Trang chủ Danh nhân họ Ninh Bài phát biểu của ông Hoàng Lê trong dịp đón bằng xếp hạng Di tích Lịch sử Văn hoá Nhà thờ danh nhân văn hoá Ninh Tốn

Bài phát biểu của ông Hoàng Lê trong dịp đón bằng xếp hạng Di tích Lịch sử Văn hoá Nhà thờ danh nhân văn hoá Ninh Tốn

đăng bởi Ninh Quang Thăng
0 nhận xét

Kính thưa quý vị đại biểu Bộ Văn hoá – Thông Tin

Uỷ ban nhân dân tỉnh và Sở Văn hoá Thông Tin

Kính thưa quý vị lãnh đạo của Huyện và Xã

Kính thưa các cụ, các bác trong dòng họ

Trong niềm vui dạt dào của dòng họ Ninh và cũng là chung của quê hương ta nhân dịp đón Bằng công nhận Di tích Lịch Sử Văn hoá nhà thờ vị danh nhân văn hoá của cả nước, tôi được tham dự đã là một vinh hạnh lớn, quý vị lại muốn tôi phát biểu một vài điều. Tôi thực sự không nỡ chối từ nhưng biết rõ mình hơn ai hết là đức còn mỏng, tài còn hèn. Lẽ ra nên dành cho các vị Đạo cao Đức trọng nói mới phải, nhất là nơi tôn nghiêm thờ ông Nghè triều Lê quan thượng thư triều Tây Sơn, một vị danh nhân “ cao cao tại thượng” như Ninh Tốn.

Thưa quý vị

Cách 12 năm trước, tôi đã về đây nghiên cứu về vùng đất Côi Trì – Yên Mô và dòng họ Ninh ở đấy để làm luận án khoa học nghiên cứu sinh tốt nghiệp lớp chuyên tu Hán Nôm trên Đại học. Những ngày tháng ấy tôi đã được bà con trong dòng họ Ninh nhất là bà Hồng ( mẹ anh Hiệp) bà Cân … giúp đỡ rất nhiều cũng như các đồng chí lãnh đạo xã mà tôi chưa đền đáp đáp được lại được bao nhiêu, ngoài cuốn sách “ Thơ Văn Ninh Tốn” Nhà xuất bản khoa học xã hội, Hà Nội in năm 1984 dầy trên 200 trang. In 5200 bản. Giấy và bìa chưa đẹp, ảnh mầu chưa có. Nguyên văn chữ Hán cũng chưa đưa vào được vì thời đó nguyên liệu còn đắt và phương tiện chưa như ngày nay, ngoài ra có tham gia giới thiệu Ninh Tốn trong cuốn “ Danh nhân văn học Hà Nam Ninh” do Hội văn học nghệ thuật xuất bản năm 1982. Rồi trong những năm sau đó là một loạt bài khác về Ninh Ngạn, Ninh Tốn trên tạp chí văn học, nghiên cứu lịch sử, tạp chí Hán Nôm và báo Người Hà nội v..v..Cho đến nay vần chưa có ai đi sâu hơn và tiến xa hơn những vấn đề tôi đã đề cập. Nói chung đều nhất trí trong việc đánh giá nhân vật lịch sử này. Ninh Tốn là một trí thức yêu nước, yêu dân thức thời chứ không bảo thủ và ngu trung như một số người đương thời. Ông là nhà văn, nhà thơ có khuynh hướng lạc quan tích cực và còn là nhà viết sử, nhà biên soạn luật, chính trị và nhà quân sự… Tóm lại là một người khiến các bậc “ Đại gia đại bút” đương thời như Phạm Nguyễn Du. Phan Huy ích, Ngô Thì Nhậm, Vũ Huy Tấn, Đoàn Nguyễn Tuấn, Nguyễn Thế Lịch, Vũ Huy Đĩnh…đều là những ông nghè thời Lê ( nói theo cách dân gian) đều hết lời ca ngợi tài đức của ông và nhờ ông đề tựa cho nhiều sách của mình. Đọc thơ ông càng thấy phong cách thanh cao giản dị vô cùng, rất mực lo cho dân.

