Trang chủ Khảo cứu 82 Văn bia tại Văn Miếu Hà Nội, từ Khoa thi 1442 đến Khoa thi 1779

82 Văn bia tại Văn Miếu Hà Nội, từ Khoa thi 1442 đến Khoa thi 1779

đăng bởi Ninh Quang Thăng
0 nhận xét

Bia số 48 VĂN BIA ĐỀ DANH TIẾN SĨ KHOA CANH THÂN NIÊN HIỆU VĨNH TRỊ

NĂM THỨ 5 (1680)

VĂN BIA ĐỀ DANH TIẾN SĨ KHOA CANH THÂN NIÊN HIỆU VĨNH TRỊ

NĂM THỨ 5 (1680)

 Công dụng của học thuật Nho gia thực có bổ ích cho trị đạo, đặt ra thi cử là để thu hút anh hào.

Kính nghĩ: Quốc triều ta, Hy Tông Chương hoàng đế tư chất cứng mạnh, nắm giữ vận hội hanh thông. Thực nhờ Hoằng Tổ Dương vương chỉnh đốn càn khôn, chăm lo trị đạo, xem nhân văn để thi hành giáo hóa, đặt khoa cử để cầu tìm hiền tài. Bèn vào năm Canh Thân niên hiệu Vĩnh Trị thứ 5 mở khoa thi Hội cho sĩ nhân trong nước, sai các quan Đề điệu, Tri Cống cử, Giám thí chia giữ các việc. Hồi bấy giờ sĩ tử tới đua tài ở trường thi đông đến hơn 2.000 người. Qua trường bốn, chọn được bọn Nguyễn Côn 19 người thuộc hạng xuất sắc. Lúc vào Điện thí, Hoàng thượng đích thân xem xét, định thứ bậc cao thấp. Cho bọn Phạm Công Thiện hai người đỗ Tiến sĩ xuất thân, bọn Nguyễn Côn 17 người đỗ đồng Tiến sĩ xuất thân. Loa truyền xướng danh người thi đỗ, Bộ Lễ rước bảng vàng treo ngoài cửa nhà Thái học. Lại ban cấp áo mũ cân đai, yêu mến cho dự yến Quỳnh, ban cành hoa bạc, lễ đãi hiền thật đã rất mực đầy đủ. Sau đó tùy tài năng sử dụng, giao giữ các công việc, xếp đặt các chức vị, tác dụng đối với nước nhà chẳng những thấy rõ ở đương thời mà còn hữu ích tới ngày nay nữa.

Đến nay Hoàng thượng bệ hạ kế thừa cơ nghiệp lớn lao. Thực nhờ [Đại nguyên soái Thống quốc chính Sư thượng An vương] nối theo mối cũ, gây dựng trị công, mọi việc bận rộn không chút trễ biếng, nhất là việc sùng Nho lại càng chăm chỉ. Phàm các khoa thi Tiến sĩ, khoa nào chưa dựng bia đều sai quan Bộ Công dựng đá để truyền tới lâu dài, sai từ thần soạn bài ký để chép việc thực.

Bọn thần đúng chức trách phải làm, không dám lấy cớ vụng về nông cạn chối từ, kính cẩn cúi đầu rập đầu dâng lời rằng:

Mở khoa thi kén chọn người hiền có đã lâu, mà khoa Tiến sĩ chọn được nhân tài nhiều nhất. Ở nước Việt ta, trải các triều Lý, Trần dựng nước đều mượn phép ấy làm công cụ của nền trí trị. Nhưng có khi bận vội, có lúc thư thả, lúc làm lúc bỏ chứ không liên tục như ở triều ta. Kể từ Thái Tổ Cao hoàng đế buổi đầu sáng nghiệp đã xuống chiếu dưỡng dục anh tài, liệt thánh hoàng đế kế nối nghiệp lớn, đều đặt khoa kén chọn kẻ sĩ. Các năm Thuận Bình, Gia Thái, Chính Trị đang lúc việc nước rối bời đã mở Chế khoa để cầu tìm nhân tài tuấn dị. Từ niên hiệu Quang Hưng đến nay, trong nước trở lại thái bình, mới đặt lại khoa Tiến sĩ. Từ đó thánh nối thần truyền, lại tuân theo quy củ cứ ba năm mở một khoa thi, nhất nhất làm theo phép cũ, nhân tài kén được rất nhiều, xem trong các sách đăng khoa lục thì thấy rõ ràng đầy đủ. Nhưng từ năm Canh Thân đến nay, các khoa Tiến sĩ đều chưa kịp dựng bia. Nay Hoàng thượng tỏ rõ quyết đoán, tô điểm nhân văn, hăng hái biểu dương nêu gương sáng, sai dựng bia đá cao ngất, từ xa trông vào họ tên sáng rệt để lại cho đời sau chiêm ngưỡng. Chao ôi, đẹp thay!

