Trang chủ Khảo cứu 82 Văn bia tại Văn Miếu Hà Nội, từ Khoa thi 1442 đến Khoa thi 1779

82 Văn bia tại Văn Miếu Hà Nội, từ Khoa thi 1442 đến Khoa thi 1779

đăng bởi Ninh Quang Thăng
0 nhận xét

 

Bia số 74 VĂN BIA ĐỀ DANH TIẾN SĨ KHOA ĐINH SỬU NIÊN HIỆU CẢNH HƯNG

NĂM THỨ 18 (1757)

VĂN BIA ĐỀ DANH TIẾN SĨ KHOA ĐINH SỬU NIÊN HIỆU CẢNH HƯNG

NĂM THỨ 18 (1757)


Niên hiệu Cảnh Hưng thứ 18, Hoàng thượng trẻ tuổi khiêm nhường hành đạo, muốn đồng đều cất nhắc để cầu tìm người hiền. Thực nhờ [Đại nguyên súy Thống quốc chính Thượng sư Thượng phụ Minh vương] gắng hết lòng trung, cử hành thịnh điển. Mùa xuân năm đó, mở khoa thi Hội, đặc sai Đô đốc Đồng tri tại Trung kinh quân doanh Thự Phủ sự Phó Đô tướng Khanh Quận công Trịnh Kiều làm Đề điệu, Bồi tụng Công bộ Tả Thị lang Bảo Lĩnh hầu Trần Danh Ninh làm Tri Cống cử, Hàn lâm viện Thừa chỉ Thái Đình bá Vũ Trần Thiệu, Thiêm sai Thị nội Thư tả Hình phiên Đông các Đại học sĩ Tuân Lĩnh bá Bùi Trọng Huyến làm Giám thí, lấy bọn Phạm Nguyễn Đạt vào hạng trúng cách. Sang tháng sau vào Điện thí, ban cho Bùi Đình Dự đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, bọn Nguyễn Huy Cơ đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Sau khi gọi loa xướng tên, cấp khoa tự, ban quan phục, cho dự yến Quỳnh, ban hoa bạc, ưu thưởng trọng hậu, ơn huệ chất chồng. Sau ngày áo gấm vinh quy, lại về triều nhậm chức. Đến nay lại cho khắc tên vào bia đá dựng ngoài cửa nhà Thái học, sai thần soạn bài ký.

Thần trộm nghĩ khoa thi Tiến sĩ là thịnh điển của triều đình, các danh thần văn võ đều xuất thân từ con đường đó. Cho nên thánh triều rất tôn trọng, chẳng những nêu tên họ trên bảng vàng, lại còn được khắc vào bia đá, khiến cùng đỉnh chung cờ biển tồn tại mãi muôn đời, chính là để tỏ ý tôn sùng phép cũ vậy. Những kẻ sĩ được khắc tên vào bia đá, ai chẳng lo toan gây dựng cơ nghiệp vương triều trở nên tốt đẹp như ngọc vàng, để làm nền tảng cho triều đình, làm cột rường cho xã tắc, công danh sự nghiệp sẽ còn mãi với bia đá này. Thế thì việc dựng bia đá này không chỉ để trông vào cho đẹp mắt một thời, mà còn để lại tiếng thơm muôn thủa.

Thần kính cẩn làm bài ký.

Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu Nhập nội thị Bồi tụng Ngự sử đài Phó Đô Ngự sử hành Binh bộ Tả Thị lang Tri Hàn lâm viện sự Bá Trạch hầu Nhữ Đình Toản1 vâng sắc soạn.

Bia dựng ngày 19 tháng chạp niên hiệu Cảnh Hưng thứ 18 (1757) Hoàng Lê.

Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, 1 người:

BÙI ĐÌNH DỰ 裴廷譽2 người xã Nãi Sơn huyện Nghi Dương.

Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, 5 người:

PHẠM HUY CƠ 范暉基3 người xã Đông Bình huyện Gia Định, Tri huyện.