Yêu vui đời thịnh khắp đâu đâu

Ta mới thong dong ý dạt dào

Ông có hoài bão lớn muốn giúp nước trong công cuộc đổi mới giữa thời tao loạn, trong cơn xoáy lốc của thời loạn. Chính ông dẫ từng khuyên Ngô Thì Nhậm khi vừa đỗ đạt:

Hẳn đem bài học tròn Trung Hiếu

Há chẳng mưu mô giúp nước nhà

và với Phạm Nguyễn Du cũng vậy, ông khuyên:

Hiền nhân xuất xử tuỳ theo đạo

Quân tử kinh luân chớp lấy thì

Ông hiểu rằng một thế hệ của mình đa tài đa trí ra phụng sự nước và dân chưa đủ, chưa dễ dàng mà phải chú ý đến thế hệ tương lai con cháu. Ông dặn con ông như sau:

Hoằng có nghĩa gì To với Rộng

Nhỏ thì giữ lấy, lớn đừng sai

Con Tào gm ấn cần chi tướng

Trẻ bạch chi vô ước giống tài

Ông say sưa ca ngợi chiến công lịch sử thời Trần chống Nguyên Mông để gián tiếp ca ngợi chiến công của Quang Trung đã đập tan các thế lực bành trướng ngoại bang xâm lược để bảo vệ nền độc lập tự chủ toàn vẹn.

Giơ cao tay Sát Thát

Thét dậy oai Cầm Hồ

Bọn giặc ô quét sạch

Rạng vẽ cõi bờ xa

Giặc Mông cuốn giáp cút

Hết dám hỏi cột đồng

Việc ông chọn nhà Tây Sơn để ra phục vụ mà không sợ búa rìu dư luận đã là một sự “lột xác” , một sự “ tẩy não” quan trọng nói lên cái tiến bộ lớn lao của ông – một con người được đào luyện từ cửa Khổng, sân Trình – không dễ sĩ phu nào buổi ấy có được. Một tiến bộ khác nếu không muốn nói là cách mạng Tư tưởng , chống lại quan niệm phong kiến lạc hậu từ ngàn đời nay là coi thường phụ nữ “ nữ nhân nan hoá. Ông viết khá nhiều bài ca ngợi tài năng của Phụ nữ Việt Nam và phát hiện những tâm hồn cao đẹp của họ. Vì sợ làm mất nhiều thì giờ của các vị, tôi xin không dẫn chứng thơ văn ra minh hoạ, mà xin nói thêm một điểm nữa là Ninh Tốn rất yêu thiên nhiên tươi đẹp của đất nước. Ông đi nhiều thấy nhiều, viết nhiều thơ ca ngợi, ngoài bút pháp trữ tình ra ông còn sở trường là lối văn hài hước trào lộng thật dí dỏm mà sâu sắc. Ông có nhiều tên hiệu: Khiêm Như, Hi Chí, Mẫn Hiên và Chuyết Sơn…. Qua những tên hiệu đó cũng hình dung được phần nào tính cách con người ông khiêm tốn, cần cù, không hám danh lợi mà chí khí cao vời vợi.

Sẽ là sai lầm , nếu nói về vị danh nhân này mà không nhắc đến thân phụ của ông là Ninh Ngạn – người đã ảnh hưởng lớn đến ý tưởng của ông. Ninh Ngạn (1715 – 1781) hiệu là Dã Hiên và Hi Tăng cư sĩ. Ngài có tiếng là thông minh, nhanh trí. Trong việc học cũng như việc xử thế, bất cứ điều gì khó khăn phức tạp, ngài đều giải quyết trôi chảy cả. Đỗ cử nhân năm 36 tuổi, thi hội không đỗ. Năm 1759 được giữ chức Hiến Phó do có công triệu tập hương dũng (nay ta gọi là dân quân) chống bọn phỉ xâm phạm địa hạt huyện nhà , che chở cho nhân dân được sống yên ổn. Ngài còn lập ra chợ Bút để dân quanh vùng trao đổi hàng hoá vật dụng và cũng là để đoàn kết mọi người không tranh giành vùng đất giáp ranh các xã. Ngài chán cảnh thi cử , ghét chuyện thế lợi, thích cảnh ẩn dật. Học lực sâu rộng tinh tường mọi lẽ, những điều tồn nghi của người xưa ngài đều chú ý gải đáp đến nơi đến chốn. Ngài làm thơ có tập Phong vinh tập viết truyện viết sách nhan đề Vũ vu thiển thuyết gồm 46 chương chuyên bàn về đạo đức triết học. Cuốn sách được Ninh Tốn cho khắc lên bia lớn. Ngài lập ra Văn chỉ để thờ các bậc thiên hiền, đề xuất việc nuôi dưỡng các bậc kỳ lão, xướng xuất việc khai hoang khẩn hoá, đem luân thường đạo lý giáo dục học trò, giúp điều lợi, ngăn điều hại như điêu toa trộm cắp…làm cho quê ngài suốt 40 năm không hề có kiện tụng, nhà nhà đêm đến không phải đóng chặt cửa, gài kỹ then. Các thôn xóm như Hà Cốt, Trinh Nữ, Trường Khê và Yên Mô đến quận ấp khác chẳng kể xa gần có điều gì mắc mớ đều đến hỏi ngài và xin được dạy bảo đều răm rắp làm theo. Tiến sĩ Vũ Huy Đĩnh đã nhận xét: “…Đức độ thì cao thượng, nghị luận thì tài ba, tâm sự sáng như ban ngày, nghĩa khí vượt trên tầng mây xanh, khí tiết áp đảo bạn bè mà luôn luôn phục thiện, tầm mắt bao trùm bốn cõi mà không ngừng học hỏi…”.

