Trang chủ Khảo cứu 82 Văn bia tại Văn Miếu Hà Nội, từ Khoa thi 1442 đến Khoa thi 1779

82 Văn bia tại Văn Miếu Hà Nội, từ Khoa thi 1442 đến Khoa thi 1779

đăng bởi Ninh Quang Thăng
0 nhận xét

Bia số 56 VĂN BIA ĐỀ DANH TIẾN SĨ KHOA QUÝ MÙI NIÊN HIỆU CHÍNH HÒA

NĂM THỨ 24 (1703)

VĂN BIA ĐỀ DANH TIẾN SĨ KHOA QUÝ MÙI NIÊN HIỆU CHÍNH HÒA

NĂM THỨ 24 (1703)

 

Trời giúp hoàng gia, sao Khuê mở vận sáng. Trọng Nho khoa kén kẻ sĩ, khoa mục do đó thịnh hành.

Kính nghĩ: Hy Tông Chương hoàng đế nối giữ cơ đồ, vẻ vang nắm quyền trị nước, duy trì toàn vẹn, bảo vệ thái bình, dốc ý chuộng văn. Thực nhờ [Đại nguyên súy Thống quốc chính Thượng thánh Phụ sư Thịnh công Nhân minh Uy đức Định vương] cùng chung một đức, sắp đặt bốn phương; lựa dùng hiền tài, chung lo việc lớn. Bèn vào năm Chính Hòa thứ 24 mở khoa thi Hội cho các sĩ tử trong nước. Đặc sai quan Đề điệu, Tri Cống cử, Giám thí chia nhau giữ các việc. Sĩ tử hát thơ Lộc minh về kinh dự thi đông đến 3000 người, quan hữu ty chọn được 6 người. Vào Điện thí, ban cho Nguyễn Quang Luân đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, bọn Nguyễn Quang Nhuận 5 người đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Thứ lớp ban ơn đúng theo lệ cũ. Chỉ còn việc khắc đá đề danh chưa kịp cử hành, có lẽ muốn khôi phục chế độ tốt đẹp của tiên vương, làm cho đầy đủ việc đời trước còn thiếu, ắt phải đợi tới ngày nay chăng?

Kính nghĩ: Hoàng thượng lưu tâm trị nước, chuộng văn gìn giữ thành pháp. Thực nhờ [Đại nguyên súy Thống quốc chính Thượng sư An vương] xét quyết mọi việc, chỉnh đốn kỷ cương, sửa sang văn vật, điểm tô công cuộc trị bình. Nhân khi đến thăm trường Quốc học, sáng suốt truyền bảo phàm các khoa Tiến sĩ, khoa nào chưa dựng đá đề danh thì ra lệnh phải làm ngay, giao cho các từ thần chia nhau soạn bài ký.

Thần được dự việc ở Viện Hàn lâm, chức vụ phải làm, đâu dám viện cớ vụng về nông cạn chối từ, kính cẩn cúi đầu rập đầu dâng lời rằng:

Trị nước không gì gấp hơn việc cầu hiền, chọn kẻ sĩ ắt phải do đường khoa mục. Đặt ra khoa mục vốn đã có từ xưa. Nhớ lại nước Việt ta từ triều Lý, Trần đã bắt đầu lựa chọn những người thông hiểu kinh sách vào hầu vua, vời người có văn học để bổ nhiệm. Đến năm Thiệu Bình thứ 13 mới bắt đầu đặt khoa Tiến sĩ1, năm Kiến Trung thứ 8 (1232) mới định ra cấp bậc tam giáp. Nhưng định lệ nhất quán, quy cách chặt chẽ thì phải đến năm Long Hưng2 thứ 12 về sau mới thật đầy đủ. Thời bấy giờ hiền tài xuất thân từ khoa mục rất nhiều. Có người giúp mưu lược trị nước phò vua, có người đủ tài trừ gian dẹp loạn, giúp nên trị công to lớn, rộng mở cảnh tượng hưng thịnh thái bình. Hiệu quả của khoa mục lựa chọn nhân tài, công lao ích nước lợi dân của nho sĩ thực rất rõ ràng. Dùng khoa mục để chọn nhân tài như thế, há chẳng tốt đẹp hay sao?

Kính nghĩ: Triều ta Thái Tổ Cao hoàng đế khi mới khai quốc đã bắt đầu dựng trường học, dưỡng dục nhân tài. Phép chọn kẻ sĩ, hoặc xét sự thông hiểu kinh sách, hoặc xét tài phú luận, hoặc ra câu hỏi văn sách để tiếp thu mà khuếch trương thi hành.

