình làng là những công trình kiến trúc tiêu biểu của làng quê ở Trường Yên, mang những nét kiến trúc cổ xưa, là nơi sinh hoạt của làng. Hiện nay, một số hoạt động của người dân diễn ra ở nhà văn hóa, do đó những ngôi đình ở đây ít diễn ra các hoạt động, nên đã dần xuống cấp, khuôn viên ít được quan tâm tu sửa, mỗi năm chỉ diễn ra một vài lần tế lễ. Đây là vấn đề mà chính quyền địa phương cần quan tâm không chỉ để bảo tồn sự nguyên trạng của kiến trúc mà còn làm sống dậy những hoạt động của không gian đình làng xưa.

Không chỉ có những vẻ đẹp trong kiến trúc, đến Trường Yên ta còn bắt gặp những mái ngói cổ kính, rêu phong. Trước mỗi sân nhà có những hàng cau rất đặc trưng của làng quê bắc bộ, với quan niệm về phong thủy “trước cau, sau chuối”, mang dáng vẻ thanh bình và hoài cổ, một không gian đậm hồn đất Việt.

Ông Nguyễn Cao Tấn, Phó Giám đốc Ban quản lý danh thắng Tràng An cho biết: Xã Trường Yên nằm trong quần thể đệ trình Unesco công nhận là di sản thế giới, do đó, những làng cổ ở Trường Yên thu hút sự quan tâm đặc biệt. Theo thống kê sơ bộ hiện có khoảng trên 50 nhà cổ nằm rải rác trong toàn xã, một số vẫn giữ được nguyên trạng, một số đã xuống cấp. Do nhu cầu cuộc sống cũng như ý thức của người dân nên kiến trúc làng quê đã bị phá vỡ ít nhiều, những ngôi nhà cao tầng được xây cạnh những ngôi nhà cổ, có những ngôi nhà cổ còn bị phá bỏ để xây mới.

Hiện có hai kiến trúc tiêu biểu giữ được nguyên trạng, được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh như nhà thờ họ Giang và nhà thờ họ Dương. Đó là những vấn đề đang được đặt ra, Ban sẽ có những nghiên cứu phục vụ cho công tác bảo tồn và phát huy những giá trị của những ngôi nhà cổ nơi đây.

Mỗi vùng quê đều có những đặc trưng vùng miền. Nếu đến làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây) ta gặp những ngôi nhà cổ, những tường gạch bong tróc, xưa cũ, những con đường làng được lát gạch, thì đến Trường Yên ta trở về với núi đá giăng thành, ở đây đá là một nét riêng biệt, đá hiện diện trong các công trình xây dựng, đó là những cột đá, những tường đá rêu phong dưới những tán cây, hay đó là những bậc thềm, bậc cầu ao bằng đá… Phải chăng Trường Yên là quê hương của ông tổ nghề xây dựng Ninh Hữu Hưng, nên kỹ thuật xây đá ở đây đạt đến một trình độ hoàn hảo, những bờ ao, bờ kênh được kè đá không cần dùng hồ, vữa.

Có thể nói Trường Yên hội tụ rất nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển du lịch, khi có điểm nhấn là Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư và ở một vị trí thuận lợi nằm cạnh khu du lịch sinh thái Tràng An, khu du lịch tâm linh núi chùa Bái Đính, mỗi năm đón hàng triệu du khách. Tuy nhiên cần có sự đầu tư hơn nữa để có những giải pháp đồng bộ nhằm khôi phục lại kiến trúc nhà cổ.

Thiết nghĩ ta có thể chọn một số điểm tiêu biểu để đầu tư trùng tu, tôn tạo giữ được hình ảnh đặc trưng của Trường Yên, tạo các tuyến đón khách du lịch, có chiến lược quảng bá cũng như tuyên truyền cho người dân thấy được những giá trị và lợi ích thiết thực, từ đó người dân sẽ đồng thuận và hưởng ứng. Đây là những bài học ta có thể đúc rút kinh nghiệm từ những điểm du lịch tương đồng trên đất nước như làng cổ Đường Lâm hay phố cổ Hội An.

Sự quan tâm đầu tư nghiên cứu, bảo tồn của các cấp, các ngành chức năng và chính quyền địa phương, cũng như có một chiến lược xây dựng và quảng bá hình ảnh làng cổ ở Trường Yên sẽ làm đa dạng các loại hình du lịch ở Ninh Bình, sẽ giữ chân du khách ở lại lâu hơn với vùng đất Cố đô nghìn năm lịch sử.

Tin tức liên quan

Trở lại bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

logo-honinh-trang

Website honinh.com giới thiệu những giá trị lịch sử – văn hóa – xã hội giàu tính nhân văn, góp phần tôn vinh, chia sẻ những giá trị cao đẹp trong cộng đồng  dòng họ Ninh và những người quan tâm, đặc biệt là giới trẻ.

DANH MỤC

 All Right Reserved. Designed and Developed by honinh.com