Ngài dạy bảo Ninh Tốn đến nơi đến chốn, khi con đã làm chức quan to, ngài vẫn viết thư nhắc: “ Chở thuyền và lật thuyền là nước, làm cho Vinh và cũng làm cho Nhục là quan… Nếu con biết chính tâm tu thân, lấy thuận mà thờ Vua, thanh liêm, chăm chỉ mà làm việc thì so với việc phụng sự bằng ngòi bút còn quý hơn nhiều” .

Chúng ta tìm thấy ở ngài những gì là truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Muốn sống tốt, sống đẹp thì phải làm cho mình, cho gia đình, cho xã hội cũng tốt, chừng nào chưa kết hợp tốt thì tác dụng cảm hoá con người còn hạn chế, nếu không muốn nói còn có khi phản tác dụng. Sự quan tâm đến Dân đến Nước phải là mối quan tâm hàng đầu, dù trong hoàn cảnh nào cũng không được lơi lỏng. Đó mới là tấm gương phản chiếu rõ nhất. Ngoài Ninh Tốn còn có Bác Ninh Địch đỗ nhị giáp tiến sĩ khoa Mậu Tuất (1718) đời Lê Dụ Tông. Một dòng họ có những 3 người đỗ đại khoa như vậy, ở nước ta không nhiều, một làng quê có nhiều người tài giỏi như vậy cũng hiếm lắm, có thể đếm được ở ngón tay. Há chẳng phải là niềm tự hào lớn của quê hương và của dòng họ hay sao ? Người xưa thường nói “ Địa linh Nhân kiệt” là như vậy . Tôi nghĩ rằng dòng họ là caí nôi đào tạo , giáo dục nên những con người có văn hoá. Những nền nếp văn hoá, những tập tục văn hoá. Vì vậy gia tộc cũng là Quốc gia. Một dòng họ có nhân vật đột xuất cũng như một quốc gia có danh nhân văn hoá, nhưng dù là danh nhân văn hoá quốc gia thì cũng từ dòng họ mà đi lên, rồi lại mang ánh sáng toả chiếu về. Văn hoá dân tộc với dòng họ là sự hoà quyện trong những nhân vật đột xuất như Ninh Ngạn, Ninh Địch, Ninh Tốn, Bộ trưởng Trần Hoàn có viết: “ Chúng ta đều biết, một dân tộc không thể trở thành dân tộc mạnh, nếu đánh mất bản sắc của mình, đánh mất kho tàng di sản quí báu của dân tộc minh”.

Vì vậy, việc công nhận nơi đây là một di tích Lịch sử Văn hoá chính là để tôn vinh vị Danh nhân văn hoá quốc gia, là coi trọng việc giữ gìn các giá trị trong di sản văn hoá dân tộc.

Tôi những tưởng danh nhân Ninh Tốn và từ đường họ Ninh đã được công nhận từ thập kỷ 80 của thế kỷ này rồi mới phải, nào đâu ngờ cho đến nay mới thực hiện được? Chậm so với nhiều nơi và so với nhiều danh nhân văn hoá khác cùng thời, hẳn có lí do gì đấy, hoặc vì cơ sở vật chất, hoặc vì nhận thức chưa nhanh nhạy, chưa biết phát huy truyền thống của quê hương….Song tôi nghĩ không vì thế mà giảm sút niềm vui hôm nay, càng không làm giảm chút nào chân giá trị vẫn có của danh nhân, của dòng họ, của vùng quê xinh đẹp, có chiều dày lịch sử Côi Trì, Tam Điệp và non nớc Ninh Bình trăm mến ngàn yêu thương này. Ở đây tôi phải chân thành cám ơn các đồng chí lãnh đạo Xã. Huyện và Tỉnh nhà đã có rất nhiều cố gắng trong việc này và cho phép tôi được cám ơn dòng họ Ninh đã làm vẻ vang cho đất nước và hôm nay đã không quên đến tôi, tạo điều kiện để tôi được dự cùng chia niềm vui dạt dào có một không hai này.

Hà Nội, tháng 4 năm 1996

Hoàng Lê

Tin tức liên quan

Trở lại bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

logo-honinh-trang

Website honinh.com giới thiệu những giá trị lịch sử – văn hóa – xã hội giàu tính nhân văn, góp phần tôn vinh, chia sẻ những giá trị cao đẹp trong cộng đồng  dòng họ Ninh và những người quan tâm, đặc biệt là giới trẻ.

DANH MỤC

 All Right Reserved. Designed and Developed by honinh.com