Liệt thánh hoàng đế đời sau nối giữ nghiệp cả, kế tiếp chí xưa. Trong khoảng niên hiệu Đại Bảo, Thái Hòa các khoa Tiến sĩ liên tiếp mở ra mà nhân tài thông hiểu kim cổ, kẻ sĩ am hiểu thể chế nối gót đến với vương triều, làm cơ đồ rạng rỡ. Đến năm Quang Thuận thứ 6 (1465), khảo xét chế độ tuyển chọn sĩ tử của đời Thành Chu, định ra quy chế 3 năm mở một khoa thi lớn. Lại có sách đăng khoa lục và quy chế khắc bia đề danh, lo cho đủ những việc đời xưa còn thiếu, làm cho hết những việc đời trước chưa kịp làm, ý đẹp cầu hiền thực xưa nay mới thấy một lần. Cho nên hiền sĩ đua nhau giúp nước, bổ nhậm đầy triều, điển chương hiệu lệnh nghiêm minh, nền thiện chính rạng rỡ vậy.

Từ thời Trung hưng về sau, thánh đế thánh vương gặp gỡ, một lòng hòa hợp. Từ niên hiệu Gia Thái về trước, đặt Chế khoa 3 lần để đãi kẻ sĩ. Từ niên hiệu Quang Hưng về sau, thu phục kinh đô, tìm lại các điển chương quy chế cũ, khoa Tiến sĩ lại tuân theo phép cũ thi hành mà được nhiều nhân tài chẳng giảm sút so với các đời trước, nhưng thể thức hành văn của sĩ tử vẫn theo cũ chưa chấn chỉnh. Đến thời Chính Hòa khi việc trị nước gấp cần văn học, chính sự trước tiên phải có giáo học, bèn bố cáo cho sĩ tử biết văn chương phải tôn trọng điển nhã nhưng thể thức phải có sự hồn thuần, bỏ lối văn thô thiển khuôn sáo, cốt có ý tứ thiết thực. Trường Quốc học dựa vào đó để dạy dỗ sĩ tử, khoa trường cũng theo đó để lựa chọn nhân tài. Nhờ vậy Nho phong đại chấn, văn vận hanh thông, đúng là văn chương quan hệ tới vận nước, há phải là lời nói suông.

Mừng nay Hoàng thượng tiếp thu thánh học, trọng dụng nho thần, sai khắc tên những vị đỗ Tiến sĩ khoa này vào đá tốt để tỏ rõ chế độ tốt đẹp của nước nhà và để cho sĩ tử vẻ vang trông vào.

Thế thì những người được đề tên vào bia đá này phải ghi lòng báo đáp thế nào?

Ắt phải giữ lòng trong sáng không bị vật dục ám mờ, dồi mài danh tiết không để bụi nhơ phủ bám. Đối với đạo đức thì khuôn mẫu phải trau dồi, đối với dân chúng phải tôi rèn phong tục tốt đẹp; đi sứ bốn phương thì phải luyện vàng rèn đá, giữ tiết cứng như Phú Bật ngày xưa; vào triều lo việc lớn phải như cột đá giữa dòng, giữ tiết tháo họ Vương thuở trước. Được như thế thì văn chương đức nghiệp chẳng những rực rỡ ở đương thời, mà danh vọng tiếng tăm cũng được lưu thơm tới muôn thuở. Nếu không được như thế, điều học khác với việc hành, danh thực trái ngược thì chẳng khỏi làm vết nhơ cho bia đá này. Ôi! Há chẳng đáng sợ lắm sao!

Thần kính cẩn làm bài ký.

Cẩn sự lang Hàn lâm viện Hiệu lý Thị nội Thư tả Thủy binh phiên Nguyễn Quý Ân3 vâng sắc soạn.

Tá lý công thần Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu Tham tụng, Thượng thư Bộ Lại kiêm Đông các Đại học sĩ Thiếu phó Liêm Quận công Nguyễn Quý Đức vâng sắc nhuận.

Bia dựng ngày 2 tháng 3 niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 13 (1717) Hoàng Việt.

Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, 1 người:

NGUYỄN QUANG LUÂN 阮光侖4 người xã Lý Mai huyện Yên Lãng.

Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, 5 người:

NGUYỄN QUANG NHUẬN 阮光潤5 người xã Phú Thị huyện Gia Lâm.

NGUYỄN TRÍ CUNG 阮致恭6 người xã Sơn Đồng huyện Đan Phượng.

ĐẶNG MINH 鄧明7 người xã Hạnh Lâm huyện Đông Thành.

NGUYỄN THƯỜNG THÁI 阮常泰8 người xã Mộ Trạch huyện Đường An.

PHẠM MINH 范明9 người xã My Thự huyện Đường An.