Đó chính là ý đẹp của Thánh thượng sùng Nho trọng đạo, muốn trau chuốt cho ý đẹp ấy ngày càng sáng, trang sức ngọc vàng cho tôn quý, để sự vật phô hết vẻ sáng, rạng rỡ đời trước mà soi rọi cho đời sau vậy.

Hãy xem những vị Tiến sĩ được khắc tên vào bia đá này, nếu là người quân tử chính trực, người ta sẽ nhìn vào tên mà khen rằng: người này trên không phụ ơn vua khen thưởng, dưới không phụ những điều đã học trong đời; nếu là kẻ tiểu nhân gian tà thì người ta sẽ chỉ tên mà cười rằng: kẻ kia chỉ làm lụy cho khoa danh, chỉ làm vết nhơ cho bia đá mà thôi!

Thế thì bia đá này dựng lên, há phải chỉ để cho đẹp mắt mà thôi đâu! Nó sẽ giúp gạn đục lọc trong, quan hệ tới thanh danh giáo hóa há phải nhỏ đâu!

Thần kính cẩn làm bài ký.

Cẩn sự Tá lang Hàn lâm viện Hiệu thảo Nguyễn Nham1 vâng sắc soạn.

Tá lý công thần Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu Tham tụng, Thượng thư Bộ Lại kiêm Đông các Đại học sĩ Thiếu phó Liêm Quận công Nguyễn Quý Đức vâng sắc nhuận.

Bia dựng ngày 2 tháng 3 niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 13 (1717).

Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, 2 người:

PHẠM CÔNG THIỆN 范公善2 người xã Bảo Triện huyện Gia Định.

NGUYỄN CÔNG THƯỚC 阮公爍3 người xã Thượng Yên Quyết huyện Từ Liêm.

Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, 17 người:

NGUYỄN CÔN 阮焜4 người xã Nguyễn Xá huyện Thạch Thất.

HOÀNG XUÂN THÌ 黃春時5 người xã Trường Cát huyện Nam Đường.

NGUYỄN HƯNG CÔNG 阮興功6 người xã Tiên Thành huyện Đông Thành.

PHẠM CÔNG PHƯƠNG 范公芳7 người xã Liêu Xuyên huyện Đường Hào.

NGUYỄN QUANG THÀNH 阮光成8 người xã Thạch Cáp huyện Sơn Vi.

NHỮ TIẾN HIỀN 汝進賢9 người xã Hoạch Trạch huyện Đường An.

NGUYỄN CÔNG PHỤ 阮公輔10 người xã Lễ Xuyên huyện Đông Ngàn.

NGUYỄN QUANG THỌ 阮光壽11 người phường Quảng Bá huyện Quảng Đức.

THÁI DANH NHO 蔡名儒12 người xã Hoa Phẩm huyện Nghi Xuân.

TRỊNH MINH LƯƠNG 鄭明良13 người xã Chân Bái huyện Yên Định.

ĐINH ĐÌNH THỤY 丁廷瑞14 người xã Yên Khê huyện Yên Khang.

NGUYỄN TÔNG 阮倧15 người xã Nguyệt Viên huyện Hoằng Hóa.

HÀ CÔNG LUẬN 何公論16 người xã Phúc Khê huyện Thanh Lan.

LÊ SĨ CẨN 黎仕瑾17 người xã Cổ Đôi huyện Nông Cống.

PHẠM HỮU DUNG 范有容18 người xã Ngọc Cục huyện Đường An.

VŨ ĐÌNH THIỀU 武廷韶19 người xã Mộ Trạch huyện Đường An.

NGUYỄN QUANG LÂN 阮光璘20 người xã Yên Lãng huyện Yên Lãng.

Thư tả Công văn phiên người xã Hạ Thanh Oai huyện Thanh Oai là Trịnh Thế Khoa vâng viết chữ (chân kiêm chữ triện).

Chú thích:

  1. Nguyễn Nham: Xem chú thích 1, Bia số 43.
  2. Phạm Công Thiện (1649-?) người xã Bảo Triện huyện Gia Định (nay thuộc xã Nhân Thắng huyện Gia Bình tỉnh Bắc Ninh). Ông là cha nuôi của Phạm Khiêm Ích. Ông làm quan Tham chính.
  3. Nguyễn Công Thước (1658-?) người xã Thượng Yên Quyết huyện Từ Liêm (nay thuộc phường Yên Hòa quận Cầu Giấy Tp. Hà Nội). Ông làm quan đến Hình khoa Đô Cấp sự trung và được cử đi sứ.
  4. Nguyễn Côn (1539-?) người xã Nguyễn Xá huyện Thạch Thất (nay thuộc xã Thạch Xá huyện Thạch Thất tỉnh Hà Tây). Ông làm quan Hiến sát sứ.
  5. Hoàng Xuân Thì (1626-?) người xã Trường Cát huyện Nam Đường (nay là xã Nam Cát huyện Nam Đàn tỉnh Nghệ An). Ông làm quan Tham chính.
  6. Nguyễn Hưng Công (1637-?) người xã Tiên Thành huyện Đông Thành (nay là xã Vĩnh Thành huyện Yên Thành tỉnh Nghệ An). Ông làm quan Cấp sự trung.7 Phạm Công Phương (1642-?) người xã Liêu Xuyên huyện Đường Hào (nay thuộc xã Nghĩa Hiệp huyện Yên Mỹ tỉnh Hưng Yên). Ông là con Phạm Công Trứ. Ông làm quan Cấp sự trung. Sau khi mất, ông được tặng chức Khoa Đô Cấp sự trung Bộ Binh, tước nam.
  7. Nguyễn Quang Thành (1657-?) người xã Thạch Cáp huyện Sơn Vi (nay thuộc huyện Lâm Thao tỉnh Phú Thọ). Ông làm quan Thiêm Đô Ngự sử.
  8. Nhữ Tiến Hiền (1659-?) người xã Hoạch Trạch huyện Đường An (nay thuộc xã Thái Học huyện Bình Giang tỉnh Hải Dương). Ông là con của Nhữ Tiến Dụng, là cha Nhữ Đình Toản và là ông nội Nhữ Công Chân. Ông giữ các chức quan, như Bồi tụng, Thượng thư Bộ Hình, tước tử. Sau khi mất, ông được tặng Thượng thư Bộ Lễ, tước bá. Có tài liệu ghi ông Nhữ Đinh Hiền.
  9. Nguyễn Công Phụ (1661-1698) người xã Lê Xuyên huyện Đông Ngàn (nay thuộc xã Đồng Nguyên huyện Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh). Ông giữ các chức quan, như Công khoa Cấp sự trung, Đốc đồng Hải Dương.
  10. Nguyễn Quang Thọ (1646-?) người phường Quảng Bá huyện Quảng Đức (nay thuộc phường Quảng An quận Tây Hồ Tp. Hà Nội). Ông làm quan Hiến sát sứ.
  11. Thái Danh Nho (1644-?) người xã Hoa Phẩm huyện Nghi Xuân (nay thuộc xã Xuân Viên huyện Nghi Xuân tỉnh Hà Tĩnh). Ông làm quan Tham chính.
  12. Trịnh Minh Lương (1644-?) người xã Chân Bái huyện Yên Định (nay thuộc huyện Yên Định tỉnh Thanh Hóa). Ông làm quan Hiến sát sứ.
  13. Đinh Đình Thụy (1650-?) người xã Yên Khê huyện Yên Khang (nay thuộc huyện Yên Khánh tỉnh Ninh Bình). Ông làm quan đến Hiến sứ.
  14. Nguyễn Tông (1643-?) người xã Nguyệt Viên huyện Hoằng Hóa (nay thuộc xã Hoằng Quang huyện Hoằng Hóa tỉnh Thanh Hóa). Ông làm quan Hiến sứ.
  15. Hà Công Luận (1659-?) người xã Phúc Khê huyện Thanh Lan (nay thuộc xã Thái Phúc huyện Thái Thụy tỉnh Thái Bình). Ông làm quan Đô Cấp sự trung.
  16. Lê Sĩ Cẩn (1643-?) người xã Cổ Đôi huyện Nông Cống (nay thuộc xã Hoàng Giang huyện Nông Cống tỉnh Thanh Hóa). Ông là cha của Lê Sĩ Triệt, làm quan Tham chính, sau thăng Tự khanh, tước nam.
  17. Phạm Hữu Dung (1652-?) người xã Ngọc Cục huyện Đường An (nay thuộc xã Thúc Kháng huyện Bình Giang tỉnh Hải Dương). Ông làm quan Cấp sự trung.
  18. Vũ Đình Thiều (1658-1727) người xã Mộ Trạch huyện Đường An (nay thuộc xã Tân Hồng huyện Bình Giang tỉnh Hải Dương). Ông là cháu nội của Vũ Lương và cha Vũ Đình Ân. Ông làm quan Cấp sự trung Bộ Công. Sau khi mất, ông được tặng Đô Cấp sự trung.
  19. Nguyễn Quang Lân (1648-?) người xã Yên Lãng huyện Yên Lãng (nay thuộc Vĩnh Yên tỉnh Vĩnh Phúc). Ông làm quan Giám sát Ngự sử.

Tin tức liên quan

Trở lại bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

logo-honinh-trang

Website honinh.com giới thiệu những giá trị lịch sử – văn hóa – xã hội giàu tính nhân văn, góp phần tôn vinh, chia sẻ những giá trị cao đẹp trong cộng đồng  dòng họ Ninh và những người quan tâm, đặc biệt là giới trẻ.

DANH MỤC

TIN TỨC MỚI

 All Right Reserved. Designed and Developed by honinh.com