PHẠM NGUYỄN ĐẠT 范阮達4 người xã Kim Đôi huyện Vũ Giàng, nguyên tên là Phạm Tiến范璡, Giám sinh.

PHAN KHIÊM THỤ 潘兼受5 người xã Yên Việt Hạ huyện La Sơn, Giám sinh, Văn chức.

PHAN LÊ PHIÊN 潘黎藩6 người xã Đông Ngạc huyện Từ Liêm, trú quán xã Phú Mỹ, Giám sinh, Thị nội Văn chức.

ĐÀO HUY ĐIỂN 陶輝典7 người xã Đào Xá huyện Đường An, cư trú phường Hòe Nhai huyện Quảng Đức, Tri huyện, Thị nội Văn chức.

Môn thị Nội cai Hợp binh phiên Điển thư Nguyễn Hữu Hàm, người xã Nhân Mục Môn huyện Thanh Trì vâng viết chữ (chân).

Chú thích:

  1. Nhữ Đình Toản: Xem chú thích 10, Bài 67.
  2. Bùi Đình Dự (1726-?) người xã Nãi Sơn huyện Nghi Dương (nay thuộc xã Tú Sơn huyện Kiến Thụy tỉnh Thái Bình). Ông làm quan Hàn lâm Thị độc. Sau ông đổi tên là Bùi Đình Đảng.
  3. Phạm Huy Cơ (1717-1767) người xã Đông Bình huyện Gia Định (nay thuộc xã Đông Lai huyện Gia Bình tỉnh Bắc Ninh). Trước khi đi thi, ông làm Tri huyện, sau làm quan Hiệu thảo, Thự Sơn Nam Hiến sát sứ, nhưng vì phạm pháp nên bị tội. Có tài liệu ghi là Nguyễn Huy Cơ.
  4. Phạm Nguyễn Đạt (1729-?) người xã Kim Đôi huyện Võ Giàng (nay thuộc xã Kim Chân huyện Quế Võ tỉnh Bắc Ninh). Ông giữ các chức quan, như Tham chính Hải Dương, Đông các Đại học sĩ Thừa chính sứ, Hữu Thị lang Bộ Binh và ông được cử đi sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc). Ông nguyên tên là Phạm Tiến. Có tài liệu ghi ông là Phạm Đình Đạt.
  5. Phan Khiêm Thụ (1722-?) người xã Yên Việt Hạ huyện La Sơn (nay thuộc xã Đức Châu huyện Đức Thọ tỉnh Hà Tĩnh). Ông làm quan Cấp sự trung.
  6. Phan Lê Phiên (1735-1809) người xã Đông Ngạc huyện Từ Liêm (nay là xã Đông Ngạc huyện Từ Liêm Tp. Hà Nội). Ông giữ các chức quan, như Tả Thị lang Bộ Hộ, Tham tụng, Bình chương sự, Tham tụng, Hữu Thị lang Bộ Hộ, Thự Hữu Thị lang Bộ Lại kiêm Tri Quốc tử giám Tư nghiệp, tước Tứ Xuyên hầu. Sau ông đổi tên là Phan Trọng Phiên.
  7. Đào Huy Điển (1724-?) người xã Đào Xá huyện Đường An (nay thuộc xã Bãi Sậy huyện Ân Thi tỉnh Hưng Yên). Ông làm quan, như Thừa chính sứ, Lễ khoa Đô Cấp sự trung.

Tin tức liên quan

Trở lại bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

logo-honinh-trang

Website honinh.com giới thiệu những giá trị lịch sử – văn hóa – xã hội giàu tính nhân văn, góp phần tôn vinh, chia sẻ những giá trị cao đẹp trong cộng đồng  dòng họ Ninh và những người quan tâm, đặc biệt là giới trẻ.

DANH MỤC

TIN TỨC MỚI

 All Right Reserved. Designed and Developed by honinh.com