Thị nội Thư tả Hộ phiên Tiến công Thứ lang Huyện thừa người xã Hoa Đường huyện Đường An là Phạm Toàn vâng viết chữ (chân kiêm chữ triện).

Chú thích:

  1. Ở đây có một vài điều nghi vấn: Mạch văn đoạn này đang nói về thời Lý-Trần, như năm Kiến Trung thứ 8 (1232) định cấp bậc tam giáp, thì điều đó đúng, sử có ghi và các tài liệu chuyên khảo khoa cử cũng khẳng định. Nhưng ghi là năm “Thiệu Bình thứ 13 ” thì không giải thích được, vì thời Lý-Trần không có niên hiệu Thiệu Bình. Niên hiệu Thiệu Bình chỉ có 1 lần ở triều Lê (đời Lê Thái Tông) và tồn tại 6 năm chứ không có năm thứ 13. Lại nói đó là lần đầu tiên có khoa thi Tiến sĩ thì điều đó không có một cứ liệu nào chứng minh và cũng không một sử sách nào ghi chép. Không hiểu do nguyên nhân nào đã gây nên sự nhầm lẫn này. Liên hệ thêm chú sát dưới.
  2. Nguyên văn ghi là “Long Hưng”, nhưng không có niên hiệu này. Nếu giả thiết do khắc ngược thứ tự thì là niên hiệu Hưng Long (1293-1314) đời Trần Anh Tông. Khoa thi năm Hưng Long thứ 12 (1304) là có đặc điểm đáng nói, là khoa này vua ban thêm danh hiệu Hoàng giáp để chỉ những người đỗ hàng Đệ nhị giáp.
  3. Nguyễn Quý Ân: Xem chú thích 4, Bia số 41.
  4. Nguyễn Quang Luân (1683-?) người xã Lý Mai huyện Yên Lãng (nay thuộc Vĩnh Yên tỉnh Vĩnh Phúc). Ông làm quan Cấp sự. Sau đổi ông tên là Nguyễn Công Luân.
  5. Nguyễn Quang Nhuận (1678-1758) người xã Phú Thị huyện Gia Lâm (nay là xã Phú Thị huyện Gia Lâm Tp. Hà Nội). Ông là cha của Nguyễn Huy Triệt và là ông nội Nguyễn Huy Cẩn. Ông làm quan Tham tụng, tước Mỹ Xuyên hầu và được cử làm Phó sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc). Năm 65 tuổi ông về trí sĩ, sau lại được vời ra làm quan, giữ các chức Phó Đô Ngự sử, Tả Thị lang Bộ Hình, Tả Thị lang Bộ Binh, Thượng thư Bộ Công, Thượng thư Bộ Lễ, Tham tụng, hàm Thiếu phó kiêm Đốc đồng Kinh Bắc tước Triệu Quận công, rồi thăng chức Thượng thư Bộ Hộ, hàm Thái bảo, Tri Quốc tử giám, lại thăng chức Đại tư không. Sau khi mất, ông được tặng chức Đại tư mã. Có tài liệu ghi ông đổi tên là Nguyễn Huy Nhuận.
  6. Nguyễn Trí Cung (1678-1746) người xã Sơn Đồng huyện Đan Phượng (nay là xã Sơn Đồng huyện Hoài Đức tỉnh Hà Tây). Ông làm quan Giám sát.
  7. Đặng Minh (1674-?) người xã Hạnh Lâm huyện Đông Thành (nay là xã Diễn Quảng huyện Diễn Châu tỉnh Nghệ An). Ông làm quan Tự khanh.
  8. Nguyễn Thường Thái (1676-?) người xã Mộ Trạch huyện Đường An (nay thuộc xã Tân Hồng huyện Bình Giang tỉnh Hải Dương). Ông làm quan Cấp sự trung. Có tài liệu ghi, sau ông đổi tên là Nguyễn Thường Thịnh.
  9. Phạm Minh (1672-1676) người xã My Thự huyện Đường An (nay thuộc xã Vĩnh Hồng huyện Bình Giang tỉnh Hải Dương). Ông làm quan Tả Thị lang Bộ Công, tước hầu. Sau khi mất, ông được tặng chức Thượng thư.

Tin tức liên quan

Trở lại bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

logo-honinh-trang

Website honinh.com giới thiệu những giá trị lịch sử – văn hóa – xã hội giàu tính nhân văn, góp phần tôn vinh, chia sẻ những giá trị cao đẹp trong cộng đồng  dòng họ Ninh và những người quan tâm, đặc biệt là giới trẻ.

DANH MỤC

TIN TỨC MỚI

 All Right Reserved. Designed and Developed by honinh.com